Người theo dõi

Hiển thị các bài đăng có nhãn Nghiên cứu - suy ngẫm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nghiên cứu - suy ngẫm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Goodbye, i'm fine

 Rồi ngày chia tay cũng đã đến, tạm biệt, tôi ổn

Vậy là khép lại chặng đường 4 năm 9 tháng ở mảnh đất biên thùy đầy yêu thương, sóng gió. Nhớ ngày nào vừa vào đầy lo lắng với vô vàn công việc mới mẻ khó khăn, vất vả. Nào là cưỡng chế giải phóng mặt bằng nào là dịch tả lợn châu Phi, buôn lậu trên biên giới đến thiên tai bão lũ, đại dịch Covid 19, những đêm không ngủ, những ngày không nghỉ. Bù lại được bà con cô bác, cán bộ yêu thương. Xin Cảm ơn Lộc Bình đã cho cuộc sống của y thêm nhiều ý nghĩa, thêm yêu thương sẻ chia. Vẫn biết là sẽ ra nhưng vẫn thất sao mà bất ngờ, bâng khuâng, sao xuyến. Mình là người hướng nội quá chăng?

Ra môi trường mới chắc cũng sóng gió, chông gai nhưng y sẽ lấy tinh thần, cảm hứng từ Lộc Bình để hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mới

Lộc Bình ơi, ta mến yêu Người!

Những hoạt động của tháng cuối còn công tác ở Lộc Bình









Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

Nhà trình tường

 Cả thanh xuân viết cuốn sách "Nhà trình tường, kiến trúc độc đáo của người Nùng bản Khuyên Hin -Lạng Sơn" (1998 - 1999) không uổng công, được giới thiệu trên VTV1 Hành trình di sản và trên VTV5 mục Chuyện làng, chuyện bản và chuyên mục mỗi ngày một cuốn sách của LSTV và cả chuyên mục của tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng 









 

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Thuyết khách

 Mỗi khi gặp khó bởi lòng người thì người ta hoặc buông xuôi, hoặc tìm mọi cách, nói theo kiểu bọn trẻ giờ là đông, tây y, ma, mo, then kết hợp. Y thì nghĩ khác là đã khó lòng người thì chỉ có cách đi vào lòng người mà thôi

Và, ít nhất hơn một lần mới đây y cũng đã phải và làm được điều đó.

Ai cũng có tham sân si, đố kỵ, hiếu thắng...khi họ đã bị trượt đường ray là cứ trượt mãi thôi nếu ta không biết cách giữ họ lại.

Chẳng có bí quyết gì đâu: đặt mình vào vị trí của họ và họ khó chỗ nào mình tấn công vào chỗ ấy thu phục nhân tâm ắt sẽ được

Cũng nhiều lần gặp, nhiều lần gọi điện và ngồi cả buổi cũng có, khôn khéo đúng tâm can họ sẽ đạt kết quả thôi

Một số ảnh không liên quan đến entry này:

Cổng vào khu đô thị DANKO CITY TP Thái Nguyên


Cầu vào Trung tâm TP Thái Nguyên




 "Lối về miền hoa" - Đường vào nhà y ở quê  (Tên một bộ phim truyền hình đang chiếu trên VTV)



Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Cha già con cọc

 Thai nghén từ những năm cuối của thế kỷ trước ấy vậy mà tận mới đây y mới cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên, đúng là "cha già, con cọc". Dẫu sao cũng được an ủi rằng cũng có một số ít người quan tâm đến

Đối với y thế là phấn khởi lắm lắm rồi 


Bìa sách rất bắt mắt, khuôn khổ 14 x 20 cm


Sách xuất bản năm 2020, số lượng 300 cuốn



Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

Ngày đầu tiên năm mới đi làm

 Hôm nay ngày 17/2 tức 6 tháng Giêng năm Tân Sửu, ngày đầu tiên đi làm. Cũng giống gần 30 ngày đầu tiên đi làm như đã, có điều năm nay đi làm khi các tỉnh xung quanh có dịch Covid - 19 khi loài người vẫn loay hoay chưa khống chế được nó.

Một năm mới cũng đầy thử thách và sẽ có nhiều pha hồi hộp lẫn những đối diện đau đầu đã nhìn thấy trước

Thôi nào ta lại lấy đà để vượt qua, dù sao thì 2020 cũng không đến nỗi tệ lắm, tạo đà cho 2021 con trâu vàng mới... thử xem chó với trâu chơi với nhau thế nào...

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

Cơ may hiếm có

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, y có cơ may được tham dự, mặc dù cũng qua mấy vòng bầu bán nhưng đúng là cơ may bởi khe cửa lọt vào là rất rất hẹp bởi y không nằm trong BTV và một trong số ít UVBCH. 5 năm mới có một kỳ và hẳn nhiên kỳ sau khó có cơ hội nữa.

Để vài tấm ảnh đây làm kỷ niệm












Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Tháng Mười

 Bao giờ cho đến tháng Mười

Bát cơm đầy ắp con cá chuồi nằm ngang

Từ bé y đã nghe câu ca dao ấy cứa vào lòng một hoàn cảnh đói khát lúc giáp hạt, chỉ mong đến mùa gặt có cơm, có cá đút vào mồm, thời đói khát chắc đầu óc cũng chỉ nghĩ đến cái ăn thôi. Giờ thì không còn đói khát cái dạ dầy nữa nhưng xã hội lại bắt đầu đói khát sự no đủ giàu sang, đói khát thông tin, đói khát sức khỏe thậm chí đói khát cả sự tử tế, chân thành.

No cơm nhưng lại đói nhiều thứ quá!

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Công việc mới

Tháng 7 này y chuyển sang công việc mới ngay từ ngày đầu tháng. Trách nhiệm cao hơn, công việc mới nhưng không lạ.
Vậy là qua thời kỳ những ngày vô cùng bận rộn, áp lực và sôi động với vô vàn kỷ niệm buồn vui, hồi hộp, lo lắng, căng thẳng và cả những trải nghiệm chưa hề có. Nhiều lúc thấy mình sao có sức khỏe đến vậy
Thôi thì sang công việc mới lại cố gắng mới thôi



https://locbinh.langson.gov.vn/hoi-nghi-chuyen-de-ve-cong-tac-can-bo




Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Chào 50

Nhanh thật, vậy là y đã cán mốc 50 rồi, xưa ở làng Chiềng tuổi này là đã nên ông nên bà, việc cấy hái cày bừa đã chuyển dần cho con cháu. Tuổi này là trông cháu, đi ăn cỗ và làm các việc nhẹ nhàng bởi sức đã yếu do lao động chân tay bán mặt cho dất, bán lưng cho giời.  Các cụ đã đúc kết cấm có sai: "ngũ thập tri thiên mệnh" tức đã biết được mệnh trời.
Y vào nơi biên tái cũng đã trên một năm rồi, biết thêm nhiều thứ, cuộc đời thấy có ý nghĩa hơn.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Kỷ niệm một năm

Ngày này năm ngoái y được bổ làm tri huyện Lộc Bình, thời gian thấm thoắt thoi đưa, y đã gắn bó với mảnh đất có nhiều duyên nợ này. Công việc đã quen dần và thích nghi nhưng không biết có phải không nhiều bạn bè nói rằng từ lúc vào đây y già nhanh hơn, he he. Già đương nhiên rồi nhưng già nhanh thì cũng cần phanh lại chứ nhỉ.
Một năm với nhiều buồn vui, nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm về công việc, về nhân tình thế thái. Một năm với công việc bộn bề và sôi động làm cho y chín chắn hơn, không có thời gian nhiều cho vui chơi, cho gia đình và cho đọc sách và cả những phiền muộn, suy nghĩ về những đố kỵ, nhỏ nhen của người đời, cái vặt vãnh thường nhật, nhưng một năm y cũng về quê thăm mẹ được nhiều hơn, làm được nhiều việc tốt hữu ích cho đời, vậy là y cũng lấy thế làm vui lắm lắm.
Có thể nói năm qua là một năm thành công và hy vọng những điều tốt đẹp đang đón chờ y ở phía trước.





Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Viết gì đây nhỉ

Vậy là y đã ra nơi biên tái 8 tháng, chả mấy mà lại chẵn năm tròn. Việc mới cũng rèn rũa con người nó phait thích nghi hơn nhưng thời gian cũng bận rộn nhiều hơn. Thú vui tao nhã và quý tộc cũng không còn được nhiều thời gian như trước, thời gian cho vợ con cũng giảm, nhiều thói quen, sở thích cá nhân cũng hạn chế và việc viết blog gần như không thể. Mạng xã hội có đảo qua nhưng chả mấy khi  y like, share cái gì, post cũng rất hiếm hoi
Biết viết gì khi nhịp song nhanh và gấp, ngẩng mặt lên đã hết ngày chưa làm được gì đã hết tuần và mấy nữa là hết năm?
Thôi thì viết vài suy nghĩ nhân buổi tối nằm tại nhà khách huyện.

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Chào tháng Mười

Tháng Mười hình như đi vào thơ ca nhiều hơn:
"Bao giờ cho đến tháng Mười
Bát cơm đầy ắp con cá chuồi nằm ngang"
Nghe đã thấy no đủ
Thàng Mười là giữa thu, thời tiết khi hậu chiều lòng người mát mẻ mà không rét, mặc sao cũng được, tháng Mười là mùa gặt hái, thu về thành quả và để bắt đầu cho một chu trình mới đầy hứa hẹn. Tháng Mười cũng ít thiên tai khắc nghiệt, là tháng vào mùa thành đôi lứa, sinh sôi nảy nở
Tháng Mười này y cũng sang ngang bỏ nghề thư lại, chửa đi mà ông bạn đã lẩy Kiều:
"Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san...


Đi là để trở về
Đi là để mở ra một hành trình mới, chính là sự phát triển như Tháng Mười và no đủ ấm yên như tháng Mười vậy
Đi thôi...

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Bạn đã biết cách hưởng thụ chưa?

Nhiều người cho rằng như vậy là viển vông, ăn còn chưa đủ hưởng thụ cái gì. Đó là tư tưởng của thời bao cấp, nghèo đói, tự ti.
Người Việt mình vẫn còn tâm lý để dành, ăn uống cũng phải ăn dè, chỉ lo tích lũy, tiết kiệm cho con cháu mà như vậy là làm hư chúng và kìm hãm sự phát triển khi có tiền không đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, từ thiện mà chỉ để tiền chết trong vàng, ngoại tệ và đất đai, thậm chí cất trong tủ trong khi không ăn tiêu, mua sắm, du lịch, hưởng thụ. Đời lúc nào cũng chìm trong lo toan, chắt bóp, không cả chú ý đến sức khỏe của mình mà không biết rằng đời người rất ngắn, khi ốm đau thì bao nhiêu tiền cũng không đủ chạy chữa. Cuộc đời chẳng được thảnh thơi.
Hôm nay lang thang trên mạng đọc bài "Bao giờ chúng ta ngừng kiếm tiền và biết cách hưởng thụ?" của Phan Thanh Nga thấy sao đúng quá, bạn ấy bảo khi ta qua tuổi 50-60 thì hãy chi tiêu những đồng tiền bạn cất giữ để đi du lịch, mua sắm thứ bạn thích, cho đi những gì có thể và đừng quan tâm nhận lại...ấy là biết hưởng thụ.
Y đã sắp cán mốc 50

Nào thì Y di hưởng thụ thôi, he he, trong ảnh là chân núi Phú Sỹ Nhật Bổn

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Chuyện có gì đâu

Chuyện có gì đâu chứ, mà không phải tập thơ của mấy anh chàng văn bựa trên cõi ảo, Dái ghẻ, Phọt phẹt, Mượt, Lọc ...và cái CCC gì gì nữa đâu nhé. Y chưa đọc cuốn ấy nhưng có đọc văn của mấy gã rồi.
Chuyện có gì đâu ở đây là chuyện tự dưng một ngày đẹp giời Bộ dục đòi tích hợp môn Lịch Sử ở phổ thông vào một môn gọi là Tổ quốc và công dân, he he
Nhiều thế hệ thầy và trò chân chính đã phản ứng
Nhiều người không nhịn được đã chửi bậy
Nhưng họ không nghe
Họ cứ làm theo ý họ
Chả biết có phải dự án đã triển khai thì không dừng được
vì tiền đã tiêu (chia)
Dư luận gầm gào
Đáng ra họ thấy vậy thì nên xem lại, ngó trước ngó sau.
Nhưng họ loanh quanh
Vậy là Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân phải vào cuộc ra nghị quyết phải tiếp tục dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông như lịch sử vốn có của nó
Rất giản dị
Nhưng cái chính là hình như chúng ta đang lấy búa đinh đập muỗi
Chuyện có gì đâu
Hình như có gì chưa ổn trong chuyện này
Quân hồi vô phèng, không ai nghe ai, việc cỏn con ấy mà cũng phải ra Quốc hội quyết. Các Bộ giờ chả sợ ai sất!


Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Giáo làng Chiềng vừa được thượng thư Bộ Học tặng cuốn sách Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của tiến sỹ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã.
Ông sinh 14/3/1939 tại Ninh Bình đã từng tốt nghiệp Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn 1962-1965. Trưởng nhóm nghiên cứu và phát huy truyền thống Việt Nam từ 1974 đến nay. Tổ trưởng Phương pháp dạy học lịch sử trường Cao đẳng sư phạm thành phố Hồ Chí Minh 1981-2000.
Cuốn sách có rất nhiều sử liệu tin cậy, qua đây có thể hiểu rõ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đaor Trường Sa đã được xác lập từ lâu, đó là sự thật lịch sử, là chân lý và hoàn toàn phù hợp với luật pháp Quốc tế. Qua đây thấy thêm yêu đất nước, thêm yêu biển đảo quê hương.



Up vài cái ảnh thủ đô những ngày nắng nóng:
Lăng Bác


Dĩ vãng



Ông bình vôi niên đại thế kỷ XXI


Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Làm quan có vì dân?

Làm lính thì ai mà chẳng muốn có ngày được lên quan, nhưng ai cũng làm quan thì ai làm dân? Mà thời nay ai làm quan cũng chỉ muốn thu vén, vinh thân phì gia chứ có ai tận tâm, tận tụy lo cho dân?
Cái đó nó phát ra mồm, rồi nó trở thành phong trào...thế mới nguy!
Ngồi đâu cũng thấy bàn chuyện quan tước, hạ phóng rồi lộ trình sẽ làm ông nọ bà kia..rồi thì chỗ này thơm, chỗ kia xương...Vào rồi thì lo thu vén, thu hồi vốn, rồi có lãi, rồi lại mua bán cái vòng luẩn quẩn bi hài. Trăm phương ngàn kế bắt đầu được đưa ra, nhất là thời điểm giao mùa. Người ta chạy cả âm cả dương, có anh nói vui là phải thường xuyên "thắp hương" cả đền chùa và thắp cho cả các quan...đương sống thế nên mới có chuyện đi xin ấn, xin lương vào dịp đầu xuân ngõ hầu để được làm quan rất nhộn nhịp.
Mạt rồi
Chỉ có dân là khổ, ấy là còn chưa "đáo tụng đình" đấy, chứ mà....ặc ặc

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Năm Ngọ, nói chuyện ngựa

Vậy mà đã cận cái tết con ngựa rồi, chưa nên cơm cháo gì
Vừa mới ngày nào mới tròn 2 con giáp khi còn ở ký túc xá sinh viên cũng năm Canh ngựa có thằng lấy than viết lên tường câu đối mà y đã có lần kể Ở ĐÂY

"Năm Ngọ tiễn ngựa chuồn cả phòng nam cùng tán gái
Tân Mùi đưa dê đến chúng ta càng dê thêm"
Ngựa cũng rất gần gũi và tình nghĩa với người, chả thế mà có thiên chuyện nổi tiếng của một nhà văn nổi tiếng "Người ngựa, ngựa người". Không chỉ "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" mà khi chủ của chúng ốm chúng cũng nhịn ăn, rớt nước mắt. Có nhiều loại ngựa, ngựa thồ thường ở miền núi, ngựa xe ở khắp nơi, ngựa đua, ngựa chiến.
Hay giở thì có ngựa hay, ngựa chứng có tài nhưng lắm tật.
Ai thẳng tính bộc trực, nói ngay những điều có thể nghịch nhĩ thì là người "thẳng ruột ngựa". Kẻ nào hay khích bác dương đông kích tây gây mất đoàn kết dân gian gọi là "Buộc đuôi ngựa đá nhau chơi", ai hay đi như y chẳng hạn, dù không cầm tinh con ngựa thì cũng gọi là "đi như ngựa vía", nữ mà không thanh lịch, ăn nói băm bổ, người thẳng đuỗn, ba vòng chắc nịch như một thì ví như ngựa cái. Chẳng biết sao các đấng nam nhi đột ngoẻo trong lúc sung sướng khi "lâm trận" lại gọi là "ngã ngựa" hay tiếng Hán là "thượng mã phong". Mấy ông sếp nhớn dính chàm hạ cánh trong màu áo Ju - ven - tút thì cũng dùng từ bị "ngã ngựa".
Không phải chủ thì đừng có xới rớ sau đuooi ngựa nhé, coi chừng nó đá hậu cho thì tung cả răng đấy, "hàm chó, vó ngựa" mà
Hồi thịt bò có giá những năm bao cấp, coi chừng mua phở bò mà lại xơi thịt ngựa, nhưng nay thì thịt ngựa lại lên ngôi là đặc sản rồi đó. Thời buổi kinh tế suy thoái, lạm phát tăng nhanh chả rõ mấy ông nhà báo hay nhà kinh tế, chính trị khỉ mẹ gì hay dùng từ lạm phát với tốc độ "phi mã", gọi riết thành quen. Giống mèo mả gà đồng hay phường đạo chích nghịch tặc tìm đến nhau thì gọi là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Mấy anh nhà quê ra tỉnh có chút chữ thánh hiền được làm quan, váy áo xênh xang sớm chiều đưa rước thì được coi là "lên xe, xuống ngựa" thì lấy làm vinh hạnh lắm. Vào cửa quan phải xuống ngựa dắt vào gọi là "hạ mã". Mạnh Tử nói :Nhân thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích, hốt nhiên chi dĩ (nghĩa là người ta sống trong khoảng trời  đất cũng như ngựa trắng qua cửa sổ trong chốc lát) còn gọi là bóng câu hay bóng ngựa hồng bay qua cửa sổ.
Cao ngựa bạch mắt thau nguyên chất (khó tìm lắm) thì rất tốt cho người già và phụ nữ đặc biệt là thai phụ. Phổi ngựa rang cháy pha nước uống thì hen suyễn mất tiêu.
Y có ông bạn già U60 chuyên nấu cao ngựa bạch nên thi thoảng cũng được biếu một lạng nguyên chất, quả là tốt và hiếm nhưng anh ta đã treo nồi thề không bao giờ nấu nữa bởi năm ngoái mới đây có lần nấu bằng bếp ga, nồi áp suất chẳng biết bù khú với những lòng ngựa, tiết ngựa thế nào mà nồi cao đã sắp thành phẩm bỗng dưng nổ vang trời to hơn bom, thổi bay những gì xung quanh trong bán kính 10 mét, may là nửa đêm không có thương vong. Chắc hồn ông Bạch Mã về oán đây!
Điển tích, điển cố thì có chuyện "Tái ông thất mã" (Tái ông mất ngựa - mất ngựa chưa chắc là điều rủi....) rồi thì "Tứ mã nan truy", rồi là "mã hồi", thay ngựa giữa dòng...
Còn chuyện gì liên quan đến ngựa nhân năm ngựa không? Mọi người kể tiếp đi nhé!


Còn y dù đi như ngựa vía nhưng năm nọ ra Vinpearl Land, Nha Trang làm "cao bồi già" cũng chỉ dám cưỡi con ngựa chạy bằng điện này thôi, có lẽ vì thế nên y cứ lẹt lẹt đi sau thiên hạ tít xa trên con đường quan lộ!





Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Nhân chi sơ, tính bổn thiện

Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: đó là câu Nhân chi sơ, tính bổn thiện
Từ bé y đã hay nghe mẹ nói thế, rằng thì con người ta sinh ra vốn tính thiện mọi cái ác tà, tham lam, xấu xí thì qua cuộc sống mới hình thành. Bọn y còn xuyên tạc thành Nhân chi sơ là sờ tý mẹ, tình bổn thiện là miệng muốn ăn, he he....Ấy là hồi bé nghe vậy chứ lớn lên lại nghe thầy giáo bảo Nhân chi sơ, tính bổn ác nghĩa là cái ác đã có sẵn, tiềm ẩn trong mỗi con người từ lúc còn trong bụng mẹ rồi sinh ra do thiên hạ giáo dục rồi mới trở thành thiện do đó con người rất có thể bất thình lình mà bổn ác chứ chả chơi, bọn nghịch tặc cứ xuất hiện liên tục và cha mẹ, thầy giáo cũng như cả bản thân con người đó cũng chẳng thể lý giải nổi. Có lẽ đó là lúc cái phần "con" hoang dã trong con người trỗi dậy. Thú thuần chủng khi có điều kiện khơi gợi bản năng thì nó lại là thú hoang đúng nghĩa, cái đó đúng với chuyện con voi mới đây quật chết người mà các chuyên gia đồ rằng đó là do mùi và màu sơn mới. Cũng vậy với câu chuyện ở nước lạ, muốn thủ tiêu một nhân vật người ta xịt nước hoa lạ vào diễn viên xiếc thú để hạ sát họ một cách ...tự nhiên nhất. Nghe thế nào cũng có lý cả
Nhưng có một chuyện y nghe kể đứa trẻ hàng xóm

Hồi đó nó mới hơn 3 tuổi và có lẽ cũng là ký ức đầu tiên mà nó còn nhớ, hồi đó ngày tết còn tục lệ đốt pháo: Pháo tép, pháo đùng, sau này thì có pháo cối, pháo tăm nhỏ li ti. Pháo được tết thành dây dài chúng nửa mét người ta có thể đốt cả bánh hoặc cắt đôi, có khi tháo rời từng quả cho trẻ con đốt dần. Ông bác của nó nhân dịp năm mới mừng tuổi cho vài chiếc pháo tép như vậy và người lớn cũng không ai hay. Thấy người ta đốt, nó cũng cầm trong tay và cho vào bếp đang đun bánh chưng: "Bép!" tiếng nổ tóe lửa trong tay, dù là pháo tép nhưng cũng đủ xé rách tay nay đã thành sẹo!
Chao ôi là đau, nhưng chỉ lúc đó thôi, rồi lại quên ngay bởi cái không khí tết rộn ràng mùi bánh chưng thịt mỡ dưa hành và...pháo những thứ mà đến Tết mới có ở cái thời gạo châu củi quế, đói khát triền miên thì được ăn uống thỏa thuê thì tết quả là một dịp hiếm có, mỗi năm chỉ có...một lần
Cái gay go là vết thương hở thì cấm ăn thịt gà gạo nếp, chẳng biết thật hay hư nhưng u nó cấm tiệt và hứa sẽ để phần 2 cái đến khi nào khỏi thì ăn.
Với bản năng hay tham, sân, si...trỗi dậy nó đáp ngay rất ngây thơ và thậm vô lý:
- Hai  cái con không ăn hết, phải bốn cái con mới ăn hết
Đó là cái sự tham bản năng hay do cuộc sống khốn khó nó dạy bảo nhỉ, nhắc thêm rằng khi đó nó mới hơn 3 tuổi mà thôi.
Đến giờ mỗi khi nhắc lại cái "tuổi thơ dữ dội" ấy mấy anh em tôi vẫn không nhịn được cười.

"Tuổi thơ dữ dội"


Nhân chi sơ...

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Không ngon cũng khen một câu

Tôi có ông bác đáng kính cũng làm đến chức quan to to trong triều, bà vợ giáo viên trường làng thì đã nghỉ việc nay ở nhà trông nom hậu trường cho đức ông chồng toàn tâm, toàn ý gánh vác giang san. Một hôm cao hứng ông bảo bà vợ mở tiệc chiêu đãi bề tôi và một số đồng nghiệp do bà nhà "đạo điễn kiêm sản xuất" các món nhậu. Bữa tiệc rôm rả vô cùng, chủ khách hoan hỷ, bà chủ nghe chừng hài lòng lắm lắm. Lúc tiễn khách ra cổng ông chủ tủm tỉm hỏi mấy ông khách rồi tự trả lời ngay:
- Bữa nay ngon chứ các anh? Không ngon cũng khen một câu lần sau đến bà ấy còn nấu cho mà ăn!
Thế mới biết "công tác thi đua khen thưởng" đối với các chị em quan trọng biết chừng nào!

Có ai biết những nhân vật nào trong ảnh này không?

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Không phải cháu!

Có một chuyện dân gian ở làng tôi thế này, một đám đông trẻ con đang chơi cạnh sân nhà một lão nông dân, bỗng chủ nhà từ đâu đến đến hỏi đứa nào làm vỡ cái vại ở sân nhà ông ta thì tất cả lũ trẻ con đều đồng thanh trả lời:
- Không phải cháu!
Rõ ràng là khi chúng chưa chơi ở cạnh sân nhà ông ta thì vại chưa vỡ, cớ sao vại lại vỡ, vết tích còn mới hẳn hoi.
Đem chuyện này hỏi ông giáo già ở làng, ông ấy bảo đó là bệnh cố hữu của dân quê chúng mình. Cứ chối bay cái đã, không được thì đổ cho đứa khác, nếu không thể đổ thừa hay chối được thì mới nhận lỗi về mình. Rồi ông bảo căn nguyên của nó là từ người lớn, từ nền giáo dục, từ thói quen cố hữu. Trẻ con khi lẫm chẫm biết đi khi nếu chúng bị vấp, ngã thì câu đầu tiên người lớn nói với nó rằng: "A! con chuột, con chuột làm ngã em phải không, này thì con chuột này, chừa này, không được làm ngã em này..." kèm theo động tác nhẹ thì đánh vào không khí, quyết liệt hơn thì lấy que đánh vào cái cột hay dậm chân xuống đất bồ bồ. Mỗ đây cam đoan rằng đứa trẻ nào cũng nín và có khi cười khanh khách và ăn sâu trong tiềm thức rằng một con chuột nào đó đã làm ngã nó. Cái đó nó ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy và nhân cách chúng sau này lớn lên. Thói quen chối bỏ trách nhiệm, phải chăng cũng bắt nguồn từ đó? Các bạn thấy thế nào? Xin hãy comment!