Người theo dõi

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

HÔM NAY LÀ NGÀY CỦA MẸ (Mother's Day)

Ngày Hiền Mẫu hay Ngày của Mẹ (Tiếng Anh: Mother's Day) đương thời được khởi xướng bởi bà Anna Marie Jarvis tại thành phố Grafton, tiểu bang West Virgina, Hoa Kỳ, để tôn vinh những người mẹ hiền, đặc biệt là trong khung cảnh của mái ấm gia đình. Theo truyền thống của Hoa Kỳ và đa số các quốc gia trên thế giới ngày nay, Ngày Hiền Mẫu được tổ chức hằng năm vào ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5. Một số nước khác cũng có các ngày lễ tương tự được tổ chức vào các ngày khác trong năm.




Mother's Day - Ngày của mẹ đã không còn xa lạ với nhiều người Việt nam, nhất là giới trẻ.


Thời Hy Lạp cổ đại, lễ hội tôn vinh nữ thần Cybelle, mẹ của tất cả các vị thần Hy Lạp, được tổ chức vào thời điểm Xuân Phân (khi mặt trời ở gần xích đạo nhất). Trong khi đó tại La Mã cổ đại, người ta ăn mừng lễ hội Matronialia để tôn vinh nữ thần Juno, nữ hoàng của các vị thần La Mã, vợ của thần Jupiter. Theo phong tục, các người mẹ tại La Mã cũng được tặng quà trong ngày này.

Tại Châu Âu, nhiều quốc gia có tục lệ để dành riêng một ngày Chủ Nhật trong năm để tôn vinh những người mẹ hiền, điển hình là ngày Mothering Sunday tại những nước có đông giáo dân của các chi nhánh Thiên Chúa Giáo như Vương Quốc Anh. Lễ Mothering Sunday được tổ chức vào Chủ Nhật thứ tư vào Mùa Chay, cũng là để tôn vinh Đức Mẹ.

Tại một số quốc gia mà Ngày Hiều Mẫu chưa được phổ biến, người ta cũng dùng Ngày Quốc tế Phụ nữ vào tháng 8 tháng 3 để tôn vinh những người mẹ.

Bản Tuyên Ngôn Ngày Hiền Mẫu ("The Mother's Day Proclamation") của bà Julia Ward Howe là một trong những lời kêu gọi đầu tiên để tôn vinh các người mẹ tại Hoa Kỳ. Được viết vào năm 1870, bản tuyên ngôn này là sự phản ứng ôn hòa đối với sự tàn phá của cuộc Nội chiến Hoa Kỳ cũng như là cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ. Bản tuyên ngôn này dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nữ quyền, với ý tưởng người phụ nữ cũng có trách nhiệm uốn nắn xã hội trên con đường chính trị. Julia Ward Howe có ý định thành lập một ngày lễ mang tên "Ngày Hiền Mẫu vì Hòa Bình" (Mother's Day for Peace), nhưng phong trào này dần lụi tàn vì không đủ kinh phí. Tuy nhiên, ý tưởng của bà Howe đã gây ảnh hưởng lớn đến không ít phụ nữ trong xã hội, điển hình là bà Ann Maria Reeves Jarvis, nữ giáo viên tại trường học của ngôi thánh đường mang tên Thánh Andrew tại thành phố Grafton, tiểu bang West Virginia.



Trong bối cảnh Nội chiến Hoa Kỳ, Bà Ann Maria Reeves Jarvis tập hợp các phụ nữ khác với sứ mệnh chăm sóc cho các thương binh từ cả hai miền Nam Bắc. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, bà khởi xướng phong trào mang tên Ngày Các Hiền Mẫu Làm Việc (Mothers' Work Days) vào năm 1858 cùng với các bà mẹ của các chiến binh từ cả hai miền để nhấn mạnh các hoạt động xã hội vì hòa bình. Ann Maria Reeves Jarvis qua đời tại thành phố Philadelphia vào năm 1905. Tại ngôi mộ của mẹ mình, cô con gái Anna Marie Jarvis thề rằng sẽ nối gót theo chân mẹ và thành lập một ngày lễ dành riêng cho các người hiền mẫu, còn sống cũng như đã qua đời.

Hai năm sau đó, cô Anna Marie Jarvis mang 500 đóa hoa Cẩm chướng đến tặng cho từng người mẹ tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Andrew, nơi mà mẹ cô từng dạy học khi xưa. Một năm sau, vào ngày 10 tháng 5, năm 1905, Nhà thờ Thánh Andrew lần đầu tiên tổ chức một thánh lễ ngày Chủ Nhật đặc biệt để vinh danh các người hiền mẫu trong cộng đoàn. Cô Anna Marie tiếp tục tranh đấu không ngừng để quảng bá ngày lễ này khắp nơi. Đến năm 1909, thánh lễ vinh danh người hiều mẫu đã lan rộng đến 46 tiểu bang, cũng như là đến hai quốc gia láng giềng của Hoa Kỳ là Canada và Mexico.

Năm 1914, bản nghị quyết do Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua và được Tổng Thống Woodrow Wilson ký đã chính thức thành lập Ngày Hiền Mẫu.

Tuy Ngày Hiền Mẫu được tổ chức vào rất nhiều ngày khác nhau trên thế giới, hai ngày phổ biến nhất là ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5 theo truyền thống Mother's Day của Hoa Kỳ, tiếp theo là ngày Chủ Nhật thứ tư của Mùa Chay theo truyền thống Mothering Sunday của Vương Quốc Anh.

Ở Việt Nam, trước đây chỉ có ở miền Nam với Lễ Vu Lan, nhưng những năm gần đây do sự lan rộng của internet và các phương tiện thông tin đại chúng, nó đã được phổ biến cả nước và được mọi người hưởng ứng. Vào ngày này, những người con nhớ ơn cha mẹ sẽ dành đến cho mẹ của mình những món quà ý nghĩa, từ vật chất đến tinh thần. Thông thường nhiều người chọn ngày chủ nhật thứ hai trong tháng 5.
Nguồn: wiki

Về một câu ca dao

Chắc nhiều người trong chúng ta đã thuộc hoặc từng nghe câu ca dao:

Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại nói lời đắng cay

Nhưng chắc không phải ai cũng biết câu ca dao chất chứa nỗi buồn ai oán ấy lại liên quan đến sự chia ly sinh tử của hai mẹ con bà Phi Yến thế kỷ XIX.
Sử chép rằng thứ phi của chúa Nguyễn Ánh là bà Phi Yến còn có tên là Răm sinh cho Nguyễn Ánh được Hoàng tử đặt tên là Cải. Cải còn nhỏ tuổi nhưng do tình hình đất nước loạn lạc đã bị chính cha đẻ là Nguyên Ánh ném xuống biển mà chết ở đảo Côn Sơn (Côn Đảo). Bà Phi Yến không đi theo chồng mà treo cổ tự tử. Dân làng trên đảo lập chùa An Hải để thờ Bà.
Câu ca dao trên cũng ra đời từ đó.

Chùa An Hải ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi thờ bà Phi Yến





Kính báo: Hôm nay bận quá, khi nào rỗi rãi như mỗ đây xin ngồi lâu chép tỉ mỉ để hầu bà con.

HỆ THỐNG DI TÍCH DI CHỈ VĂN HÓA BẮC SƠN Ở LẠNG SƠN

Thưa bà con, cách đây hơn một thập kỷ, y có được huyện Bắc Sơn và Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lạng Sơn mời dự hội thảo khoa học nhân dịp kỷ niệm 60 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn 27/9/1940 - 27/9/2000. Đã mười năm có lẻ, vật đổi sao dời nhưng cái gì đã là lịch sử thì vẫn còn nguyên giá trị.
y mời bà con đọc lại:

Bắc Sơn là một huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, phía Nam giáp Hữu Lũng, Bắc giáp Bình Gia và đông giáp Văn Quan. Bắc Sơn có địa hình dốc nghiêng về phía Tây Nam và nằm trong vòng cung núi đá vôi Bắc Sơn – Ngân Sơn chạy từ Cao Bằng qua Lạng Sơn. Lạng  Sơn cùng với  Cao Bằng là hai tỉnh có nhiều núi đá vôi nhất trong khu vực Việt Bắc. Về mặt hóa học thì thành phần chủ yếu của đá vôi là các bon nát can xi (CaCO2 ). Các bon nát khi tác dụng với a xít thì bị a xít ăn mòn. Khi đá vôi gặp nước mưa là nước có tính chất a xít nhẹ nên đá vôi bị hòa tan nhưng quá trình này xảy ra rất chậm vì thế trải qua hàng chục triệu năm, nước mưa chảy thấm vào các kẽ nứt của núi đá vôi đã tạo thành những hang động rộng và những đường hầm ngoắt ngoéo có nước chảy trong đó. Chính vì nguyên nhân trên mà sơn khối đá vôi Bắc Sơn – Ngân Sơn chạy qua tỉnh Lạng Sơn thuộc các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng ước chừng 1500km2 có vô số các hang động, mái đá tạo thành nhiều danh thắng tuyệt đẹp và là chỗ trú ngụ sinh sống rất tốt của người tiền sử trên đất Lạng Sơn. Có những di chỉ như hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (xã Tân Văn, huyện Bình Gia) có niên đại cách ngày nay tới 475.000 năm.

"Nói có sách...



Văn hóa Bắc Sơn là nền văn hóa muộn hơn văn hóa Hòa Bình rất tiêu biểu và có vị trí quan trọng trong thời đại đồ đá ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Nền văn hóa này được các nhà khảo cổ học biết đến và đặt tên từ đầu thế kỷ  XX – địa danh một huyện ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn: Bắc Sơn.
Văn hóa Bắc Sơn được biết đến lần đầu tiên ở Lạng Sơn do nhà địa chất học người Pháp H.Mansuy phát hiện và khai quật từ năm 1906 và công bố năm 1909 ở hang Thẩm Khoách gần phố Bình Gia. Đến những năm 1922 – 1923 H.Mansuy lại tiếp tục khai quật  ở một số di chỉ khác như hang Kéo Phầy, Đồng Thuộc và khai quật lại hang phố Bình Gia.
Sau đợt khai quật này M. Colani lại tiếp tục có phát hiện và tiến hành khai quật lại nhiều di chỉ khác ở Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng, Chi Lăng… Dựa vào các kết quả đã thu được với những kết quả thám sát và nghiên cứu của cộng sự M.Colani, H. Mansuy đã nghiên cứu và công bố một loạt các địa điểm phát hiện di tích văn hóa Bắc Sơn năm 1925 và nhận định rằng văn hóa Bắc Sơn thuộc về sơ kỳ thời đại đồ đá mới có niên đại cách ngày nay 8.000 đến 10.000 năm. Di chỉ văn hóa Bắc Sơn phân bố ở khu vực Đông Bắc với mật độ khá dày tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên và cả Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An v.v…Cuộc khai quật mới đây của Viện Khảo cổ học (Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia) năm 1999 tại di chỉ Đán Cúm (Hà Giang) cũng đã tìm thấy những công cụ có dấu vết mài của nền văn hóa Bắc Sơn đó là “Dấu Bắc Sơn”.
Những nghiên cứu và công bố tư liệu của các nhà khảo cổ học “nghiệp dư” H.Mansuy và M.Colani (Họ vốn là các nhà địa chất học) không tránh khỏi các sai lầm về học thuật, tuy nhiên sau này đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh. Liên tục trong những năm 1961, 1963, 1967, 1968, 1984, 1996, 1997 Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trường Đại học Tổng hợp, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn đã tiến hành nhiều đợt khảo sát quan trọng về văn hóa Bắc Sơn đặc biệt là cuộc khai quật di chỉ Hang Dơi xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn năm 1984 đã thu được những kết quả quan trọng.

...mách có chứng"




H. Mansuy và M.Colani đã phát hiện và công bố có đến 43 địa điểm của nền văn hóa Bắc Sơn phân bố chủ yếu ở Lạng Sơn và một số di chỉ ở Thần Sa – Võ Nhai, Thái Nguyên. Tại các địa điểm này các nhà khoa học đã thu được nhiều di vật có những di vật giống như các di vật đã thu được từ các di tích của nền văn hóa Hòa Bình như công cụ chặt thô, nạo chày nghiền, bàn nghiền, công cụ hình hạnh nhân…Có những di vật được xem như những công cụ tiêu biểu của nền văn hóa Bắc Sơn là rìu Bắc Sơn, dấu Bắc Sơn. Những chiếc rìu mài lưỡi này xuất hiện vào loại sớm nhất ở châu Á và thế giới với số lượng rất lớn. Trình độ phát triển kỹ thuật chế tác công cụ và đồ trang sức đã ở mức độ cao và tiêu biểu nền nông nghiệp trồng trọt đã phát triển và manh nha sự thuần dưỡng động vật chuyển từ kinh tế “chiếm đoạt” sang kinh tế sản xuất.
Xin trở lại vấn đề di tích văn hóa Bắc Sơn ở Bắc Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung. Trên địa bàn phân bố của các di chỉ văn hóa Bắc Sơn hồi đầu thế kỷ các nhà khảo cổ Pháp phát hiện và thống kê được 43 địa điểm trong đó phần lớn phân bố ở Lạng Sơn (ở các huyện Chi Lăng, Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng). Theo số liệu thống kê của Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn năm 1996 thì tính đến thời điểm này có hơn 40 điểm ở các huyện Bình Gia 3 địa điểm, huyện Bắc Sơn 4 địa điểm, huyện Hữu Lũng 15 địa điểm, huyện Văn Quan 5 địa điểm, huyên Chi Lăng 4 địa điểm và 8 địa điểm chưa xác định được ở đâu do tài liệu của H.Mansuy và M. Colani để lại không ghi cụ thể và có phần thất lạc. Một số địa danh lại bị các nhà khoa học phiên âm từ tiếng dân tộc và đọc chệch đi nên rất khó xác định vị trí và tiếp tục nghiên cứu.
Năm 1996 các nhà khảo cổ lại phát hiện thêm hai di tích văn hóa Bắc Sơn ở huyện Bắc Sơn là Lân Xóm và Tin Vận nhưng mới là thám sát chứ chưa khai quật. Duy chỉ có Hang Dơi ở thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn đã khai quật, nghiên cứu tỉ mỉ khoa học và quy mô- các hiện vật thu được lưu giữ tại Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Bắc Sơn.
Hầu hết các di tích văn hóa Bắc Sơn trên đất Lạng Sơn đều là các mái đá và hang đá thấp gần nguồn nước như sông, suối, tầng văn hóa dày và đã được các nhà khoa học trước kia và hiện nay thám sát và khai quật. Nhìn chung cửa hang cao, thoáng, tầng văn hóa dầy, hầu như di chỉ nào cũng có vỏ ốc, xương động vật thải ra từ quá trình ăn uống của người cổ. Tầng văn hóa dày, các di vật thu được khá phong phú như rìu mài, dấu Bắc Sơn, nạo, công cụ chặt đập. Những công cụ, di vật này đã được Tổng cục địa chất tiếp quản của thực dân Pháp và giao cho Bảo tàng Lịch sử. Các di vật này đều được Bảo tàng tỉnh phối hợp với các huyện, thị đã kiểm kê khoa học bước đầu, lập hồ sơ danh mục và quy hoạch hướng bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và đăng ký sếp hạng, quản lý bảo vệ cấp tỉnh, cấp Bộ. Trong những năm tới sẽ tiếp tục tiến hành khai quật một số địa điểm có dấu hiệu giá trị khoa học cao như ở Ngườm Sâu, Nà Ngụm (Chi Lăng). Lập Hồ sơ khao học trình Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di chỉ Hang Dơi xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn. Các di chỉ đã được kiểm kê đều được các đại phương có kế hoạch bảo vệ và chưa có di tích văn hóa Bắc Sơn nào bị xâm phạm hoặc sử dụng vào mục đích khác. Một số di tích đã được cắm biển báo, biển bảo vệ và điền tên trên Bản đồ du lịch Lạng Sơn. Để phát huy tốt tác dụng và giá trị của các di chỉ của nền văn hóa Bắc Sơn nổi tiếng, nền văn hóa đã được mệnh danh là “cách mạng đá mới” (Revolution Neolithique) cần phải đầu tư cho việc tiếp tục phát hiện, nghiên cứu, tu bổ tôn tạo và xã hội hóa công tác bảo tồn di tích, nâng cao trình độ cán bộ văn hóa ở các địa phương, lập bản đồ di tích khảo cổ nền văn hóa Bắc Sơn trên đất Lạng Sơn có đối sánh trong khu vực. Làm được như vậy là chúng ta đã thiết thực kỷ niệm một thế kỷ phát hiện nền văn hóa này./.

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

ĐÁNH BI Ở LÀNG CHIỀNG

Thưa bà con! Trước khi đọc bài này, nếu bà con chưa đọc bài Đánh sảng ở làng Chiềng thì như mỗ đây xin bà con hãy đọc thêm bài "Đánh sảng ở Làng Chiềng"( List of villages in Chiang) để có cái nhìn tổng quan hơn về các trò chơi dân gian ở Làng Chiềng ở đường link dưới đây. Đa tạ bà con!

Đánh sảng ở làng Chiềng ( List of villages in Chiang)

Trẻ con làng Chiềng còn hay chơi trò đánh bi cũng rất ham. Ngày ấy không có bi ve, bi thủy tinh mua được như bây giờ. Bi được ghè đẽo bằng đá xanh vì làng Chiềng có dãy núi đá vôi chạy qua đến tận Thần Sa, Sảng Mộc, Nghinh Tường nơi có phong cảnh hang và thác nước Phượng Hoàng, thác nước Mưa rơi và di chỉ khảo cổ Thần Sa nổi tiếng đã được cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đá ghè bi là loại đá vôi có màu xanh thẫm, chọn viên đá ít vết nứt rồi lấy dao cùn chặt nhẹ và đều vào xung quanh viên đá; khi đã thành hình hài viên bi thì phải gõ đều và nhẹ hơn. Khi viên bi đã tròn là đến công đoạn xoáy bi để đánh bóng cho nhẵn và tròn đều. Có hai cách đó là lấy vỏ ốc nhồi chọc vỡ một lỗ nhỏ hơn đường kính của viên bi sau đó cho viên bi vào lỗ đó rồi dùng hai tay xoáy đi xoáy lại cho viên bị tròn và nhẵn hoặc cũng có đứa lấy lọ đựng thuốc peniceline bỏ đi để xoáy bi. Làm cật lực chừng 2 buổi trưa là chúng đã có viên bi mới. Những lò chế tác bi thường là dưới bụi tre buổi trưa hè nắng gắt; bọn trẻ ghè ghè, đẽo đẽo lẫn tiếng rít của vỏ ốc vào đá xanh chói tai và tiếng kể chuyện, trêu ghẹo cãi nhau, tiếng ve kêu vang cả bờ tre; lắm khi làm mất giấc ngủ trưa của người lớn thường bị la mắng. Nhưng trưa nào cũng vậy cứ ăn cơm xong không kéo nhau ra vực Là Lìu chơi pháo đài thì chúng lại chơi bi, ghè bi râm ran cả góc làng. Chơi bi ở làng Chiềng cũng có khi cả thanh niên và trung niên tham gia, cách chơi không phải kiểu ăn bi như bây giờ mà chỉ có một viên bi nếu là đá xanh có khi chơi cả mùa, hết mùa bi sang mùa sảng, mùa khăng chúng lại vớt lăn lóc góc nhà, năm sau đến vụ lại đi tìm.
Làng Chiềng

Luật chơi như thế này: Trên một bãi đất bằng phẳng, khoét một lỗ hình tròn như lòng chảo đường kính chừng 1 gang tay gọi là lồ, một vạch ngang cách xa chừng 2 mét gọi là bít hay mít. Để xác định người được đi trước, người tham gia chơi phải đứng ở mít, bàn chân phải ngang hoặc dưới vạch kẻ, nhô lên sẽ bị coi là bét tức là xếp thứ cuối cùng hoặc đầu tiên từ dưới lên. Có thể đứng thẳng hoặc nhao người về phía trước để tung viên bi về phía lồ (Chỉ có lợi cho những thằng dài người). Ai vào được lồ thì người đó thắng và thứ tự được xác định cho nhưng ai có bi ở gần lồ hơn, nếu cùng vào lồ hay ngang nhau thì có thể tung lại nhưng thường là ai đi trước người đó thắng nên sau khi hiệu lệnh bắt đầu tất cả cùng tung bi về phía trước.
Sau khi xác định xong thì người thắng bắt đầu đi bằng cách phải bắn bi đối phương đi xa ít nhất là 3 gang tay gọi là , sau đó phải tung bi vào lồ gọi là chuy, tiếp tục bắn vào bi đối phương sao cho khoảng cách giữa 2 viên bi cũng là 3 gang tay thì được xác định là ra và đối phương thua. Nếu nhiều người chơi thì được tiếp tục bắn bi người tiếp theo. Nếu bị hỏng một trong các bước thì trò chơi dừng lại và đối phương hoặc người có thứ tự kế tiếp được chơi.
 Chơi bi thắng thua do kỹ thuật bắn, kết quả không ăn bi của nhau mà để tính chiến tích phong đẳng cấp trong làng và người xem cổ vũ, khâm phục không đỏ đen, không sát phạt, cá cược. Bãi đất chơi bi làng tôi ở đỉnh đồi, trung tâm làng cạnh bụi tre giữa các nhà ông Hoan, ông Khôi, ông Tép. Nay thì bãi đất đó bị thu hẹp lại do các nhà xác định chủ quyền, có nhà rào tre, có nhà xây tường bao bằng gạch. Xưa, cứ mỗi trưa hè trẻ con cả làng kéo nhau ra đánh bi, người làng rỗi việc ra xem, hóng mát, cổ vũ hò reo. Đấy cũng là công trường thủ công chế tác bi lớn nhất làng, muốn tìm con hay vợ tìm chồng, chồng tìm vợ cứ ra bờ tre có nhóm chơi bi là thấy. Chúng chơi có khi quên cả giờ chăn trâu hay đi làm đồng…
Chăn trâu thổi sáo. Nguồn: internet

Thời ấy, nay không còn nữa, trẻ con giờ chơi bi ve, bi thủy tinh mua 2000 quan tiền cụ Hồ được hàng chục viên để ăn thua của nhau. Không đứa nào còn biết ghè bi nữa. Trâu bò cũng bán sạch vì người ta đã cày máy, muốn tìm trẻ con thì ra quán điện tử internet hay quán bi –a đầu làng hoặc gọi điện thoại di động. Làng đang chuyển mình lên phố…
                                                                                           Lạng Sơn, vào hạ.

ĐÁNH BI Ở LÀNG CHIỀNG

Thưa bà con! Trước khi đọc bài này, nếu bà con chưa đọc bài Đánh sảng ở làng Chiềng thì như mỗ đây xin bà con hãy đọc thêm bài "Đánh sảng ở Làng Chiềng"( List of villages in Chiang) để có cái nhìn tổng quan hơn về các trò chơi dân gian ở Làng Chiềng ở đường link dưới đây. Đa tạ bà con!

Đánh sảng ở làng Chiềng ( List of villages in Chiang)

Trẻ con làng Chiềng còn hay chơi trò đánh bi cũng rất ham. Ngày ấy không có bi ve, bi thủy tinh mua được như bây giờ. Bi được ghè đẽo bằng đá xanh vì làng Chiềng có dãy núi đá vôi chạy qua đến tận Thần Sa, Sảng Mộc, Nghinh Tường nơi có phong cảnh hang và thác nước Phượng Hoàng, thác nước Mưa rơi và di chỉ khảo cổ Thần Sa nổi tiếng đã được cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đá ghè bi là loại đá vôi có màu xanh thẫm, chọn viên đá ít vết nứt rồi lấy dao cùn chặt nhẹ và đều vào xung quanh viên đá; khi đã thành hình hài viên bi thì phải gõ đều và nhẹ hơn. Khi viên bi đã tròn là đến công đoạn xoáy bi để đánh bóng cho nhẵn và tròn đều. Có hai cách đó là lấy vỏ ốc nhồi chọc vỡ một lỗ nhỏ hơn đường kính của viên bi sau đó cho viên bi vào lỗ đó rồi dùng hai tay xoáy đi xoáy lại cho viên bị tròn và nhẵn hoặc cũng có đứa lấy lọ đựng thuốc peniceline bỏ đi để xoáy bi. Làm cật lực chừng 2 buổi trưa là chúng đã có viên bi mới. Những lò chế tác bi thường là dưới bụi tre buổi trưa hè nắng gắt; bọn trẻ ghè ghè, đẽo đẽo lẫn tiếng rít của vỏ ốc vào đá xanh chói tai và tiếng kể chuyện, trêu ghẹo cãi nhau, tiếng ve kêu vang cả bờ tre; lắm khi làm mất giấc ngủ trưa của người lớn thường bị la mắng. Nhưng trưa nào cũng vậy cứ ăn cơm xong không kéo nhau ra vực Là Lìu chơi pháo đài thì chúng lại chơi bi, ghè bi râm ran cả góc làng. Chơi bi ở làng Chiềng cũng có khi cả thanh niên và trung niên tham gia, cách chơi không phải kiểu ăn bi như bây giờ mà chỉ có một viên bi nếu là đá xanh có khi chơi cả mùa, hết mùa bi sang mùa sảng, mùa khăng chúng lại vớt lăn lóc góc nhà, năm sau đến vụ lại đi tìm.
Làng Chiềng

Luật chơi như thế này: Trên một bãi đất bằng phẳng, khoét một lỗ hình tròn như lòng chảo đường kính chừng 1 gang tay gọi là lồ, một vạch ngang cách xa chừng 2 mét gọi là bít hay mít. Để xác định người được đi trước, người tham gia chơi phải đứng ở mít, bàn chân phải ngang hoặc dưới vạch kẻ, nhô lên sẽ bị coi là bét tức là xếp thứ cuối cùng hoặc đầu tiên từ dưới lên. Có thể đứng thẳng hoặc nhao người về phía trước để tung viên bi về phía lồ (Chỉ có lợi cho những thằng dài người). Ai vào được lồ thì người đó thắng và thứ tự được xác định cho nhưng ai có bi ở gần lồ hơn, nếu cùng vào lồ hay ngang nhau thì có thể tung lại nhưng thường là ai đi trước người đó thắng nên sau khi hiệu lệnh bắt đầu tất cả cùng tung bi về phía trước.
Sau khi xác định xong thì người thắng bắt đầu đi bằng cách phải bắn bi đối phương đi xa ít nhất là 3 gang tay gọi là , sau đó phải tung bi vào lồ gọi là chuy, tiếp tục bắn vào bi đối phương sao cho khoảng cách giữa 2 viên bi cũng là 3 gang tay thì được xác định là ra và đối phương thua. Nếu nhiều người chơi thì được tiếp tục bắn bi người tiếp theo. Nếu bị hỏng một trong các bước thì trò chơi dừng lại và đối phương hoặc người có thứ tự kế tiếp được chơi.
 Chơi bi thắng thua do kỹ thuật bắn, kết quả không ăn bi của nhau mà để tính chiến tích phong đẳng cấp trong làng và người xem cổ vũ, khâm phục không đỏ đen, không sát phạt, cá cược. Bãi đất chơi bi làng tôi ở đỉnh đồi, trung tâm làng cạnh bụi tre giữa các nhà ông Hoan, ông Khôi, ông Tép. Nay thì bãi đất đó bị thu hẹp lại do các nhà xác định chủ quyền, có nhà rào tre, có nhà xây tường bao bằng gạch. Xưa, cứ mỗi trưa hè trẻ con cả làng kéo nhau ra đánh bi, người làng rỗi việc ra xem, hóng mát, cổ vũ hò reo. Đấy cũng là công trường thủ công chế tác bi lớn nhất làng, muốn tìm con hay vợ tìm chồng, chồng tìm vợ cứ ra bờ tre có nhóm chơi bi là thấy. Chúng chơi có khi quên cả giờ chăn trâu hay đi làm đồng…
Chăn trâu thổi sáo. Nguồn: internet

Thời ấy, nay không còn nữa, trẻ con giờ chơi bi ve, bi thủy tinh mua 2000 quan tiền cụ Hồ được hàng chục viên để ăn thua của nhau. Không đứa nào còn biết ghè bi nữa. Trâu bò cũng bán sạch vì người ta đã cày máy, muốn tìm trẻ con thì ra quán điện tử internet hay quán bi –a đầu làng hoặc gọi điện thoại di động. Làng đang chuyển mình lên phố…
                                                                                           Lạng Sơn, vào hạ.