Người theo dõi

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

“Vàng Công, bạc Xâm, đồng Xá”

      Chả biết có phải gốc gác 7 đời nhà y ở đồng bằng sông Hồng hay không mà y có duyên  hay về chốn đó. Đầu năm y đi đền Trần Nam Định (những hai lần), cuối năm y lại đi đền Đồng Xâm, Thái Bình. Chợt nhớ câu "Vàng Công, bạc Xâm, đồng Xá" ấy là hai làng nghề nổi tiếng đất Thăng Long: Vàng Định Công, đồng Ngũ Xá và bạc thì dĩ nhiên là Đồng Xâm, Thái Bình.
Y thấy mê đất Thái Bình rồi đó...he he
Đền Đồng Xâm ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, thờ Triệu Đà tức Triệu Vũ Đế (207-136 trước Công Nguyên) 
 Đền Đồng Xâm được nhiều người biết đến trong hệ thống đền chùa nằm kề bên sông Vông với tục đua thuyền trong ngày hội và gắn với làng nghề chạm bạc nổi tiếng.

Hàng năm,  Làng Đồng Xâm vào đám vào những ngày cuối tháng 3 âm lịch và khai hội vào ngày 1- 4.

Trước kia, hội đền Đồng Xâm thường có nhiều lễ thức, nhiều trò chơi trò diễn trò đua tài, cuốn hút trai thanh, gái lịch trong vùng tham gia như: Đấu roi, đấu vật, hát chèo, hát ca trù. Sôi nổi hấp dẫn nhất là tục đua chải.
Đường làng Đồng Xâm


Đền Đồng Xâm

 

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Bước ngoặt trên đường và ngã rẽ cuộc đời

Bước ngoặt hay lối rẽ cũng vậy. Đi đường thì ai cũng thích đường thẳng, nhưng cuộc đời phẳng lặng quá thì cung chỉ như tồn tại, như phường giá áo túi cơm. Bởi thế trong đời ai cũng có muốn vài lần lối rẽ, tất nhiên không ai thích rẽ trái, rẽ vào ngõ cụt mà ai cũng muốn có lối rẽ đột biến, lối rẽ cho một tương lai sáng lạn hơn. Nhưng có tạo ra được lối rẽ cho mình không? Câu trả lời là có thể có mà rất có thể không. Nếu ai đó có thể điều khiển được mệnh của mình! còn không thì trông vào ý trời vậy, mà ông trời thì cao và xa...đường xa gánh nặng mà nhìn về phía trước cứ thẳng hun hút thì cũng ngại, chi bằng có một lối rẽ cho cảm giác đỡ chông chênh.
Vậy là lại sắp sang một năm mới, âu cũng là một lối rẽ thời gian!

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Tháng 12

Tháng 12 là tháng cuối cùng của năm, là tháng chuẩn bị cho một tháng đầu tiên của một năm mới, dù mỗi năm đều có tháng 12 nhưng không năm nào giống năm nào vì đơn giản là thời gian cứ trôi đi không ngừng. Xưa, cứ qua mỗi tháng y lại lấy phấn ghi lên cột nhà một cách nắn nót theo lối chữ in, có khi lại ghi lên toang chuồng trâu bằng lá cây cỏ nhật. Tháng 12 rất khó ghi lên cột vì nó có hai chữ số và số 2 lại to chiều ngang, còn tháng 11 thì không khó lắm, tháng 12 cũng là tháng trong giấy khai sinh của y. Tháng 12 là cuối cùng trong năm nhưng không phải là năm cùng tháng tận vì có tháng 12 mới có tháng 1. Thấm thoắt, các xiên nhà, cột nhà đầy các con số thì cũng là là lúc y cũng rời làng Chiềng ra đi bắt đầu hành trình lê thê tha phương cầu thực. Chuồng trâu cũng không còn vì nông dân đã cày máy, cột nhà vẫn còn đó với những con số mờ theo thời gian. Hôm nay lại sang tháng 12 rồi, y không còn đánh dấu lên cột nhà và ghi vào những cuốn lịch túi nhỏ từ đầu năm rằng tháng 12 mình sẽ làm gì, ở đâu nữa, và có một điều y thấy hình như tháng 12 chóng đến hơn xưa!
Xưa tháng này cũng là tháng nông nhàn, các tiều phu làng Chiềng lại lên rừng đốn củi chặt cây làm nhà, xẻ cây lấy gỗ...
Vì không đủ sức khỏe làm thợ sơn tràng và lấy vợ sơn nữ dệt bức tranh chồng đi rừng lấy củi săn thú, vợ dệt vải như trong cổ tích và cũng không bước qua được lời nguyền của các thôn nữ:
"Ai ơi chớ lấy thợ cưa
Cơm ngày hai bữa dái đưa đùng đèng".
Thế nên y đành bỏ làng Chiềng ra đi........

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Đám cưới mùa hè...

Xưa. Làng tôi cũng khá trù phú khoảng trên trăm nóc nhà. Quan, hôn, tang, tế tương đối bài bản theo sách Thọ Mai gia lễ. Việc tang thì tôi cũng đã có lần kể (Xem bài

Đánh sảng ở làng Chiềng ( List of villages in Chiang)

ngày 19/4/2011). Việc cưới thường hay nhằm vào cuối thu, đầu đông, bất quá là sang xuân, là những lúc nông nhàn, bởi dân làng cũng còn phải làm đồng khi vào vụ. Ngoài các thủ tục truyền thống đám cưới làng tôi đơn giản nhưng mà vui. Thời ấy đâu có mời bằng thiếp (hay thiệp) mà khổ chủ đến từng nhà mời rồi kêu hộ luôn: hộ người, hộ lợn, thóc, rượu.... Ngày cưới bắc rạp bằng khung tre, lợp các tấm cót phơi thóc. Tất tật dụng cụ như nấu nướng, bát đĩa, nồi niêu...đều đi mượn trong làng, tối đến treo đèn tọa đăng, nhà nào có đèn măng - xông hay máy phát điện là nhất. Cả làng hoan hỷ, cười nói oang oang và lấy thế làm đắc ý lắm. Tiếng pháo nổ râm ran suốt từ lúc bắc rạp cho đến tàn cuộc, đặc biệt là gầm lên vào lúc dâu về tới cổng nhà, khói pháo vương vấn khắp làng, xác pháo đỏ cả đường, trẻ con xúm xít nhặt pháo xịt, tranh giành cãi nhau chí chóe. Quà cưới ngày ấy thường là chậu nhôm và nồi nhôm, sang hơn thì phích nước nhưng của ấy hiếm lắm. Chậu nhôm được gói bằng giấy màu đỏ, diềm cắt tua rua, cũng chỉ là thứ chậu gia công chứ không phải quốc doanh làm bằng nhôm tái chế mỏng tang, nếu cho đầy nước vào chậu mà bê lên thì cái miệng chậu lập tức biến thành hình e - lip. Dùng gì đến nó cũng phải nâng như nâng trứng hứng như hứng ...chậu không thì bẹp mất. Cũng có người mừng tiền tôi nhớ khoảng chừng dăm chục hay một trăm quan tiền Cụ Hồ gì đó, người ta đưa cho chủ nhà chứ không có "bàn ghi công đức" hay "hòm phiếu" như bây giờ.
Tôi nhớ ngày ấy không ai cưới chọn tháng Ba vì đó là tháng giáp hạt, ăn còn chả no lấy đâu ra cỗ. Cũng kiêng tháng Bẩy, sợ rằng tháng ngâu thì vợ chồng sẽ xa nhau như vợ chồng Ngâu (Ngưu Lang - Chức Nữ). Người ta cũng tránh luôn tháng Sáu vì tháng đó đang mùa vụ vả lại tháng ấy nóng quá không có "làm ăn" gì được. Thế nên các cụ có câu: "Đám cưới mùa hè, bò què tháng Sáu". Bất đắc dĩ ai đó phải cưới chạy tang hay cưới "chạy bụng" thì mới chọn thời khắc đó.
Nay thì đã thay đổi cả, người ta cưới bất cứ ngày nào, mùa nào, nếu ở thành thị thì còn phải chọn ngày thứ Bẩy, Chủ nhật cho tiện. Mọi cái cũng đã đơn giản, hiện đại. Đám cưới quê với hình ảnh rước dâu áo cánh trắng, quần lụa bằng xe đạp Thống Nhất hay Phượng Hoàng cánh chả nay chỉ còn trong ký ức một thời...

Thị sát trên sông Sài Gòn đoạn chảy qua Đồng Nai (Tháng 4/2006)



"Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng"
                                (Ca dao)

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Làm quan có vì dân?

Làm lính thì ai mà chẳng muốn có ngày được lên quan, nhưng ai cũng làm quan thì ai làm dân? Mà thời nay ai làm quan cũng chỉ muốn thu vén, vinh thân phì gia chứ có ai tận tâm, tận tụy lo cho dân?
Cái đó nó phát ra mồm, rồi nó trở thành phong trào...thế mới nguy!
Ngồi đâu cũng thấy bàn chuyện quan tước, hạ phóng rồi lộ trình sẽ làm ông nọ bà kia..rồi thì chỗ này thơm, chỗ kia xương...Vào rồi thì lo thu vén, thu hồi vốn, rồi có lãi, rồi lại mua bán cái vòng luẩn quẩn bi hài. Trăm phương ngàn kế bắt đầu được đưa ra, nhất là thời điểm giao mùa. Người ta chạy cả âm cả dương, có anh nói vui là phải thường xuyên "thắp hương" cả đền chùa và thắp cho cả các quan...đương sống thế nên mới có chuyện đi xin ấn, xin lương vào dịp đầu xuân ngõ hầu để được làm quan rất nhộn nhịp.
Mạt rồi
Chỉ có dân là khổ, ấy là còn chưa "đáo tụng đình" đấy, chứ mà....ặc ặc

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Chúng ta đang sống vì ai?

Cuộc đời là quy luật sinh, lão, bệnh, tử đàn từ trẻ thơ đến nhận thức được cuộc sống và những tri thức trong thế giới. Khi đã nhận thức được thế giới, "ngũ thập tri thiên mệnh" tức biết mệnh trời thì cũng chuẩn bị cho lức chầu giời. Ai nhiều phúc thì hưởng thọ 80, 90. Ai đoản mệnh thì hưởng dương 50, âu cũng là số phận. Những tưởng rằng cuộc sống là chiếm lĩnh tri thức và hưởng thụ những gì mà tự nhiên đã ban tặng cho con người theo lẽ thường nhưng ấy thế mà không
Con người ta bị ràng buộc bởi giáo lý, đạo đức và ràng buộc giằng xé bời vô số những quan hệ chằng chịt và vòng xoáy của cuộc sống mà không dễ gì dứt ra nếu không nói là không thể.
Thời bé chúng mình (nay đã U50) đi học không chịu áp lực gì cả, không có bài về nhà nhiều như bây giờ, không có học thêm và đúp hay lưu ban, thi lại là điều vô cùng bình thường. Xưa Y gặp thầy giáo Thơm hay cô giáo Thanh từ xa đã đứng nghiêm như chào cờ:
- Em chào Thầy ạ!
Hoặc
- Em chào Cô ạ!
Nếu có đánh đánh chửi gây lộn thì người lớn hay hỏi
- Mày con cô giáo nào? Ý nói là học với cô giáo nào.
Giờ thì chuyện ấy đã là cổ tích
Nay thì cả xã hội nhồi nhét cho con em mình đủ thứ trên đời, những thứ cao siêu, hàn lâm hóc búa mà khi ra đời chẳng để làm gì, mỗi khi có dư luận hay áp lực từ quan chức là lập tức chương trình được bổ sung. Học sinh không muốn học, thầy cô bảo học thế là đủ nhưng phụ huynh cứ đòi học thêm, rồi thì chạy trường, chạy lớp..Bệnh nhân vào viện bác sỹ chưa khám nhưng người nhà đã chỉ định phải tiêm thuốc này, phải làm thủ thuật kia...bó tay!
Ra đường thì mạnh ai nấy chen, hở một chút thì nhoi lên làm cho đáng ra không tắc thì càng tắc thêm. Va chạm nhau thì nhìn nhau như quân thù, quân hằn. Tai nạn thì cứ xe to hơn phải bồi thường và nhún nhường cho dù mình đúng. Chốn quan trường những vị đức cao vọng trọng nhưng cũng chen nhau lên xe hay vào họp dù chỉ một bước chân.
Đến đi đám ma cũng phải chen ngang để được viếng trước. Xã hội soi mói lẫn nhau một cách khắt khe quá đáng, nhiều việc chẳng đáng gì nhưng cả thiên hạ dậy sóng. Và đảo điên khi đang từ quá tả sang quá hữu tức thì nếu dư luận ồn ào. Truyền thông là thủ phạm góp phần tạo nên dư luận. Nhiều việc rõ mười mươi nhưng không ai dám nói hoặc không sao tìm ra nguồn cơn và sự thật vấn đề, nhiều chuyện ai cũng biết nhưng chỉ nói ngoài cuộc họp??? Người ta trở nên suy nghĩ và ăn ở hai lòng, nói khác nhưng nghĩ khác và làm khác. Xã hội hình như đang bình quân chủ nghĩa, nhất là trong giới công chức. Việc mua bán nhiều thứ diễn ra đã rất rất là phổ biến rồi.
Giật mình tự hỏi chúng ta đang sống vì ai?
Y cảm thấy một sự bức xúc không hề nhẹ rồi đấy, he he he!

Cứ vô tư như bọn trẻ này đi


Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Ô Đan xuống chợ

Lúc nhỏ, y còn học cấp 1 rất nhớ bài tập đọc Ô Đan xuống chợ kể về một em bé người dân tộc được mẹ cho xuống chợ phiên với bao bất ngờ, bỡ ngỡ.
Hôm nay cũng tâm trạng của Ô Đan, y đuợc về thủ đô thăm thú nhà Quốc hội, viếng Lăng Bác, thăm Lotte...cũng thỏa tấm lòng của Ô Đan xuống phố. Lý do rất bình thường như người đi đường là ông giáo làng Chiềng là người có uy tín trong thôn bản được đi chơi thủ đô
Hội trường Ba Đình mới đã cơ bản hoàn thành sau 5 năm thi công và sau 7 năm phá đi Hội trường Ba Đình lịch sử.
Tòa nhà có 5 tầng nổi và 2 tầng hầm, trên tầng 3 phía  4 góc có trồng cây cảnh lớn khiến nhìn xa cứ ngỡ trồng cây từ mặt đất. Nhà như một hình vuông chạy 4 xung quanh bao lấy phòng họp hình trụ như cái bát tô ở giữa bên dưới là sảnh tầng 1 rộng thênh thang. Dưới hầm rộng và nhiều lối đi như mê cung rất dễ lạc nếu không nhớ hoặc xem biển chỉ dẫn. Rất nhiêu khu WC rộng rãi được cái thuận tiện cho những ai ưa xuất khẩu! Cửa phòng họp còn có tên Diên Hồng ở tầng 3 quay ra đường Độc Lập đối diện khu lăng Bác. Dù còn bộn bề nhưng cũng thấy phần nào diện mạo của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.
Còn Lotte là chốn của người giàu, Ô Đan chỉ đi ngắm thôi vì chẳng có tiền, thậm chí còn không tự tin xem hàng, hỏi giá khi mà cũng chẳng ai đánh thuế nếu như Ô Đan hỏi mà không mua
Một đời cầm phấn cũng thấy nao lòng khi thấy người ta giàu quá đi mất.
Vâng, nhưng mà....
Xin lỗi, anh chỉ là thằng Ô Đan xuống phố.

Giáo làng Chiềng trong Hội trường Ba Đình (mới) trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII cũng là kỳ họp đau tiên tại Nhà Quốc hội, Hội trường Ba Đình mới


Trước cửa Hội trường Ba Đình


 Phòng Diên Hồng



Ô Đan đi chợ Lotte


Bên trong nhà Quốc hội


Quang cảnh kỳ họp



Từ cửa phòng Diên Hồng nhìn sang lăng Bác


Vệ sinh khu khảo cổ hoàng thành Thăng Long

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Chiềng làng, chiềng nước...

Cốc cốc cốc! Chiềng làng, chiềng nước...! y bận rong chơi "lai kinh ứng thí" nên y nghỉ blog một thời gian (không dài) đây!