Người theo dõi

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Giáo sư Đặng Vũ Khúc không còn lên làng Chiềng nữa rồi!

Thế là GS.TSKH Đặng Vũ Khúc không còn lên làng Chiềng giỗ bố tôi vào tháng Tư hằng năm được nữa rồi! Chiều hôm qua, vào 16h25' ngày 21/11/2012 (nhằm ngày 09/10 năm Nhâm Thìn), trái tim của nhà khoa học địa chất hàng đầu nước ta đã ngừng đập tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội (1931-2012).
Gia quyến sẽ tổ chức tang lễ cho Bác tại số 5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng Hà Nội vào lúc 11h30' đến 13h00' ngày 23/11 và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ hồi 16h00' cùng ngày sau đó đưa di cốt về an táng tại quê nhà, thôn Lê Xá, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội vào sáng ngày 24/11/2012
Bác Khúc, người bác ruột kính yêu của tôi đã trở về với cát bụi!
Sống gửi, thác về. Cháu cầu chúc cho linh hồn của Bác siêu thoát về miền cực lạc!

Bác Khúc ơi!





Tang lễ ngày 23/11/2012





Xem thêm GS Đặng Vũ Khúc ở đây:
http://blog.yahoo.com/_ZTNPDTGCUOV24I5AHSUWDQGHOM/articles/591222/category/Family

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Câu chuyện bên bờ con sông chảy ngược (Part II) hay là món cháo vịt giả khoai!

Đường vào khu tập thể hồi ấy lầy lội ổ voi bởi các loại xe khách, xe tải, xe "chuồng gà" chở hàng lậu của Trung Quốc ra vào ngày đêm. Cơ quan nằm giữa bãi đất trống huơ tứ bề ấy nên cũng lắm chuyện buồn cười. Thỉnh thoảng lại có anh mất cốp hay gương xe máy. Đó là những tay nhà giàu chứ cái thứ trên răng, dưới "cát - tút" như bọn y thì chả có gì để mất cả. Bọn gánh hàng rong, rau cỏ đi qua cơ quan suốt ngày nào thì quần áo, đánh giầy, rau quả, bẫy chuột, đồ ăn cắp cũng có... Có đến phân nửa thời gian làm việc của bọn công chức rỗi việc bị tốn vào đấy. Nhiều đứa con cán bộ thời ấy thường theo cha mẹ lên cơ quan, được cái việc ít mà lại không "cháy nhà chết người" nên cũng chả sao, chúng cứ lớn lên một cách tự nhiên như củ khoai, củ sắn. Lương thấp nếu không nói là cực thấp (Lương đại học mới ra trường của y lúc đó tròm trèm 10 vạn, mua được khoảng trên trăm gói mì tôm hạng trung) nên các bác lãnh đạo cũng vì thế mà chả mắng mỏ gì, thi thoảng còn đùa vui với lũ trẻ và còn cho chúng kẹo bánh nữa. Những đứa trẻ ấy giờ đây khối đứa đã trở thành  sinh viên của các trường đại học danh tiếng vào loại bậc nhất của Hà Thành như FTU, HUST...HUC
Vui cũng kiểu vui của con nhà nghèo, mỗi khi có sự kiện gì các cô, các chị lại vào bếp nấu nướng rồi liên hoan, cũng nhạc sập xình từ cát-xét Tàu rồi nhảy loạn trong hơi men phấn khích ầm ĩ cả khu đầu cầu như ngày xưa thôn quê có gánh hát về làng, cả các bậc cao nhân đáng kính cũng tham gia rất chi là nhiệt tình, bọn du đãng đi qua cũng nghển cổ ghé nhìn và lấy thế làm lạ lắm. Vào mùa World Cup hay Euro thì vui hết biết, đêm nào mấy bác trong khu tập thể cũng vác Ti vi ra sân (để các bà vợ đỡ cằn nhằn) hò reo cả đêm, đó là những bữa tiệc thể thao thật sự đối với y và gã cử nhân tân khoa thời ấy, bởi hai gã mọt sách không có nổi cái TV để xem dù chỉ là đen trắng. Sáng nào hai thằng cũng phải dậy sớm thập thò ở cửa nhà hàng xóm xem ké TV khi mà chiếu những bộ phim dài tập để đời của truyền hình Tung Của như Tể tướng Lưu gù, Nghiệp chướng...hay những bộ phim của truyền hình Việt Nam thời còn ăn khách như 12A và 4H...


Đêm chung kết Uôn - Cup 94 rồi 98 thể nào cơ quan cũng nấu cháo vịt liên hoan, có năm y và gã cử nhân cùng phòng được giao nhổ lông vịt ở nhà bà Trưởng phòng đáng kính ven sông có 2 cô con gái xinh như mộng chửa có chồng, không biết do bản tính vụng thối vụng nát cố hữu hay do mải liếc hai em mà bọn chúng nhổ tuột hết cả da vịt như bóc củ khoai. Rồi nồi cháo nóng với những cái bụng đói lúc đêm khuya hay vì bóng đá quên đi mọi ưu sầu, phiền muộn, con người ta trở nên dễ tính, độ lượng hơn mà không thấy ai chê bai hay xét nét món thịt vịt không da của hai thằng, he he

Năm ấy, trời làm lụt lội, nước sông KC lên cao mấp mé bờ, cả đêm ấy xóm nghèo thức trắng để...xem nước lên. Cũng chả có gì phải lo lắm vì đồ đạc cũng không có gì nhiều. Chỉ lo cái kho đồ "đồng nát" của cơ quan bị ngập thì lại quy trách nhiệm cho nhau hết hơi.
Khu tập thể cạnh đầu cây cầu sắt nên đêm đêm tiếng xe nghiến mặt cầu rung ầm ầm, inh tai nhức óc, riết rồi cũng thành quen. Thỉnh thoảng lại có người chán sống nhảy cầu tự tử. Cả xóm lại hò nhau ra xem y hệt ở làng quê với thói tò mò cố hữu của người Việt.
Rời chốn nhà quê ra nơi phồn hoa đô thị nhưng lối sống, cách hành xử vẫn đậm đặc chất quê, mà biết đâu như thế lại là giữ gìn bản sắc, hay gì đâu đua đòi lối sống nửa thị thành, nửa nhà quê. Bản chất lưu manh thị thành vẫn chưa thể một đời có thể ngấm ngay vào những con người kẻ quê ấy được.
                                                                      Hết thật.

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Hiện vật quý - chai bia BGI cổ niên đại 1875

Hôm rồi dọn nhà mới thấy cái chai bia lăn lóc góc nhà, nhặt lên xem thì thấy là lạ không biết được sản xuất năm nào, có ghi Sài Gòn 1875, Đây là chai bia của hãng B.G.I có biểu tượng con cọp, lô gô, chữ trên thân chai đều in bằng sơn nổi nhưng rất chắc vì không thấy bị bong tróc. Các thông số trên thân chai bằng tiếng Pháp. Các vỏ chai bia hiện nay đều dán nhãn bằng giấy. Chai bằng thủy tinh màu hồng đỏ rất đẹp. Loại bia này hình như mới tái xuất tại Việt Nam mới đây mà hiện nay chỉ thấy dân miền Trung sử dụng.

Mặt có hình vẽ (Ảnh 1) có ghi:


MARQUE  DÉPOSSEE

BIERE DE LUXE

"33"

EXPORT

BRASSERIES  & GLACIERES

, DE  L' INDOCHINE

BGI

Mặt có chữ ghi:

BIÈRE
FABRIQUÉE AVEC DES MALTS
D'ORGES SÉLECTIONNÉES ET DES
HOUBLONS DES CRUS LES PLUS
RENOMMÉS
*
BRASSERIES ET GLACIÈRES
DE L' INDOCHINE
SAIGON
ANCIENS E TS V.LARUE
ETABLIS AU VIET - NAM DEPUIS
1875
Ai quan tâm xin mời liên hệ với chủ nhân (anvpqh@yahoo.com).






Vỏ chai bia 33ml




Thời buổi công nghệ mà cán bộ Bảo tàng vẫn xử lý hiện vật như mẹ đĩ nhà cháu đang tẽ ngô ở nhà quê ý.

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Ký ức thời gian

Các cụ bảo "trẻ vui nhà, già vui chùa", y chưa đến tuổi vui chùa và y cũng not female nên không đi chùa vì tuổi già nhưng y cũng không còn trẻ nữa. Việc đi chùa của y khá tình cờ và hấp dẫn bởi Chùa Vĩnh Nghiêm có mộc bản mới được UNESCO công nhận là di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - trong Giấy ghi nhận phát tâm công đức của chùa in như vậy (Anh cán bộ đi cùng thì giới thiệu là di sản ký ức của nhân loại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đọc báo chí cũng thấy nói như thế).
Chùa nằm ở Đức La thôn, Chí Dũng xã, Yên Dũng huyện, Bắc Giang tỉnh. Chùa ẩn khuất  trong những lũy tre làng thanh bình bên cánh đồng lúa 
mênh mang. Đường vào chốn tổ đình Vĩnh Nghiêm với những mộc bản phong phú của chùa khá thuận lợi bên những cánh đồng thẳng cánh cò bay và núi Cô Tiên huyền thoại cách đường cái quan chừng 20 cây - lô - mếch và cách Hà Thành chừng 1,5 giờ đi ô tô, đường đi rất thuận tiện vì đã được bê tông hóa và nhựa hóa hoàn toàn, tận sân chùa.
Vì có liên hệ trước nên đoàn của y được tận mắt và tận tay chiêm ngưỡng và cảm nhận những mộc bản rất tinh túy bằng chữ nho của tiền nhân để lại. Cổng vào chùa bằng đá và gỗ rất hoành tráng chắc là mới xây nhưng chùa thì thật là cổ kính với kiến trúc cổ và nhiều chạm khắc tinh xảo. Nhiều pho tượng gỗ cổ đậm màu thời gian không sơn son thếp vàng càng tôn vinh giá trị ngôi chùa, nền đất mát lạnh, bài trí đúng phật pháp.


Theo Đại đức trụ trì tại chùa cho biết Chùa Vĩnh Nghiêm hiện còn lưu giữ hơn 3.000 mộc bản kinh Phật, được khắc từ thế kỷ 16-19 để phục vụ đào tạo tăng ni phật tử thiền phái Trúc Lâm và cả nước. Mỗi bản có hai mặt, khắc chữ Hán Nôm âm bản (khắc ngược) gồm nhiều nội dung: y học, văn học, bùa chú, luật giới nhà Phật... Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm với những chạm khắc hoa văn độc đáo.


Chùa Vĩnh Nghiêm được mệnh danh là “Đại danh lam cổ tự”, một trung tâm Phật giáo lớn nhất của thời Trần, một chốn tổ quan trọng của 3 vị Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang) từng trụ trì và mở trường thuyết pháp.

Chuẩn bị khởi hành...



Vào Chùa
...



Sân chùa Vĩnh Nghiêm


Nghe Đại đức trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm giới thiệu về lịch sử ngôi chùa và mộc bản



Mộc bản được cất cẩn thận trong chùa, sau các ban thờ, khóa trong tủ chắc chắn

Thành kính...




Ra về nhớ nơi ấy Yên Dũng, Bắc Giang có chốn Tổ đình Vĩnh Nghiêm

Hiện vật mộc bản được phục chế để trưng bày phục vụ khách vãng cảnh chùa


Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay




Giấy ghi nhận phát tâm công đức nhà chùa




Dấu xưa...


Trăm năm bia đá...chưa mòn
...

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Câu chuyện bên bờ con sông chảy ngược

Đặt cái title cho tò mò câu view vậy thôi chứ thực ra y muốn kể về cuộc sống thời bao cấp trong khu tập thể bên bờ sông KC mà y từng ở khi mới bước vào đời.
Đó là vào khoảng những năm đầu tiên của thập kỷ cuối của thế kỷ trước mới ra trường, y xách ba lô lộn bắt xe ngược lên xin việc ở một tỉnh miền núi.
Cơ quan bố trí cho hai ông cử non ở một gian ở khu tập thể bên bờ con sông một thời huynh đệ tương tàn chưa xa, khiến nhà báo Ta- Ca - Nô của xứ Phù Tang phải bỏ mạng.
Gọi là khu tập thể nhưng vô cùng nhếch nhác gần nhà tù cũ của bọn thực dân đế quốc sài lang, lúc bấy giờ trở thành bãi tập kết xe chở rác của Công ty vệ sinh môi trường. Đó là một dãy nhà cấp 4 lụp xụp, lợp ngói xi măng dài như cái nhà dài của đồng bào Ê-đê, M'nông ở Tây Nguyên dễ có đến hai chục gian. Mỗi gian là một hộ cán bộ của mấy cơ quan ngành cờ đèn kèn hoa và vài cơ quan khác sinh sống, phòng chỉ có một cửa ra vào duy nhất không có cửa sổ, không trần, không khép kín, khi đóng cửa thì tối om như hũ nút. Mùa hè thì nóng chảy mỡ, mùa đông thì gió bắc lùa thấu xương, hễ có mưa bão thì chuẩn bị chậu mà hứng nước. Khổ là vậy nhưng không ai có ý định sửa sang lại vì nghèo và cũng vì cha chung không ai khóc. Y và một ông cử vốn rất giỏi cái chữ thánh hiền quê một tỉnh cửa ngõ thủ đô nay đã đi vào dĩ vãng được phân vào một gian tập thể, thôi thế cũng tốt chán vì không phải đi thuê.
Cả xóm, mỗi nhà có một gian bếp con con phía trước (trừ gian y ở không có, đun bếp dầu luôn trong phòng) được lợp bằng đủ thứ vật liệu chắp và từ giấy dầu, tấm lợp và tất cả những gì có thể, tường trát đất xiêu vẹo thấp lè tè, ẩm thấp, hôi hám không bằng cái chuồng vịt của nông thôn mới bây giờ. Ấy vậy mà chứa trong đó là những con người có trình độ, nhiệt huyết ngùn ngụt với nghề. Con người sống trong xóm nghèo cũng rất chân tình, thân ái. Việc gì cũng có nhau vui, buồn, "khi chén rượu, khi cuộc chè"...hay mỗi khi World cup, vợ giận đều sẻ chia rất chi là thân thiết.
Y và gã cử nhân tân khoa được phân vào một phòng thay nhau nấu cơm hàng ngày, thức ăn chỉ hai món xào luộc quen thuộc, thi thoảng lắm mới dám sáng kiến món mới vì chẳng biết nấu và cũng vì cái ví chưa hết tháng đã lép kẹp. Nhưng mà cũng hay hung hăng uống rượu như Phết, có hôm 3 thằng mà ngả hết gần 4 chai rượu loại rượu săm ô tô nồng nặc mùi cồn đựng trong chai bia tàu, say đến 3 ngày chưa hoàn hồn đến nỗi nôn ra nửa chậu tuyền nước, he he
Lúc mới lên công tác,  nhiều đêm mưa gió hai thằng trằn trọc không ngủ được thấy hàng xóm có nhiều tiếng động lạ như có kẻ trộm rình mò, rồi thì lại thấy tiếng thở hồng hộc, tiếng rên la ư ử. Thôi chết, chắc các bác hàng xóm lại đau ốm sốt cao rồi đây, lại lo cho cái thân mình đất khách quê người, gạo châu củi quế mà lương thì eo hẹp gặp cảnh ốm đau không người thân bên cạnh thì biết làm thế nào, thế là lại lo cả đêm. Cũng may, một lúc sau thì các nhà hàng xóm lại ngáy pho pho, chắc là họ có sẵn thuốc cảm dự phòng. Sau này mấy thằng mới lớn có kinh nghiệm mới biết là họ chẳng ốm đau gì sất mà thậm chí là đang rất khỏe, he he!
Gian nhà ấy vậy mà cũng nuôi nấng giấc mộng đèn sách của hai chàng thành sự thực; gian phòng ấy còn là "giảng đường" của y dạy lũ học trò cuối cấp 3. Trên chục đứa ngồi chen chúc, đứa ngồi ghế, kẻ ngồi trên giường, bàn học thì tận dụng các loại. Bảng bằng tấm pa - no sơn đen gắn lên tường, cái chạn bát kiêm luôn bàn giáo viên của y. Giờ học từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối cũng là giờ hàng xóm nấu cơm, mắng con..râm ran!
Xóm nghèo khi ấy cũng có một doanh nhân (quốc doanh) trong ngành tạm coi thành đạt, lúc mới ra đời cái điện thoại nối dài còn gọi là "máy mẹ, máy con" to bằng cục gạch lúc nào cũng như vật bất ly thân của bác ta, kể cả đi xuống bếp nó réo líu lo cả ngày thấy rất là ngưỡng mộ.
Hồi ấy nhiều cán bộ ngoài việc nhà nước còn làm thêm bên kinh doanh vận tải mà dân địa phương quen gọi là "Cẩu pỉnh". Chiều chiều từng bầy Min-xcơ đổ về xóm rầm rập, vui tai, từng đống tiền lẻ được đổ ra đếm và vuốt mép xếp lại, đầu tư cho tương lai.
Cả khu tập thể có một bể nước công cộng đầu xóm. Mọi sinh hoạt diễn ra ở đó như cái giếng làng ở quê. Có hôm, anh em thằng Chẫu chuộc, thằng Gạo ra tắm truồng, cô Phụng trong xóm tuổi trăng rằm ra rửa rau, y phải sốt ruột chờ cái vòi chảy ri rỉ như ve đái nên mới cao giọng mắng mấy thằng:
- Ê,  thằng Chẫu, thằng Gạo! Chúng bay về nhà mà tắm hay ít ra cũng phải mặc cái quần đùi vào chứ, mày có thấy chị Phụng tắm ở bể như thế bao giờ không?. Cô Phụng đỏ mặt lảng đi, hai thằng bé chừng 9,10 tuổi cũng xấu hổ bỏ về thế là y chiếm trọn cái vòi công cộng tha hồ tắm gội.
Lại có hai cha con nhà nọ giữa trưa ngồi xổm cắt tóc cho con ngoài sân tập thể, bố cứ loay hoay cắt cho con, còn ông con trạc 6, 7 tuổi trùm áo mưa cứ thản nhiên lấy que chọc ngoáy "thằng em" của ông bố như một trò chơi thú vị, nhìn cảnh ấy, đố ai nhịn được cười!

Nhà vệ sinh công cộng cách xa khu tập thể hơn trăm mét gồm bốn gian, đó là thứ nhà xí thời bao cấp rất bẩn không tự hoại, không dội nước nên rất hôi thối, trời nồm và nắng lại càng hôi tệ mà sáng ra chờ nhau cũng hết hơi. Giấy vệ sinh là giấy báo cũ tận dụng của cơ quan, tiếng vò báo sột soạt, tiếng hất nước râm ran buổi sáng, đôi anh kỹ tính còn đốt lửa cho đỡ ám khí. Ấy vậy mà dãy nhà vệ sinh lại có khóa và rất nhiều khóa  mới tài vì khu ấy ô hợp đầy dân buôn bán ở trọ vãng lai. Bởi mỗi nhà một khóa không chung nhau nên cái chùm khóa có khi đến 5, 6 cái. Tuy nhiên không biết do vô tình hay cố ý mà có anh đi xong khóa không đúng quy trình mà lại khóa tắt nên có vài cái vẫn móc ở chùm nhưng dù có mở được khóa nhà mình nhưng vẫn không vào được vì nó không theo móc xích nguyên tắc cái nọ nối với cái kia sao cho cái nào cũng có thể mở được nên rất mót mà không được đi đành nhăn mặt chửi đổng rồi quay về tìm "thủ phạm". Có đứa quái đản cứ rình buổi tối ra đái vào chùm khóa, thứ khóa Trung Quốc hàng địa phương bằng sắt gặp nước đái mặn két lại, vài hôm thì kẹt không tài nào mở được.
Chỗ tập thể ấy gần sông nên bọn này hay ra đó tắm, chỉ mùa thu và mùa đông thôi vì mùa hè nước lúc nào cũng đục ngầu. Có lần bọn y xuống bãi cạn
(not Scarborough!) tắm cùng với một văn sỹ nơi thượng nguồn sông Thương tên Đấu, hắn nhỏ người loắt choắt nhưng rất tinh ranh, hoạt ngôn có lẽ vì thế nên có biệt danh là monkey, hồi ấy còn thịnh hành mốt tất xù của tàu, trời rét hắn ta biện liền hai đôi hiên ngang cùng bọn y xuống bãi cạn đốt lửa rồi cởi quần áo ào xuống tắm. Vốn không chịu được rét hắn lên bờ trước sấp ngửa thay quần áo. Không biết đãng trí hay rét quá mà một chân hắn đi liền 3 cái tất nên chân kia chỉ còn một cái, thế là hắn dáo dác đi tìm quanh quẩn rồi lại nhìn theo dòng nước hay là nó trôi mất, rồi lại nghi ngờ hay đứa nào chơi xỏ giấu đi của hắn. Mãi sau y mới bảo hắn kiểm tra xem chân kia mấy tất thì ra đúng là có ba cái, cả bọn cứ cười ngặt nghẽo. Thấm thoắt đã hơn chục năm cái xóm nghèo ấy bị giải tán không thương tiếc để xây trung tâm thương mại, mỗi người chạy mỗi ngả, giờ đây có người đã trở thành thiên cổ, những đứa trẻ bọn y còn bế ẵm ngày ấy nhiều đứa giờ đã lấy vợ lấy chồng rồi sinh con đẻ cái.
Chếch phía cầu là xóm trọ và xưởng sửa chữa ô tô, rồi thì ổ làm nước mắm giả quanh năm bốc mùi...
Mười lăm năm trôi đi, xóm nghèo ngày xưa nay chửa thấy trung tâm thương mại hiện đại đâu, vẫn chỉ là bãi đất hoang cho chó ỉa, cỏ mọc...tuy là có hàng rào bằng tole che xung quanh...

                                                                       (Còn nữa)

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Mưa nắng Đồng Nai

Mấy ngày qua y vừa du hý Quảng Ninh về, trời đã giữa thu, biển Bãi Cháy lặng như tờ vi không giông bão, khách du lịch thưa dần, từng đoàn tàu du lịch neo đậu gần bờ thấy ảm đạm. Trời mưa rả rích chả đi đâu chơi được đành đứng ban công khách sạn Hạ Long Dream làm vài kiểu ảnh ngõ hầu chứng minh rằng y có đến đây.


Bãi Chãy vắng vẻ vào mùa thu


Rời Hạ Long về nhà, tình cờ y có được tập ký sự "Mưa nắng Đồng Nai"
do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành của nhà văn Võ Nguyện, người Huế, cư trú Sài Gòn nhưng lại là Hội viên Hội VHNT Đồng Nai!
Chắc bác ta nhớ câu ca dao:
"Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng".

Bác Nguyện thì chắc gắn bố Đồng Nai quá rồi nhưng y cũng có vài lần đến đó, đọc ký của bác mới hiểu thêm về vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Tập ký của nhà văn Võ Nguyện trên tủ sách nhà y



Tập ký vừa phải, hành văn dung dị, những điều bác kể y cũng có nghe đâu đó nhưng qua tập ký toát lên lòng yêu Đồng Nai, yêu môi trường của tác giả..y đọc một mạch đến hết rồi thở phào!
Cứ ngỡ là một nhà hoạt động môi trường không của Việt Nam thì cũng của Tổ chức
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).
Ẩn trong những dòng ký sự là tấm lòng trĩu nặng với môi sinh và nỗi lo cho hậu thế!

Trừ vài bài cuối còn lại là về môi trường với những nỗi niềm đau đáu về cả môi trường sống và môi trường xã hội. Con người ngày càng khó bảo lẫn nhau và lạnh lùng với nhau quá! Nhiều câu hỏi cuối bài của Võ Nguyện đang chờ con người trả lời:
"Con người đang phá nhà của voi hỏi sao voi không trả đũa? (Voi đi đâu?)
"Nhưng con người chỉ cần chạy theo lợi nhuận thì rắn đã chết rồi. Ai độc hơn ai?" (Đôi chuyện về rắn)
"Suối Tôm ở Trị An đầy tôm hùm nay còn đâu?" (Nhộn nhịp thịt rừng)
"Sông ơi! Xin sông đừng chết!" (Sông ơi! đừng chết)
.......
Những câu hỏi, câu cảm thán xoáy vào lòng người có lương tri..
âu cũng cũng là tấm lòng của nhà văn Võ Nguyện mà chúng ta nên trân trọng. Những chuyện ông kể đều là sự thật trần trụi, đau lòng mà y biết sự thật còn hơn thế nữa. Cũng chỉ vì mưu sinh của con người chụp giật sống hôm nay không biết đến ngày mai, không lo gì cho hậu thế. Tập ký là lời cảnh tỉnh với con người và với các nhà quản lý, nếu không nhanh chóng có ý thức ứng xử đúng mực với thiên nhiên thì sẽ sớm lãnh hậu quả khôn lường và thực tế đã lãnh...
Có một điều hơi khó chịu khi đọc tập ký nhưng có lẽ ngoài tầm kiểm soát của nhà văn đó là nhiều lỗi chính tả quá, có lẽ người đọc morat hôm đó tâm tư chuyện gì đó nên lơ đễnh chăng???

Y đi thị sát bằng cano của Công an tỉnh trên sông Đồng Nai

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Bạn đang ở giai đoạn nào?

Hôm ngồi uống bia bên bờ biển Mũi Né, Bình Thuận được ông bạn "Đào lộn hột" tức Điều (hơi xách mé tý, xin lỗi ông bạn quý) kể cho nghe tên các loài cá nước mặn ứng với chu kỳ sinh học của cánh đàn ông ta, cười sặc cả bia, suýt lăn ra bãi cát mà ngẫm thấy đúng quá. Hồi còn học ở Viện nghiên cứu văn hóa có hẳn một môn gọi là "Văn hóa dân gian miền biển" hàng mấy chục tiết do PGS Viện phó Lê Hồng Lý dạy mà tuyệt nhiên không thấy thầy dạy hay kể chi tiết thú vị đó.
Này nhé khi bé thì gọi cá CHIM, lớn chút thì cá CU, chút nữa thì cá BÓP, thành niên thì cá ĐÙ, về già thì cá ĐUỐI, không đủ sức thì cá CHUỒN, cuối đời thì cá LIỆT. Bạn (hay ông xã, bạn giai của bạn) đang ở giai đoạn nào? Xem lại xem có phải cá ĐUỐI hay cá CHUỒN không, mau mau đi tìm loại rượu "hải lục không quân" (gồm tắc kè, cá ngựa, bìm bịp, sao biển...) về mà cải thiện, để cá LIỆT thì cầm chắc giàn lý nhà bạn sắp đổ rồi đó.

Hình ảnh bộ xương CÁ ÔNG VOI LƯNG XÁM (THE SKELETON OF FIN WHALE)
BALAENOPTERA PHYSALUS (LINNAEUS, 1758)
Chiều dài toàn thân 22m, trọng lương cơ thể 65 tấn. Đây là bộ xương cá Ông Voi lớn nhất Việt Nam và cũng là lớn nhất Đông Nam Á)
(Chụp ở Dinh Vạn Thủy Tú, thành phố Phan Thiết)





Đây là Bằng xác nhận kỷ lục (Trong khung kính, dưới ánh điện, máy ảnh thì cũ, người chụp thì kém nên ảnh không rõ, bà con thông cảm)



Ngư dân đang hoàn thiện thuyền thúng để đi biển câu mực, bắt cá, nhưng mà cái bác ngồi ngoài "lộ hàng" quá!(Giá mỗi chiếc thành phẩm khoảng hơn 2 triệu đồng)




Trong ảnh là cầu treo Lê Hồng Phong bắc qua sông Cà Ty ở thành phố Phan Thiết, Bình Thuận, cây cầu rất đẹp nhưng nghe nói người dân cự nự rằng cầu này có "treo" đồng chí Lê Hồng Phong hồi nào đâu, vậy nên nhà chức trách đã phải đặt lại tên cây cầu và gắn biển là "CẦU DÂY VĂNG LÊ HỒNG PHONG"

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Ông Đãng Làng Chiềng

Chẳng biết ông Đãng đến làng Chiềng từ khi nào, nhưng chắc chắn không phải từ ngày các cư dân đồng bằng sông Hồng chạy giặc Cờ Đen đến Làng Chiềng khai hoang lập bản. Nghe nói ông là người Hà Tây, nay đã thuộc kinh thành Thăng Long. Có lẽ là người đến sau nên ông không vào làng mà chọn doi đất nổi lên giữa xứ đồng Tu Luông để "đóng đô" ở đấy, chỗ ấy gần làng Áng nhưng "biên chế" lại ở Làng Chiềng dù xa hơn. Vốn có cái lanh lợi sẵn có của người dân đồng bằng duyên hải, ông vừa làm ruộng vừa kiêm lái trâu. Những năm bao cấp nhà nhà khốn khó ông Đãng vẫn sống sung túc. Thời ông Đãng, phong kiến đã qua mà Chủ nghĩa xã hội còn chưa tới không còn mốt sập gụ tủ chè nhưng nhà ông lúc nào cũng thóc lúa đầy nhà, vịt gà đầy sân và ông luôn rủng rỉnh tiền tiêu từ nghề lái trâu. Thời ấy người ta chỉ lo làm sao vơ cái gì cho đầy bụng, không đến mức chết đói, rét là được không mưu cầu giàu có cao sang gì. Người ta còn gọi ông là ông Quang Đãng hay "Bố ông Giời".
Gọi ông Quang Đãng bởi tên cúng cơm của ông là Quang còn Đãng là gọi theo tên con. Vốn làng Chiềng chỉ gọi tên con nhưng chắc ông hay bông phèng nên người ta gọi cả tên kép là ông "Quang Đãng"
Còn "Bố ông Giời" thì là vì ông hay chửi giời chả kiêng nể gì cả, trời mưa ông cũng chửi Đ.m ông giời, nắng hay gió ông cũng chửi, tóm lại động tý là ông chửi Đ.m giời nên làng Chiềng gọi là bố ông giời vì chỉ có bố ông Giời mới dám chửi giời, rồi ông luôn than vãn câu cửa miệng: Khổ đời rồi!

Đường vào làng Chiềng ngày nay


Y nhớ như in thời còn bé Bố ông Giời đã có chiếc xe đạp PEUGEOT của Pháp quốc màu lá mạ, loại xe dam (Xe dam là xe nữ, gốc từ chữ madam là quý bà, khung chéo không phải như xe nam khung ngang) ông hay dùng để đi chợ phố huyện. Nhà giữa cánh đồng nên mỗi khi ra đường cái quan ông phải dắt xe, tiếng líp kêu giòn tanh tách vui tai, thỉnh thoảng thấy người cấy dưới ruộng ông lại bấm chuông kêu kính coong, kính coong nắng chiều chiếu vào cái xe bóng loáng ánh kim của ông sáng cả cánh đồng Tu Luông. Trời mưa thì ông cắp nách ra tận đường cho đỡ bẩn. Cái xe thời ấy có khi đến tận bạc nghìn chứ chả chơi. Mỗi khi về chợ, trên ghi đông xe PEUGEOT của ông là một miếng thịt lợn xâu lạt treo lủng lẳng quết đất, nhìn mà thèm.
Thời ấy như thế là sung túc lắm lắm, làng hiếm có ai được như thế bởi vợ con ông đông và chăm chỉ căn cơ. Mỗi lần bán trâu ông lại có lời cả trăm bạc. Ông hiền lành và hay nói, hay chửi, chửi ngọt sớt...
Mỗi lần ông đi dắt trâu về dọc đường cái quan thi thoảng gặp cái ô tô trên đường trâu vốn trong rừng thấy lạ lại lồng lên, bọn trẻ thích chí lắm, hỏi xéo ông Đãng:
- Ông ơi sao nó lại chạy thế?
Ông Đãng giả nhời ngọt như mía mà cay độc:
- Khổ đời rồi, Bố nó chết đấy em à, đi đéo đâu mà vội thế (Ý ông nói cái xe ô tô làm con trâu của ông nó lồng) Bọn trẻ con làng lấy thế làm thích thú cười tít!.
Lớn lên, y đi tha phương cầu thực thấm thoắt đã gần ba chục năm, ông Đãng già rồi mất nhưng những câu chuyện về ông Đãng lắm lúc khiến y bật cười một mình.
Hôm tuần trước Y về thấy nhiều thứ trong làng thay đổi, Làng Chiềng nay cũng dần chuyển mình từ làng lên phố. Nhà ông Đãng vẫn giữa đồng Tu Luông. Người làng Chiềng muôn đời nay vẫn thế thôi, không biết có phải???


Nhưng thói quen tắm giếng thì người làng Chiềng vẫn giữ như xưa.