Người theo dõi

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Kia ora!

KIA ORA!
Kia ora là câu chào khi gặp nhau của người New Zealand, giống như hello, xin chào, nỉ hảo, bông - dua...vậy, người New Zealand nói tiếng Anh, có lẽ kia ora là tiếng của thổ dân Mãori. Đó là khi mình vào buổi học đầu tiên ở Đại học tổng hợp Victoria, Wellington được thầy giáo nói, nhưng thực ra đã xem trên một cuốn họa báo có tên KIA ORA trên máy bay của hãng hàng không Air New Zealand rồi.

Lối vào phòng domestic transit, phía sau là nhân viên nhà tàu





Phòng chờ ở phi trường Auckland (Với ông Lái Cân)



Xe bus sạch bóng và trang trí rất thân thiện với môi trường, Bên này là thuộc địa của Anh nên giao thông theo luật Anh, đi bên trái, tay lái xe bên phải. Tài xế rất già so với ở ta, thi thoảng mới nghe thấy tiếng còi trên đường. Xe bus và cable car hình thức khá giống nhau có 3 trục, trục giữa là bánh kép, 2 trục hai đầu là bánh đơn, tất nhiên là trục giữa và trục sau sát nhau. Không thấy loại xe dài có hai toa hay hai tầng như ở Bắc Kinh. Xe có hai cửa lên xuống hầu hết khách không phải đứng do xe rộng và mật độ xe dày đặc, dĩ nhiên không phải lo nạn móc túi, cướp giật.





Lúc này mới là 27/11 nhưng không khí Noel đã bắt đầu ở các nhà hàng McDonald's. Người New Zealand họ ăn bánh mì thịt, pho mát không dùng đũa và tăm để xỉa răng. Lại nhớ mấy bà Maori dọn phòng thấy bác Lái Cân nhà ta ngậm tăm khi nói chuyện với họ lại ngậm hẳn que tăm vào mồm làm cho họ sợ rú lên như thể bác ta sắp tự tử vậy. ke ke!



Bảng giá trên quầy ghi rõ giá một tô (phở) Seafood of chicken Lacka Noodle soup và Seafood Tom Yum  Noodle soup đều có giá 16,50 NZ$, quy ra tiền ta cũng không hề rẻ đâu nhỉ. Vừa rồi thấy báo chí nện thịt bò Kobe nên thấy thịt bò New Zealand là nhất, có điều không thể mang về được.



Boardingpass của y lên máy bay ở Auckland đi Wellington





Lên tàu bay tiến về thủ đô Welington, phía trước là gã IT của TTTH




Các nữ lão tiếp viên của Air New Zealand, chu đáo niềm nở nhưng không mát mắt như các em tiếp viên của VNA hay một số hãng châu Á khác có lẽ do dân số của New Zealand, già và ít (>4,2 triệu dân) nên khó tìm, hơn nữa đây là nghề vất vả và nguy hiểm chứ không hề được quan niệm là nghề hot hay thời thượng nên không có các tiếp viên trẻ. Ra đường người ta đi hối hả nhưng khi qua đường hay lên xe lại rất từ tốn trật tự không có chen lấn. New Zealand, dân số già, người trẻ rất ít. Ở Văn phòng hạ viện có người đưa thư (văn thư) nay đã 77 tuổi. họ không có quy định tuổi nghỉ hưu vì quy định như ta thì chức không có đủ người để làm việc.




Không biết ông này có phải người Ả rập không nhỉ?




Dọc phố có các quán ăn nhưng họ ăn rất nhanh, đứa nào ăn thì tự trả tiền, ăn xong có uống nhưng cà phê và trà của họ nhạt. Wifi bên đó các quán cà phê, khách sạn đều có nhưng phải trả tiền thì mới có thể truy cập (Sẽ được cung cấp password) mà giá cũng không hề rẻ so với ta. Dù sao thì ở ta quen rồi vẫn thấy sướng hơn nhiều.

Một quán ăn buổi sáng lưu động, nhưng cả tuần vẫn thấy cố định trên phố Terrace




Quán bia trên phố đi bộ




Uống bia chỉ có bia, không có "mồi nhậu", thanh toán trước khi lấy bia mà là quẹt thẻ chứ không lấy tiền mặt. Giá 7 $/cốc, các bác nghiện bia nói là "nhạt hơn nước đái bò". Quán này ở đầu đường Wilis


Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Đường xa vạn dặm

Xem trên màn hình hiển thị hành trình của máy bay thì lúc này là đang trên bầu trời nước Australia. Bình minh vừa ló rạng nhưng là nửa đêm bên nhà, mình vừa chợp mắt một lúc trời đã sáng, thì ra lệch múi giờ, họ đi trước mình 6 tiếng. New Zealand là đất nước nhìn thấy bình minh sớm nhất trên trái đất đấy.




Ngó qua cửa sổ thấy bồng bềnh mây trắng. Y ngồi số 32 A sát cửa sổ và ngay sau khoang thương gia. Nhớ hồi năm nọ đi sân bay Cam Ranh ngồi ghế số 18, khi về kể chuyện, ông cọc chèo đánh ngay con đề thế là trúng, hôm ấy quên mất không nhắn cho ông ấy để làm con "bạch thủ" kiếm cái xe hơi coi chơi! he he.





Đất nước New Zealand hiện dần ra bên cửa sổ máy bay Boeing 777




Bắt đầu vào thành phố Auckland, thành phố đông vui sầm uất nhất New Zealand với hơn 1,3 triệu dân.




Đồng cỏ và nông trang, phía xa xa là biển




Ra khỏi tàu bay, y làm ngay kiểu ảnh lưu niệm(Chiếc áo kẻ màu hồng mà y đang mặc sau này cũng bị bỏ lại sân bay Auckland, nguyên nhân sẽ kể sau)




Có lẽ đất nước này nhiều điện nên hàng ngày sử dụng các thiết bị chủ yếu bằng điện
Phong điện chi chít bên bờ biển. Gã New Zealander râu xồm, quần short ngồi bên cạnh nghiêng người cho y chụp ảnh những chiếc quạt gió, gã có vẻ như rất thích chiếc lô gô Olimpic y đeo trên ngực, hỏi rằng có phải cờ Việt Nam không? Y giải thích ý nghĩa cho gã và không quên tặng gã trước khi rời máy bay, gã rất thích và cảm ơn rối rít.

Giá treo khăn trong nhà tắm kiêm luôn máy sấy, trong nhà còn có máy sấy, máy sưởi điện nên quần áo giặt xong cho vào sấy khô ngay không cần treo ra ban công







Máy sấy, sưởi ở trong phòng



Các tòa nhà công sở về đêm sáng trưng dù vắng bóng người



Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Đón Sinh nhật ở New Zealand

Cũng có nhiều lần mình không đón sinh nhật ở nhà nhưng lần này thì lại đón sinh nhật ở thủ đô của New Zealand, thật là thú vị. Gần trùng với ngày sinh của bác Trưởng Đoàn công tác và cuộc liên hoan toàn đoàn kiêm luôn sinh nhật chung của hai anh em rất vui vẻ có đủ các món ăn tây và ta cùng rượu mạnh, bia, vang nho New Zealand. Ngồi được một lúc chừng19h00' (Lúc này mặt trời còn trên cao) thì chứng kiến một trận động đất, nhà rung lắc, cửa kính rung bần bật, cốc chén xô nghiêng chừng nửa phút. Hôm sau nghe phía bạn nói mới biết trận động đất ấy 6,5 độ rich-te nhưng vì hàng năm có vài ngàn trận động đất nên chỉ có những trận động đất từ 7,5 độ rich-te trở lên thì mới thông báo, cảnh báo. Lúc này mới hiểu vì sao vật liệu làm vách ngăn trong căn hộ mình đang ở lại nhẹ và chắc như vậy
Hôm 08/12 đang làm việc với Văn phòng tư vấn lập pháp của nghị viện trên số 1 Terrace cũng chứng kiến thêm một trận nữa 4,5 độ rich-te. Hồi tháng 2 đầu năm nay một trận động đất lớn xảy ra ở thành phố B. Pác Cơ đã khiến gần 200 người thiệt mạng.
Từ sáng cả bọn (Cũng phải cỡ 9h, vì bên đó làm việc từ 9h đến 12h trưa, chiều từ 13h30 đến 16h30, 17h là đường phố đã vắng tanh như bên ta ngày 1 tết vậy, các cửa hàng trên phố đều đóng cửa nghỉ) đã đi chợ nông sản ở cuối phố Willis, nối với Lambton Quay. Chợ này chỉ họp sáng Chủ Nhật và mới xuất hiện cách đây vài năm do các nông dân mang nông sản của mình từ các nông trại trên các xe tải đến bán, người dân ở đây chỉ quen mua sắm ở các siêu thị, giá cả cũng rẻ bằng 2/3 siêu thị nhưng cũng đều có nhãn mác, giá cả. Chợ không rộng lắm nhưng gọn gàng ngăn nắp không ồn ào, chen lấn, không có rác. Người dân đánh xe hơi đến chợ, lựa đồ mua cho cả tuần trên xe đẩy rồi mang ra xe hơi của mình ở bãi đỗ trên phố hoặc phía sau chợ.







Cá hồi, thịt cừu, xúc xích ...cùng vang nho đã sẵn sàng




Cận cảnh...




Cùng nâng cốc chúc mừng



Một thành viên Đoàn nâng ly chúc mừng sinh nhật của Y (04/12)




Một thành viên khác tặng quà sinh nhật cho  Y bằng tờ 2 US$ may mắn có sự chứng kiến của 4 thành viên khác. Chắc năm nay Y may mắn lắm đây. Một chai Chivas 12 đã ngã, một chai Vodka Danzka cũng sắp sửa khai nút! Phía bếp mấy chị em vẫn đang tất bật. Khà khà...




Nhân Noel hôm nay mời các bạn xem một loại cây mình cũng không rõ tên nhưng được trồng phổ biến trên đường phố Wellington được bạn giới thiệu là thay cho cây thông Noel, cây có hoa đỏ cũng rất đẹp, tán rộng như cây bằng lăng bên ta nhưng lá nhỏ hơn.




Cây trước New world, siêu thị - hệ thống bán lẻ lớn phổ biến ở NZ
Thủ đô nhỏ có trên 300 ngàn dân nhưng cứ đi một đoạn lại bắt gặp siêu thị, mua sắm tấp nập. (Không có chợ cóc vỉa hè)