Người theo dõi

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Ông Đãng Làng Chiềng

Chẳng biết ông Đãng đến làng Chiềng từ khi nào, nhưng chắc chắn không phải từ ngày các cư dân đồng bằng sông Hồng chạy giặc Cờ Đen đến Làng Chiềng khai hoang lập bản. Nghe nói ông là người Hà Tây, nay đã thuộc kinh thành Thăng Long. Có lẽ là người đến sau nên ông không vào làng mà chọn doi đất nổi lên giữa xứ đồng Tu Luông để "đóng đô" ở đấy, chỗ ấy gần làng Áng nhưng "biên chế" lại ở Làng Chiềng dù xa hơn. Vốn có cái lanh lợi sẵn có của người dân đồng bằng duyên hải, ông vừa làm ruộng vừa kiêm lái trâu. Những năm bao cấp nhà nhà khốn khó ông Đãng vẫn sống sung túc. Thời ông Đãng, phong kiến đã qua mà Chủ nghĩa xã hội còn chưa tới không còn mốt sập gụ tủ chè nhưng nhà ông lúc nào cũng thóc lúa đầy nhà, vịt gà đầy sân và ông luôn rủng rỉnh tiền tiêu từ nghề lái trâu. Thời ấy người ta chỉ lo làm sao vơ cái gì cho đầy bụng, không đến mức chết đói, rét là được không mưu cầu giàu có cao sang gì. Người ta còn gọi ông là ông Quang Đãng hay "Bố ông Giời".
Gọi ông Quang Đãng bởi tên cúng cơm của ông là Quang còn Đãng là gọi theo tên con. Vốn làng Chiềng chỉ gọi tên con nhưng chắc ông hay bông phèng nên người ta gọi cả tên kép là ông "Quang Đãng"
Còn "Bố ông Giời" thì là vì ông hay chửi giời chả kiêng nể gì cả, trời mưa ông cũng chửi Đ.m ông giời, nắng hay gió ông cũng chửi, tóm lại động tý là ông chửi Đ.m giời nên làng Chiềng gọi là bố ông giời vì chỉ có bố ông Giời mới dám chửi giời, rồi ông luôn than vãn câu cửa miệng: Khổ đời rồi!

Đường vào làng Chiềng ngày nay


Y nhớ như in thời còn bé Bố ông Giời đã có chiếc xe đạp PEUGEOT của Pháp quốc màu lá mạ, loại xe dam (Xe dam là xe nữ, gốc từ chữ madam là quý bà, khung chéo không phải như xe nam khung ngang) ông hay dùng để đi chợ phố huyện. Nhà giữa cánh đồng nên mỗi khi ra đường cái quan ông phải dắt xe, tiếng líp kêu giòn tanh tách vui tai, thỉnh thoảng thấy người cấy dưới ruộng ông lại bấm chuông kêu kính coong, kính coong nắng chiều chiếu vào cái xe bóng loáng ánh kim của ông sáng cả cánh đồng Tu Luông. Trời mưa thì ông cắp nách ra tận đường cho đỡ bẩn. Cái xe thời ấy có khi đến tận bạc nghìn chứ chả chơi. Mỗi khi về chợ, trên ghi đông xe PEUGEOT của ông là một miếng thịt lợn xâu lạt treo lủng lẳng quết đất, nhìn mà thèm.
Thời ấy như thế là sung túc lắm lắm, làng hiếm có ai được như thế bởi vợ con ông đông và chăm chỉ căn cơ. Mỗi lần bán trâu ông lại có lời cả trăm bạc. Ông hiền lành và hay nói, hay chửi, chửi ngọt sớt...
Mỗi lần ông đi dắt trâu về dọc đường cái quan thi thoảng gặp cái ô tô trên đường trâu vốn trong rừng thấy lạ lại lồng lên, bọn trẻ thích chí lắm, hỏi xéo ông Đãng:
- Ông ơi sao nó lại chạy thế?
Ông Đãng giả nhời ngọt như mía mà cay độc:
- Khổ đời rồi, Bố nó chết đấy em à, đi đéo đâu mà vội thế (Ý ông nói cái xe ô tô làm con trâu của ông nó lồng) Bọn trẻ con làng lấy thế làm thích thú cười tít!.
Lớn lên, y đi tha phương cầu thực thấm thoắt đã gần ba chục năm, ông Đãng già rồi mất nhưng những câu chuyện về ông Đãng lắm lúc khiến y bật cười một mình.
Hôm tuần trước Y về thấy nhiều thứ trong làng thay đổi, Làng Chiềng nay cũng dần chuyển mình từ làng lên phố. Nhà ông Đãng vẫn giữa đồng Tu Luông. Người làng Chiềng muôn đời nay vẫn thế thôi, không biết có phải???


Nhưng thói quen tắm giếng thì người làng Chiềng vẫn giữ như xưa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét