Người theo dõi

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Góp bàn xung quanh một số bào ca dao nói về Xứ Lạng

Lạng Sơn, một vùng văn hóa truyền thống từ lâu đời với cái tên thường gọi thân quen: Xứ Lạng. Xứ Lạng được nhắc đến nhiều trong thư tịch cổ với tư cách là tâm phên dậu của đất nước, nơi diễn ra nhiều cuộc bang giao, nhiều chiến trận lịch sử nổi tiếng. Xứ Lạng còn là nơi hấp dẫn du khách. Ca dao về Xứ Lạng chủ yếu nói về cảnh đẹp, sự trù phú của một vùng biên cương.

Bài này của giáo làng Chiềng được đăng trên tạp chí văn nghệ Xứ Lạng số 72, tháng 10 -1999






Theo văn bản đầy đủ nhất cho đến nay là cuốn Tục ngữ ca dao Việt  Nam của Vũ Ngọc Phan[r bản in năm 1998 (Lần in thứ 11) 832 trang của Nhà Xuất bản Khoa học xã hội thì Xứ Lạng được xuất hiện trong ca dao đến 12 lần trong đó co một số lần lặp lại và một số bản khác (Dị bản). Với nhiều nét phản ánh đa dang, phong phú, trong đó có hai ca dao tiêu biểu được nhắc lại nhiều lần đó là:

Đường lên Xứ Lạng bao xa?
Cách một trái núi với ba quãng đồng
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ
Em chớ thấy anh lắm bạn mà ngờ
Bụng anh vẫn thẳng như tờ giấy phong

Cặp lục bát cuối có khi lại chép là:

Anh chớ thấy em lắm bạn mà ngờ
Bụng em vẫn thẳng như tờ giấy phong
(Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam - Vũ Ngọc Phan trang 272)

Bài ca dao cũng được nhắc đến nhiều và được yêu thích hơn cả đó là:

"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên Xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò

Riêng bài ca dao này đã được nhiều người biết đến vì nó là ca dao mang tính phổ biến rộng rãi không cục bộ như dân ca. Và cũng nhiều nhà nghiên cứu tốn giấy mực về nó. Đây là một bài ca dao tiêu biểu và nó có sự phát triển vận động dích dắc, phức tạp luôn được chắp nối. Đây cũng là một đặc điểm của thi pháp ca dao nhưng với bài này nó đặc sắc hơn cả.
Tiến sỹ Phan Đăng Nhật (Viện nghiên cứu văn hóa dân gian) đã sưu tầm được 26 lần xuất hiện của 2 câu ca dao: "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa- Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh" với một cấu trúc ổn định trong các trường hợp khác nhau. Và ông xếp cái trường hợp đó vào 7 loại cấu trúc.
Trong những dị bản đó thì có bản dài nhất gần 8 cặp lục bát (từ 16 câu) xuất hiện lần đầu vào 1910 trong sách Quốc phong thi tập hợp thái. Lúc đầu trong ca dao cơ sở có lẽ chỉ có một hoặc ba cặp lục bát như kể trên sau đó được bổ sung và chắp nối liên tục, vận động và trở thành một bài ca dao hoàn chỉnh gồm 16 câu như sau:

Thứ nhất thì bầu Chi Lăng
Thứ nhì cây khế, Đồng Đăng Kỳ Lừa
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Em lên Xứ Lạng cùng Anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò
Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương
Lên chùa thắp một nén hương
Khấn trời cúng bụt bốn phương chùa này
Tôi đi tìm bạn tôi đây
Bạn tôi thấy khó, bạn nay không chào
Chắp tay vái lạy con sào
Nông sâu đã biết, thấp cao đã từng.

Xâu chuỗi lại chúng ta có thể thấy đây là bài ca dao tả cảnh và cũng là câu chuyện tình của cặp trai gái mà cô gái ở miền xuôi lên theo "Anh" sinh sống. Cảnh đẹp, người đẹp thơ mộng, phố Kỳ Lừa lại là chốn phồn hoa đô hội. Anh con trai đã mải chơi bời vui vẻ quên hết lời thề ước hẹn ngày xưa. Cuộc đời từ chỗ êm đẹp nay đã rơi vào bế tắc, khiến cho người vợ đau khổ ngày đêm tơ tưởng người trong mộng:

Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương

Chưa hết, cô còn đi lễ chùa, khấn Phật cho cô tìm thấy chồng và kéo lại phía mình, nhưng sự giàu sang đã làm cho người chồng quên hết tình nghĩa vợ chồng ngày xưa
Chỉ một bài ca dao thôi đã cho chúng ta thấy sự sầm uất của phố xá miện sơn cước, với những danh lam thắng cảnh, sản vật và cả một câu chuyện tình lý thú.
Trong số các bài ca dao nói về Xứ Lạng thì cặp lục bát:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanhxuất hiện với tần suất dày đặc trong các bài ca dao. Kể cả ca dao mới danh từ Xứ Lạng cũng xuất hiện không ít lần ví dụ như:

Đường về Xứ Lạng mù xa
Có về Hà Nội với ta thì về
Hay là
Em lên Xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Ai lên Xứ Lạng cùng anh
Thăm quân du kích thăm thành Bắc Sơn
Đường lên Xứ Lạng bao xa
Cách một trái núi với ba quãng đồng

Nhiều bài ca dao ngoài cái hay cái đẹp về mặt văn học và ngôn từ còn ẩn chứa nhiều câu hỏi về lịch sử, văn hóa chẳng hạn câu "kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ" Vậy sao có tên Thành Lạng, Núi Thành Lạng ở đâu, sông Tam Cờ là sông nào mà nay không còn gọi nữa? Thật là một điều thú vị với các nhà nghiên cứu.
Trong ca dao kháng chiến chống Pháp cũng ít nhất có ba lần nhắc đến các địa danh ở Lạng Sơn (Tất nhiên là trừ Xứ Lạng ) đó là Bắc Sơn, Đèo Khách, Lũng Vài, những nơi đã làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Những bài ca dao về Xứ Lạng hình như nó có một phong vị riêng có đại từ danh xưng rõ ràng, những đại từ, danh từ phiếm chỉ rất ít. Thường là cụm đại từ anh và em. Xin lưu ý rằng ngày xưa danh xưng như vậy không hề phổ biến mà thường là ai, mình, ta, người ta, người ấy, chàng, nàng hay các đại từ phiếm định khác chẳng hạn:

- Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trảy nước non Cao Bằng

- Khăn đào vắt ngọn cành mơ
Mình xuôi đằng ấy bao giờ mình lên

Hoặc là:

- Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.

Ca dao về Xứ Lạng còn rất nhiều chưa thể sưu tầm và nghiên cứu được hết. Mới đi vào đã thấy mênh mông, chỉ xin góp bàn một đôi lời rất mong có nhiều ý kiến khác nữa.

                                                                                        Xứ Lạng đầu đông 1999

6 nhận xét: