Người theo dõi

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Nhân chi sơ, tính bổn thiện

Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: đó là câu Nhân chi sơ, tính bổn thiện
Từ bé y đã hay nghe mẹ nói thế, rằng thì con người ta sinh ra vốn tính thiện mọi cái ác tà, tham lam, xấu xí thì qua cuộc sống mới hình thành. Bọn y còn xuyên tạc thành Nhân chi sơ là sờ tý mẹ, tình bổn thiện là miệng muốn ăn, he he....Ấy là hồi bé nghe vậy chứ lớn lên lại nghe thầy giáo bảo Nhân chi sơ, tính bổn ác nghĩa là cái ác đã có sẵn, tiềm ẩn trong mỗi con người từ lúc còn trong bụng mẹ rồi sinh ra do thiên hạ giáo dục rồi mới trở thành thiện do đó con người rất có thể bất thình lình mà bổn ác chứ chả chơi, bọn nghịch tặc cứ xuất hiện liên tục và cha mẹ, thầy giáo cũng như cả bản thân con người đó cũng chẳng thể lý giải nổi. Có lẽ đó là lúc cái phần "con" hoang dã trong con người trỗi dậy. Thú thuần chủng khi có điều kiện khơi gợi bản năng thì nó lại là thú hoang đúng nghĩa, cái đó đúng với chuyện con voi mới đây quật chết người mà các chuyên gia đồ rằng đó là do mùi và màu sơn mới. Cũng vậy với câu chuyện ở nước lạ, muốn thủ tiêu một nhân vật người ta xịt nước hoa lạ vào diễn viên xiếc thú để hạ sát họ một cách ...tự nhiên nhất. Nghe thế nào cũng có lý cả
Nhưng có một chuyện y nghe kể đứa trẻ hàng xóm

Hồi đó nó mới hơn 3 tuổi và có lẽ cũng là ký ức đầu tiên mà nó còn nhớ, hồi đó ngày tết còn tục lệ đốt pháo: Pháo tép, pháo đùng, sau này thì có pháo cối, pháo tăm nhỏ li ti. Pháo được tết thành dây dài chúng nửa mét người ta có thể đốt cả bánh hoặc cắt đôi, có khi tháo rời từng quả cho trẻ con đốt dần. Ông bác của nó nhân dịp năm mới mừng tuổi cho vài chiếc pháo tép như vậy và người lớn cũng không ai hay. Thấy người ta đốt, nó cũng cầm trong tay và cho vào bếp đang đun bánh chưng: "Bép!" tiếng nổ tóe lửa trong tay, dù là pháo tép nhưng cũng đủ xé rách tay nay đã thành sẹo!
Chao ôi là đau, nhưng chỉ lúc đó thôi, rồi lại quên ngay bởi cái không khí tết rộn ràng mùi bánh chưng thịt mỡ dưa hành và...pháo những thứ mà đến Tết mới có ở cái thời gạo châu củi quế, đói khát triền miên thì được ăn uống thỏa thuê thì tết quả là một dịp hiếm có, mỗi năm chỉ có...một lần
Cái gay go là vết thương hở thì cấm ăn thịt gà gạo nếp, chẳng biết thật hay hư nhưng u nó cấm tiệt và hứa sẽ để phần 2 cái đến khi nào khỏi thì ăn.
Với bản năng hay tham, sân, si...trỗi dậy nó đáp ngay rất ngây thơ và thậm vô lý:
- Hai  cái con không ăn hết, phải bốn cái con mới ăn hết
Đó là cái sự tham bản năng hay do cuộc sống khốn khó nó dạy bảo nhỉ, nhắc thêm rằng khi đó nó mới hơn 3 tuổi mà thôi.
Đến giờ mỗi khi nhắc lại cái "tuổi thơ dữ dội" ấy mấy anh em tôi vẫn không nhịn được cười.

"Tuổi thơ dữ dội"


Nhân chi sơ...

