Người theo dõi

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Làng Chiềng vẫn thế

Tết năm Ngọ, y lại tung vó về làng Chiềng ăn Tết với mẹ. Tới đầu làng đã thấy thấp thoáng bóng cây nêu có gắn cờ phấp phới sau lũy tre đã thưa dần. Rặng cúc tần và râm bụt đỏ hoa ven đường làng chỗ nhà ông Thiết, ông Thuổng...không còn nữa mà thay vào là hàng rào gạch bê tông trắng lạnh lùng cứng nhắc. Những cái cổng rấp rào tre hay toang tre xiên ngang chắn trâu đã thay bằng cổng sắt ngăn mấy ông đạo chích nhà quê. Những cây táo, rặng nhót cổ thụ vào mùa vẫn hấp dẫn người ta khi thịt mỡ dưa hành bánh chưng đã ngán đến cổ cũng bị chặt hết.
Nhưng phong tục và cái nghèo làng Chiềng thì vẫn không mấy thay đổi, dù rằng người ta đã ra Bắc vào Nam hay đi lao động tận xứ người. Cũng có vài nhà khá giả có xe con, cửa hàng trên phố huyện. Dăm ba anh có tý chữ nghĩa thánh hiền đi kiếm cơm thiên hạ lâu lâu mới về làng với mũ mão cân đai, đúng là "Kinh đô cũng có người rồ, thôn quê cũng có sinh đồ trạng nguyên". Tình người làng Chiềng vẫn đằm thắm như xưa từ lời chào cách xa vài chục mét đền cái nắm tay lắc lác rồi hỏi đi xa có nhớ làng không, đi làm có tốt tiền không, có con cháu gì chưa ....
Làng Chiềng vẫn đậm chất dân gian với những câu chuyện rất làng Chiềng mà mỗi khi về làng y vẫn nghe như con bà Khoai lên viện huyện đẻ, kêu gào 7 vàn hang còn nghe tiếng, người ta cứ tưởng có đánh nhau trong bệnh viện, hay con nhà Lệch trèo lên mái nhà bếp leo lên tầng 2 ăn vụng ngã dập đít mà không khóc nổi vì trong miệng còn mắc "tang chứng vật chứng"...chuyện nhà nọ con cái chửi mẹ như hát hay
Người làng Chiềng vẫn có tục đi chúc tết ngay từ lúc giao thừa và cứ đi đến nhà nào thì cũng phải dọn cỗ, xơi rượu lấy may đầu xuân..
Ai cũng có quê và ai cũng thích về quê vì quê là nơi sinh ra ta, Lũ trẻ nhà y rất háo hức về quê vì về quê mà chúng biết đánh cờ, biết đi bơi và biết...nói bậy
Thằng bé mới hơn 6 tuổi đang học lớp nhất và phát triển vốn từ vựng, lúc trở về nhà nó bị say xe nên mẹ nó nhắc con ngủ đi cho đỡ say, chắc là vừa học được từ mới nên rất hồn nhiên giả nhời mà không biết mình đang nói bậy:
- Con vừa ngủ rồi thì còn ngủ thế đéo nào được nữa...
Y chỉ còn biết nhìn vợ đang há hốc mồm rồi tập trung vào tay lái, nghĩ cách về nhà giảng giải cho cậu ta. Bó tay!
Trên đường về y cho bọn trẻ vào thăm Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, cũng là một cách học nhẹ nhàng, không cần ngồi bó gối trên lớp nghe cô giảng suông

Bắt chước cô gái Tày bằng sáp


Thăm Bảo tàng KNBS




Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Chúc mừng năm mới

Vậy là một năm mới lại đến với nhiều cơ hội, thách thức cùng những điều thú vị, bất ngờ chưa biết ở phía trước, tạo hóa mà!
Năm Giáp Ngọ chúc tất cả các bạn bè blog xa gần đã ghé thăm y thời gian qua vạn sự như ý!


Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Năm Ngọ, nói chuyện ngựa

Vậy mà đã cận cái tết con ngựa rồi, chưa nên cơm cháo gì
Vừa mới ngày nào mới tròn 2 con giáp khi còn ở ký túc xá sinh viên cũng năm Canh ngựa có thằng lấy than viết lên tường câu đối mà y đã có lần kể Ở ĐÂY

"Năm Ngọ tiễn ngựa chuồn cả phòng nam cùng tán gái
Tân Mùi đưa dê đến chúng ta càng dê thêm"
Ngựa cũng rất gần gũi và tình nghĩa với người, chả thế mà có thiên chuyện nổi tiếng của một nhà văn nổi tiếng "Người ngựa, ngựa người". Không chỉ "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" mà khi chủ của chúng ốm chúng cũng nhịn ăn, rớt nước mắt. Có nhiều loại ngựa, ngựa thồ thường ở miền núi, ngựa xe ở khắp nơi, ngựa đua, ngựa chiến.
Hay giở thì có ngựa hay, ngựa chứng có tài nhưng lắm tật.
Ai thẳng tính bộc trực, nói ngay những điều có thể nghịch nhĩ thì là người "thẳng ruột ngựa". Kẻ nào hay khích bác dương đông kích tây gây mất đoàn kết dân gian gọi là "Buộc đuôi ngựa đá nhau chơi", ai hay đi như y chẳng hạn, dù không cầm tinh con ngựa thì cũng gọi là "đi như ngựa vía", nữ mà không thanh lịch, ăn nói băm bổ, người thẳng đuỗn, ba vòng chắc nịch như một thì ví như ngựa cái. Chẳng biết sao các đấng nam nhi đột ngoẻo trong lúc sung sướng khi "lâm trận" lại gọi là "ngã ngựa" hay tiếng Hán là "thượng mã phong". Mấy ông sếp nhớn dính chàm hạ cánh trong màu áo Ju - ven - tút thì cũng dùng từ bị "ngã ngựa".
Không phải chủ thì đừng có xới rớ sau đuooi ngựa nhé, coi chừng nó đá hậu cho thì tung cả răng đấy, "hàm chó, vó ngựa" mà
Hồi thịt bò có giá những năm bao cấp, coi chừng mua phở bò mà lại xơi thịt ngựa, nhưng nay thì thịt ngựa lại lên ngôi là đặc sản rồi đó. Thời buổi kinh tế suy thoái, lạm phát tăng nhanh chả rõ mấy ông nhà báo hay nhà kinh tế, chính trị khỉ mẹ gì hay dùng từ lạm phát với tốc độ "phi mã", gọi riết thành quen. Giống mèo mả gà đồng hay phường đạo chích nghịch tặc tìm đến nhau thì gọi là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Mấy anh nhà quê ra tỉnh có chút chữ thánh hiền được làm quan, váy áo xênh xang sớm chiều đưa rước thì được coi là "lên xe, xuống ngựa" thì lấy làm vinh hạnh lắm. Vào cửa quan phải xuống ngựa dắt vào gọi là "hạ mã". Mạnh Tử nói :Nhân thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích, hốt nhiên chi dĩ (nghĩa là người ta sống trong khoảng trời  đất cũng như ngựa trắng qua cửa sổ trong chốc lát) còn gọi là bóng câu hay bóng ngựa hồng bay qua cửa sổ.
Cao ngựa bạch mắt thau nguyên chất (khó tìm lắm) thì rất tốt cho người già và phụ nữ đặc biệt là thai phụ. Phổi ngựa rang cháy pha nước uống thì hen suyễn mất tiêu.
Y có ông bạn già U60 chuyên nấu cao ngựa bạch nên thi thoảng cũng được biếu một lạng nguyên chất, quả là tốt và hiếm nhưng anh ta đã treo nồi thề không bao giờ nấu nữa bởi năm ngoái mới đây có lần nấu bằng bếp ga, nồi áp suất chẳng biết bù khú với những lòng ngựa, tiết ngựa thế nào mà nồi cao đã sắp thành phẩm bỗng dưng nổ vang trời to hơn bom, thổi bay những gì xung quanh trong bán kính 10 mét, may là nửa đêm không có thương vong. Chắc hồn ông Bạch Mã về oán đây!
Điển tích, điển cố thì có chuyện "Tái ông thất mã" (Tái ông mất ngựa - mất ngựa chưa chắc là điều rủi....) rồi thì "Tứ mã nan truy", rồi là "mã hồi", thay ngựa giữa dòng...
Còn chuyện gì liên quan đến ngựa nhân năm ngựa không? Mọi người kể tiếp đi nhé!


Còn y dù đi như ngựa vía nhưng năm nọ ra Vinpearl Land, Nha Trang làm "cao bồi già" cũng chỉ dám cưỡi con ngựa chạy bằng điện này thôi, có lẽ vì thế nên y cứ lẹt lẹt đi sau thiên hạ tít xa trên con đường quan lộ!





Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

"Chuyện cũ làng Chiềng"

Làng Chiềng là cả một kho chuyện kể với con không bao giờ hết và chán
Thích nhất là chuyện đi lấy củi. Làng Chiềng chưa bao giờ gọi là đi hái củi mà chỉ gọi là đi lấy củi hay đi hang. Núi đá gọi là hang mặc dù có khi chả có hang nào cả, gọi mãi thành quen. Bởi lấy củi làng Chiềng là đẵn những cây gỗ to người ôm không xuể chứ không lấy củi cành củi nhỏ nên không gọi hái củi như trong chuyện cổ tích.
Làng nằm ở thung lũng cạnh đường quốc lộ 1B phân chia bên núi đất, bên núi đá, làng Chiềng gần núi đá hơn hay còn gọi bên hang
Thuở y còn bé núi đá còn nhiều cây gỗ quý như nghiến, đinh, lý nhưng chỉ để hạ xuống làm củi. Ngoài ra còn nhiều cây hoang dã lấy quả như Da hó, Ngoạng, Giá...ăn rất ngon. Nhiều loại quả rừng nhưng chỉ bằng cách lấy rìu hoặc cưa ngang đón hạ, hoặc là đốt cho cây đổ xuống mà lấy và cháy rừng cũng là chuyện thường mà không ai chịu trách nhiệm gì cả. Muông thú cũng không hiếm chỉ có hổ là nghe các cụ kể lại chỉ trước những năm 1950 là còn, khi bé, thỉnh thoảng đang ngủ trưa lại thấy tiếng hò hét hú, inh ỏi:
Hươu đấy! hươu đấy!...ra đằng ao mà đón....Tiếng hò reo, tiếng bước chân thình thịch và thế nào tối cũng được bữa thịt hươu mê tơi
Ngày nông nhàn cả làng thường rủ nhau đi hang lấy củi, mà làng Chiềng lấy củi chỉ đun chứ không bán (vì có bán cũng chẳng có ma nào mua) Từ sáng đã dậy sớm thổi cơm nắm cơm rồi lên hang, vai rìu, vai tay nải gió đưa với cơm nắm cá mắm nhưng thợ sơn tràng nghiệp dư đi phá rừng xanh, y cũng nhiều lần tham gia số đó.
Càng về sau càng phải lên cao và đi sâu mấy vàn hang mới có cây to. Những cây nghiến thẳng tắp bằng cái thúng tuổi đới hàng trăm thậm chí vài trăm năm bị bọn người làng Chiềng kế rìu vài chặt hặc cưa ngang chỉ vài tiếng là đổ xuống rồi cắt khúc, chỗ nào khó thì đốt hoặc bỏ, có khi một cây chỉ lấy được dăm bảy đoạn mỗi đoạn chừng 80cm đến 1m vì dài quá không lao xuống núi được. Thi thoảng cũng có tai nạn đó là kẹp chân tay, rìu chém vào chân, ngã hang ...là chuyện thường. Thỉnh thoảng lại có cảnh cõng nhau xuống bằng rồi cho vào vong phủ chiếu hoặc chăn chiên khiêng lên viện gần chỗ cấp III mới. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt! Cơ mà thi thoảng cũng đặt cạm được những con chồn, con hoẵng hay củ bình vôi (còn gọi là củ dái ông lão vì nó rất giống), cái măng hây bột báng, dây mây, dược liệu đem về ăn hay bán cho dược phẩm cũng rất tốt tiền.
Củi đốn xuống rồi thì cưa khúc và lao xuống bằng, cái quan trọng là nhớ củi của mình để không nhận vơ và biết đường đi của củi để khỏi mất. Trước khi lao củi thì hú to ba hồi để có ai ở bên dưới biết mà tránh và có khúc củi lăn xa hàng trăm mét kéo theo đá lăn nguy hiểm như chơi. Ai ở dưới thì phải hú to đáp lại để người trên biết mà tránh. Thi thoảng đi tìm củi lạc cũng có thể vớ được vài ba khúc của người lao trước, dĩ nhiên đó là của mình!
Cuối ngày thì củi đã đưa về gọn gàng ở chân núi đường Bãi Gianh, Bãi Chuối, Khe Hương, Thùng Tý. Qua những đôi vai tiều phu lầm lũi, từng đống củi to bằng cả gian nhà xếp ngay ngắn sân nhà chờ vụ thuốc lá, vụ rét cắt da sắp tới và những nồi bánh chưng dịp Tết.


Rặng núi đá làng Chiềng 



Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Nhân chi sơ, tính bổn thiện

Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: đó là câu Nhân chi sơ, tính bổn thiện
Từ bé y đã hay nghe mẹ nói thế, rằng thì con người ta sinh ra vốn tính thiện mọi cái ác tà, tham lam, xấu xí thì qua cuộc sống mới hình thành. Bọn y còn xuyên tạc thành Nhân chi sơ là sờ tý mẹ, tình bổn thiện là miệng muốn ăn, he he....Ấy là hồi bé nghe vậy chứ lớn lên lại nghe thầy giáo bảo Nhân chi sơ, tính bổn ác nghĩa là cái ác đã có sẵn, tiềm ẩn trong mỗi con người từ lúc còn trong bụng mẹ rồi sinh ra do thiên hạ giáo dục rồi mới trở thành thiện do đó con người rất có thể bất thình lình mà bổn ác chứ chả chơi, bọn nghịch tặc cứ xuất hiện liên tục và cha mẹ, thầy giáo cũng như cả bản thân con người đó cũng chẳng thể lý giải nổi. Có lẽ đó là lúc cái phần "con" hoang dã trong con người trỗi dậy. Thú thuần chủng khi có điều kiện khơi gợi bản năng thì nó lại là thú hoang đúng nghĩa, cái đó đúng với chuyện con voi mới đây quật chết người mà các chuyên gia đồ rằng đó là do mùi và màu sơn mới. Cũng vậy với câu chuyện ở nước lạ, muốn thủ tiêu một nhân vật người ta xịt nước hoa lạ vào diễn viên xiếc thú để hạ sát họ một cách ...tự nhiên nhất. Nghe thế nào cũng có lý cả
Nhưng có một chuyện y nghe kể đứa trẻ hàng xóm

Hồi đó nó mới hơn 3 tuổi và có lẽ cũng là ký ức đầu tiên mà nó còn nhớ, hồi đó ngày tết còn tục lệ đốt pháo: Pháo tép, pháo đùng, sau này thì có pháo cối, pháo tăm nhỏ li ti. Pháo được tết thành dây dài chúng nửa mét người ta có thể đốt cả bánh hoặc cắt đôi, có khi tháo rời từng quả cho trẻ con đốt dần. Ông bác của nó nhân dịp năm mới mừng tuổi cho vài chiếc pháo tép như vậy và người lớn cũng không ai hay. Thấy người ta đốt, nó cũng cầm trong tay và cho vào bếp đang đun bánh chưng: "Bép!" tiếng nổ tóe lửa trong tay, dù là pháo tép nhưng cũng đủ xé rách tay nay đã thành sẹo!
Chao ôi là đau, nhưng chỉ lúc đó thôi, rồi lại quên ngay bởi cái không khí tết rộn ràng mùi bánh chưng thịt mỡ dưa hành và...pháo những thứ mà đến Tết mới có ở cái thời gạo châu củi quế, đói khát triền miên thì được ăn uống thỏa thuê thì tết quả là một dịp hiếm có, mỗi năm chỉ có...một lần
Cái gay go là vết thương hở thì cấm ăn thịt gà gạo nếp, chẳng biết thật hay hư nhưng u nó cấm tiệt và hứa sẽ để phần 2 cái đến khi nào khỏi thì ăn.
Với bản năng hay tham, sân, si...trỗi dậy nó đáp ngay rất ngây thơ và thậm vô lý:
- Hai  cái con không ăn hết, phải bốn cái con mới ăn hết
Đó là cái sự tham bản năng hay do cuộc sống khốn khó nó dạy bảo nhỉ, nhắc thêm rằng khi đó nó mới hơn 3 tuổi mà thôi.
Đến giờ mỗi khi nhắc lại cái "tuổi thơ dữ dội" ấy mấy anh em tôi vẫn không nhịn được cười.

"Tuổi thơ dữ dội"


Nhân chi sơ...

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Trưa Làng Chiềng


Mấy hôm nay trời rét quá, chẳng nhớ mùa đông mà lại nhớ mùa hè Làng Chiềng thuở xưa. Ngày ấy rừng còn nhiều, đất rộng người thưa. Làng Chiềng chỉ độ dăm ba chục nóc nhà tranh gói gọn trên đỉnh đồi hình con rùa. Hươu nai chạy qua làng là chuyện thường thấy.
Trưa hè oi ả, ran tiếng ve kêu, tiếng chim muông cầm thú. Mấy ông lão nông vác xẻng thăm đồng tiện thể ngửa mũ tát chuôm kiếm mớ cá buổi tối, mấy người đi nhổ mạ sớm nhưng còn nắng hẵng còn ngồi trú dưới cây sòi già trên cánh đồng Tu Luông. Thi thoảng một chiếc xe nhà binh hay xe ca chở khách từ Lạng Sơn ầm ì qua làng, trên xe lúc nào cũng chật cứng người dù cho trời nắng nóng ai nấy lè lưỡi ra mà thở. Nóc xe chất đầy ắp hàng hóa tưởng không thể đầy hơn nào xe đạp quang gánh thúng mủng đủ thứ trên đời, có khi cả mấy chục người vắt vẻo ngồi trên đó coi thần chết chả là gì, hàng chục người đu hai cửa trước sau, nom chiếc xe như một con quái vật. Ngày ấy, ai đi xe cũng đồ đạc lỉnh kỉnh áo quần lôi thôi lếch thếch.
Trời nắng nóng chỉ có cách đằm mình dưới vực Là Lìu hây chờ gió trời chứ chưa có quạt máy như bây giờ bởi Làng Chiềng không có điện. Mỗi trưa vực Là Lìu đông hơn hội già trẻ lớn bé hò reo vang trời, tiếng nô đùa, tiếng cha mẹ réo con nít về đi trâu, tiếng vợ tìm chồng lao xao đến nắng xế mới thôi và chỉ lặng đi đến mặt trời xuống núi lại trận tắm tối diễn ra hào hứng. Tốp này lên bờ lại tốp kia nhảy xuống, chơi pháo đài vật nhau bùn đất đầy người chỉ ló 2 con mắt, góc ao nhà ông Đỏ là bụi tre đằng ngà soi bóng chỗ cấy si già mọi người khắc tên, làm thơ và gửi thông điệp cho nhau từ hẹn hò đến chửi xéo. Té ra người làng Chiềng cũng ưa ghi danh bia đá bảng vàng từ độ ấy chứ chả phải bây giờ như mọi người đến khu du lịch thường hay khắc tên kiểu như "Ta đã tới đây"...
Nắng cháy da, cháy thịt có hôm bọn y đội nón mê le te đi xúc cá tép, vớt được cả mấy xô cua đồng về ăn không hết đổ cho lợn. Cua mang về giã ra nấu rau đay hoặc rang khô. Bây giờ thì ít rồi, có bắt được con chồn con cáo rắn rết thì lại hè nhau uống rượu. Không biết đấy là mức sống ngày càng lên cao hay lối sống ngày càng tha hóa? Người uống rượu nhiều, say rượu ẩu đả cũng lắm nhưng hình như đánh vợ ít đi thì phải
Ngày xưa mấy mụ lắm điều về làm dâu làng Chiềng thi thoảng lại thấy thâm mày, tím mặt hoặc cảnh rượt đuổi nhau huỳnh huỵch kêu la vang trời y rằng là các vợ chồng trẻ nện nhau, thỉnh thoảng lại có cả vợ chồng trung niên thế là mấy ông bà hay hóng chuyện lấp ló sau dậu nghe ngóng binh tình xem có nên ra can hay không hay để nó đánh nhau phân chia thắng bại rồi mới ra khuyên nhủ, miệng dẻo quẹo và cười mỉm, bụng thì khoái chí lắm ý rằng nện thêm tý nữa mới xôm trò. Rồi làng xóm được phen tụ tập, bình luận bàn tán đến hết buổi cấy vẫn chưa thôi. Cây Hồng phác (Có lẽ là cây Hồng Pháp mà dân làng Chiềng đọc chệch đi chăng? cây này to cao và nhiều cành ngang như cành bứa, quả to, tròn, hạt cũng to) nhà ông Pháng và cây trám trắng nhà ông Tuyên trưa nào cũng đông người leo trèo hái quả, cãi nhau chí chóe.

