Người theo dõi

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

...rồi đến Hàng Châu

Rời Tô Châu bằng xe bus chừng 180 km trên đường cao tốc là đến Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Triết Giang. Cũng là một trong những địa danh có chữ "Châu" của Trung Quốc là nơi ăn chơi, hưởng thụ và ...về bên kia thế giới, (Người Trung Quốc có câu: Ăn ở Quảng Châu, mặc ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu).

Phong cảnh Tây hồ Hàng Châu đẹp như tranh thủy mặc với những câu chuyện Tây Thi huyền thoại, này là Tô Đê, này là Tam đàn ấn nguyệt....



Tam đàn ấn nguyệt (Chụp xa nên nhìn kỹ mới thấy) phong cảnh đã được in trên tờ 1 tệ của Trung Quốc. Đó là cụm 3 đàn ở Tây hồ có các lỗ để khi đêm trăng thắp đèn trong đó mặt hồ trở nên lung linh vì nhiều mặt trăng soi bóng, cả trăng thật người ta đếm được tới 36 chị Hằng.
Hồ này rất sâu và cũng rất nhiều bùn vì qua hàng trăm năm lưu cữu, ai đó lỡ bị trượt chân xuống hồ thì không thể lên được vì sẽ chìm dưới bùn. Nước Tây hồ nay được lưu chuyển thường xuyên từ sông Tiền Đường (Lại nhớ truyện Kiều của Nguyễn Du) nên đảm bảo sạch sẽ.



Chụp ảnh lưu niệm trước cửa đền Nhạc Phi, qua đây Y mới nghe tích chuyện Tần Cối và món quẩy hiện nay



Tượng Nhạc Phi



Rét quá, phải làm nhà kính và mặc áo cho cây cảnh chống rét. Cây Liễu rủ và cây cơm nguội khá đặc trưng ở đây.



Lại tiếp tục nghe màn quảng cáo quen thuộc trà Long Tỉnh nổi tiếng với biết bao công dụng thần kỳ. Sau khi đeo thẻ và đi thăm quy trình sản xuất, du khách bị "nhốt" vào các phòng nhỏ để nghe giới thiệu và thưởng trà. Rút kinh nghiệm khi nghe tiếp thị trà ô long của mấy em gái Vân Nam nói tiếng Việt giả ngọng, một số anh chàng láu cá ngồi sát phía ngoài cửa để chọn "chước thứ ba mươi sáu" cho nhanh...Rốt cuộc cũng có 3 nam thanh nữ tú cả nể nên phải mua trà giá cao. Mặt tươi nhưng ruột hơi héo. Trà này uống vào thì nhớ cả một đời, sơn trà nữ má hồng thế kia cơ mà! Cứ nhìn gã trai tay đeo đồng hồ nhìn cô không chớp mắt thì đủ biết là mua trà vì trà hay vì cái gì... chẹc chẹc...



Phim trường tái hiện cảnh đời Tống với kiến trúc trang phục, cảnh diễn ngày xưa. Hàng quán với những người ăn mặc theo lối cũ...chỉ có thu tiền là theo lối mới, chặt chẽ và chính xác, chẳng bà con gì sất!

Trước cửa Tống thành, làm phát kỷ niệm cho nhớ một đời lam lũ, vất vả


Trong ảnh là đám lính canh đi tuần trong trời chiều chạng vạng. Có tiết mục khiêng kiệu khoảng 50m với đầy đủ lính võng, lọng giá 20 tệ một lần, chiêng trống, thanh la, não bạt. Mình cũng leo lên cho chúng nó khênh một vòng cho sướng, mấy thằng cũng đểu nó lủng lẳng, đung đưa theo nhịp chiêng trống làm mình say muốn ói quá.



Tranh thủ tạo dáng với anh "cảnh vệ" bên lối vào nơi biểu diễn chuyện tình sử Tống thành, cũng free luôn. Ngặt nỗi tiếng Hoa một chữ bẻ đôi không biết nên không chuyện trò gì được mà người Trung Quốc thì rất ít sử dụng tiếng Anh



Đường phố Triết Giang chỉ có ô tô và xe đạp (Kể cả xe đạp điện nhưng số lượng không lớn). Nhà chức trách lập ra các bãi xe đạp một màu để cho thuê khắp nơi và rất tiện lợi. Người thuê xe vào bãi xe đặt cọc một số tiền đâu như 300 tệ rồi cầm thẻ mở khóa lấy xe đi, thẻ này cũng là vật để lấy lại tiền cọc và khi trả xe không cần về nơi đã thuê mà có thể đến bất cứ chỗ nào khóa xe vào cột vên đường đến chõ người quản lý lấy lại số tiền đặt cọc sau khi đã từ số tiền thuê một cách tượng trưng, vì rất rẻ. Vì thế hạn chế được xe máy với bao hệ quả như tai nạn, ô nhiễm có thể gây ra. Ở Trung Quốc việc tiêu tiền bằng thẻ cũng khá phổ biến, kể cả du khách Việt Nam mang theo thẻ visa là có thể quẹt rất tiện. Hàng Châu là thành phố xanh, khá sạch sẽ ít rác. Có đoạn đường ra Tây Hồ như đi trong rừng. Nghe đâu có 65 cây xanh trên một đầu người.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét