Người theo dõi

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Mong ước kỷ niệm xưa

Hai  mươi nhăm năm đã qua, thời gian nhanh thật, hôm nay thấy cái này ở góc tủ, đã ngả màu thời gian, bồi hồi nhớ lại cái thời đói kém gạo châu củi quế mà vẫn chịu khó học hành. Khi đó được đeo cái này đã là vinh dự lắm lắm so với đám bạn cùng lớp.  Khi ấy, anh Nguyễn Khắc Hùng ở Phòng Quản lý sinh viên còn khá trẻ nguyên là sinh viên khoa K5 (ký hiệu của khoa Lý) đắc cử Bí thư Đoàn trường theo phương thức bầu trực tiếp và kiểm phiếu công khai trên bục Đại hội. Phong trào đoàn từ đó cũng phát triển mạnh với nhiều hoạt động như trương trình truyền thanh của các Liên chi đoàn, tổ chức cho cán bộ Đoàn đi tham quan du lịch hàng năm, y nhớ là cũng được đi 3 lần là Đền Hùng, Hạ Long và Đồ Sơn, và cảm thấy hãnh diện, oách xà lách lắm. Năm 1991 y dã từng là biên tập kiêm phát thanh viên và đọc tin Mỹ tấn công Iraq rất hùng hồn, có gì đâu lấy tin trên trang 4 báo Nhân Dân, (báo này khi ấy mới có 4 trang không màu). Phó Bí thư khi ấy là chị Đỗ Thị Thìn, nay thì chị đã là Tổng Biên tập báo Thái Nguyên còn anh Hùng thì nghe đâu là Phó Giám đốc hay Phó Hiệu trưởng một trường Đại học gì đó cũng ở Thái Nguyên. Trường ĐHSP Việt Bắc nay cũng đổi thành ĐHSP Thái Nguyên tên cũ không còn
Thời gian trôi qua mau, qua mau...


Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

“Vàng Công, bạc Xâm, đồng Xá”

      Chả biết có phải gốc gác 7 đời nhà y ở đồng bằng sông Hồng hay không mà y có duyên  hay về chốn đó. Đầu năm y đi đền Trần Nam Định (những hai lần), cuối năm y lại đi đền Đồng Xâm, Thái Bình. Chợt nhớ câu "Vàng Công, bạc Xâm, đồng Xá" ấy là hai làng nghề nổi tiếng đất Thăng Long: Vàng Định Công, đồng Ngũ Xá và bạc thì dĩ nhiên là Đồng Xâm, Thái Bình.
Y thấy mê đất Thái Bình rồi đó...he he
Đền Đồng Xâm ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, thờ Triệu Đà tức Triệu Vũ Đế (207-136 trước Công Nguyên) 
 Đền Đồng Xâm được nhiều người biết đến trong hệ thống đền chùa nằm kề bên sông Vông với tục đua thuyền trong ngày hội và gắn với làng nghề chạm bạc nổi tiếng.

Hàng năm,  Làng Đồng Xâm vào đám vào những ngày cuối tháng 3 âm lịch và khai hội vào ngày 1- 4.

Trước kia, hội đền Đồng Xâm thường có nhiều lễ thức, nhiều trò chơi trò diễn trò đua tài, cuốn hút trai thanh, gái lịch trong vùng tham gia như: Đấu roi, đấu vật, hát chèo, hát ca trù. Sôi nổi hấp dẫn nhất là tục đua chải.
Đường làng Đồng Xâm


Đền Đồng Xâm

 

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Bước ngoặt trên đường và ngã rẽ cuộc đời

Bước ngoặt hay lối rẽ cũng vậy. Đi đường thì ai cũng thích đường thẳng, nhưng cuộc đời phẳng lặng quá thì cung chỉ như tồn tại, như phường giá áo túi cơm. Bởi thế trong đời ai cũng có muốn vài lần lối rẽ, tất nhiên không ai thích rẽ trái, rẽ vào ngõ cụt mà ai cũng muốn có lối rẽ đột biến, lối rẽ cho một tương lai sáng lạn hơn. Nhưng có tạo ra được lối rẽ cho mình không? Câu trả lời là có thể có mà rất có thể không. Nếu ai đó có thể điều khiển được mệnh của mình! còn không thì trông vào ý trời vậy, mà ông trời thì cao và xa...đường xa gánh nặng mà nhìn về phía trước cứ thẳng hun hút thì cũng ngại, chi bằng có một lối rẽ cho cảm giác đỡ chông chênh.
Vậy là lại sắp sang một năm mới, âu cũng là một lối rẽ thời gian!

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Tháng 12

Tháng 12 là tháng cuối cùng của năm, là tháng chuẩn bị cho một tháng đầu tiên của một năm mới, dù mỗi năm đều có tháng 12 nhưng không năm nào giống năm nào vì đơn giản là thời gian cứ trôi đi không ngừng. Xưa, cứ qua mỗi tháng y lại lấy phấn ghi lên cột nhà một cách nắn nót theo lối chữ in, có khi lại ghi lên toang chuồng trâu bằng lá cây cỏ nhật. Tháng 12 rất khó ghi lên cột vì nó có hai chữ số và số 2 lại to chiều ngang, còn tháng 11 thì không khó lắm, tháng 12 cũng là tháng trong giấy khai sinh của y. Tháng 12 là cuối cùng trong năm nhưng không phải là năm cùng tháng tận vì có tháng 12 mới có tháng 1. Thấm thoắt, các xiên nhà, cột nhà đầy các con số thì cũng là là lúc y cũng rời làng Chiềng ra đi bắt đầu hành trình lê thê tha phương cầu thực. Chuồng trâu cũng không còn vì nông dân đã cày máy, cột nhà vẫn còn đó với những con số mờ theo thời gian. Hôm nay lại sang tháng 12 rồi, y không còn đánh dấu lên cột nhà và ghi vào những cuốn lịch túi nhỏ từ đầu năm rằng tháng 12 mình sẽ làm gì, ở đâu nữa, và có một điều y thấy hình như tháng 12 chóng đến hơn xưa!
Xưa tháng này cũng là tháng nông nhàn, các tiều phu làng Chiềng lại lên rừng đốn củi chặt cây làm nhà, xẻ cây lấy gỗ...
Vì không đủ sức khỏe làm thợ sơn tràng và lấy vợ sơn nữ dệt bức tranh chồng đi rừng lấy củi săn thú, vợ dệt vải như trong cổ tích và cũng không bước qua được lời nguyền của các thôn nữ:
"Ai ơi chớ lấy thợ cưa
Cơm ngày hai bữa dái đưa đùng đèng".
Thế nên y đành bỏ làng Chiềng ra đi........

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Đám cưới mùa hè...

Xưa. Làng tôi cũng khá trù phú khoảng trên trăm nóc nhà. Quan, hôn, tang, tế tương đối bài bản theo sách Thọ Mai gia lễ. Việc tang thì tôi cũng đã có lần kể (Xem bài

Đánh sảng ở làng Chiềng ( List of villages in Chiang)

ngày 19/4/2011). Việc cưới thường hay nhằm vào cuối thu, đầu đông, bất quá là sang xuân, là những lúc nông nhàn, bởi dân làng cũng còn phải làm đồng khi vào vụ. Ngoài các thủ tục truyền thống đám cưới làng tôi đơn giản nhưng mà vui. Thời ấy đâu có mời bằng thiếp (hay thiệp) mà khổ chủ đến từng nhà mời rồi kêu hộ luôn: hộ người, hộ lợn, thóc, rượu.... Ngày cưới bắc rạp bằng khung tre, lợp các tấm cót phơi thóc. Tất tật dụng cụ như nấu nướng, bát đĩa, nồi niêu...đều đi mượn trong làng, tối đến treo đèn tọa đăng, nhà nào có đèn măng - xông hay máy phát điện là nhất. Cả làng hoan hỷ, cười nói oang oang và lấy thế làm đắc ý lắm. Tiếng pháo nổ râm ran suốt từ lúc bắc rạp cho đến tàn cuộc, đặc biệt là gầm lên vào lúc dâu về tới cổng nhà, khói pháo vương vấn khắp làng, xác pháo đỏ cả đường, trẻ con xúm xít nhặt pháo xịt, tranh giành cãi nhau chí chóe. Quà cưới ngày ấy thường là chậu nhôm và nồi nhôm, sang hơn thì phích nước nhưng của ấy hiếm lắm. Chậu nhôm được gói bằng giấy màu đỏ, diềm cắt tua rua, cũng chỉ là thứ chậu gia công chứ không phải quốc doanh làm bằng nhôm tái chế mỏng tang, nếu cho đầy nước vào chậu mà bê lên thì cái miệng chậu lập tức biến thành hình e - lip. Dùng gì đến nó cũng phải nâng như nâng trứng hứng như hứng ...chậu không thì bẹp mất. Cũng có người mừng tiền tôi nhớ khoảng chừng dăm chục hay một trăm quan tiền Cụ Hồ gì đó, người ta đưa cho chủ nhà chứ không có "bàn ghi công đức" hay "hòm phiếu" như bây giờ.
Tôi nhớ ngày ấy không ai cưới chọn tháng Ba vì đó là tháng giáp hạt, ăn còn chả no lấy đâu ra cỗ. Cũng kiêng tháng Bẩy, sợ rằng tháng ngâu thì vợ chồng sẽ xa nhau như vợ chồng Ngâu (Ngưu Lang - Chức Nữ). Người ta cũng tránh luôn tháng Sáu vì tháng đó đang mùa vụ vả lại tháng ấy nóng quá không có "làm ăn" gì được. Thế nên các cụ có câu: "Đám cưới mùa hè, bò què tháng Sáu". Bất đắc dĩ ai đó phải cưới chạy tang hay cưới "chạy bụng" thì mới chọn thời khắc đó.
Nay thì đã thay đổi cả, người ta cưới bất cứ ngày nào, mùa nào, nếu ở thành thị thì còn phải chọn ngày thứ Bẩy, Chủ nhật cho tiện. Mọi cái cũng đã đơn giản, hiện đại. Đám cưới quê với hình ảnh rước dâu áo cánh trắng, quần lụa bằng xe đạp Thống Nhất hay Phượng Hoàng cánh chả nay chỉ còn trong ký ức một thời...

Thị sát trên sông Sài Gòn đoạn chảy qua Đồng Nai (Tháng 4/2006)



"Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng"
                                (Ca dao)

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Làm quan có vì dân?

Làm lính thì ai mà chẳng muốn có ngày được lên quan, nhưng ai cũng làm quan thì ai làm dân? Mà thời nay ai làm quan cũng chỉ muốn thu vén, vinh thân phì gia chứ có ai tận tâm, tận tụy lo cho dân?
Cái đó nó phát ra mồm, rồi nó trở thành phong trào...thế mới nguy!
Ngồi đâu cũng thấy bàn chuyện quan tước, hạ phóng rồi lộ trình sẽ làm ông nọ bà kia..rồi thì chỗ này thơm, chỗ kia xương...Vào rồi thì lo thu vén, thu hồi vốn, rồi có lãi, rồi lại mua bán cái vòng luẩn quẩn bi hài. Trăm phương ngàn kế bắt đầu được đưa ra, nhất là thời điểm giao mùa. Người ta chạy cả âm cả dương, có anh nói vui là phải thường xuyên "thắp hương" cả đền chùa và thắp cho cả các quan...đương sống thế nên mới có chuyện đi xin ấn, xin lương vào dịp đầu xuân ngõ hầu để được làm quan rất nhộn nhịp.
Mạt rồi
Chỉ có dân là khổ, ấy là còn chưa "đáo tụng đình" đấy, chứ mà....ặc ặc

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Chúng ta đang sống vì ai?

