Người theo dõi

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Student, now a new story told (Part III) Thời sinh viên, chuyện bây giờ mới kể

Lại nói chuyện giàu nghèo, hồi ấy cả lớp hình như đều nghèo kể cả bọn nhà quê hay thành phố không phân biệt làm ruộng hay công chức. Có lẽ thế mà lại hay và khoảng cách giàu nghèo trong lớp không có, dĩ nhiên là bất đắc dĩ chứ chắc chẳng ai muốn mình cứ mãi nghèo làm gì. Ở ký túc xá những đứa trong tỉnh mỗi tháng chỉ về nhà một lần vì có  về cũng không hòng xin thêm được gì từ cha mẹ nghèo khó, những đứa ở xa thì có khi cả học kỳ mới về, nghỉ hè chúng cũng chỉ mong có việc gì đó làm thêm nhưng hầu như không có vì kinh tế xã hội khi đó chưa phát triển và có nhu cầu lao động thời vụ như bây giờ. Mùa hè bọn sinh viên chủ yếu là quần âu áo sơ mi bỏ ngoài quần tuềnh toàng, dép lê hay tông lào, đầu tóc bù xù vì chúng tự cắt cho nhau hoặc để thật dài mới cắt cho đỡ tốn tiền. Thời đó nghề cắt tóc xa sút kinh khủng, nghề hàn dép lên ngôi. Cứ một miếng hàn dép nhựa Tiền phong là 200 đồng, miếng to và khó thì 500 đồng, đồ nghề chỉ là một lò than, vài miếng sắt mỏng, que hàn tự chế với mấy đôi dép rách ra đầu đường đông đúc là ngày có thể kiếm hàng chục ngàn, cả tháng thì cũng hơn lương Phó tiến sỹ dạy đại học ở Liên Xô về.
Các thầy cô giáo lúc đó đa phần là nghèo và rất nghèo, mình chỉ thấy thầy Bình dạy Tiếng Nga là có vẻ giàu vì thầy đi Liên Xô về có khi kiêm thêm nghề buôn tủ lạnh Xa - ra - tốp, bàn là hoa dâu, dây mai - so...Các thầy cô khác thì làm đậu, cấy lúa, nấu rượu, nuôi lơn...thôi thì đủ cả. Lúc rỗi rãi, lũ sinh viên khoa Sử hay đi hộ thầy Bảo dạy Cổ đại đóng gạch, vào lò gạch. Khi Y đã đi công tác tình cờ gặp thầy đến tỉnh để xem xét xác định mấy địa danh lịch sử ở biên giới phía Bắc như thôn Na Oa,cột đồng trụ... mà thời trai trẻ của thầy gánh nặng cơm áo gạo tiền nó níu chân thầy không đi được. Vẫn nhớ công trình nghiên cứu đầu đời của Y do thầy Bảo hướng dẫn là tìm hiểu lịch sử Việt Nam qua tác phẩm Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Gọi là "công trình" cho oai chứ thực chất chỉ là bài tập niên luận dài chừng 2 chục trang viết tay mà thôi. Phần thưởng là điểm 9 đúng nghĩa và được miễn thi cuối năm. Một bài tập sửa đi sửa lại nhiều lần và lên thư viện mài đít quần đến mòn nhưng không hề tốn với thầy chút nào dù chỉ là điếu thuốc Kỳ Hòa hay Du lịch đỏ vốn đang thịnh hành lúc đó. Dù vẫn nghèo xác xơ nhưng bữa cơm có thịt mời thầy cũng tự làm ấm lòng những thằng sinh viên mất nết của thầy năm nào. Chợt trộm nghĩ những khái niệm, địa danh ngày xưa thầy dạy làm mê hoặc bọn sinh viên khoa sử chúng tôi có khi cũng chỉ là ...giả định vậy.
Hồi ấy công nghệ quay cóp chưa tinh vi như bây giờ nhưng không thể nói là không ció mặc dù ít nghiêm trọng hơn bây giờ bởi sinh viên khi ấy coi thi lại, lưu ban, điểm kém là điều hiển nhiên như trời xanh vẫn thế không ghanh đua, không cần điểm cao chót vót, miễn là có chữ trong đầu. Hơn nữa các loại máy móc điện tử chưa có, máy phô-tô sản xuất phao chưa có, bọn chúng để nguyên cả cuốn vở dưới ngăn bàn, nếu cô giáo coi chặt thì chắc chắn không làm ăn gì được, có đứa xé vở. có đứa vẽ bản đồ, sơ đồ bằng bút không mực kẹp bên dưới nhưng nói chung chỉ là mẹo vặt không tinh vi và khó qua mặt thầy cô.
Nhóm sinh viên triết học xuất sắc năm học 1989-1990 chụp ảnh lưu niệm bên nhà thí nghiêm đang ngổn ngang vật liệu (Đố ai phát hiện ra Y là thằng nào trong ảnh?)


 

Trường Đại học Sư phạm có ít nhất là một nửa sinh viên nữ nên các trường đại học xung quanh như Nông nghiệp 3 Bắc Thái (nay là đại học nông lâm Thái Nguyên, Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Công nghiệp ...vốn dương thịnh âm suy coi đây là một rừng hoa, có bổn phận phải đến chiêm ngưỡng chinh phục do đó cũng không thiếu những vụ ẩu đả lẫn nhau vì tranh giành bạn gái, có điều là hồi ấy chưa nhiều báo mạng, báo lá cải và blog như bây giờ nên chuyện ấy vẫn còn kín tiếng ở đâu biết đó. Quà tặng hồi ấy chỉ là những bó hoa một loại hái vội cho vào túi ni lon cắt thủng hai đầu, những bưu thiếp của Liên Xô bán đầy ngoài chợ rẻ như cho. Vào dịp 8/3 hay 20/11 thì có thêm món pháo rất vui tai,vài em cháy quần áo cũng vì pháo của các anh. Sinh viên ngày ấy có cái đồng hồ Liên Xô hay cái xe đạp Thống Nhất đã là cực kỳ sang trọng rồi, không như bây giờ nào son phấn hàng hiệu, túi xách, giầy dép, iphone, ipad, ipod..đắt tiền. Bởi thế bạn cùng phòng thông cảm với nhau hơn, thân thiện hơn, đoàn kết hơn ít chia đẳng cấp. Trong lớp, dù hiếm hoi nhưng thi thoảng cũng có chuyện cầm nhầm tiền của bạn vì tiền thì đồng nào chả giống đồng nào, he he. Y cũng đã được dự một cuộc kiểm điểm nảy lửa vì mất 200 ngàn, thời đó đủ mua 1 chiếc xe đạp Thống Nhất khung võng, ơn giời rồi cũng tìm ra, trả lại, xin lỗi nhau rồi xí xóa không có kỷ luật hay ẩu đả gì. Khổ chủ là Tiến Vòng quê Bình Liêu, thủ phạm thì xin được giữ kín sống để dạ, chết mang theo, he he.







Sinh viên cũng đủ trò nghịch dại tỷ như cái Thúy ở Hà Bắc thách nhau ăn hết 10 quả trứng vịt hay mấy thằng con trai rủ nhau xăm chữ bằng pin thối và nhựa xương rồng, Hùng "ngạnh" thì xăm đầu con hổ theo hình ở đuôi đèn pin Trung Quốc, Hoàng "tréc" xăm năm sinh, Tiến "vòng" xăm hình mặt trời, sau này đứa nào cũng hối hận nhưng không thể xóa nổi, cũng may không đứa nào bị nhiễm trùng...Hồi ấy không biết do ở bẩn hay do nước mà cả con trai con gái đều bị hắc lào. Trên ô thoáng cửa sổ đầy lọ thuốc bôi hắc lào D.E.F, A.S.A tối đến chúng vạch ra bôi cho nhau xót cháy da thịt , có đứa con gái không chịu được rú lên như "trái cắn gió" he he
Hồi Y mới nhập trường chỉ có quán cô Hồng giáo vụ khoa Lý vợ thầy Lâm Tiến bán ở nhà dưới khu tập thể, một cantin ở nhà ăn và một cantin ở cổng và cô Nga vợ thầy Long khoa toán bán nước buổi tối ở giữa khoa Hóa và khoa Sử, chấm hết, muốn mua gì thì ra chợ Đồng Quang hay bách hóa Mỏ Bạch. Thời buổi tiền không có, thị trường mang nặng tính bao cấp nên lũ sinh viên chủ yếu là ngủ và học, không có chơi bời hay hoạt động gì ra hồn như sau này. Giọng Y ồm ồm nên được giao làm phát thanh viên kiêm biên tập viên chương trình truyền thanh của Liên chi đoàn cũng nhiều sáng tạo ra phết, tỉ như đọc các mẩu chuyện vui tự sáng tác hay cập nhật thông tin tình hình chiến tranh I-Rắc, (nói cho oại vậy chức thực chất là đọc thời sự trang 4 báo Nhân dân (Hồi đó báo Nhân dân chỉ có 4 trang không màu) thế mà các con giời đã đói bụng lại hiếu kỳ há mồm ra nghe mỗi khi loa truyền thanh của trường trên đỉnh nóc nhà ăn rống lên ông ổng "Đây là chương trình truyền thanh của Liên chi đoàn khoa Lịch sử", he he, vui như phết!
Cứ mỗi cuối tuần Y lại rủ mấy thằng bạn ra nhà ông anh ở đầu ngã ba đê Mỏ Bạch đi trường Đại học Nông nghiệp để hộ ông ấy đào đất san đồi, mục đích là tiêu bớt sức lực và được ăn no, lại có rượu nhấm nháp hi hi, thật đấy. Chỗ ấy đầu hươu mõm nai nhưng nay thì tấc đất tấc vàng...âu cũng có công nhỏ bé của mấy thằng bạn Y. Công việc là xả đất đồi xuống rồi dùng xe ba gác chở ra đổ xuống chỗ ao trũng vốn bị khoét xuống đắp đê Mỏ Bạch, lâu dần đất nhà bác rộng ra, ao bị lấp đi vườn càng thêm rộng. Xin nói thêm, chủ nhà vốn là giáo viên cùng dạy và kết nghĩa với cụ thân sinh ra Y, còn gọi là cụ Tiêu, cụ thường tự hào là cùng tuổi với Xê - Au - Xê - Cu, lãnh tụ một nước xã hội chủ nghĩa, thời thế thay đổi, ông ta bị lật đổ và coi là nhà độc tài, sau bận đó không thấy cụ Tiêu khoe nữa, ngày Y đi công tác được hơn chục năm thì cụ mất.
Giáo viên trong trường thời ấy là những nhà sư phạm thực sự và đáng kính, bỏ qua một bên gánh nặng cơm áo gạo tiền, tình thầy trò vô cùng trong sáng và thầy hết lòng vì trò. Còn nhớ thầy Lâm Xuân Đình đi Liên Xô về người ta mua toàn bàn là, chậu nhôm, nồi áp xuất, áo bay còn thầy khi ra sân bay đón chỉ có 2 tạ sách Liên Xô! Bù lại giờ giảng của thầy thì dù là Sử dân tộc học nhưng vô cùng hấp dẫn Y còn nhớ đến tận bây giờ. Thầy Bèn khoa Văn số đào hoa nên có câu: "Lương Bèn nói, Lương Bèn nghe
Làm thân con gái chớ nghe Lương Bèn...
Thầy Vũ Châu Quán dạy Văn hay đến nỗi tả mùa thu học trò như ngửi thấy mùi cốm phảng phất...hay có lẽ cũng một phần do cái dạ dày bọn chúng đã to mà chẳng mấy khi được đổ đầy! Thầy Trần Ngọc dạy Khảo cổ học đại cương xong, bọn học trò khoa Sử đi đâu thấy bờ tre mảnh sành cũng nghĩ ngay đến nào là niên đại, đồng vị phóng xạ, đồng vị phấn hoa...tranh luận rôm rả và muốn lấy ngay cuốc xẻng mà đào cả mả bố người ta lên, và nhiều giai thoại nữa về các cô, các thầy yêu quý. Ngày ấy mới le lói đổi mới, cái chuẩn mực "Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Tổng hợp bỏ qua..." cũng bắt đầu lung lay, nhưng Sư phạm thì vẫn không được quan tâm nên lũ sinh viên như Y vẫn có tự trào: "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", "Thầy giáo - tháo giày đi chân đất" vì nghề này, trường này "Ăn như sư, ở như phạm". Các kỹ sư tâm hồn tương lai quả là nhếch nhác...
(Có thể còn nữa)

Quốc hội ra về

Thế là sau tròn một tháng vật lộn với cái nóng ngột ngạt nơi kinh thành, chiều nay Quốc hội cũng đã bế mạc. Một tháng Quốc hội làm gì các báo đã đưa dày đặc, thiết tưởng chả nên nói nữa, chỉ kể mấy chuyện bên lề qua ảnh.

Buổi bế mạc, nhiều đại biểu tranh thủ xin được chụp ảnh với TBT, cũng nguyên là người đứng đầu Quốc hội




Xe chờ đầy sân, nhiều ĐB ra xe riêng về tỉnh, nhiều ĐB xa ra thẳng sân bay sau một tháng xa nhà


Giờ giải lao cũng không náo nhiệt như mọi hôm


...và nhanh chóng "thu dọn chiến trường"



Quốc ca bế mạc vừa dứt, những đại biểu đầu tiên vội vã rời hội trường


Xe về nhà khách vắng tanh vì ĐB đã đi về thẳng nhà. 20 Tháng 10 gặp nhau nhé, lời chia tay đến hẹn lại lên với những cái bắt tay vội vã



Hội trường Ba Đình lịch sử, nay chỉ còn trong ký ức một thời...Rất may là Y cũng được vào ra nơi ấy  vài năm nên giờ có cơ hội kể lại

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

A27

A27 mới nghe qua như một phiên hiệu của ngành Công an nhưng đơn giản đó chỉ là tên một lớp học với thời gian 9 tháng 10 ngày, gần một thập niên đã trôi qua, 37 tên thì vẫn đủ nhưng cũng mỗi anh một phận. Trời chẳng cho ai hết cái gì và cũng chả lấy hết của ai cái gì, Y tin như vậy. Xứ Lạng lúc ấy có 3 người góp mặt gồm một ông ở Sở Đoan, một bà ở Nhà Dây thép và một tay Đổng lý Văn phòng Viện dân biểu Bắc kỳ.
Cái sự học hồi ấy cũng lắm chuyện để kể. Học viên rất lôm côm về độ tuổi, về trình độ và vùng miền; đàn ông thì già, đàn bà thì xấu ấy vậy mà cũng có tình yêu ngoài luồng vụng trộm nảy nở, he he.
Mà cũng lạ gọi là trường hậu bổ nhưng có đứa trẻ ranh và cũng có thằng U50, U60...đúng là chả biết đằng nào mà lần.
Vui phết, có anh đi tập thể dục, vận đồ thể thao nhưng đi từ chiều hôm trước mà đến tận sáng hôm sau mới về...học chừng vài tháng (có khi ngắn hơn) là các lớp xuất hiện các "đôi bạn cùng tiến" rất thân thiết mà bây giờ bọn teen dùng từ hot hơn là "cặp đôi hoàn hảo", bắt chước một gameshow trên truyền hình.
Cứ mỗi kỳ thi đến gần là các cán sự lớp lại chạy như cờ lông công, chạy đi đâu thì giời mới biết nhưng có vẻ tất bật ghê lắm, mà cán sự lớp là oai lắm đó nghe, hình như họ đi thi không cần học như những đứa khác vì chắc chắn là đạt điểm khá, thấy đồn thế nhưng không biết thực hư thế nào!
Học cũng không đến nỗi vất vả, thường là một buổi. Còn lại là ngủ, đi chơi chán thì đánh cờ, thể thao; ấy vậy mà cũng lắm chuyện. Mấy anh lẻo khoẻo, đầu gối quá tai đăm chiêu cau có chơi cờ trên tiền sảnh hội trường lớn  thì xưng xưng mình là những bậc minh triết, chơi môn thể thao trí tuệ tao nhã chứ không như bọn tiểu nhân vai u thịt bắp đang vật nhau dưới sân kia, ý là chỉ mấy anh đánh cầu lông dưới sân. Mấy cha cầu lông, bóng bàn thì chê mấy tay đánh cờ là mưu mẹo, cờ gian bạc lận không thảnh thơi khỏe mạnh như bọn mình, đúng là chó chê mèo lắm lông! Y chả thạo món gì nên chắp tay sau đít đi vòng quanh bọn vô công rỗi nghề đó "xui nguyên, giục bị" (nay gọi là môn thể thao thọc gậy bánh xe, môn này nghe đâu đang rất là thịnh hành) làm cho không khí thêm xôm trò...

Còn rất nhiều chuyện đáng nghe, xin hầu bà con ở một entry khác
A27 Chụp ảnh lưu niệm ở Di tích ngã 3 Đồng Lộc Hà Tĩnh (04/11/2005)



Viếng nghĩa trang liệt sỹ  ngã 3 Đồng Lộc




Trên đỉnh Langbian Đà Lạt lộng gió



Hầu hết đến nay các vị có mặt ở ảnh  trên đều đã thay đổi danh phận, nhiều kẻ lên cao hơn, nhiều kẻ chuyển ngành nghề

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Lại lên đường

Chả hiểu sao cuộc đời Y từ bé đến giờ luôn gắn với những cuộc hành trình; (Thế nên blog Y có cả một mục Du hý) những cuộc du hý có khi miễn phí, có khi bất đắc dĩ, ngắn có ,dài có, vừa vừa có, sung sướng thú vị có, vất vả hành xác cũng có và có cả những chuyến đi xen lẫn vui buồn, có những chuyến đi vừa vui vừa ấm ức khó chịu. Nhưng không đi Y lại thấy nhớ nhớ thế nào.
Ôi, nghiệp chướng mất rồi!
Sáng nay, trời mưa vừa dứt Y lại lên đường đi vùng cao biên viễn
Đi đã nhiều nhưng lần nào cũng có những tình huống không ngờ tới
Nhưng mà...
Lười viết quá...
...vì già rồi (có đứa bảo thế, hắn còn comment: già rồi thì nghỉ ngơi ở nhà, khà khà khà. Mình đã già rồi thật ư???)
Thôi thì lười viết thì kể bằng ảnh hầu bà con vậy:
Đường đi khó khăn, quanh co đèo dốc trong rừng





Rồi hăm hở lao qua suối...

Ôi thôi, chìm nghỉm...

Mau chui ra và vớt đồ kẻo trôi hết thì bỏ bu!



Thuê người đẩy xe qua suối (Những 300k đấy, he he)

Cuối cùng thì cũng đến nơi, một xã cách huyện lỵ 30 km, trụ sở chật hẹp, dân còn khó khăn. Chỉ có bụi mơ lông trong ảnh bám vào cột anten của viễn thông là tươi tốt, non mơn mởn. Có lẽ người dân ở đây không ăn thịt chó chăng? nên lá mơ lông mới còn nhiều như thế nhỉ, mà cũng không biết nữa vì dọc đường đi chả thấy con chó nào, bữa ăn thì lại có thịt chó tơ (Chó dậy thì) quay vàng ruộm, ngon ngon là...khà khà 
 

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Tiên sư cái thằng giá!

Hồi đầu năm học này, hai bố con đi ăn sáng chỉ hết có hai mươi ngàn, giờ thì số tiền đó chỉ được một suất hoặc ăn chung hoặc con ăn thì bố nhịn và ngược lại vì chủ chỉ trả công hàng tháng cho tôi có từng ấy tiền, có tăng chút ít nhưng đâu có đáng kể. Nói là nói vậy thực ra vẫn phải ăn chứ nào có nhịn được. Tất nhiên là ăn vào cái khác mà mấy em PTV truyền hình vẫn ra rả là tiết kiệm cắt giảm chi tiêu í mà. Cắt giảm thế nào? Tóc thì hai tháng cắt một lần thay vì tháng/lần như trước khoản ngoáy tai, cạo mặt...cũng tự túc. Khoản la cà quán cóc buổi chiều thì bỏ hẳn, coi như "bia ơi, chào mày nhé, hẹn ngày tăng lương". Con bé lớn nghĩ ra độc chiêu đi mua mì tôm về ăn sáng chứ không ra hiệu xơi phở nữa. Mình mới đưa tiền cho nó đi mua, chưa về đến ngõ đã xoe xóe như con mẹ nó ý: Bố ơi, bão giá, bão giá, mì Obama à O - ma - chi lên 6 ngàn một gói rồi!
Nghe sốt cả ruột.
Mụ vợ đã cạn nghĩ lại hay cả nghĩ, vẫn xoe xóe chửi đổng như mọi ngày:
Thế này thì sống thế nào được, giá lên cao, lương không tăng, người nào cũng phải lao động cật lực như cũ thậm chí còn hơn thế mà lại cắt giảm chi tiêu, thì của cải làm ra nó đi đâu, vào túi thằng nào. Tiên sư cái thằng giá! (Gớm, nghe lỏm được ở đâu về lên mặt với chồng có vẻ ní nuận tệ!).
Đang lướt oép thay cho uống bia, bực quá mới thò cổ trong buồng (ngồi ngoài sợ chúng nó đi qua nhìn thấy rủ đi uống bia, cầm lòng không đậu) ra dọa:
- Này, bà vừa vừa phải phải thôi, cụ thành hoàng làng mình tên là Giá đấy, phỉ phui cái mồm, các cụ quở. Nghe vậy mụ im bặt, có vẻ hối (Thực ra làng tôi rất ô hợp toàn bọn tha phương cầu thực chả có thờ phụng cái ông nào cả, he he).
Đầu ngõ có cái quán bia lớn, mấy thằng cai thầu khoán khao nhau con xe mới mua nghe đâu giá tròm trèm 3 tỉ có lẻ, cười nói rôm rả. Mùi bia thơm vỡ mũi!

Liên hoan...

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Thời sinh viên, chuyện bây giờ mới kể (Phần II) Student, now a new story told (Part II)

Cái sự học ngày ấy cơ hồ là khổ nhưng mà đứa nào cũng chịu khó, trừ vài thằng mất nết; phòng ở đông đúc ồn ào như cái chợ vỡ sao mà học được. Đứa nào muốn học thì lên giảng đường mà lên giảng đường thì xa cỡ nửa cây số, đường qua bờ ao, bờ ruộng với những lò vôi, lò gạch... tối om. Thế là sau bữa cơm gạo mốc buổi chiều là từng nhóm nam nữ rủ nhau lên giảng đường cho đỡ sợ ma và sợ bọn trai làng hư hỏng trêu ghẹo.
