Ngày
ấy cách đây chưa xa, mới những năm nửa cuối của thập niên 80, thế kỷ
trước lũ sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học sư phạm Việt Bắc bọn tôi
được ở trong ký túc xá trên những quả đồi thấp lúp xúp cạnh đường tàu Hà
Nội - Quán Triều, gần bờ đê trường Đạị học Nông nghiệp 3 Bắc Thái.
Trường đóng trên khu đất rộng mênh mông, có cổng nhưng không có tường rào, cổng không khi nào khóa chắc vì khóa cũng chẳng ích gì.
Có lẽ vì đất quá rộng trên những triền đồi thấp, trong khu vực trường
có đồi thấp, đồi cao, ao, hồ, lò vôi, ruộng đồng... nên trường không có
tường bao quanh. Nhà cửa hầu hết là nhà cấp 4 nhom nhem chỉ có mỗi dãy
nhà hiệu bộ 3 tầng và 2 nhà 2 tầng là khu tập thể giáo viên ở phía bờ ao
đi vào khu trạm xá, lò vôi. Một khu nhà thí nghiệm 3 tầng của khoa Hóa
đối diện nhà hiệu bộ xây mãi không xong, rêu mốc cỏ mọc xanh rì. Khu ký
túc xá có hàng lối nhưng cũng chỉ là nhà cấp 4 lúc bọn tôi vào học được 2
năm mới xây tường bao và có cổng vào.Đó
là một dãy tường gạch bốn phía có mái che được gọi là nhà gồm 9 gian,
chia 3 phòng rộng chừng 60, 70m2, nền xi măng vỡ lồi lõm, cửa giả có
trống hoác, xác xơ, khung cột bê tông, tường gạch 10, kèo sắt lợp ngói
xi măng, không có trần, dây điện nhằng nhịt. Ngoài sân là hàng
cột thu lôi chi chít vì thành phố Thái Nguyên rất nhiều sét. Ngoài sân
là một túp lều trông huơ trống hoác lợp ngói xi măng lụp xụp, xiêu vẹo
vì hay bị sinh viên bẻ rui mè làm củi. Đó là nơi bọn sinh viên về nhà
lấy gạo xuống nấu ăn thêm cho đỡ đói vì xuất ăn gạo thường bị mốc lại ít
không đủ cho cái dạ dày đang tuổi ăn, tuổi lớn của bọn chúng.
Đi
qua đám ruộng luôn lầy lội bên kia là "nơi hạnh phúc thăng hoa và nỗi
buồn giải tỏa" gồm 20 gian chia đều cho hai phái. Đó là thứ nhà tiêu của
nông thôn và lại của tập thể nên không thể bẩn hơn và không hề có cửa.
Các thằng hay xấu hổ như mình hay chọn phía trong để ngồi và có ý chọn ô
nào sạch hơn tý chút thì ngồi nhưng vào trong thì đã có thằng chiếm
quay lại thì chúng nó đi sau chiếm nốt thế là đáng lẽ được đi lại phải
quay ra đợi, thân lừa ưa nặng!Phòng nam và phòng nữ đều chung dãy nhà đó nhưng ngăn bởi bức tường chỉ cao đến trần, đứng giường tầng hai kiễng chân hay đứng lên cái hòm là có thể thấy bên kia nên hai bên biết rõ nhau cả nghĩa đen và nghĩa bóng, có lẽ thế mà 4 năm chả có đôi nào yêu nhau, tất nhiên là thích thì cũng có như thằng Trường kều thích em Hoa Khánh, Tiến Vòng thích Mai Anh người Lạng Sơn, Phú Lỉnh cũng sáng mắt khi liếc vài em ngoài bể nước, Thằng Tuấn Anh cũng thích vài đứa...
Đủ thứ trò đã được bọn chúng nghĩ ra cho quên đi cơn đói và cái buồn ở cái thành phố buị miền núi nửa trung du này từ đàn hát, làm thơ, trộm cá, hoa quả về ăn đến thử thuốc phiện, giả làm đám ma lẫn đánh lộn, "tuyệt thực" toàn trường, cắm quán cô Sen, cô Hồng..đủ cả.
Ảnh Lớp sử K23 Đại học sư phạm chụp ảnh lưu niệm với thầy cô giáo ngày ra trường. Hàng ngồi từ trái qua là Vi Hồng Phú (Cao Bằng) rồi đến các thầy Ngô Thành (LSVNHĐ), Cao Văn Liên (Trưởng Khoa - LSTGHĐ) Nguyễn Nhân (LSTGCĐ- TĐ), Nguyễn Chí Huyên (LSTGHĐ), Lương Văn Bảo (LSVNCĐ-TĐ), Trần Ngọc (KCH), Nguyễn Văn Tiến (LSVNHĐ), Đỗ Hồng Thái (LSĐP), Hoàng Thị Hảo (SV Cao Bằng), Lê Thị Lâm (LSTGTĐ)
Cái vụ tuyệt thực cả trường lây lan theo các trường Hà Nội là do thằng Dũng dê và thằng H. ngạnh cùng tham gia đầu têu viết tờ rơi dán ở ký túc khoa Lý và kích động thành làn sóng phản đối, đến tận hai hôm sau mới đi ăn cơm trở lại, tất nhiên là cơm có đỡ mốc hơn thôi chứ thức ăn vẫn là rau bắp cải, chấm hết. Phòng quản lý sinh viên của thầy Loan, thầy Quyến đi thuyết phục cũng không ăn thua. Có cả bóng an ninh cũng không làm gì được. Ngày ấy mà nói ra thì chắc chắn hai thằng bị đuổi học ít nhất là một năm. Rồi sự việc cũng lắng xuống và không tìm ra "thế lực thù địch" nào cả. Thằng chủ mưu giờ cũng là thạc sỹ, giảng viên Cao đẳng. Khổ nhưng mà vui, láo nhưng mà cũng rất ngoan, cơ chế thị trường chưa len lỏi vào tình thầy trò. Ngày 20/11 đi chúc thầy cũng chỉ là bưu thiếp của Liên Xô in sẵn ngoài chợ mà nội dung có khi là chúc năm mới hay chúc 8/3! hoa thì lúc có lúc không và cũng không to đẹp như bây giờ. Ngày nghỉ đi đóng gạch cho thầy Lương Văn Bảo mệt thấy mẹ nhưng điểm thi vẫn thấp và vẫn "tăng K" (Lưu ban) như thường. Ngẫm lại những đứa ngỗ ngược nhất nay đều nên người...mà là người tốt chứ chả chơi, he he!
Mình được chúng nó bầu làm lớp trưởng nhưng hay nói bậy nên các anh chị Sử 4 bảo cái lớp Sử 1 chúng nó bầu nhầm lớp trưởng, tuy vậy Y cũng tại vị được mấy năm.
Chụp ảnh lưu niệm với lớp 10a3 mà mình chủ nhiệm trường PTTH Lương Ngọc Quyến năm học 1991 - 1992. Y đứng thứ 3 hàng đứng thứ 2 từ phải sang, vẫn cái dáng gầy guộc, tóc dài trùm tai đứng khoanh tay và cái áo màu ghi bỏ ngoài quần trong ảnh ngày ra trường (Đứng sát cạnh bên phải Đặng Văn Thanh áo kẻ cạnh cột giữa ảnh phòng chờ phía khu ngoài giảng đường dãy nhà cấp 4
Cái sự khổ thì chắc sinh viên thời nay không tưởng tượng ra, buổi sáng đa phần là nhịn đói lên lớp. Việc Sinh viên đi qua hàng cơm, tạp hóa cổng trường và có vài con cá mắm hay cục thịt nạc bốc hơi cũng chỉ là điều bình thường. Các chàng anh hùng nhất bộ, thỉnh thoảng mượn quần áo của bạn cũng không lạ. Đồ dùng tối thiểu cũng bị hạn chế đến tối thiểu vì không có tiền và vì có nhiều quá thì chúng bạn cũng "dùng hộ". Mái ngói xô dột, tường nhem nhuốc, thủng lỗ chỗ do các kỹ sư tâm hồn tương lai gây ra.
Tết 90, còn nhớ thằng nào còn sáng tác cả câu đối viết bằng than nguệch ngoạc trên tường:
"Canh Ngọ tiễn ngựa chuồn cả phòng nam cùng tán gái,
Tân Mùi đưa dê đến chúng ta càng dê thêm"
Hết chỗ nói!
Đôi khi hứng lên chúng còn làm thơ Bút Tre đọc cho nhau nghe đến nửa đêm không ngủ, đại loại như:
"Khi tàu đến ga Trung Gia (Trung Giã - Sóc Sơn)
Anh Trường quần chổng rất là khó đi (mô tả cảnh Trường Kều còn gọi là Trường dài đi về cùng bạn gái)
Ngày ấy nhà trường cấm tiệt việc đun bếp bằng may-so (tàu ngầm) của Liên xô nên nấu nướng phải giấu diếm có khi là gầm giường được che kín hay là cho vào hòm khóa lại, cứ thấy cô Liên thợ điện nhà ở cuối bờ đê cầm kìm đi kiểm tra là hò nhau giấu biệt. Được cái phòng có tay Thanh người Phú Lương là em họ của cô Liên nên cô cũng nương tay hơn.
Không biết bây giờ bà cụ Mùi bán bánh mì còn sống hay không chứ bà này thù cái phòng nam chúng tôi lắm. Ngày ấy bà chắc cũng khoảng ngoài 70 tuổi rồi, cứ thấy tiếng rao Ai bánh mì đơơi... ở đầu nhà là mấy thằng lại đóng kín cửa và bịt mũi gọi "Em Mùi ơi bán cho anh cái bánh mì nào", rồi thì "Mùi ơi bánh có nóng không..."
Bà rất tức và chửi lũ sinh viên mất dạy bằng thứ ngôn từ rất chua ngoa cho người ta ăn những thứ mà người ta không ăn, chửi những từ không có trong từ điển. Nhưng chẳng có gì vào đầu mấy thằng đói ăn mới lớn lại vô công rồi nghề mà hình như chửi thế lại làm chúng càng thích thú hơn, vì bà chửi chung chung các thằng sinh viên khoa Sử chứ chẳng nhận ra giọng đứa nào mà chửi, mà có nhận ra giọng thì cũng chẳng làm gì được chúng vì có khi sau đấy chúng lại u u con con bán cho con mấy cái bánh mì không chịu thì lại hòa cả làng, chả nhẽ bà đi bán bánh mì mà lại không bán bánh mì! .
Bà Mùi nghĩ ra cách là réo chửi tên Thầy Nhơn, một ông giáo già đáng kính và khó tính của Khoa Sử nhà chếch bên trái ký túc xá: "Tiên sư cha bố thằng Nhơn già, mày dạy học sinh của mày thế à"..v v và v v. Quả nhiên kế hiểm của bà Mùi có hiệu nghiệm. Thầy lôi chúng tôi ra kiểm điểm, răn dạy làm mấy thằng mất nết sợ xanh mắt mèo. Lại còn vụ ông T. già trong lớp đã có vợ bày trò rình trộm mấy nữ sinh tắm dưới khu tập thể giáo viên nữa chứ, rồi thì buồng chuối tiêu ở vòi nước công cộng đã già quả lại sắp tết cũng bị bọn phòng nam hái cho vào xô sắt để lên bếp điện đun. Thế mà mấy năm không có tai nạn nào về điện chỉ duy có thằng Tuấn Anh Phổ Yên k24 đá bóng lên dây điện ở biến thế đầu đốc khoa Hóa làm chập điện. Xong nó về ký túc xá xách ba lô lộn ra bắt xe về thẳng.
Ngày ấy, Y với Hà Gia khỏe đi nhất, gần tết còn tưỡn đi Hải Phòng, lộn lên Lạng Sơn rồi mới về nhà. Việc gì của lớp cũng có mặt nào là nhà Tuấn Anh cháy nhà tận Định Hóa, nhà Hoa Khánh ở thị xã cao Bằng, Tám tròn Đình Cả có đám ma, cưới Tuyết Hắc Trại Cau...Y và thị đều có mặt.
Thấm thoắt ra trường đã 20 năm, 29 đứa giờ chỉ còn 27, hai đứa đã đi theo các cụ Mac, Lenin.
(Còn nữa)