Cuộc đời là quy luật sinh, lão, bệnh, tử đàn từ trẻ thơ đến nhận thức được cuộc sống và những tri thức trong thế giới. Khi đã nhận thức được thế giới, "ngũ thập tri thiên mệnh" tức biết mệnh trời thì cũng chuẩn bị cho lức chầu giời. Ai nhiều phúc thì hưởng thọ 80, 90. Ai đoản mệnh thì hưởng dương 50, âu cũng là số phận. Những tưởng rằng cuộc sống là chiếm lĩnh tri thức và hưởng thụ những gì mà tự nhiên đã ban tặng cho con người theo lẽ thường nhưng ấy thế mà không
Con người ta bị ràng buộc bởi giáo lý, đạo đức và ràng buộc giằng xé bời vô số những quan hệ chằng chịt và vòng xoáy của cuộc sống mà không dễ gì dứt ra nếu không nói là không thể.
Thời bé chúng mình (nay đã U50) đi học không chịu áp lực gì cả, không có bài về nhà nhiều như bây giờ, không có học thêm và đúp hay lưu ban, thi lại là điều vô cùng bình thường. Xưa Y gặp thầy giáo Thơm hay cô giáo Thanh từ xa đã đứng nghiêm như chào cờ:
- Em chào Thầy ạ!
Hoặc
- Em chào Cô ạ!
Nếu có đánh đánh chửi gây lộn thì người lớn hay hỏi
- Mày con cô giáo nào? Ý nói là học với cô giáo nào.
Giờ thì chuyện ấy đã là cổ tích
Nay thì cả xã hội nhồi nhét cho con em mình đủ thứ trên đời, những thứ cao siêu, hàn lâm hóc búa mà khi ra đời chẳng để làm gì, mỗi khi có dư luận hay áp lực từ quan chức là lập tức chương trình được bổ sung. Học sinh không muốn học, thầy cô bảo học thế là đủ nhưng phụ huynh cứ đòi học thêm, rồi thì chạy trường, chạy lớp..Bệnh nhân vào viện bác sỹ chưa khám nhưng người nhà đã chỉ định phải tiêm thuốc này, phải làm thủ thuật kia...bó tay!
Ra đường thì mạnh ai nấy chen, hở một chút thì nhoi lên làm cho đáng ra không tắc thì càng tắc thêm. Va chạm nhau thì nhìn nhau như quân thù, quân hằn. Tai nạn thì cứ xe to hơn phải bồi thường và nhún nhường cho dù mình đúng. Chốn quan trường những vị đức cao vọng trọng nhưng cũng chen nhau lên xe hay vào họp dù chỉ một bước chân.
Đến đi đám ma cũng phải chen ngang để được viếng trước. Xã hội soi mói lẫn nhau một cách khắt khe quá đáng, nhiều việc chẳng đáng gì nhưng cả thiên hạ dậy sóng. Và đảo điên khi đang từ quá tả sang quá hữu tức thì nếu dư luận ồn ào. Truyền thông là thủ phạm góp phần tạo nên dư luận. Nhiều việc rõ mười mươi nhưng không ai dám nói hoặc không sao tìm ra nguồn cơn và sự thật vấn đề, nhiều chuyện ai cũng biết nhưng chỉ nói ngoài cuộc họp??? Người ta trở nên suy nghĩ và ăn ở hai lòng, nói khác nhưng nghĩ khác và làm khác. Xã hội hình như đang bình quân chủ nghĩa, nhất là trong giới công chức. Việc mua bán nhiều thứ diễn ra đã rất rất là phổ biến rồi.
Giật mình tự hỏi chúng ta đang sống vì ai?
Y cảm thấy một sự bức xúc không hề nhẹ rồi đấy, he he he!

Cứ vô tư như bọn trẻ này đi


Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Ô Đan xuống chợ

Lúc nhỏ, y còn học cấp 1 rất nhớ bài tập đọc Ô Đan xuống chợ kể về một em bé người dân tộc được mẹ cho xuống chợ phiên với bao bất ngờ, bỡ ngỡ.
Hôm nay cũng tâm trạng của Ô Đan, y đuợc về thủ đô thăm thú nhà Quốc hội, viếng Lăng Bác, thăm Lotte...cũng thỏa tấm lòng của Ô Đan xuống phố. Lý do rất bình thường như người đi đường là ông giáo làng Chiềng là người có uy tín trong thôn bản được đi chơi thủ đô
Hội trường Ba Đình mới đã cơ bản hoàn thành sau 5 năm thi công và sau 7 năm phá đi Hội trường Ba Đình lịch sử.
Tòa nhà có 5 tầng nổi và 2 tầng hầm, trên tầng 3 phía  4 góc có trồng cây cảnh lớn khiến nhìn xa cứ ngỡ trồng cây từ mặt đất. Nhà như một hình vuông chạy 4 xung quanh bao lấy phòng họp hình trụ như cái bát tô ở giữa bên dưới là sảnh tầng 1 rộng thênh thang. Dưới hầm rộng và nhiều lối đi như mê cung rất dễ lạc nếu không nhớ hoặc xem biển chỉ dẫn. Rất nhiêu khu WC rộng rãi được cái thuận tiện cho những ai ưa xuất khẩu! Cửa phòng họp còn có tên Diên Hồng ở tầng 3 quay ra đường Độc Lập đối diện khu lăng Bác. Dù còn bộn bề nhưng cũng thấy phần nào diện mạo của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.
Còn Lotte là chốn của người giàu, Ô Đan chỉ đi ngắm thôi vì chẳng có tiền, thậm chí còn không tự tin xem hàng, hỏi giá khi mà cũng chẳng ai đánh thuế nếu như Ô Đan hỏi mà không mua
Một đời cầm phấn cũng thấy nao lòng khi thấy người ta giàu quá đi mất.
Vâng, nhưng mà....
Xin lỗi, anh chỉ là thằng Ô Đan xuống phố.

Giáo làng Chiềng trong Hội trường Ba Đình (mới) trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII cũng là kỳ họp đau tiên tại Nhà Quốc hội, Hội trường Ba Đình mới


Trước cửa Hội trường Ba Đình


 Phòng Diên Hồng



Ô Đan đi chợ Lotte


Bên trong nhà Quốc hội


Quang cảnh kỳ họp



Từ cửa phòng Diên Hồng nhìn sang lăng Bác


Vệ sinh khu khảo cổ hoàng thành Thăng Long

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Chiềng làng, chiềng nước...

Cốc cốc cốc! Chiềng làng, chiềng nước...! y bận rong chơi "lai kinh ứng thí" nên y nghỉ blog một thời gian (không dài) đây!


Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Ảnh đẹp sông nước Cần Giờ

Ảnh ở khu bảo tồn đước Cần Giờ đây, đẹp không? (Mangroves Nature Reserve)

Trời trong, nước xanh...


Cano xé nước..


Lênh đênh rừng đước

Xuống ca nô ra đảo khỉ


Tiến về phía trước

Đường vào khu du lịch sinh thái rừng đước


Mrs Diep
Police Colonel

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Côn Đảo




2014


Chùa Vân Sơn, Côn Đảo Mùa thu 2014


Làm chùa, tô tượng, đúc chuông là những việc nên làm. Y chả làm được thì đứng cạnh chuông vậy


Thỉnh chuông


Miếu thờ Bà Phi Yến

(Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay)


Khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo



Tạm biệt Côn Đảo, biết bao giờ gặp lại





Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Suối Tiên và Hầm Thủ Thiêm

Đó là những nơi mà y vừa đặt chân tới

Tập lái xe để nay mai lỡ có thất nghiệp thì đi làm thuê 




Fish massage


Cá sấu chúa!


Chuẩn bị qua hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn




Đồng nghiệp






Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Côn Đảo, ngày ấy - bây giờ

Ngày ấy - bây giờ là đối với y thôi chứ nội câu ấy có mà viết hàng ngàn trang sách cũng chưa hết quá khứ lịch sử bi hùng của dân tộc nói chung và Côn Đảo nói riêng.
Hầu hết du khách và cán bộ đi công tác ngoài Côn Đảo đều ra viếng mộ Cô Sáu vào lúc nửa đêm. Rất đông người lặng lẽ viếng. Lần trước y ra người ta chỉ viếng ban ngày nhưng nay thì viếng ban đêm vì họ truyền tai nhau rằng viếng Cô Sáu ban đếm rất linh. Đồ viếng không thể thiếu hoa huệ trắng và gương, lược, nón lá.
Lần này ra có thêm công trình mới là chùa Vân Sơn (Vân Sơn tự) trên đình núi nhìn ra eo biển rất thơ mộng và Bảo tàng Côn Đảo do Hà Nội  tặng, to hoành tráng và trưng bày rất hiện đại hấp dẫn nhìn ra biển và đối diện đền thờ Nữ Liệt sỹ anh hùng VÕ THỊ SÁU

