Người theo dõi

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Sờ-lô-gân

Slogan-Từ điển Anh - Việt do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 1994 tại trang 847 có giải thích ngắn gọn: slogan /dt khẩu hiệu.
Chẳng phải tôi thích bẻ chữ hay bệnh của mấy thằng tập tọng sắp làm khoa học đâu mà chợt nhớ mấy cái slogan ấn tượng của các bác tài xe tải, xe khách nhân dịp trên đường thiên lý vào miền Nam vừa rồi.
Mấy cái slogan ấy nhẹ nhàng, dí dỏm, ấn tượng, nhớ lâu và cũng tác dụng ghê gớm đấy, các nhà quản lý các nhà văn hóa, khoa học cứ mất công (thì ít) mất của (thì nhiều) tổ chức vô khối cuộc thi mà có tìm được cái slogan nào ra hồn đâu.
Đây nhé, qua Xứ Thanh, một "con" đầu kéo dài ngoẵng bọn tôi vẫn gọi là khủng long đe dọa: XA EM RA! (Hix, nhìn thấy từ xa đã tránh rồi)
Qua Thanh đến Nghệ: một em county 24 chỗ nhẹ nhàng, lơi lả: TỪ TỪ, EM SẼ CHO
Cuối đất Nghệ một ông mobihome gường nằm cao cấp 45 chỗ sơn đỏ chót cảnh báo: CHÚ Ý: KHI ĐÍT EM ĐỎ, cô đồng nghiệp ngồi ghế trên đỏ mặt che miệng cười khúc khích, chắc cô lại liên tưởng chi đây!

Đăng kèm cái ảnh tôi chộp được không bà con lại bảo tôi nói khoác (dòng chữ màu vàng ở sàn đuôi xe ý)


Lại có ông văn thơ lai láng:
Nhớ về mẹ vững vàng tay lái
Thương về em nhè nhẹ chân ga vậy nhưng nó vẫn phóng vù vù như đi ăn cướp đánh võng vô tư trên con đường vốn đã không còn mấy chỗ hở.
Một con van 1,5 tấn nhẹ nhàng lách qua, ông này chắc người Tràng An đây, khi ngó bảng số thì đúng vậy: 30Y -342X
NGƯỜI LỊCH SỰ KHÔNG BÓP CÒI INH ỎI
Có gã lại gầm gừ: ĐỪNG GẦN ANH, ĐỜI EM SẼ KHỔ, rồi thì e ấp giả nai: ĐỪNG ANH! MẸ THẤY. Hay có khi ỡm ờ: Yêu, có khi phải nói!
Hôn em thì phải trả tiền, Hà Nội không vội được đâu

Chụp tại Khu Di tích ngã 3 Đồng Lộc, Hà Tĩnh tháng 4/2011 (ảnh này khoe chơi vậy thôi chớ không liên quan gì đến bài viết đâu nhá)




Và còn rất nhiều slogan nữa nhưng không rõ tác dụng hiệu quả của các slogan này thế nào chứ ông hàng xóm nhà tôi thì có quái chiêu này rất hiệu quả
Chả là nhà lão ở đầu ngõ nhưng lại hơi thụt vào thành ra cái đầu nhà lão hay bị đổ rác và biến thành nơi bọn khách vãng lai lấy làm "nơi hạnh phúc thăng hoa và nỗi buồn giải tỏa". Đầu tiên lão cảnh báo:
Cấm đái bậy. Một thời gian sau tình hình không cải thiện
Lão lại xóa đi và viết; Đái bậy thì xẻo chim. Thời buổi gái thiếu trai thừa nhà đã có vài thằng chống gậy còn đang chưa lấy được vợ nên có thiến quách đi càng tốt nên bọn nó không sợ. Lúc lúc lại một thằng chờ việc ở chợ người hay một gã nhà quê ra tỉnh mới xuống xe bus chắc là nhịn đã lâu đến xả như trạm bơm hồ Yên Sở của Hà thành, thằng ấy vừa đi lại một mụ bán bánh cuốn ế ngó trước ngó sau rồi thụp xuống giãn cả nét mặt. Xả xong, vẫn đôi tay ấy mụ lại vô tư bốc bánh bán cho mấy ả nội trợ thích hàng rong vì ..rẻ, tiện và lãng mạn nữa (nên tôi không ăn bánh cuốn rong bao giờ).
Thế này thì tức quá, lão lại thay đổi chiến thuật, một khẩu hiêu khác được kẻ màu đỏ hẳn hoi: Đái bậy phạt 50.000 (Không thấy ghi là tiền gì nhưng đoán chắc không phải ngoại tệ). Ai cho phạt mà phạt, ai cũng phạt được thì cái nước này loạn à; nghĩ vậy nên tay công chức hàng tỉnh chắc là vừa đi khách về với cái bụng bia tổ bố khệnh khạng xuống xe, nhếch mép và tiến thẳng vào góc chết nhà lão để lẩm bẩm đếm xem hôm nay đã thi đấu với sếp được mấy chục vại bia miễn phí. Dễ có đến 5 phút sau cái vòi của tạo hóa ấy vẫn chưa khóa, hay là chưa khóa được cũng nên.
Tình hình ngày càng phức tạp, buổi tối hôm ấy lão cắt hản chữ bằng đề - can màu đỏ chữ in hoa hẳn hoi nhé dán vào bìa các - tông ra cắm trịnh trọng: CHỖ DÀNH CHO CHÓ ĐÁI, LÀM NGƯỜI THÌ KHÔNG ĐÁI Ở ĐÂY.



Trưa hôm sau, thằng công chức bụng bia định vào xả, hắn đã lôi cái của nợ ấy ra rồi xong thấy cái biển nghĩ ơ kìa, hình như mình cũng là thằng người đấy chứ nhỉ ngần ngừ vài giây rồi  trịnh trọng trả nó về đơn vị cũ, kéo phẹc - mơ - tuya cẩn thận rồi mới lên xe dông thẳng, ném lại đằng sau mấy câu chửi đổng  và từ đó không thấy dừng xe vào đó nữa mỗi khi đi nốc bia về. Tác dụng đấy chứ nhỉ không biết do lòng tự trọng, tự ái hay công dụng của sờ - lô - gân? Đấy là tôi còn chưa thèm mách lão cái võ của mụ Trang Hạ nhà văn đấy: mụ xui đặt mẹ cái bát thương thờ ai cũng được vào đó thì bố bảo thằng nào cũng không dám thò chim mà đái vào đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét