Người theo dõi

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Cu Tơn

Một hôm Tơn bảo "Con có một điều ước"
- Điều ước gì hả con? mẹ hỏi
- Ước gì cô giáo bị phỏng dạ
- Sao con lại ước như vậy? Mẹ ngạc nhiên
- Vì bạn Trang nhóm con bị phỏng dạ nghỉ mấy ngày liền, cô Hiệu trưởng bị phỏng dạ thì các con được nghỉ
- Cô hiệu trưởng nghỉ thì vẫn có cô khác
- Thì ước gì các cô khác cũng bị, chỉ còn một cô thôi
- Thế mẹ mách cô giáo nhé
- Không, không, mẹ đừng nói, Tơn vội bảo
Nghĩ một lúc cu cậu nói tiếp
- Nhưng con vẫn muốn đó là sự thật!
Giáo dục làm cho trẻ con sợ thế đấy.o

Lại một hôm khác
Bố mẹ và Tơn đi ăn bánh cuốn trước khi đưa Tơn đến trường
Tơn bảo mẹ:
- Bố tuổi chó mà ăn ghê thật (Tơn tuổi lợn) một cái bánh cuốn trứng, lại một cái bánh cuốn không đầy bát!
Bố choáng nặng!

Công đồng Bắc Lệ (xã Tân Thành, Hữu Lũng- Lạng Sơn) vắng lặng, âm u tịch mịch chiều 23 tháng Chạp, Tết ông Công, ông Táo


Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

TỪ ĐIỂN LÀNG CHIỀNG

Làng Chiềng hình thành đã mấy trăm năm, thuở sơ khai là các cư dân miền đồng bằng lên sinh sống, thời đó dĩ nhiên là chưa có đảng nên không thể gọi là dân khai hoang như nhiều người vẫn đánh đồng người Kinh, người dưới xuôi lên là dân khai hoang.
Ngôn ngữ làng Chiềng cũng rất riêng
Bữa cơm làng Chiềng chỉ có cơm và canh. Canh ở đây là thức ăn, canh rau, canh măng, canh thịt, canh lạc, canh trứng...và họ thường mời khách: bác gắp canh ăn đi.
- Hoa quả hay bánh trái, bộ phận nào đó trên cơ thể bị cứng lại họ gọi là bị đăn lại. Quái lạ, y tra từ điển mãi không thấy từ này
- Trẻ con đi chăn trâu, thả trâu thường chỉ gọi là đi trâu
- Trâu nghé thì gọi là trâu nhe
- Người lớn đi cày bừa đồng xa, trẻ con có nhiệm vụ canh giờ thả cày bừa để đến đưa trâu đi ăn hay đưa về gọi là đi đón trâu
- Ăn mà bị mắng, miệt thị thì gọi là hốc: hốc cơm, hốc cháo
- Trẻ con nói không nghe mà cãi lại thì bảo "nhơn nhơn như sơn bôi l." hay "Lồi lồi như cứt trôi sông"
- bánh tro làm bằng gạo nếp và nước cốt tro hay gio thì gọi là bánh nẳng
- Cái vung thì còn gọi là cái vửng: vửng tích, vửng nồi....
- lạnh thì ví " lạnh như l.n ma"
- dày thì ví " dày đụp như l.n Mán"
- Ngâm nước ấm cho quả trám tróc khỏi hột thì gọi là ỏm trám
Làng Chiềng có quốc lộ 1B chạy qua giữa một bên là núi đất, một bên là núi đá nhưng núi đá thì chỉ gọi là hang, lên rừng lấy củi thì gọi là đi lên hang để phân biệt với núi đất
- Trời xầm xì sắp mưa thì gọi là ốm giời
- Ăn mặc không tương xứng điều kiện thì chê: "Người chả đáng đồng tiền sứt, cứt đáng ba quan"
- Lúa mà xấu thì chê: "Chó chạy thấy dái"
- Coi trọng con đẻ hơn con nuôi: "Con mày con nuôi cũng không bằng con đầu b. làm ra"
- " Che đằng trôn, đằng l.n để hở"
- Cứng như đanh đình
- Làm gì chậm chạp thì bị chê: "Mân như khỉ mân l.n chốc"
- Ăn nhiều bị nói là "ăn như hùm đổ đó"
- Gắp miếng rau to thì ví như cái nút đó (Cỏ hay rơm để nút vào cái đuôi đó đơm cá)
- Cười vô duyên gọi là "cười sằng sặc như cặc phải nước nóng"
- Ngày mùa mà dậy ra đồng muộn hay lười nhác thì bị quở: "Ăn cứt chẳng kịp chó"
- Làm ăn buôn bán chậm chạp, thất bát thì bảo ngữ ấy thì "trước gánh, sau đội"
- Đông con, cha mẹ thường dạy phải "ăn đều, tiêu sòng" "Có cùng nhau ăn, hết cùng nhau thôi", "Ăn thì hơn, hờn thì thiệt".
- Ăn xong trước cha mẹ chỉ cần chào "Con thôi ạ" chứ không mời lại lần nữa
- Cá chép làng Chiềng gọi là cá Gáy
- Trâu cái thì gọi là trâu tháu
- Hạt lạc lép thì gọi là hạt kẹ
- Dụng cụ tráng bánh cuốn gò bằng tôn hình tròn giống như cái khay thì gọi là cái phồn
- Cua đồng màu tím thì gọi là cua cẳm
- Già trái non hột làng Chiềng gọi là "già dái non hột"
- Ông đưa, bà đón trong đám cưới thì gọi là ông hay bà Đại lương
- Bố, mẹ vợ thì gọi là ông Vãi, bà Vãi
- Làm đất gieo mạ thì gọi là đi luôm mạ
- Làm tương ăn thì gọi là ngả tương
- Ủ men rượu gọi là phật men
Làng Chiềng gần như 100% là nhà sàn, dưới gầm sàn gọi là dưới bãi
- Bàn thời hay gọi là Giường thờ
- Phía trang trọng nhất trên nhà sàn gọi là trên đảng
- Cúng hóa vàng sau tết gọi là cúng đưa đảng
- Tảo mộ trước tết thì gọi là đi quét chạp
- Làng Chiềng không có bãi tha ma, cứ chết thì gọi là đưa ra đồng
- Đi đại tiện gọi là đi đồng
- Thăm ruộng gọi là đi thăm đồng
- Dẫn nước vào ruộng gọi là đi bắt nước
- Sao chè thì gọi là rang chè
Cái que đảo cám lợn gọi là giá cám, giá cám còn để đánh con, cái gắp lửa bằng tre gọi là cái cắp cũng kiêm để đánh con. "Nín đi không,  tao cho cái cắp ngang mõm bây chết mẹ mày bây giờ" sợ phết!
Đánh sảng lúc mới quay gọi là giướng sảng, đưa gà con mới nở ra khỏi ổ cũng gọi là giướng gà con
- Con gái con đứa mà không đứng đắn thì bị gọi là con đượi
- Con gái mà ngủ trưa, đái bậy, đểnh đoảng ...thì bị nhiếc là "đồ quạ mổ"
- Người lớn nói việc gì mà kết quả xảy ra như dự tính thì bảo "Mồm mẹ mẻ, nói có bao giờ sứt"
- Phơi áo hay treo cái gì lên bờ rào thì gọi là bẹo lên bờ rà0, ngoài ra còn có từ bắt sáo khi đan phần trên của bờ rào
P/s Cái này reply Pác Minh Lê Quảng Bình vừa comment bên dưới:
Làng Chiềng không có từ "nhậu" ( nghe đâu gốc gác từ này miền Nam) mà khi nhà nào có cỗ nhà mới, ma chay, cưới xin thì gọi là mời đi uống rượu, khi về chào gia chủ lúc nào cũng có câu sáo là em đã "cơm no, rượu say rồi" xin phép bác lại nhà
...

Giếng làng Chiềng vừa trong vừa mát
Đường làng Chiềng lắm cát dễ đi




Người làng Chiềng có gì vui thế?


Giướng sảng


Quét chạp trước Tết nguyên đán mời các cụ về ăn Tết



"Nga nga, lưỡng nga nga"


Ngôi trường y học xưa....



...và nay

Đồng quê làng Chiềng thanh bình


Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Có hay không ngôn ngữ mạng?

Ai cũng biết mạng là cõi ảo nhưng có khi rất thật.
Có cả ngôn ngữ mạng nữa đấy
Đã có ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ chợ búa, ngôn ngữ công sở, vân vân và vân vân...
Có người cứ sợ ngôn ngữ ấy đi vào cuộc sống sẽ đánh mất giá trị truyền thống trong sáng của tiếng Việt. Cũng phải thôi vì người ta cố tình viết sai chính tả kiểu như ví dụ thì viết là ví rụ, chính trị thì viết là chính chị, thôi rồi thì là thôi dồi (chó), nào là viết chệch đi kiểu đệch, đuýt, mịa, chết òi, nhề, nhể, nhỉa..nào thì viết liền tù tỳ không dấu, nào thì không viết hoa đầu câu..      nhưng y thì cho rằng cái gì không phù hợp thì sớm muộn sẽ bị loại bỏ. Và cái gì cũng có lãnh địa riêng của nó, không sợ chi nó lan sang địa hạt khác.
Vào mạng có thể thản nhiên chửi Tsb hay vkl, đkm hay clgt nhưng những kẻ du thủ thu thực cũng ít khi phát ra mồm như thế nếu không trên cõi mạng
Đừng lo, cái gì chết nó sẽ chết, cái gì sống thì không ai cản nổi
Ngôn ngữ mạng cũng hay đấy chứ, ai cũng hiểu, giản tiện tối đa và đôi khi...thâm vãi!
Rảnh, y sẽ viết ngôn ngữ làng Chiềng nữa. Hay lắm đó nhe!

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Chân dung anh giáo già làng Chiềng

Thằng cu vẽ bài tập nguyên mẫu là anh giáo làng Chiềng, chả biết có giống không



Bạn Sơn Ca TL tặng bức ảnh, y không cài vào phần comment được, đành treo lên đây để cảm ơn TL


Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Lang thang Kinh Môn

Kinh Môn thuộc tỉnh Hải Dương, cách đây chừng trên 20 năm gọi là Kim Môn tỉnh Hải Hưng, không hiểu sao lại đổi thành Kinh Môn như bây giờ. Huyện có rất nhiều sắn dây, hành trồng dọc đường quốc lộ. Thị trấn nhỏ yên tĩnh nằm bên bờ sông không biết có phải Kinh Thầy, con sông gắn với Mạc Thị Bưởi và mặn mòi phù sa trong thơ của cậu bé thần đồng hạt mít và cũng là thần tượng của bọn trẻ con như y suốt một thời thơ bé. Chiều giữa đông y lang thang đi giữa con phố Nguyễn Trãi, hình như là phố dài nhất xuyên qua thị trấn. Buôn bán không hẳn trên bến dưới thuyền nhưng đạm dáng vẻ miền đồng bằng ven sông.
Đi quá đó trên chục cây số là đến bến phà Bến Triều sang phố huyện Đông Triều của Quảng Ninh ra quốc lộ 18 rồi về Bắc Ninh, lên Lạng Sơn
Y về đến nhà trời đã xâm xẩm tối.

Qua phà Bến Triều



Phố huyện chiều đông




Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Năm mới nữa lại đến

Năm mới đã đến, ngoảnh lại một năm dù chưa làm được gì, chưa tích lũy được bao nhiêu cả vốn sống lẫn tiền bạc, nhưng y đã đặt chân đến nhiều nơi, đã gặp nhiều người, đã thêm nhiều bạn. Có những điều ước chưa đến, những vận may chưa mỉm cười nhưng dù sao y cũng thấy 2014 đối với y cũng không đến nỗi phí hoài.
2015 nhất định sẽ có nhiều điều thú vị mới mẻ. Y tự cho mình cái quyền hy vọng như vậy và tự nhủ hy vọng và ước mơ là những thứ ...không nên hà tiện!

Tết tây ở làng Chiềng 01/01/2015
Trong ảnh là thằng bạn cùng học đại học năm xưa nhà ở ATK đã được từng nhắc đến ở đây:

Thời sinh viên, chuyện bây giờ mới kể (Phần II) Student, now a new story told (Part II)

   

Dưới gầm nhà sàn, ảnh dưới năm 1990, y đứng hàng đầu ngoài cùng bên trái, gã bạn đứng hàng hai cũng đầu tiên bên trái

  

 Gã bụng to ở trên thời sinh viên


Quà mừng tuổi năm mới của y là đồng 5 đô la Singapore

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Mong ước kỷ niệm xưa

Hai  mươi nhăm năm đã qua, thời gian nhanh thật, hôm nay thấy cái này ở góc tủ, đã ngả màu thời gian, bồi hồi nhớ lại cái thời đói kém gạo châu củi quế mà vẫn chịu khó học hành. Khi đó được đeo cái này đã là vinh dự lắm lắm so với đám bạn cùng lớp.  Khi ấy, anh Nguyễn Khắc Hùng ở Phòng Quản lý sinh viên còn khá trẻ nguyên là sinh viên khoa K5 (ký hiệu của khoa Lý) đắc cử Bí thư Đoàn trường theo phương thức bầu trực tiếp và kiểm phiếu công khai trên bục Đại hội. Phong trào đoàn từ đó cũng phát triển mạnh với nhiều hoạt động như trương trình truyền thanh của các Liên chi đoàn, tổ chức cho cán bộ Đoàn đi tham quan du lịch hàng năm, y nhớ là cũng được đi 3 lần là Đền Hùng, Hạ Long và Đồ Sơn, và cảm thấy hãnh diện, oách xà lách lắm. Năm 1991 y dã từng là biên tập kiêm phát thanh viên và đọc tin Mỹ tấn công Iraq rất hùng hồn, có gì đâu lấy tin trên trang 4 báo Nhân Dân, (báo này khi ấy mới có 4 trang không màu). Phó Bí thư khi ấy là chị Đỗ Thị Thìn, nay thì chị đã là Tổng Biên tập báo Thái Nguyên còn anh Hùng thì nghe đâu là Phó Giám đốc hay Phó Hiệu trưởng một trường Đại học gì đó cũng ở Thái Nguyên. Trường ĐHSP Việt Bắc nay cũng đổi thành ĐHSP Thái Nguyên tên cũ không còn
Thời gian trôi qua mau, qua mau...