Người theo dõi

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Chiến khu Bắc Sơn - Võ Nhai trong cao trào kháng Nhật cứu nước

Thưa trước: Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Quốc khánh 2/9, xin chép lại đôi dòng lịch sử về chiến khu Bắc Sơn - Võ Nhai trong cao trào kháng Nhật cứu nước; đây là hai địa danh đã đi vào lịch sử và ít nhiều gắn bó với chủ nhân blog này.

Đường vào làng Chiềng, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên


Sau khi Nhật đảo chính Pháp, căn cứ chỉ thị của Trung ương liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng đã chủ trương phát động phong trào quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền từng phần ở những nơi có điều kiện.
Căn cứ diễn biến tình hình ở chiến khu Bắc Sơn – Võ Nhai, cuộc khởi nghĩa từng phần đã mở ra ở nhiều nơi: Ngày 21/3/1945 giải phóng châu lỵ La Hiên; ngày 24/3/1945, ta đánh chiếm đồn Tràng Xá; ngày 10/4/1945 Cứu quốc quân tấn công đồn Đình Cả giải phóng toàn châu Võ Nhai. Sau khi châu Võ Nhai (Thái Nguyên) hoàn toàn giải phóng, nhiều chiến sĩ Cứu quốc quân là người Bắc Sơn đã trở về giải phóng quê hương. Phong trào cách mạng Bắc Sơn lúc này phát triển mạnh, chính quyền cấp xã của địch đã tan rã không hoạt động. Ở các xã, các tổ chức Việt Minh phát triển rộng khắp, bọn tay sai phản động ở Bắc Sơn vô cùng hoang mang lo sợ. Tình hình ở Bắc Sơn cho thấy điều kiện giành chính quyền trong toàn châu đã chín muồi. Đảng bộ Bắc Sơn đã cử đồng chí Hoàng Quyết đi Đình Cả (Võ Nhai) gặp đồng chí Chu Quốc Hưng đang chỉ huy cứu quốc quân ở đây lên hỗ trợ phong trào cách mạng Bắc Sơn.

Ngày 16/4/1945, một bộ phận cứu quốc quân do các đồng chí Chu Quốc Hưng, Dương Quốc Vinh, Nông Cát Lợi chỉ huy, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cách mạng địa phương do Đảng bộ Bắc Sơn lãnh đạo tiến vào Vũ Lễ. Quân địch đóng ở đồn Quang Thái (Vũ Lễ) bỏ chạy không dám chống cự. Ngày 17/4/1945 ta vượt đèo Canh Tiếm tiến vào giải phóng Vũ Lăng. Tại đây Đảng bộ Bắc Sơn đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Cứu quốc quân tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở Nam Nhi xã Vũ Lăng, được đông đảo quần chúng ở xã Vũ Lăng và các xã lân cận đến dự rất đông. Tại cuộc mít tinh này, đồng chí Chu Quốc Hưng thay mặt Ban chỉ huy khởi nghĩa đã tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân địa phương, thành lập Uỷ ban nhân dân lâm thời xã Vũ Lăng. Ngày 18/4/1945, sau khi giải phóng Vũ Lăng, Đảng bộ Bắc Sơn lãnh đạo nhân dân ở các xã Hưng Vũ, Vũ Lăng, Bắc Sơn, Chiêu Vũ cùng với một nhóm Cứu quốc quân rầm rộ tiến lên chiếm đồn Mỏ Nhài thu được một số vũ khí của địch. Đồng chí Dương Quốc Vinh được phân công cắm lá cờ của Cách mạng lên nóc nhà cao nhất của đồn. Ngay trong ngày 18/4/1945, Đảng bộ Bắc Sơn đã nhanh chóng phân công từng bộ phận nhỏ về các xã để giải tán chính quyền địch ở cấp xã.

Với việc đánh chiếm châu lỵ Mỏ Nhài và phá bỏ nhà tù Đàng Lang, ngày 18/4/1945 đã đi vào lịch sử của huyện như một sự kiện trọng đại: ngày Bắc Sơn hoàn toàn giải phóng, lá cờ đỏ sao vàng cắm trên nóc nhà cao nhất đồn Mỏ Nhài tung bay trước gió như bài hát Bắc Sơn “Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu”. Ngày 1/5/1945 ngày Quốc tế Lao động, Đảng bộ Bắc Sơn đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn với hàng ngàn người tham gia ở sân đình xã Quỳnh Sơn nhằm biểu dương lực lượng cách mạng. Nhân dân các dân tộc trong huyện tin tưởng, phấn khởi biểu lộ tinh thần quyết tâm ủng hộ cách mạng và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.

Vào tháng 5/1945 nhân dân các xã cử đại biểu tham dự hội nghị được tổ chức tại Làng Khau, xã Vũ Lễ để bầu ra Uỷ ban nhân dân lâm thời huyện Bắc Sơn, đồng chí Hoàng Quyết làm chủ tịch. Đó là một ngày hội lớn của nhân dân toàn huyện, lần đầu tiên trong lịch sử huyện Bắc Sơn, người dân bình thường đã có quyền nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình trong công việc của đất nước.

Khởi nghĩa Bắc Sơn xảy ra trước Cách mạng Tháng Tám 5 mùa thu, chiến khu căn cứ địa cách mạng của Đảng hình thành ở Bắc Sơn – Võ Nhai gần 5 mùa thu, bao lần bị dập đi lại nhóm lên vùng căn cứ địa cách mạng này đã giữ vững đến ngày tổng khởi nghĩa. Ngày 18/4/1945 đã bước vào lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bắc Sơn như một mốc son.

Đầu tháng 8/1945 phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Tổng bộ Việt Minh ra Quân lệnh khởi nghĩa và lời hiệu triệu được phát đi. Ngày 19/8/1945 ta đã giành được chính quyền ở Thủ đô Hà Nội. Cuối tháng 8/1945 ta đã thu được thắng lợi trong toàn quốc, trong đó có sự đóng góp kinh nghiệm của chiến khu Bắc Sơn – Võ Nhai.


Bài viết có tham khảo "Lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Sơn."
Xem thêm:

Đánh sảng ở làng Chiềng ( List of villages in Chiang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét