Người theo dõi

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Con trâu mộng bụng báng

Cha mẹ sinh con...y đâu có được chọn. Y cầm tinh con vật mà hễ bị ghét là người ta rủa, ai ngu thì cũng ví với nó. Y không rồng vàng, lợn vàng gì cả. Cả thời thơ ấu và kể cả vị thành niên của y gắn với con trâu mông bụng báng.
Đó là một con trâu khá to không biết cha mẹ đã mua từ bao giờ, chỉ biết lớn lên đã có con trâu ấy rồi, trông nó to cân đối và đã bị thiến nên gọi là trâu mộng. Mỗi khi ăn no, bụng nó căng tròn, cái đầu to với hai cái sừng cân đối trông rất hiên ngang. Lũ mục đồng làng Chiềng thường gọi là con trâu mộng bụng báng, ý là nó chỉ ăn hại không biết húc nhau dữ dội như trâu nhà chúng nó. Từ lúc học cấp I y đã gắn bó với chú trâu mộng của mình. Hàng ngày sau khi đi học về, ăn cơm xong là y có nhiệm vụ đưa trâu đi chăn, gọi là đi trâu.
Không có chuyện như trong Tấm cám, chăn đồng gần làng bắt mất trâu nhưng tôi vẫn phải đưa đi chăn đồng xa vì đồng làng đã hết cỏ, mà phải giữ cho nó sao không ăn lúa, chỉ được ăn cỏ già cụt trên bờ đã nhẵn bóng chân trâu. Trời mưa cũng như nắng, rét cũng như ấm tôi đều phải gắn bó với lưng trâu sặc nồng mùi bùn. Không biết nó ghét phải tha nó trên lưng hay nóng mà cứ ra khỏi chuồng là nó chạy lồng lên rồi lao xuống ruộng đằm bùn, tung tóe chỉ hở hai cái mắt nhưng sau đó khô bùn là y lại trèo lên ngồi cho đỡ mỏi, cưỡi một lúc thì mồ hôi ra lưng trâu lại đen bóng tối về người hôi toàn mùi trâu mùi bùn rồi cũng cứ thế rúc vào chăn bông mà ngủ, hôm sau lại thế. Cuộc đời cứ vậy mà không bao giờ nghĩ sau này lại đi làm anh giáo học như bây giờ, công không mơ ước gì nào công hầu, nào khanh tướng, bởi làng Chiềng là làng hình con rùa. Nhiều hôm y cưỡi trâu từ chuồng đi chăn lúc ăn cơm trưa xong và lại đưa trầu về chuồng lúc xẩm tối mà chân không hề bén đất. Y cưỡi trâu đến tận năm đi ra tỉnh nuôi giấc mộng đèn sách. Con trâu của y là trâu mộng nhưng cũng rất hung hăng không kém gì trâu dái dậy lăm. Mỗi khi ra khỏi chuồng là mắt nó đỏ vằn lên và nhẩy quẫng quanh dây thừng cái thằng tôi đang cầm, có vẻ như sắn sàng lao vào chiến đấu với đồng loại.
Con trâu mộng bụng báng nhà y rất "kỵ" với con trâu nhà ông Phán và con trâu sừng vòng nhà ông Chương còn gọi là cụ cố, nó gầy đít tóp nhưng có lợi thế là sừng vòng nên móc mắt đối phương rất hiểm.
Lần nào húc nhau xong cũng rách mắt, máu me be bét, y lại phải lấy nước muối rửa cho nó vì con trâu là đầu cơ nghiệp, nồi cơm và cái sự học của anh em nhà y trông vào nó.
Có lần nghênh chiến với con trâu nhà ông Phán, nó đánh thần tốc trong 4 phút rồi đuổi con trâu nhà ông Phán chạy qua mấy cây số, đến làng Áng nó chạy qua sân nhà ông Nhỡ, nhảy qua đầu tay Ngô Chí Trai đang đóng cối xay ở sân, rồi tút ra phía xứ đồng Tu Luông, báo hại cho Y cả buổi chiều đông tìm trâu trong bê bết bùn đất và nước mắt, tối về trâu vẫn đói, bụng lép kẹp...
Còn nữa

Cánh đồng tôi vẫn chăn trâu thời bé nay đã khác nhiều, chợt nhớ câu thơ của Tú Xương:

Sông kia rày đã nên đồng
Nơi thì trồng lúa, nơi trồng ngô khoai
Bỗng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò


Con trâu mộng bụng báng ngày xưa đã được thay bằng con trâu sắt này

 