Trong ảnh là cảnh người dân viếng mộ Cô Sáu lúc nửa đêm ngày 05/9/2014.
Nhiều người từ Hà Nội và khắp các tỉnh mua hoa từ đất liền chỉ một lòng ước vọng được đến và viếng Cô Sáu vào thời khắc rất linh thiêng. Ban Tổ chức phải kê hai cái bàn sắt bên cạnh mộ vào ban đêm để có chỗ cho người dân đặt lễ. Nghĩa trang được thắp sáng bằng đèn điện và các ngọn nến năng lượng mặt trời ở từng mộ và những nén hương thơm làm cho Nghĩa trang thêm linh thiêng huyền ảo, chắc các anh hùng liệt sỹ và nhân dân nằm dưới đó phần nào mát mẻ.


Di tích Cầu tàu nơi địch tra tấn và giết hại 914 người tù chiến sỹ cách mạng



Bảo tàng Côn Đảo




Ngày ấy-tháng 01/2009


Bây giờ, tháng 9/2014, vẫn nhà ga ấy nhưng tên Côn Sơn đã thay bằng Côn Đảo (Khởi thủy là sân bay Cỏ Ống ở làng chài Cỏ Ống) Nhìn qua thấy có thêm chữ GA ĐI và các chậu cây cau cảnh và bậc thềm óp gạch màu đỏ, ngaoì ra không có gì khác so với 5 năm trước đây)





Biển đảo quê hương dưới cánh máy bay


Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về

Chả là y vừa đi Nhà Bè, Cần Giờ, Suối Tiên về. Y đặt cục gach đây đã, đi chơi Trung thu về viết sau
Qua phà sang sông đến với huyện (đảo) Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh

Tiếp....
Các lãnh đạo huyện Nhà Bè cho hay Nhà Bè xưa là vùng nông thôn, đường xá cách trở nhưng nay đã thông thoáng và kinh tế phát triển với nhiều khu công nghiệp, khu đô thị. Nhiều nơi xưa là sình lầy thì nây đất cũng có giá trên 10 triệu đồng. Khu tổ hợp ăn uống Bình Xuyên, Tháp Ngà rộng mênh mông đến nỗi khách phải đi xe dạng như xe điện ta vẫn thấy nhưng chạy bằng máy nổ dẫn tới các bàn ăn xung quanh hồ nước. Giữa hồ là một nhà hàng đặc biệt hình con tàu mang tên Trường Sa được xây dựng từ sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam để tỏ lòng ủng hộ và cũng là quyên góp ủng hộ Trường Sa. Khi mới khánh thành mỗi rthực khách ngoài tiền ăn thì ủng hộ 1 triệu và thấy rất nhiều cái tên quen thuộc đã góp tiền...
Hết Nhà Bè qua phà là đến Huyện Cần Giờ. Diện tích tự nhiên của huyện này chừng non nửa của TP Hồ Chí Minh, phần còn lại thì non nửa của Củ Chi và các huyện, quận khác chiếm phần còn lại.
Xưa, đây là vùng đất hoang vu, sình lầy sau giải phóng chính quyền cho lấy giống cây đước từ Cà Mau về trồng nay đã có hàng vạn ha xanh tốt. Con đường rộng rãi có đèn đường có hoa trồng giữa dài mấy chục km chỉ tưởng có trong mơ vì bao đời nay nhiều người dân chỉ quen sống kênh rạch chưa bao giờ nhìn thấy cái ô tô. Lúc mới giải phóng Cần Giờ là một cái đảo hoang vu muốn ra đó phải đến Vũng Tàu rồi đi tàu vào huyện. Đã có tàu của cán bộ ra đảo bị cướp để vượt biên, sau đó chính quyền cảnh giác hơn. Là vùng sình lầy nên vật liệu và công nghệ cũng rất khó khăn hơn các vùng khác, phải đổ đất rồi xăm các ống sắt rỗng cho nước và bùn sùi lên đảm bảo ổn định mặt bằng. Cần Giờ rất nhiều ngao, nghêu và giống cá chìa vôi, cá dứa chỉ sống ở vùng này và ăn tươi mới ngôn mà lại không thể vận chuyển đi xa vì lên khỏi nước là cá chết. Đến Cần giờ bạn nên ăn hai thứ cá này.
Cần Giờ có Khu du lịch sinh thái Dần Xây, trong đó có đảo khỉ, đầm Dơi nghệ, Đầm Sấu, khu Vàm Sát-di tích lịch sử một thời.
Vào đây y cũng gặp cháu họ nay là đồng nghiệp

Lối vào khu du lịch


Mấy chú khỉ thấy người chạy ra chào


Xuống thuyền đi xem Đầm Dơi, những con dơi nghệ rất to




Lên chòi quan sát



Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Sạch quá không tốt hay là câu chuyện bé cái nhầm



(Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Hồi bé y suốt ngày chăn trâu cắt cỏ, quần áo chả có nhiều như bây giờ, giày dép là những đồ xa xỉ. Cưỡi trâu cả chiều nắng gắt, chiều nhảy ào xuống suối bơi lội, nô đùa hôm nào quên thì cứ thế lên giường đi ngủ, quần áo hôi rình, chân tay bị xây xước, chảy máu do đùa nghịch dại, do dẫm phải gai nhọn như một lẽ đương nhiên, ấy vậy mà cấm thấy nhiễm trùng, phải dùng thuốc bao giờ. Từ ngày ly nông, ly hương y học đòi làm thị dân nên có vẻ sạch sẽ tệ, ngày nào cũng tắm giặt. Móng chân hơi dài là cắt vì sợ cái vi trùng vi khuẩn gì đó nó trú ngụ rồi sinh bệnh như trong chương trình sức khỏe trên ti vi nói thì bỏ mẹ, kiểu như nấm kẽ càng của giáo sư Cù Trọng Xoay trong Gặp nhau cuối tuần. Dưng mà y cậy có cái kìm cắt móng mới cắt sát quá nên kẽ móng tạo thành cái gai nhọn đâm vào thịt nên lâu ngày sưng tấy, nhiễm trùng... ngón chân cái chảy nước vàng, to bằng quả ổi, hôi hám, tanh ngút..trông gớm ghiếc chẳng dám ngồi gần ai mà cũng chẳng ai dám ngồi gần y. Đi khám bảo hiểm y tế thì bác sỹ hỏi bệnh tình, liếc qua bảo bị viêm chân móng thôi, cho vài thứ thuốc kháng sinh Amoxicilin, giảm đau Panadol qua loa rồi dặn không khỏi thì về Hà Nội mà chữa.
Mấy bà mụ trong làng thì mách: Chín mé đấy, không chữa mẹo thì chỉ có mà tháo khớp, mau mau đi lấy cà độc dược nướng chín mà bọc vào đầu ngón chân í; lại mách lấy đũa cả hơ nóng (Oái oăm thế, giờ toàn nấu nồi cơm điện thì bói đâu ra đũa cả cơ chứ) nín thở khấn giời mau khỏi áp vào đó thì hôm sau khỏi tắp lự, mà giời thì cao biết giời ở đâu!
Đông Tây y, ma, mo, then kết hợp đủ mà cái ngón chân vẫn  không chịu khỏi cho. Mụ vợ năm lần bẩy lượt giục đi bác sỹ da liễu nên y mới thử đi xem sao không khéo vẩy nến, tổ đỉa thì chết.
Chiều hôm ấy tan sở sớm, khoảng 3 rưỡi y lang thang ra phố B.B nằm dọc bờ sông đường ra nghĩa địa gần Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tìm mãi rồi cũng thấy phòng mạch tư của BSCK1 da liễu M. Y cẩn thận ngó trước ngó sau tần ngần rồi tập tễnh bước vào.
Vị bác sỹ mới đi làm về ném về phía y cái nhìn lạnh lùng cố hữu rồi hất hàm ra hiệu đi theo ông ta. Chà! thiếu hẳn cái lịch sự, vồn vã, tận tình của các em chân dài, vải thiếu như khi vào chỗ massage, gội đầu thư giãn, coi khách như người anh đã đi xa lâu ngày trở về!. Có lẽ ngành Y cũng nên mở một lớp học cười. Vừa vào phòng, vị Đốc - tờ đóng sập cửa lại tránh ánh mắt tò mò của mấy con bệnh đang chờ ở phòng ngoài. Không nhiều lời đưa đẩy ông ý hất hàm bảo y nằm lên chiếc giường y tế có phủ ga trắng hẳn hoi với nhiều đồ nghề và nồng nặc mùi thuốc khử trùng thường thấy ở các cơ sở y tế. Y hốt quá làm theo và nghĩ phòng mạch tư có khác, không như chỗ y tế nhà nước mà mình đi xin thuốc họ còn chẳng thèm xem ngón chân mình ra sao, chỉ hỏi rồi kê đơn. Vị bác sỹ hô y cởi quần ra, ô kìa! y bị viêm móng chân mà, nhưng nghĩ chắc là cởi ra cho dễ xử lý, thì cởi!. Nhưng đến khi ông ta đeo găng tay cao su và sắp túm vào "chỗ ấy" thì y giãy nãy:
Ô kìa bác sỹ, nhà cháu bị đau ngón chân cái thôi.
Vị bác sỹ mới gắt lên bảo sao không nói từ đầu, vào đây đi khệnh khạng mắt lại còn dáo dác như quạ vào chuồng lợn tôi tưởng ông bị hỏng...súng!. À, ra thế nhìn bộ dạng y, ông ta nghĩ là trốn vợ tìm của lạ nên ra nông nỗi này. 10 phút sau y đã có đơn thuốc trên tay ra về với lời khuyên, đừng có ở sạch quá và vào đây khám thì phải đường hoàng đừng ngó trước ngó sau và đi khệnh khạng. Nửa tháng sau, chân y khỏi hẳn và đi lại nghênh ngang như bây giờ các bạn thấy đấy chẳng phải đi Hà Nội cũng chẳng phải về quê tìm đũa cả để chữa mẹo.

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Bên y là biển rộng

Mũi Chùa, Tiên Yên là một cái vịnh lặng gió, nước trong và rất sạch, du lịch mới sơ khai nhưng cũng rất thú vị, tuy nhiên đích đến kiếm cơm mấy ngày hè của y là huyện đảo Vân Đồn cơ


Nghỉ hè chẳng biết làm gì, ruộng nương chẳng có, lao động chân tay chẳng ai thuê vì y thuộc dạng dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm. Có người quen nên y ra tranh thủ lái xe tuk tuk trên đảo Minh Châu Quan Lạn, huyện đảo Vân Đồn Quảng Ninh. Đây là loại xe lam của TQ sản xuất, chạy xăng, rất khỏe có thể chở trên chục người lớn giá là 100k 1 chuyến kể cả đi 1 người cho quảng đường gồ ghề chừng 3 km. Như vậy cũng không phải là đắt, xe chạy bằng trục cát-đăng có cả số lùi và rất dễ điều khiển, nguyên lý vận hành như xe máy. Y đã có bằng lái ô tô nên xe này ok vả lại trên đảo không hề có CSGT và cũng không có biển số gì hết, đường xá đi theo lệ không cần biển báo. Ngày nào đông khách du lịch cũng kiếm vài cuốc, khỏe re. Ngày xưa y đã từng là lái xe ôm vào bãi vàng với con "chiến mã" Min-xcơ nên xe lam là muỗi

Y quyết xuống tàu ra đảo mưu sinh những ngày hè ngắn ngủi


Nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền, thương cảng Vân Đồn từng nổi tiếng từ hàng chục thế kỷ trước

Nhận xe và bắt đầu kiếm cơm



Phút vạ vật chờ đi khách


Hòn Con Mèo trên đường ra đảo Minh Châu


Một chuyến tàu cao tốc thế này khứ hồi là 7,5 triệu đồng, thời gian chạy là 50' thay vì 2h như tàu gỗ thường


"Bây giờ bến mới gặp thuyền"


Chợ Cái Rồng nổi tiếng với nước mắm và các loại hải sản tươi sống