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Trưa Làng Chiềng


Mấy hôm nay trời rét quá, chẳng nhớ mùa đông mà lại nhớ mùa hè Làng Chiềng thuở xưa. Ngày ấy rừng còn nhiều, đất rộng người thưa. Làng Chiềng chỉ độ dăm ba chục nóc nhà tranh gói gọn trên đỉnh đồi hình con rùa. Hươu nai chạy qua làng là chuyện thường thấy.
Trưa hè oi ả, ran tiếng ve kêu, tiếng chim muông cầm thú. Mấy ông lão nông vác xẻng thăm đồng tiện thể ngửa mũ tát chuôm kiếm mớ cá buổi tối, mấy người đi nhổ mạ sớm nhưng còn nắng hẵng còn ngồi trú dưới cây sòi già trên cánh đồng Tu Luông. Thi thoảng một chiếc xe nhà binh hay xe ca chở khách từ Lạng Sơn ầm ì qua làng, trên xe lúc nào cũng chật cứng người dù cho trời nắng nóng ai nấy lè lưỡi ra mà thở. Nóc xe chất đầy ắp hàng hóa tưởng không thể đầy hơn nào xe đạp quang gánh thúng mủng đủ thứ trên đời, có khi cả mấy chục người vắt vẻo ngồi trên đó coi thần chết chả là gì, hàng chục người đu hai cửa trước sau, nom chiếc xe như một con quái vật. Ngày ấy, ai đi xe cũng đồ đạc lỉnh kỉnh áo quần lôi thôi lếch thếch.
Trời nắng nóng chỉ có cách đằm mình dưới vực Là Lìu hây chờ gió trời chứ chưa có quạt máy như bây giờ bởi Làng Chiềng không có điện. Mỗi trưa vực Là Lìu đông hơn hội già trẻ lớn bé hò reo vang trời, tiếng nô đùa, tiếng cha mẹ réo con nít về đi trâu, tiếng vợ tìm chồng lao xao đến nắng xế mới thôi và chỉ lặng đi đến mặt trời xuống núi lại trận tắm tối diễn ra hào hứng. Tốp này lên bờ lại tốp kia nhảy xuống, chơi pháo đài vật nhau bùn đất đầy người chỉ ló 2 con mắt, góc ao nhà ông Đỏ là bụi tre đằng ngà soi bóng chỗ cấy si già mọi người khắc tên, làm thơ và gửi thông điệp cho nhau từ hẹn hò đến chửi xéo. Té ra người làng Chiềng cũng ưa ghi danh bia đá bảng vàng từ độ ấy chứ chả phải bây giờ như mọi người đến khu du lịch thường hay khắc tên kiểu như "Ta đã tới đây"...
Nắng cháy da, cháy thịt có hôm bọn y đội nón mê le te đi xúc cá tép, vớt được cả mấy xô cua đồng về ăn không hết đổ cho lợn. Cua mang về giã ra nấu rau đay hoặc rang khô. Bây giờ thì ít rồi, có bắt được con chồn con cáo rắn rết thì lại hè nhau uống rượu. Không biết đấy là mức sống ngày càng lên cao hay lối sống ngày càng tha hóa? Người uống rượu nhiều, say rượu ẩu đả cũng lắm nhưng hình như đánh vợ ít đi thì phải
Ngày xưa mấy mụ lắm điều về làm dâu làng Chiềng thi thoảng lại thấy thâm mày, tím mặt hoặc cảnh rượt đuổi nhau huỳnh huỵch kêu la vang trời y rằng là các vợ chồng trẻ nện nhau, thỉnh thoảng lại có cả vợ chồng trung niên thế là mấy ông bà hay hóng chuyện lấp ló sau dậu nghe ngóng binh tình xem có nên ra can hay không hay để nó đánh nhau phân chia thắng bại rồi mới ra khuyên nhủ, miệng dẻo quẹo và cười mỉm, bụng thì khoái chí lắm ý rằng nện thêm tý nữa mới xôm trò. Rồi làng xóm được phen tụ tập, bình luận bàn tán đến hết buổi cấy vẫn chưa thôi. Cây Hồng phác (Có lẽ là cây Hồng Pháp mà dân làng Chiềng đọc chệch đi chăng? cây này to cao và nhiều cành ngang như cành bứa, quả to, tròn, hạt cũng to) nhà ông Pháng và cây trám trắng nhà ông Tuyên trưa nào cũng đông người leo trèo hái quả, cãi nhau chí chóe.

Trưa hè làng Chiềng tĩnh lặng 



Năm 2006 tại Hà Nội (Cái ảnh này y chụp bắng máy Nokia 7610 rồi gửi bluetooth không được, đành chụp lại bằng iPad)



Và bây giờ, 2013 tại Quế Lâm, dĩ nhiên là cái áo khác kẻ giống vậy chứ không phải cái mặc năm 2006. Nom y đã xuống cấp, ọp ẹp, xập xệ đi nhiều...


Còn đâu dáng vẻ thư sinh như ngày xưa