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Tết tây ở làng Chiềng

Được nghỉ Tết mấy ngày, y mò về làng Chiềng của y, nhưng y về chơi thôi, thăm mẹ già và bà con chòm xóm chứ không về hẳn. "Bao giờ có bạc trăm" thì y mới về, he he
Đường làng phong quang sạch sẽ, nhà nào cũng có đường bê tông vào đến sân, thóc lúa đầy nhà, vịt gà đầy sân, phong lưu lắm lắm so với hồi y còn bé ở nhà chỉ luôn mong không phải ăn cơm độn ngô, sắn mà thôi.
Tiếc rằng đường bê tông không phải là chỗ đánh sảng nữa. Đánh sảng phải ở bãi đất và có bụi tre rậm rạp để đưa sảng của đối phương vào giữa bụi tre gai rậm rạp mới thích!
Nay về làng Chiềng có gạo ngon, rau cỏ lợn gà không lo hóa chất...Hạt gạo một nắng hai sương làng tôi quả có ngon hơn rất nhiều cao lương mỹ vị chết người...

Đường vào nhà y, nơi đánh sảng ở ảnh dưới mấy năm trước



Năm 2011


Đánh sảng đầu ngõ






Ao Mỏ huyền thoại


Cầu tre lắt lẻo


Cây Cơi ở Mỏ Lấu hồi bé bọn y hay trèo lên nhảy xuống vực sâu, nay chỉ còn là con mương nhỏ




Đường về quê




Lối nhỏ vào nhà y


Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Ngộ nghĩnh trẻ thơ

1. Cu Tơn thế mà đã sắp 6 tuổi
Mỗi khi Tơn hư, mẹ hay mắng Tơn là Nhóc con, hư quá
Tơn đáp trả ngay: Nhóc mẹ
Ở đây Tơn đã có sự lẫn lộn ở từ "con" trong cụm từ nhóc con là một danh từ không phải từ ghép

2. Cu Tơn chuẩn bị thay răng. Một hôm đi Mẫu giáo về khoe "Mẹ ơi răng con lung linh rồi"
Chắc là định nói răng lung lay
Ba ngày sau: Buổi tối đang ăn mỳ tôm, Tơn khóc hu hu mẹ ơi con ra một cái rằng rồi, chắc là sợ quá!  

3. Sáng ra mặt trời chiếu qua cửa sổ cu Tơn không ngủ được nên bảo mẹ
Mẹ ơi, nhốt ông mặt trời lại, con chói mắt không ngủ được

4. Tơn ngủ dậy, thấy một quả quýt to và một quả quýt nhỏ trên bàn bèn reo lên: 
A! hai bố con quả quýt


Xuống tấn!

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

"U ơi U lấy vợ hai cho thầy.."

Ngày bé, tôi vẫn nghe bà, mẹ tôi và các bà mẹ ở làng Chiềng thường hát ru con mỗi trưa hè nắng gắt:
"Ầu ơ, ...ơ...ơ
Cái Cò mà mổ cái Trai
U ơi U lấy vợ hai cho thầy..."
Giờ nghe thì lạ tai nhưng bà tôi kể ngày xưa phụ nữ, đàn bà trong làng khổ lắm làm gì được tự do tìm hiểu, kết hôn và lại ly hôn...chóng vánh như các anh các chị bây giờ. Thời ấy cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đấy. Con gái 13, 14 tuổi đầu đã tấp tểnh lấy chồng. 17, 18 mà chưa gì là có nguy cơ ... ê sắc rồi. Có khi các bậc cha mẹ giao ước với nhau từ thuở con cái mới lọt lòng. Phụ nữ không có con và không có con trai là một tội tày đình, có thể người chồng thông cảm nhưng với họ hàng gia tộc thì không thể tha thứ. Ngày ấy trai thiếu gái thừa nên đa thê cũng là lẽ thường cho nên những người phụ nữ không con không còn cách nào khác là phải ngậm đắng, nuốt cay chịu cảnh chồng chung mà không dám hé răng than vãn nửa lời. Kiếp người mà lầm lũi như trâu bò, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời; một nắng hai sương mà không có lúc nào được an nhàn hạnh phúc kể cả trong giấc ngủ.
Phụ nữ làng tôi nay cũng đã đổi thay, nhiều chị học hành tử tế, đi thoát ly cũng nhiều, câu hát ru bi ai, sầu muộn xưa không còn, thay vào đó là tiếng ầu ơ cất lên réo rắt sau bờ tre mỗi trưa hè:
"Ầu ơ...ơ...
Con ngoan con ngủ với bà
Mẹ nằm với bố cho nhà đông em..."
Tiếng trẻ nín tắp, chỉ còn tiếng ru thi gan với tiếng ve kêu...

Chiều đông phố huyện (ĐC-VN-TN)

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Khi thầy click chuột...

Khi xưa, lúc học đại học sư phạm y cũng từng rất thích bài hát Bụi phấn với những ca từ không thể đẹp hơn về hình ảnh người thầy: "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi..."nhất là nó lại được ngân lên từ các em học trò ngây thơ trong sáng lúc y đi thực tập.
Hai mươi năm sau, thầy ít viết bảng, chữ cũng cẩu thả dần không biết ít viết hay do tuổi tác, hay do ỷ lại vào máy móc (Projector). Mấy cô hành chính thường hỏi trước khi y lên lớp: "Hôm nay anh có dùng máy chiếu không"?
Không dùng thì sợ bọn trẻ bảo mấy ông bà giáo già cổ hủ, không "pờ - rồ", dùng thì cũng tiện nhưng y vẫn thích viết bảng. Thôi thì đành dùng cả hai vậy...
Phấn không bụi nữa nhưng không có bụi phấn thì bụi thời gian cũng đã vương trên tóc y rồi...nhanh thật. Mới đó mà...






Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Giáo sư Đặng Vũ Khúc không còn lên làng Chiềng nữa rồi!

Thế là GS.TSKH Đặng Vũ Khúc không còn lên làng Chiềng giỗ bố tôi vào tháng Tư hằng năm được nữa rồi! Chiều hôm qua, vào 16h25' ngày 21/11/2012 (nhằm ngày 09/10 năm Nhâm Thìn), trái tim của nhà khoa học địa chất hàng đầu nước ta đã ngừng đập tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội (1931-2012).
Gia quyến sẽ tổ chức tang lễ cho Bác tại số 5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng Hà Nội vào lúc 11h30' đến 13h00' ngày 23/11 và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ hồi 16h00' cùng ngày sau đó đưa di cốt về an táng tại quê nhà, thôn Lê Xá, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội vào sáng ngày 24/11/2012
Bác Khúc, người bác ruột kính yêu của tôi đã trở về với cát bụi!
Sống gửi, thác về. Cháu cầu chúc cho linh hồn của Bác siêu thoát về miền cực lạc!

Bác Khúc ơi!





Tang lễ ngày 23/11/2012





Xem thêm GS Đặng Vũ Khúc ở đây:
http://blog.yahoo.com/_ZTNPDTGCUOV24I5AHSUWDQGHOM/articles/591222/category/Family

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Câu chuyện bên bờ con sông chảy ngược (Part II) hay là món cháo vịt giả khoai!

Đường vào khu tập thể hồi ấy lầy lội ổ voi bởi các loại xe khách, xe tải, xe "chuồng gà" chở hàng lậu của Trung Quốc ra vào ngày đêm. Cơ quan nằm giữa bãi đất trống huơ tứ bề ấy nên cũng lắm chuyện buồn cười. Thỉnh thoảng lại có anh mất cốp hay gương xe máy. Đó là những tay nhà giàu chứ cái thứ trên răng, dưới "cát - tút" như bọn y thì chả có gì để mất cả. Bọn gánh hàng rong, rau cỏ đi qua cơ quan suốt ngày nào thì quần áo, đánh giầy, rau quả, bẫy chuột, đồ ăn cắp cũng có... Có đến phân nửa thời gian làm việc của bọn công chức rỗi việc bị tốn vào đấy. Nhiều đứa con cán bộ thời ấy thường theo cha mẹ lên cơ quan, được cái việc ít mà lại không "cháy nhà chết người" nên cũng chả sao, chúng cứ lớn lên một cách tự nhiên như củ khoai, củ sắn. Lương thấp nếu không nói là cực thấp (Lương đại học mới ra trường của y lúc đó tròm trèm 10 vạn, mua được khoảng trên trăm gói mì tôm hạng trung) nên các bác lãnh đạo cũng vì thế mà chả mắng mỏ gì, thi thoảng còn đùa vui với lũ trẻ và còn cho chúng kẹo bánh nữa. Những đứa trẻ ấy giờ đây khối đứa đã trở thành  sinh viên của các trường đại học danh tiếng vào loại bậc nhất của Hà Thành như FTU, HUST...HUC
Vui cũng kiểu vui của con nhà nghèo, mỗi khi có sự kiện gì các cô, các chị lại vào bếp nấu nướng rồi liên hoan, cũng nhạc sập xình từ cát-xét Tàu rồi nhảy loạn trong hơi men phấn khích ầm ĩ cả khu đầu cầu như ngày xưa thôn quê có gánh hát về làng, cả các bậc cao nhân đáng kính cũng tham gia rất chi là nhiệt tình, bọn du đãng đi qua cũng nghển cổ ghé nhìn và lấy thế làm lạ lắm. Vào mùa World Cup hay Euro thì vui hết biết, đêm nào mấy bác trong khu tập thể cũng vác Ti vi ra sân (để các bà vợ đỡ cằn nhằn) hò reo cả đêm, đó là những bữa tiệc thể thao thật sự đối với y và gã cử nhân tân khoa thời ấy, bởi hai gã mọt sách không có nổi cái TV để xem dù chỉ là đen trắng. Sáng nào hai thằng cũng phải dậy sớm thập thò ở cửa nhà hàng xóm xem ké TV khi mà chiếu những bộ phim dài tập để đời của truyền hình Tung Của như Tể tướng Lưu gù, Nghiệp chướng...hay những bộ phim của truyền hình Việt Nam thời còn ăn khách như 12A và 4H...


Đêm chung kết Uôn - Cup 94 rồi 98 thể nào cơ quan cũng nấu cháo vịt liên hoan, có năm y và gã cử nhân cùng phòng được giao nhổ lông vịt ở nhà bà Trưởng phòng đáng kính ven sông có 2 cô con gái xinh như mộng chửa có chồng, không biết do bản tính vụng thối vụng nát cố hữu hay do mải liếc hai em mà bọn chúng nhổ tuột hết cả da vịt như bóc củ khoai. Rồi nồi cháo nóng với những cái bụng đói lúc đêm khuya hay vì bóng đá quên đi mọi ưu sầu, phiền muộn, con người ta trở nên dễ tính, độ lượng hơn mà không thấy ai chê bai hay xét nét món thịt vịt không da của hai thằng, he he

Năm ấy, trời làm lụt lội, nước sông KC lên cao mấp mé bờ, cả đêm ấy xóm nghèo thức trắng để...xem nước lên. Cũng chả có gì phải lo lắm vì đồ đạc cũng không có gì nhiều. Chỉ lo cái kho đồ "đồng nát" của cơ quan bị ngập thì lại quy trách nhiệm cho nhau hết hơi.
Khu tập thể cạnh đầu cây cầu sắt nên đêm đêm tiếng xe nghiến mặt cầu rung ầm ầm, inh tai nhức óc, riết rồi cũng thành quen. Thỉnh thoảng lại có người chán sống nhảy cầu tự tử. Cả xóm lại hò nhau ra xem y hệt ở làng quê với thói tò mò cố hữu của người Việt.
Rời chốn nhà quê ra nơi phồn hoa đô thị nhưng lối sống, cách hành xử vẫn đậm đặc chất quê, mà biết đâu như thế lại là giữ gìn bản sắc, hay gì đâu đua đòi lối sống nửa thị thành, nửa nhà quê. Bản chất lưu manh thị thành vẫn chưa thể một đời có thể ngấm ngay vào những con người kẻ quê ấy được.
                                                                      Hết thật.

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Hiện vật quý - chai bia BGI cổ niên đại 1875

Hôm rồi dọn nhà mới thấy cái chai bia lăn lóc góc nhà, nhặt lên xem thì thấy là lạ không biết được sản xuất năm nào, có ghi Sài Gòn 1875, Đây là chai bia của hãng B.G.I có biểu tượng con cọp, lô gô, chữ trên thân chai đều in bằng sơn nổi nhưng rất chắc vì không thấy bị bong tróc. Các thông số trên thân chai bằng tiếng Pháp. Các vỏ chai bia hiện nay đều dán nhãn bằng giấy. Chai bằng thủy tinh màu hồng đỏ rất đẹp. Loại bia này hình như mới tái xuất tại Việt Nam mới đây mà hiện nay chỉ thấy dân miền Trung sử dụng.

Mặt có hình vẽ (Ảnh 1) có ghi:


MARQUE  DÉPOSSEE

BIERE DE LUXE

"33"

EXPORT

BRASSERIES  & GLACIERES

, DE  L' INDOCHINE

BGI

Mặt có chữ ghi:

BIÈRE
FABRIQUÉE AVEC DES MALTS
D'ORGES SÉLECTIONNÉES ET DES
HOUBLONS DES CRUS LES PLUS
RENOMMÉS
*
BRASSERIES ET GLACIÈRES
DE L' INDOCHINE
SAIGON
ANCIENS E TS V.LARUE
ETABLIS AU VIET - NAM DEPUIS
1875
Ai quan tâm xin mời liên hệ với chủ nhân (anvpqh@yahoo.com).






Vỏ chai bia 33ml




Thời buổi công nghệ mà cán bộ Bảo tàng vẫn xử lý hiện vật như mẹ đĩ nhà cháu đang tẽ ngô ở nhà quê ý.