Người theo dõi

Hiển thị các bài đăng có nhãn Lớp 12C. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lớp 12C. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

Họp lớp cấp 3

 Y thuộc diện được vào thẳng cấp 3 không phải thi chuyển cấp, ấy cũng là sự lạ trong làng vì ngày thi thì y vẫn cưỡi con trâu mộng bụng báng ra đồng đi chăn, người làng nhìn y tưởng phen này nó bỏ học ngang chừng để "" con trâu đi trước, cái cày theo sau". Rồi y nhập học và cùng Linh Xương bạn từ cấp 2 cùng nhau đi dự trại hè thiếu nhi của huyện và được ngồi trên đoàn chủ tịch, oai phết!

Năm nay vẫn khoảng trên chục đứa cấp 3 vẫn duy trì họp lớp. Bởi lúc vào lớp 10 chỉ có trên 40 đứa mà vài đứa đúp và 5 bạn đã ra đi (Bạn Lâm Trung Thông, bạn Trịnh Thị Thu, bạn Hoàng Tuấn Phương, bạn Sỹ và bạn Nguyễn Thị Tám B (còn gọi là Tám bà vì tóc dài, để phân biệt với Nguyễn Thị Tám A hay còn gọn là Tám Ông vì cắt tóc ngắn) một số phiêu tán hoạc ngại ngùng nên không tham gia. Dù bận nhưng y vẫn thích gặp bọn bạn học nông thôn giống y lam lũ thưở nào. Năm nay chúng tụ họp ở khu du lịch Mỏ Mắm, Bắc Sơn:

Được từng này đứa tụ họp


Mới đó mà đã 36 năm rồi








Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

12C ngày ấy, bây giờ

 Y sinh ra và lớn lên cho đến khi rời quê Võ Nhai ra tỉnh học Đại học. Ngày ấy thời bao cấp, làm nông và đói kém là tình hình chung dễ nhận thấy nhất qua y và lũ bạn cấp 3. Nhiều đứa chỉ có 2 bộ cánh gọi là lành lặn để lên lớp, có đứa gấp khăn mùi xoa để lên cổ áo để cho nó khỏi đen bẩn như đổ dầu luyn vào vậy, dép thì đứt quai, các phụ kiện thì hầu như không có. Đứa nào có cái đồng hồ kể đã là sang lắm, đứa ở xa thì có xe đạp là tài sản quý giá khổng lồ rồi. Y và Linh Xương chơi với nhau từ lúc học cấp 2 cùng đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cùng được ngồi Đoàn Chủ tịch Đại hội cháu ngoan bác Hồ của huyện và cùng được miễn thi vào cấp 3 (Lúc đó mới đổi sang là Phổ thông trung học rồi chẳng biết lại đổi thành Trung học phổ thông tự bao giờ)

Lúc đó trường chỉ có 13 lớp, khối 10 có 5 lớp và lên 11 ghép lại sau hồi rơi rụng còn 4 lớp, y học lớp C liền tù tỳ từ 1984 đến 1987 thì ra trường.

Vậy mà thấm thoắt đà 35 năm trời, trên bốn chục đứa có đến phân nửa chưa gặp lại bao giờ. Nhiều đứa trông già và khác nhiều. Có bạn cũng đã phiêu diêu miền cực lạc, nhiều đứa lên chức ông, bà đã lâu. Nói chung là nhiều mảnh đời khác nhau nhưng đứa nào cũng còn nhớ 12C chỉ là chắc khó có đứa nào nhớ hết được tất cả 46 thành viên. Y có nhiều đứa sau gần 4 chục năm không gặp cũng không còn nhận ra (Vì có đứa không học đủ 3 năm cấp 3)

Năm nay bọn chúng lên Lộc Bình của y gặp mặt và tham quan Mẫu Sơn rồi họp lớp ở nhà hàng Phú Sơn sau khi có ghé qua nơi y làm việc và thăm phòng truyền thống của huyện

Linh Xương và y: hai thằng bạn thân từ thuở niên thiếu. Ảnh phía sau phông cũng là y và Linh Xương chụp năm 1987 với phụ kiện mốt nhất lúc bấy giờ là chiếc mũ mềm bộ đội, khi đó mặt y gầy hơn và bây giờ thì ngược lại


Ông chủ xưởng mộc ngồi thử ghế công chức


Trước cửa Phòng truyền thống


Trên đỉnh Mẫu Sơn, áo chống nắng bên cạnh y là bạn Phượng sau 35 năm mới gặp lại hiện ở Thái Bình


Bạn Kiểm em cô Hạnh dạy Tiếng Nga


Y


Bức ảnh này không có y, đếm sơ sơ có 44 đứa, hình như lớp có 46 đứa thì phải, giờ y cũng không nhớ hết tên


35 năm ngày ấy, bây giờ. Khi đó Linh đeo đồng hồ diện tử còn y thì không, giờ thì đến y đeo đồng hồ hắn thì không, mà hình như hắn lùn đi hay y cao lên nhỉ?


Chỉ có 16/46 đứa gặp mặt năm nay tại Lộc Bình và có cả giáo sinh thực tập năm lớp 11 Phương Ngọc Thuyên, giờ là Trưởng một phòng của Sở Văn - Thể - Du, người mà cũng có mặt trong tấm ảnh tập thể lớp cạnh phòng học nhà tranh vách đất ở trên


Y điều khiển ngựa chiến lên độ cao 1100m và trước đó cũng đã điều khiển lên Phja Oắc Cao Bằng ở độ cao 1931m


Gặp nhau tại tư gia của Y


Tặng sách cho lớp


Bức này cũng không có Y


Đỉnh núi Mẹ


Tặng cuốn sách đầu tay "Nhà trình tường..." của Y cho lớp


Vợ chồng Linh Xương


Y và Hồ, Thủy, Hà Nghị


Với Âu Văn Hồ, Dân Tiến


Team nữ 11 C năm 1986


3 ngày sau khi họp lớp y nhận được quà của các bạn 12c, đặc sản chè Thái Nguyên quê nhà



Nào thì thẩm trà thôi


Và đây là trà của một cậu em Hà Nội biếu






Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Lớp C PTTH Võ Nhai ngày ấy

 Thấm thoắt đã 34 năm lớp 12 C PTTH Võ Nhai (Nay là THPT Võ Nhai) ra trường. Y ngay sau đó đi học và tha phương cầu thực tận một tỉnh biên giới và nay lại vào một huyện biên tái xa xôi. Cũng vài bận bọn bạn tổ chức họp lớp, họp khóa nhưng y vì xưa đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, nay đường xá dễ đi lại chủ động xe pháo nhưng bận quá nên năm nay mới về được.

Khoảng 40 đứa xưa kia  nay chỉ được hơn nửa chút

Nhiều đứa đã già, có thằng chưa vợ, có thằng đã kịp lấy lần thứ hai. Nhiều đứa cả y và chúng nó cũng không nhận ra nhau, nhiều đứa đã quên tên, mới có hơn 30 năm nhưng vì không gặp và không có gì ấn tượng đặc biệt cho lắm nên quên, có đứa chỉ học hết lớp 10 thì đã bỏ học.

Rất vui vẻ và cười đùa như những ngày xưa.

Tụi bạn đề xuất sang năm họp tại Lộc Bình. Tốt quá, trân trọng mời các bạn


Bây giờ và ngày xưa

Quán cơm nhà bạn La Tuấn Hạc 18/4/2021



Hang Phượng Hoàng 18/4/2021


Đầu hồi lớp 11C ngày 06/3/1986 (Hôm đó y nghỉ nên không có mặt)


Y về thăm U



Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Mùa khai trường ở trường huyện năm xưa

 Trường PTTH Võ Nhai (nay là THPT Võ Nhai) ngày xưa trước năm 1982 vẫn gọi là trường cấp III đóng ở làng Nà Kháo xã Phú Thượng, sau đó chuyển về làng Đồng Chăn ngày nay. Lúc đó 100% vẫn và nhà tranh vách đất do các thế hệ học sinh và phụ huynh góp công sức, cây que, cỏ tranh hoặc nứa đan để lợp thì lấy trên rừng, tường rào thì bằng trà tre, cuối năm học lại hô hào học sinh lấy trà rong vây kín cả cổng. Dù 5/9 mới khai trường nhưng học sinh thì khoảng 15 tháng tám đã phải đi lao động, chủ yếu là làm trường lớp, đóng gạch, đào ao, nung vôi...toàn công việc nặng nhọc mà rất ít tai nạn hay đánh nhau, các sự cố học đường như bây giờ. Khai giảng cũng đơn giản chẳng có văn nghệ, bóng bay gì cả sau khi thầy Hiệu trưởng phát biểu, đánh trống rồi lãnh đạo huyện nếu có, em học sinh lên dăm câu ba điều là kết thúc ngắn gọn, chẳng có đón chào học sinh mới rườm rà cũng không có phần hội đằng sau hay trưng bày gì cả, xong là về và hôm sau là đi học và vẫn mỗi tuần có 1 buổi hay 2 buổi chiều lao động nhưng chẳng ai kêu ca gì cả.


Trường và lớp 11C của y đây (08/3/1986) nhưng rất tiếc hôm chụp ảnh thì y lại nghỉ nên không có mặt trong ảnh. Trong ảnh có cô Hằng dạy Toán giáo viên chủ nhiệm và cô Nhung dạy Văn (Vợ thầy An dạy Thể dục) và giáo sinh thực tập Ngọc Thuyên người Lạng Sơn và Kim Loan người Cao Bằng. Nơi chụp ảnh là khe lên đồi giữa lớp 11 C trong ảnh và lớp 11D nhìn thấy cái cột hiên




Và trường THPT Võ Nhai bây giờ




Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Vĩnh biệt một người bạn

Vừa hôm kia hay tin một bạn nữ cùng lớp 23k2 bị K thì hôm qua bạn Trịnh Thu học cùng 3 năm cấp 3 và cùng trường ĐHSP Việt Bắc đã lìa trần cũng bởi căn bệnh quái ác đó!
Vĩnh biệt một người bạn!
Klq nhưng chiến tranh đã lùi xa mà giờ đây cứ lâu lâu mở báo ra đọc lại thấy tai nạn giao thông và nhiều người bị ung thư đến thế!
Người mình đang từng giờ từng phút tiêu diệt người mình bằng thực phẩm bẩn và môi trường cùng thói tranh cướp nhau đi đường, khi xảy ra va chạm thì trừng mắt sửng cồ...bất biết mình đúng hay sai...
Vãi cả môi trường và văn hóa giao thông xứ mình...

Bạn Thu - người ngồi hàng đầu tiên ngoài cùng bên phải (Ảnh chụp năm 1986)

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Vãi cả thật thà

Hồi vào học đầu cấp 3, y phải tập quân sự, ấy là môn bắt buộc khi đất nước còn chưa dứt tiếng súng khoảng những năm 83, 84.
Gọi là tập quân sự nhưng cũng không có súng đạn mà vũ khí chỉ là cây gậy và 2 quả lựu đạn bằng gỗ do học sinh tự chuẩn bị nên mỗi đứa một kiểu chả theo kích cỡ, hình thù nhất định gì cả, gậy thì đứa to, đứa nhỏ, đứa ngắn, đứa dài, đứa bằng tre, đứa bằng gỗ. Lựu đạn thì đứa hình quả dứa, đứa dài đuỗn, có đứa còn hoa văn khoang khoáy vẽ vời, nhưng nhìn chung là liếc qua cũng biết nó giống quả lựu đạn. Ấy vậy mà cũng lăn lê bò toài, đi đều, ném lựu đạn..cả nửa tháng trời. Cả ba năm học y chưa từng được sờ vào cây súng sắt xem nó thế nào. Lúc ấy cứ tự nghĩ bé nhỏ như y thì giặc đến có khi lại hăng máu nhất ấy chứ chả chơi, he he
Y bé nhất nên bị đứng đầu hàng, trong khi thầy Tuyên, thầy An đang giảng thì ở dưới một số đứa vẫn lấy gậy chọc xuống đất rất mất trật tự. Y không chọc nhưng ngứa tay lấy lựu đạn gõ vào đầu gậy cốp cốp, inh tai. Vì là đứng hàng đầu nên bị thầy Tuyên bắt sống đứng lên trước cột cờ cùng dăm anh chị khác lớp trên và tuyên bố phạt bằng hình thức ...diễn lại việc chọc gậy xuống đất 100 lần. Y lấy hai quả lựu đạn gõ thật lực, nét mặt tỉnh bơ. Thầy hỏi tại sao thì trả lời rằng lúc nãy y gõ chứ không chọc. Cả trường cười và y được...đặc xá, di nhiên là mấy anh chị kia cũng được ...ăn theo.
Việc ấy có nhiều đứa nhớ đến tận bây giờ.
Điều ấy cho thấy y có tinh thần chấp hành tốt và trung thực. Đứa khác chắc gì đã chịu phạt và chịu thì chắc là chọc gậy xuống đất theo ý thầy chứ chắc gì đã lấy lựu đạn gõ rất miệt mài và ngẩng cao đầu như y??? ( Xem thêm: Thật thà, có phải lúc nào cũng tốt???)
Đến giờ y vẫn giữ hai cái tật ấy, đó là chấp hành tốt và trung thực
Phải chăng vì vẫn có hai cố tật ấy nên cuộc đời Anh giáo làng Chiềng vẫn cứ mãi khổ sở, lận đận đủ đường?
Có vài việc ngẫm thấy chắc là đúng thế rồi. Vãi cả thật với thà. He he

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Mấy gã bạn lớp 12C

Lâu lâu giở đống tài liệu cũ ra xem mới thấy mấy cái ảnh từ thời 12c, Trường Phổ thông Trung học VN cách đây gần 30 năm thấy hồn nhiên vô tư thế. Cũng những con người ấy giờ đây gương mặt nhàu nhĩ qua thời gian vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Rất tiếc là vật đổi sao rời nên dù có gặp nhau nhưng bọn y không thể đạo diễn về đúng chỗ cũ để chụp ảnh theo thứ tự, kiểu dáng như trong bức ảnh ngày xưa nữa.Thôi thì post lên cho mấy ông bạn tha phương cầu thực phương xa xem để nhớ lại một thời trai trẻ (con) he he

Từ trái qua là Muộn Văn Toàn, Nguyễn Hồng Thắng, Đào Vi Sơn, Hà Văn Thiện (Khi tốt nghiệp thì xảy ra "Vụ án chiếc đồng hồ" loại Raketa của Liên Xô), Nguyễn Đặng Ân, Phạm Chí Linh


Từ trái qua: Trưởng thôn, Hùng, Linh, Cường, Thắng, Thống, Ân (Có 3 tay xuất hiện ở bức anh thứ nhất ...các bạn thử so sánh xem ngày ấy, bây giờ....)


 


Đây là lớp 12c năm 1986




Và đây là 25 năm sau (2011)




Linh "Xương" và Cường "Giót" (Mỏ đá Trúc Mai 1984)





Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

12C ngày ấy - bây giờ

Mới có 25 năm mà cũng nhiều đổi khác, vật đổi sao rời. Hôm trước bọn bạn tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày ra trường tiếc quá Y không về được. Ngày thằng Mạnh cho con gái đi lấy chồng ở Bắc Giang, Y cũng chỉ có lời chúc phúc. Thế mới thấm thân phận của kẻ tha phương cầu thực

Trường học tranh tre nứa lá và lũ bạn ngày xưa



Trường học và lũ bạn ngày nay, nhà tranh tre nứa lá đã không còn, nhà cửa khang trang hơn còn Y và bạn bè thì ngày càng ọp ẹp






Nhiều tên đã già và nhăm nhe lên chức ông, bà. Buồn cười nhìn cái ảnh họp lớp nhiều đứa trông lam lũ tóc điểm bạc, có đứa hói nửa đầu, nhưng tính cách vẫn như xưa vẫn mày tao chi tớ...Nhiều năm không gặp lại nên không thể nhận ra đứa nào với đứa nào cả. Đứa nào trông cũng quen quen mà hình như cũng chưa gặp bao giờ...
 

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Tết ở quê

Tết này như mọi tết của thị dân là quay về quê, y cũng vậy, với bán kính gần 200 km y đi về để chúc tết mẹ già, để gặp lại có những thằng bạn học cấp 3 đã 25 năm không gặp, để chạp mộ, để xem mổ lợn, đánh sảng ... sống lại không khí cái thời mục đồng chăn trâu, cắt cỏ.

Bác giai này sáng tạo ra tạp dề hơi bị độc đáo, đúng là "cái khó ló cái khôn"




Bọn trẻ rất háo hức về quê không kém bố mẹ chúng, nô đùa, reo hò, chạy nhảy...



Mỗi nhà một xế hộp, cái mua, cái đi mượn giải quyết phương tiện rất thuận tiện



Cậu cả bắn pháo phụt (pháo này không bị nhà chức trách cấm sử dụng) có vẻ cũng rất thích nhưng với những đứa đã được trải qua cái thời "Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh" thì nhất định không "phê" bằng pháo nổ, di nhiên là không an toàn bằng pháo phụt giấy kim tuyến như bây giờ.



Nhóm bạn học thời cấp 3 (Linh Xương, Hùng Eng, Thắng Toan, Bàng Thống, Cường Giót, có mỗi Y là không có hỗn danh hay biệt danh gì có lẽ y không có gì bổi bật))



Dàn hàng ngang chụp ảnh kỷ niệm, mỗi thằng một số phận nhìn tướng mạo và vẻ mặt cũng biết. Từ phải sang là Y, quần áo xộc xệch, đầu tóc tõa tượi nhưng không dấu được vẻ vui mừng đón Tết, kế đến là Bàng Thống, cao tuổi nhất lớp hơn bọn mình đến nửa tá tuổi mà năm nay hắn cũng tròn 4 con giáp. Thắng Toan (tên phụ huynh) vẫn chỉn chu là lượt như xưa, giờ là ông chủ xưởng cơ khí gia đình ở Đại Từ, Thái Nguyên. Nhỏ con, tươi tỉnh là Cường Giót vốn quê Thành Nam, bị đúp một lớp nên ra trường sau một năm, giờ yên vị ở Sài Gòn kinh doanh vật liệu xây dựng. Xa quê đã lâu nhưng nét mặt, điệu cười và giọng nói lẫn phương ngữ không bị pha trộn. Thằng chủ lò mộc Linh Xương được nhắc đến ở entry "Với trẻ con khóc là xong mọi chuyện" vẫn vóc dáng nhỏ con, khắc khổ do tham công, tiếc việc; hắn là cây Toán, Lý của 12C xưa. Hùng Eng tức Hùng con hay còn gọi Hùng Tuấn giờ là lái máy gạt chuyên đi công trình khắp mọi nơi, ván cờ người thứ hai của hắn lại là kiều nữ của cựu Bí thư Huyện ủy thời bao cấp. Chót hàng là anh giai của Y, người giữ goal của gia tộc Nguyễn Đặng.



Như con chó này là sướng nhất, ăn no rồi trèo lên hòm thóc trốn con



Nhìn hàng cau mà không thôi nỗi nhớ quê...



Ngôi nhà sàn, nơi Y sinh ra và lớn lên



Tập thể lớp 12c ngày 8/3/1986 ở đầu lớp học tranh tre nứa lá. Mới đó mà đã lâu lắm rồi giờ về trường cũ, vật đổi sao rời không nhận ra nữa, thầy cô đã có người khuất, người nghỉ hưu, người chuyển công tác chẳng còn ai (Không có Y trong ảnh)