Người theo dõi

Hiển thị các bài đăng có nhãn Chuyện thời bao cấp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chuyện thời bao cấp. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Xem chiếu bóng ở làng Chiềng

Thuở bao cấp, làng Chiềng cũng có một bãi chiếu bóng, thường thì tháng một lần hoặc khi có bộ đội về thì hơn. Các cụ già thì dùng từ lối cổ gọi là xem chớp bóng, người biết tý tiếng Pháp hay tây học thì gọi là đi coi xi - nê chắc ở từ cinema mà ra. Ai làm cái gì nhanh mà điêu luyện khác người thì các cụ bảo làm như xi - nê.
Thời ấy xe chiếu bóng là xe bò, buổi chiều cứ thấy xe bò lộc cộc và có tấm giấy màu dán ở gốc cây xà cừ đầu làng là y rằng tối đó có chiếu bóng ở ngoài Đồn (Đồn tây cũ).
Thời phim nhựa, phải căng cái phông to hơn cả cái cót phơi thóc từ buổi chiều. Loa buộc ở góc phông và í ới hát từ khi ông mặt trời chưa lặn kia. Cả làng râm ran rủ nhau đi làm đồng về sớm để đi xem. Vé xem chiếu bóng hồi ấy chỉ 1 đồng về sau (vài năm gì đó) tăng lên 2 đồng. Bọn trẻ con thì hay chui rào, trốn vé hoặc nhặt các vé chú gác cổng đã xé nhưng chưa rách hoặc còn sót để vào cổng. Chúng chân đất chui qua bụi gai tre, gai găng luồn lách qua lũy đất cây mọc um tùm để nhè lúc dân quân, bảo vệ của đội chiếu bóng không để ý là a - lê - hấp chạy lốc nhốc trà trộn vào đám đông đã mua vé. Tất nhiên trong đám ấy không thể thiếu y vì có khi bố mẹ không cho tiền vì chưa đến chợ phiên, cũng có khi tiền bố mẹ cho để dành cất đi mua sách trên Đình Cả. Cũng có đứa chậm chân vào gần đến nơi thì bị bắt lại tống ra ngoài, rất xấu hổ vì cả bãi chiếu bóng ai chả biết mặt biết tên con cái nhà nào.
Từ chiều khi mặt trời chưa xuống núi máy nổ đã chạy xình xịch thắp sáng cả vùng đồng mạ trên, đồng mạ dưới, tiếng loa ông ổng phát những bài cải lương buồn nẫu ruột hoặc những bài hát cách mạng bừng bừng khí thế. Mấy thằng láo toét đi lừa bọn con gái hay mấy người già là hôm nay ở Đồn có phim "Tam anh hùng dải đế và ngũ cô công chúa lổn đề", bị các cô nguýt cho cháy cả lông mày, còn các cụ già thì cứ tưởng thật, ôi giời nghe tên như phim kiếm hiệp 3 xu của Tàu ấy, lạ thế! he he
Loa liên tục thúc giục: Đồng bào chú ý đã sắp đến giờ chiếu rồi, xin mới bà con cô bác còn ở ngoài khẩn trương mua vé ổn định chỗ ngồi để buổi chiếu được bắt đầu. Hồi ấy giờ giấc là nghiêm lắm, cấm có sai, một số không chịu vào ở ngoài nghe chờ đến lúc "tháo khoán" mới vào. Số anh chị lớn thì mải chim chuột nhau, mua kẹo lẻ, thuốc lá lẻ bên các mẹt đèn dầu ngoài cửa Đồn. Thỉnh thoảng cũng có người nhờ các anh nhắn tin: "Alô, alô chúng tôi xin mời chị Khoai ra cổng ngay có anh Mắm tìm gặp" hay "Alô yêu cầu anh Tũn về ngay đưa vợ đi đẻ"...vui ra phết!
Hôm nào có phim màu mà nhất là phim truyện chiến đấu của Liên Xô thì càng hấp dẫn. Sau 2, 3 cuốn phim tài liệu là đến phim truyện. Y còn nhớ mấy phim như Hoa ăn thịt người, X30 phá lưới hay Ván bài lật ngửa, Cánh đồng hoang, Em bé Hà Nội, Rừng lạnh, Thị xã trong tầm tay, Chom và Sa, Cô Nhíp, Thị trấn yên tĩnh...
Có những hôm đội chiếu bóng chỉ có một máy mà phim cũ hay đứt thì rất sốt ruột nhưng rất trật tự chứ không có la ó, chửi bới hay mất trật tự gây lộn gì cả. Hôm nào mà có chiếu bóng của bộ đội thì thích hơn vì có ô tô Giải phóng hay Gát 69 chở máy đến và máy móc rất tốt và các chú bộ đội làm rất nhanh, chỉ đến trước giờ chiếu 1 tiếng là đâu vào đấy, thu dọn cũng rất nhanh, người cuối cùng ra về thì các chú cũng nổ máy chạy biến vào màn đêm. Tiếng chó sủa râm ran, tiếng chẫu chuộc, ếch nhái kêu váng đồng, tiếng bàn luận về bộ phim rầm rì theo ánh đuốc lập lòe về tít nơi bản xa.
Thường thì sắp hết phim thì đều biết và khi màn hình đã có chứ hết trắng toát rồi nhưng phải chờ đến người thuyết minh đọc câu "Alô, hết phim đêm nay" thì người xem mới lục tục đứng lên như còn gì tiếc nuối lắm.
Còn nhớ có lần bộ đội chiếu phim Cánh đồng hoang ở sân ông Hoan ngay gần cổng nhà y, mọi người chen nhau lên giàn (để phơi thóc, lúa) đang chiếu thì giàn đổ, cả đống ngời được phen hú vía cười nghiêng ngả, buổi chiếu phải dừng lại một lúc...
Đến khi y ra tỉnh đi học về làm anh giáo làng thì ngành chiếu bóng quê y cũng chết hẳn, có lẽ cà chục năm nay bọn trẻ con không biết màn ảnh rộng là gì....

Từ xứ đồng Là Tin nhìn ra Đồn Pháp cũ - bãi chiếu bóng Đông Bắc (Hợp tác xã Đông Bắc) nay vật đổi sao dời không còn nhận ra nữa



Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

"Cô cố nhớ lại xem..."




Giá mà bà chị tôi sắm thêm cái khóa như thế này thì chắc có lẽ không bị mất cái yên xe
Có bà chị họ, thời bao cấp khoảng năm 1981 hay 1982 gì đó được ông bác tôi đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài về mua cho chiếc xe Di - A - Măng  (Diamond). Ngày ấy xe đạp là quý lắm, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa ấy chứ, đi đâu là phải khóa cẩn thận mặc dù có đăng ký, biển số hẳn hoi. Thế mà có ai học được chữ ngờ, một hôm đi làm như mọi hôm khi ra nhà xe cơ quan thì tá hỏa khi xe vẫn còn mà cái yên xe thì trộm đã tháo đi đâu mất từ bao giờ. Tình huống dở khóc, dở mếu, chị tôi gọi bảo vệ để trình bày, lập biên bản vài người cùng cơ quan hiếu kỳ xúm quanh, bàn tán, an ủi và đưa ra rất nhiều giả thiết. Bác bảo vệ lo lắng và cũng sợ trách nhiệm nữa trước khi lập biên bản còn cố gặng hỏi chị tôi:
- Cô cố nhớ lại xem sáng nay cô đi xe đến có yên không?
Giời ạ, chị tôi không biết trả lời làm sao vì không có yên thì đi thế quái nào được.