Người theo dõi

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Hạ Long vào hè

Hạ Long vừa mới vào hè đã nóng gần 40 độ, y đi công cán chứ không tắm, vừa xong thì y lại phải    cút  về ngay  làng Chiềng. Lạy trời, rút cục thì mọi sự cũng bình an

Bãi Cháy nắng cháy




Cửa ngõ Cẩm Phả liền với TP Hạ Long


Cầu Bãi Cháy với nhiều bí ẩn khi xây dựng

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Xa quê

Vì tha phương cầu thực nên y cũng phải rời xa làng Chiềng dễ có đến ngót 30 năm. Tuổi ngày mỗi cao, mỗi khi được nghỉ ngơi y lại thấy bâng khuâng, cái bâng khuâng của người xa quê. Lời nguyền "Con đi chuyến này cố chí làm ăn, bao giờ có bạc trăm con mới về, không có tiền, sống khổ sống sở ở cái làng này, nhục lắm..." vẫn chưa thành hiện thực, vẫn là cái công nông đầu dọc mới thay thế con trâu ngày nào.
Về làng Chiềng vật đổi sao rời, người bỏ làng ra đi không ít, người nhập cư đến cũng nhiều, bọn trẻ ngoài 20 nếu không là họ hàng thì cũng không biết y và y cũng chả biết con cái nhà nào, được cái là về làng dù chưa quen nhưng họ vẫn chào rất niềm nở thân thiện, đôi người lạ cũng biết tên y có lẽ giống anh em nhà y sống trong làng. Bến nước, bờ tre rất quen thuộc với y nhưng giờ đây cũng đổi khác ít nhiều. Cái nhà Hợp tác xã lâu năm đã dột nát, không ai dám vào đó nữa, cảnh hoang sơ tiêu điều như những năm kháng chiến. Ấy mà một thời hoàng kim của Hợp tác xã nông nghiệp Đông Bắc nơi đây là chốn tụ họp, đại hội, chia thóc, chia phân, chia thịt ...tấp nập như không thể thiếu đối với cuộc sống ngày ấy.
Nhưng, dù có đi ngay lên CHỦ NGHĨA XÃ HỘI thì người làng vẫn là những nông dân với những đặc tính cố hữu của mình. Tranh giành, ghen tỵ, rượu chè..vẫn xảy ra mỗi khi có ăn hoặc cả khi thiếu ăn, mà lại làm thơ nữa mới oách chứ. Y nhớ năm đó chừng 1981, 82 gì đó Đại hội xã viên no say xong thì có xích mích (tất yếu) vậy là có ông có chút thơ phú, xuống dòng một cách hợp lý bèn gửi cho báo Bắc Thái và được đăng lấy bút danh là Xã viên, sau đó xôn xao truyền nhau đọc và bàn tán bán tin, bán nghi xem ai là tác giả. Dù rất lâu nhưng y vẫn nhớ bài thơ châm phê bình có tên:
Bất bình
Bất bình Đông Bắc của ta
Đại hội hợp tác ăn ba ngày liền
Rượu thịt chè chén liên miên
No say hách dịch giả điên đánh người
Sưng mày tím mặt chưa thôi
Còm đe rằng có im thời cho qua
Nếu còn thắc mắc kêu ca
Báo lên Tòa án cho ngồi nhà giam
Hỏi xem việc ấy Đ làm
Cơ quan pháp luật sao đành lờ đi.
Y còn nhớ là có xích mích giữa ông Đ (đã mất) và ông Mùi, hai "đương sự" đọc xong chẳng ý kiến gì nhưng lại làm đau đầu Ban Quản trị Hợp tác xã và chi bộ vì còn sợ cấp trên!
Những xã viên hồi đó chắc ít người còn nhớ chi tiết thú vị này

Ngôi nhà bằng tuổi y, gắn bó cả thời thơ ấu của y vừa được thay lại mái ngói và nâng cao thêm 40cm nữa vì thế nên cầu thAng 7 bậc cũng phải kê cao lên dưới chân


Toàn cảnh ngôi nhà sàn với chuối sau, cau trước, gốc mít bờ tre thân quen



Và đây là ngôi nhà trước khi được thay mái và nâng cao lên



Nắng ban mai buông trên đồi chè sau nhà y


Sàn này trước thường là chỗ ngủ cho khoảng 20 chú bộ đội đi hành quân qua làng Chiềng những năm mới giải phóng và chuẩn bị chiến sự Biên giới, y còn nhớ Chú Điện quê Hải Dương biết đạp máy khâu, chú Vần, cô Mý cấp dưỡng, ban tối chắc nhớ nhà khóc thút thít. Các chú ở Tây Nam ra mang cà phê rang lên rồi lấy vải phin lọc, thơm khắp xóm, cái mùi mà y và bọn trẻ con làng Chiềng chẳng được ngửi bao giờ. Những bột canh, lương khô hấp dẫn vô cùng, thỉnh thoảng các chú vẫn chia cho, chao ôi! sao mà ngon đến thế


Bố còn viết dòng chữ "Không hút thuốc lá trong nhà" nhà trên xiên ngang để nhắc nhở các chú bộ đội vì hồi ấy nhà còn lợp tranh chưa lợp ngói nên sơ sểnh có thể cháy nhà như chơi. Trải ba, bốn mươi năm dòng chữ đã mờ, hình ảnh từng đoàn quân rầm rập qua làng và những chiếc xe Gaz, Giải phóng chỉ còn trong ký ức


Chiếc cối đá để xay gạo, đỗ, ngô... đã hoàn thành sứ mạng lịch sử nay lăn lóc gầm sàn


Chiếc bàn gỗ có tuổi thọ trên trăm năm, điều đặc biệt là ngoài 2 tay kéo bằng đồng là kim loại, tuyệt nhiên không sử dụng cái đinh sắt nào


Niềm vui của mẹ



 Công việc thường ngày




Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Quê xa

Ai cũng có quê, cả thế giới này đều vậy, nhưng có lẽ Người Việt mình mới hay coi trọng quê hương, vậy nên đâu đâu cũng có Hội gọi là đồng hương (Sao lại có câu Tục (tĩu) ngữ "Giàu vì bạn, khốn nạn vì đồng hương" thì y chịu không giải thích được) Xa quê là nhớ, và sắp chết thì muốn về chôn nắm xương tàn ở quê, có câu "Cáo chết ba năm quay đầu về núi" nghĩa này chăng? Họ nhớ Tổ tiên? đúng thế, vậy nên độc đáo nhất thế giới dân tộc này có tục thờ Vua Hùng, có Quốc giỗ là ngày 10 tháng 3, liệu có đất nước nào có tín ngưỡng này nữa không? Cho dù ai cũng biết 18 đời Vua Hùng chỉ là truyền thuyết, vua gì mà sống cả trên trăm năm và Vua họ gì thì chịu. Nhưng đố ai dám báng bổ Vua Hùng? Nói đến Giỗ Tổ như là một chân lý đương nhiên, không cần bàn cãi. Hay thế chứ! Cho nên ngày Tết, ngày lễ thi nhau về quê và tàu xe lại đông kinh khủng cho dù bước chân lên xe có khi không có ngày về.
Quê xa nên sinh ra đền chùa, sinh ra các dòng âm nhạc, văn học...đậm nỗi nhớ quê đến da diết, nao lòng, sau nhiều trăm năm được nâng tầm di sản
Nghỉ 5 ngày tới đây, khối anh quê xa lại khăn gói quả mướp lên đường về quê đây!
Có ai về làng Chiềng không, cho y đi với!

Làng Chiềng...


...và  Đền Hùng


Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Chuyện nhặt Đà Nẵng

Đà Nẵng mới đến cảm nhận ban đầu là vệ sinh môi trường rất tốt, từ sân bay đến thành phố, các khu chợ, khu dân cư mà y lang thang đều thấy sạch sẽ, chỗ đổ rác cũng rất kín đáo. Cát bụi cũng ít, giao thông đi lại tuy chưa trật tự như thành phố Hồ Chí Minh nhưng với Hà Nội thì y thấy hơn hẳn nhiều lần. Nghe ông bạn kể thì Đà Nẵng đã làm tốt quy hoạch công thoát nước ngầm cùng với Bà Rịa Vũng Tàu nên mặt đường không thấy nắp công bằng gang khấp khểnh như thủ đô, họ làm ngầm trước và ngầm hóa các loại dây cáp, ống nước... khác và các đơn vị đi sau phải đăng ký để treo dây, ống của mình vào đó nên không có cảnh vừa làm đường xong đã đào lên lấp xuống, mặt đường nếu có thảm lại thì cũng phải bóc lớp cũ lên chứ không có kiểu mỗi năm bồi thêm một lớp, có lẽ vì vậy mà hôm sáng y ra sân bay mưa khá to nhưng nước thoát rất nhanh.
Hàng rong, ăn mày ở thành phố và các khu du lịch cũng vắng bóng. Những người bán báo và vé số cũng mời chào lịch sự, từ tốn chứ không chèo kéo làm phiền. Khắp nơi có đường dây nóng nếu ai báo rằng có ăn mày, hoặc chèo kéo ăn xin thì lập tức nhà chức trách sẽ "hốt liền" và thưởng cho người báo và dĩ nhiên thành phố cũng có phương án sinh nhai cho họ, đó mới là căn nguyên của vấn đề. Cô em con bà cô ruột của y sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng nói rằng người gốc Đà Nẵng rất hòa nhã, không chụp giật, sống rất dễ chịu, y cũng tin là cô em nói đúng. Lang thang khu dân cư với bà con chòm xóm quận Hải Châu thấy đa số người dân ghi nhận công lao của ông Nguyễn Bá Thanh.
Thành phố Đà Năng có đến 9 cây cầu cả thảy nhưng nổi tiếng là các cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, cầu quay Sông Hàn, Cầu Rồng, Cầu Thuận Phước. Các cây cầu được chiếu sáng trang trí ban đêm rất lộng lẫy đẹp mắt.
Cầu quay Sông Hàn nghe đâu giờ không quay nữa vì tàu bè đã có bến đỗ mới nên chỉ quay khi có các tour du lịch...y chết vì ngủ nên không ra canh me lúc nửa đêm xem cầu quay thế nào.
Cầu Rồng thì vẫn đều đặn phun nước và lửa mỗi khi lễ tết hay sự kiện gì đó nhưng hình như có người chê cái đầu rồng thấp quá, phải ngẩng cao lên nữa, Y cầm tinh con chó nên chẳng biết rồng phượng gì cũng không là dân kỹ thuật nên...không chê gì hết, Cầu Thuận Phước nơi cửa biển trước cũng rất nhiều người đi nhưng nay có thêm nhiều cầu mới thì cũng ít người đi hơn vì nơi cửa biển gió lớn và độ cao chóng mặt...
Đà Nẵng còn có Bà Nà Hill rất đông khách, hôm y đến là dịp kỷ niệm 30/4 và giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng nên Khu du lịch có chương trình tri ân người Quảng Nam - Đà Nẵng, ai là người Đà Nẵng, Quảng Nam thì 100k/vé, nơi khác thì xin mời nhân với 5 lần, vậy là có người lỡ mua 100k rồi không đi nữa bèn ...bán lại, bởi vào đến cáp treo có khi hết vé. Dù mưa gió vần vũ và chưa phải ngày lễ nhưng khách đông vô cùng. Thế mới biết sức hút và tiềm năng du lịch của Đà Nẵng mà khách quốc tế cũng rất đông. Các khu đô thị, khu du lịch mọc lên nhan nhản mỗi tội tên nước ngoài hơi nhiều như Furama resort, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Olalani....nghe đâu trước đó mấy ngày thành phố cũng ra tay dẹp bỏ biển hiệu Trung Quốc sai quy định.

Cầu Rồng ban ngày nhìn từ phía đuôi


Cầu Rồng lung linh về đêm


Cầu quay sông Hàn


Đường phố phong quang, sạch sẽ sau cơn mưa



Bãi biển Mỹ Khê rất sạch sẽ


Vãng cảnh chùa Linh Ứng Bãi Bụt bên bờ biển Đà Nẵng vào buổi sớm mưa vần vũ, nơi có tượng Phật cao 64m rất độc đáo, chân tượng cũng là nơi thờ tự. Nghe nói từ khi xây dựng chùa nhiều cơn bão đã tránh Đà Nẵng hoặc chí ít cùng suy yếu gây thiệt hại ít hơn.

Sân chùa


Trong chùa nhìn ra biển, vị trí cũng là bộ phận chân đế của bức tượng Phật cao 64 mét



Thăm bà cô ruột của y, bà cô lấy chồng Đà Nẵng từ trước giải phóng, nay bà đã 76 tuổi, rất vui khi cháu từ phương xa tới thăm


Khoái nhất là Đà Nẵng có hệ thống WIFI thử nghiệm miễn phí khắp TP



Và cuối cùng y lại về làng Chiềng với cái máng lợn sứt mẻ của y sau hành trình dài đầy lý thú



Vẫn kịp đi thanh minh ngày 5/3 Giáp Ngọ theo phong tục truyền thống đồng bào dân tộc phía Bắc


Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Tết Hàn thực bên bờ sông Hàn

Dễ có đến 5 năm anh giáo làng Chiềng chưa có dịp quay lại thành phố biển đẹp, nơi có con sông Hàn thơ mộng. Hơn thế nó còn là thành phố đáng sống như lời người đứng đầu thành phố này kêu gọi người dân hãy phấn đấu.
TP này như có người đã tả bằng thứ tiếng Anh bồi: Mountain in the city, street in the sea nghĩa là "Núi trong lòng thành phố, phố giữa lòng biển khơi"
Ai học Sử mà chả nhớ Thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lược nước ta bằng những phát súng đầu tiên trên bán đảo Sơn Trà
Ngày 3/3, ngày chạp mộ theo phong tục người Nùng vùng biên giới phía bắc (Ít ai có nhớ tết Hàn thực (thức ăn lạnh) gắn với điển tích Giới Tử Thôi đời Xuân Thu, nước Tấn trước công nguyên) y vẫn đáp máy bay vào Đà Nẵng để thỏa lòng hẹn ước với đám bạn đồng niên, đồng lứa, đồng nghiệp

Y ra sân bay Nội Bài 


Yên vị trên máy bay đi Đà Nẵng



Khách sạn Luxury 205 Trần Phú Đà Nẵng


Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Hành trình Xứ Thanh

Đi Lam Kinh Xứ Thanh xưa mất cả tháng trời, nay y đi có một ngày đã đến. Y đúng là con ngựa hoang cưỡi ngưạ sắt.
Tầm trưa, đói rồi. Chuyện dân gian xưa có kể ông địa chủ nọ keo kiệt  kiêng "dậu bất khả sát kê, dần bất khả hạ trì" vậy nên y chẳng chén gà cũng không xơi cá mà chui vào quán Trâu vàng Ninh Bình đả món thịt dê vậy. Ninh Bình đặc sản ẩm thực là cơm cháy, "trên dê dưới hến" mà...vả lại cũng trưa rồi, đường từ đây và xứ Thanh không còn bao xa nữa...


Trung tâm thành phố Thanh Hóa đây rồi



Cà phê trên tầng thượng Thien Y hotel tại thành phố Thanh Hóa


Từ phòng y ở nhìn thành phố Thanh Hóa



Dự chiêu đãi...


....và lĩnh thưởng, rất chi là "oách xà lách" nhá




Rồi y lại trở về làng Chiềng với "cái máng lợn sứt mẻ"

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Giờ trái đất

Quảng cáo tuyên truyền hưởng ứng giờ trái đất rầm rộ, đến 20h30' 29/3/2014 chỉ có đèn đường ngoài phố tắt, các cửa hiệu vẫn sáng choang, nhà dân vẫn bình thường, không thấy hưởng ứng rõ rệt lắm. Ngõ hẹp nhà y chỉ có bọn trẻ nhà y hưởng ứng nhiệt tình và quên đến tận 22h30' vẫn chưa bật điện trở lại. Trong ảnh là lũ nhóc đang xem ti vi.




Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Lam Kinh ký sự

Hẹc hẹc hẹc! Lam Kinh ký sự chứ không phải Thượng Kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) cuối thế kỷ 18 cáo ốm rời kinh đô Thăng Long về quê Hương Sơn, Hà Tĩnh
Chả là y có việc mới đi Xứ Thanh (25/3/2014) nên cố lên Lam Kinh viếng mộ các Hoàng đế triều Lê. Y đi như một con ngựa hoang
Từ Thanh Hóa lên khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, đường đi tốt. Lam Kinh nằm ở thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, gần phi trường Thanh Hóa. Nghe nói mỗi tuần có 17 chuyến bay đi đến và thường là cháy vé, phải thôi vì đất Thanh rộng, người Thanh đông, xưa nay vua chúa nhiều, địa linh thì sinh nhân kiệt. Anh bạn đi cùng nói nghe đâu vua tới đây cũng ở Xứ Thanh, chẳng biết thật hư hay đoán mò. Dân số Thanh Hóa nay cỡ trên 3 triệu với 27 đơn vị hành chính
Di tích Lam Kinh huyền thoại đang được trùng tu, chính điện đang dở dang, một thời việc trùng tu cũng được báo chí, dư luận quan tâm săm soi
Sau khi giành lại độc lập cho dân tộc, Lê Lợi rời Lam Kinh lên ngôi hoàng đế tại Thăng Long - Hà Nội

Trước cổng di tích Lam Kinh


Rồng chầu, hổ phục


Chiếc cột lim đường kính khoảng 80cm, 600 tuổi nhập từ Lào

Vừa lễ xong


Dưới bóng cây Đa Thị ngàn tuổi, sở dĩ gọi vậy là cây đa quấn quanh cây thị giống như 3 cây xanh, si, đa xoắn xuýt lấy nhau mà y từng gặp ở đền Mẫu Hưng Yên vậy



Đầu rùa bia Vĩnh Lăng


Chân rùa có 6 ngón với một ngón khuyết gắn với giả thuyết nỏ thần, cô hướng dẫn viên cũng nói thêm là còn một giả thuyết nữa là nhà vua Lê Lợi trị vì 6 năm nhưng có một năm chưa tròn nên người thợ mới làm một ngón bị khuyết. Hình dáng của con rùa đội bia này cũng khá độc đáo


Bên khu lăng mộ Hoàng đế nhà Lê


Bên mộ có hai cây ổi mà cô hướng dẫn nói rằng xoa nhẹ vào thân cây thì cây sẽ rung lên kiểu cái bàn xoay kỳ lạ ở Đà Lạt, mọi người thử xoa thì đều có cảm giác ấy và khi tĩnh tâm nhắm mắt nắm chặt thì sẽ có năng lượng chạy qua người và cảm giác bay bổng lâng lâng, y cũng thử nhưng có lẽ do không tĩnh tâm nên chẳng có cảm giác gì cả nhưng y vẫn tin là có hồn của các bậc quân vương vẫn đâu đó trong khu di tích để phù hộ cho quốc thái dân an, giữ yên bờ cõi như một lẽ sống gửi, thác về


Bên cầu đọc sách


Khá đông khách thăm viếng khu di tích