Giảng đường là những dãy nhà cấp 4 san sát, mỗi dãy có hai nhà một nhà 4 lớp tức 12 gian và một nhà 2 lớp 6 gian tất cả có 6 dãy nhà như thế thì phải, lớp không có khóa cửa, không quạt trần, không bóng điện, chỉ có các dây điện chờ ở 2 đầu lớp, bọn sinh viên phải mang bóng điện, đui và dây có sẵn từ nhà lên đó ngoắc vào 2 đầu dây thế là điện sáng để học, lúc nào học xong thì giật lấy bóng mang về. Những lúc sắp thi giảng đường sáng rực, mùa nóng các đứa mang theo quạt con cóc lên để quạt cho đỡ nóng (Lúc ấy có quạt con cóc cũng là xa xỉ lắm lắm). Kỳ thi kết thúc giảng đường lưa thưa ánh sáng chỉ còn những con ong chăm chỉ và những đôi yêu nhau vừa học, vừa tâm sự lo cho đầu ra mờ mịt vì khi ấy giáo dục phổ thông "chạm đáy" về số lượng học sinh tuy rằng chất lượng vẫn không thể nói là tồi, tính tự giác của sinh viên còn cao và chưa có các mối "quan hệ" len lỏi vào bảng điểm hàng năm.
Còn nhớ thằng Hoàng tréc bé người, ít tuổi nhất lớp nhưng cũng lười học, hôm ấy giờ cô Lê Thị Lâm coi thi, nó cứ ngọ nguậy mà không làm ăn được gì vì không rõ vô tình hay cố ý trù ẻo gì nó không mà cô đứng gần nó quá, gần hết giờ cu cậu bèn viết vào giấy thi cố ý cho cô nhìn thấy "Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi, đứa nào rình tớ đứa ăn bòi" thế là cô nổi cơn lôi đình lập biên bản và kiểm điểm lên xuống. Hồi ấy cô Lâm nổi tiếng là nghiêm khắc. Trong chuyện này không biết vì cô ghét thằng Hoàng hay vì cô chưa chồng nên khó tính. Sau này khi bọn mình ra trường thì cô cũng chuyển về tỉnh Hoàng Liên Sơn (Sau tách ra thành Yên Bái và Lào Cai) và nay thì hình như dạy Cao đẳng sư phạm chắc cũng sắp nghỉ hưu. Còn thằng trò mất nết đó giờ làm ở Viện Kiểm sát nhân dấn tối cao (cơ quan cầm cân nảy mực pháp luật mơid trớ trêu chứ) và không "tréc" chút nào: Gần 8 chục ký lô hơi! Giờ, nó đang đi thường trú ở Đà Nẵng, mấy năm chưa được ra.
Trường Đại học sư phạm Việt Bắc lúc đó rộng mênh mông, chẳng có tường rào gì cả vả lại cũng chưa xa chiến tranh là mấy nên bọn sinh viên thường bị khoa quân sự của thầy Cao Sỹ Nhân, bọn học sinh thường gọi là thầy Cao Sỹ Quân Nhân bắt đi gác đêm theo ca có cả súng CKC kèm theo đạn đàng hoàng. Hôm ấy đến ca gác Hùng "ngạnh", hắn đã uống rượu đâu đó nên mặt hơi đỏ lại kiếm được qủa đạn thối nên về lên đạn dọạ tay 8 tròn vì tính tay này rất nhát. Bọn mình biết nên cứ bịt miệng trùm chăn cười thầm, còn 8 ta thì cứ van xin lạy lục "Hùng ngạnh" chớ có làm liều, có lẽ khi ấy quần 8 ướt rồi cũng nên. Một lần cô Lâm đã kể ở trên hỏi vấn đáp Tám lúc thi học kỳ:  Vĩnh Thụy có phải Bảo Đại không, 8 thưa cô phải ạ, cô lại bảo đúng thế chứ: Tám vẫn bảo phải, cô lại hỏi lần nữa có chắc chắn không; 8 bí quá bảo thưa cô không phải ạ, he he. Mặt hổ nhưng gan thỏ chắc khó làm cách mạng được.
Năm thứ 2 (1989-1990) đi thăm quan Nhà sàn Bác Hồ. Y đứng thứ 4 hàng thứ hai từ phải sang (Áo trong quần màu trắng)

 

Lúc học năm thứ hai có một thằng bạn quê ở vùng chiến khu cách mạng ATK Định Hóa, tốt tính và cực kỳ chăm học. Năm đó có môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam thi hết môn bằng hình thức vấn đáp. Cậu ta học ngày, học đêm, mọi nơi, mọi lúc. Học trên giảng đường chưa đủ, hắn học ở ký túc xá, 3 giờ sáng hắn vẫn thắp điện để học mặc cho bạn bè nhắc nhở, khó chịu. Học nằm, học ngồi thì buồn ngủ, hắn ta có sáng kiến là đứng dưới bóng điện để học. Lợi dụng lúc gã ra ngoài rửa mặt cho tỉnh ngủ hay ...giải quyết nỗi buồn chi đó, một thằng trong phòng (Không phải Y) lấy cây chổi phang một nhát vào cái bóng đèn làm nó tắt ngủm buộc thằng kia phải làu bàu rồi đi ngủ để sáng hôm sau đi thi sớm. Nó (Thằng kia) tự tin lên bốc đề đầu tiên vì vần A mà. Trúng câu thứ 36, trớ trêu thay đó là câu suy luận mà 35 câu còn lại nó thuộc làu. Mà xin nói thêm là quy định lúc đó nếu bốc lại câu khác bị trừ đi 2 điểm. Nó quyết định không bốc lại và lên ba hoa chích chòe một hồi rồi về chỗ với điểm 2 vì thầy giáo cho rằng nó xuyên tạc lịch sử. Hẹn sau hè xuống thi lại cùng mấy đứa lớp khác! Còn cái bọn học hành láng tráng, ngủ sớm (Trong đó có Y) thì ơn giời, đều đạt 5 điểm trở lên không phải thi lại. Ấy mà bây hắn làm quan tô vật vã, trong tay mấy chục sinh mạng xinh như mộng, tươi như hoa ...đúng ý hắn! ke ke.
Không cắm quán không phải là sinh viên, câu này có lẽ đúng với thời của mình vì đói khổ quá mà cắm cũng chỉ đổ vào cái lỗ mồm thôi chứ không ăn chơi đàng điếm gì. cắm quán nước, quán chè và hai năm sau khi cơ chế thị trường bung ra, nhà bếp bao cấp dần tan rã thì chúng cắm quán cơm bà Dư, cô Sen...
Thoảng hoặc cũng bắt đầu có tình yêu ri-đô, tình yêu bếp dầu, vậy mà cái lớp 23k2 vẫn không bén duyên đôi nào, thế mới kỳ, và tình yêu của gái trai khoa Sử với các khoa khác cũng chỉ đếm đầu ngón tay 1 bên không hết trong hi tối nào bọn phòng nam cũng rủ nhau đi chim gái các khoa trường khác. Cuối cùng chỉ có đôi Trường kều với em Thúy học sau hai khóa là thành nhưng phòng em Thúy lại bên kia cánh đồng nơi trai khoa Sử vẫn sang đi "khách sạn Hilton", mỗi lần Trường ta đi tán gái cả khoa đều nhìn thấy vì nó vẫn đi qua con đường hàng ngày ai cũng phải đi.
Thời ấy vòi nước công cộng ở khu tập thể giáo viên bọn tôi dùng chung không bao giờ khóa nước chảy suốt ngày ra ruộng mà vòi thì rõ to rất lãng phí. Đã thấy đôi lần có lắp vòi khóa lại nhưng chỉ dăm hôm lại hỏng hoặc bị mất trộm nên từ đó nước chảy quanh năm. Bọn sinh viên nam mùa đông cũng như mùa hè thường ra đó tắm và chui vào bụi chuối thay xiêm y; hồi ấy gội đầu bằng xà phòng 72% của Liên Xô đã là sang trọng. Quần áo thì cứ hứng dưới vòi giặt chứ không có chậu gì cả, có khi cũng chẳng cần (hay có). Lúc ấy còn nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn nên bụi kinh khủng, quần áo phơi buổi chiều đã thấy một lớp bụi mỏng màu đen bám vào. Mốt lúc đó là quần pho, áo bay Liên Xô và dép tông Lào hay còn gọi tông lỳ vì nó bền kinh khủng. Ấy vậy mà có lần năm thứ hai lúc ngủ dậy thì đôi tông của Y cũng bay hơi đâu mất, thì ra bọn trộm vặt lấy gậy khều qua khe cửa lấy đi từ lúc nào...
(Còn nữa)

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Hóng chuyện Quốc hội

Sáng nay 21/5/2012 nhân có chuyến về thủ đô Hà Nội công chuyện, Y lợi dụng các mối quen biết sẵn có tìm cách chen chân vào chỗ các đại biểu Quốc hội chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội hóa XIII.
Như thường lệ, ngay từ đầu giờ sáng trước giờ khai mạc kỳ họp tại Hội trường Bộ Quốc phòng số 7 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội, các vị đại biểu Quốc hội đã xếp hàng vào Lăng viếng Bác

Nữ CSGT xinh đẹp hướng dẫn xe đưa đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Bác



Các vị ĐBQH chờ đến giờ vào Lăng tranh thủ hàn huyên sau nửa năm gặp lạị, bọn đổng lý văn phòng cũng râm ran không kém



Các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ra rồi...



Các ĐBQH nghiêm trang, im lặng vào viếng Người


Công trình Nhà Quốc hội khởi động từ khóa XI với mục tiêu bế mạc khóa XII tại nhà mới sau vài lần lỡ hẹn lại dự kiến khánh thành cuối năm 2013 liệu có giữ lời???


Xe chở các ĐBQH đi họp trước cửa hội trường Bộ Quốc phòng



Quốc hội đang họp (Nhìn từ vị trí chầu rìa...he he)


Vạ vật "chợ người" ...!


Bọn đổng lý Văn phòng họp đầu kỳ tại phòng họp báo của QH



Hóng chuyện Thủ tướng...(Y không đeo kính, đứng sau)

Xem khai mạc Quốc hội xong rồi, Y dông thẳng về Đa Tốn, Gia Lâm, quê ngoại thăm ông cậu của Y