Trưa hè làng Chiềng tĩnh lặng 



Năm 2006 tại Hà Nội (Cái ảnh này y chụp bắng máy Nokia 7610 rồi gửi bluetooth không được, đành chụp lại bằng iPad)



Và bây giờ, 2013 tại Quế Lâm, dĩ nhiên là cái áo khác kẻ giống vậy chứ không phải cái mặc năm 2006. Nom y đã xuống cấp, ọp ẹp, xập xệ đi nhiều...


Còn đâu dáng vẻ thư sinh như ngày xưa



Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay


Hôm nay lớp học ở hội trường lớn. Thấm thoắt vậy mà y đã ra trường hơn 20 năm, vật đổi sao rời, tên mái trường đại học sư phạm ngày xưa y đã gắn bó cũng chỉ còn trong ký ức, thầy cô của y nghỉ hưu đã nhiều, nhiều thầy đã đi xa. Đường đến ga cuối của y cũng chẳng còn xa ngái nhưng y thấy hài lòng với danh phận của mình dẫu rằng "phận mỏng cánh chuồn"  vì y chỉ cần thế và có muốn khác thế cũng không thể. Đường xa, gánh nặng khắc đi khắc đến, âu cũng là lẽ trời
Những bông hoa làm lòng y ấm lại...
Cuộc đời chưa phải đã là không đáng sống, vấn đề là mình sống ra sao thôi, vui vẻ, vừa lòng dù là sống mòn thì cũng vẫn hơn bon chen, đố kỵ, tỵ hiềm. Hãy bỏ mặc những gì âu lo, phiền muộn ngoài đời thường, đừng bận tâm gì như bậc Á thánh được toàn dân tiếc thương khi Người ra đi mới thất tuần đã từng nói vậy.
"Một con đò sang ngang
Ôi lòng thầy mênh mang...
Tiếng hát cất lên ngoài sân trường làm y rưng rưng xúc động





Tấm bưu thiếp lớp chúc mừng y nhân ngày 20/11/2013





Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Impression Sanjie Liu

Chương trình "Ấn tượng chị Ba Lưu" (Impression Sanjie Liu) quả là hoành tráng khó tưởng tượng ra và càng khâm phục tài năng của Trương Nghệ Mưu biến cái không thể thành cái có thể. Nội dung cũng dung dị xoay quanh chuyện tình nhưng được sân khấu hóa nên rất thơ mộng say đắm.
Sân khấu trên dòng sông Li tĩnh lặng mờ ảo và bối cảnh núi rừng uy nghiêm hùng vĩ như trong thần thoại, khán đài 3000 chỗ chật cứng người với giá vé không hề rẻ khoảng gần 700k VND.
Đèn rọi rạng núi xa xa mờ ảo như tranh vẽ, dàn ánh sáng âm thanh cực tốt và cực đại làm cho mặt sông như có hồn. Đây cũng chính là phim trường đóng các phim nổi tiếng của TQ trong đó có Tây Du ký
Diễn viên khoảng 500 người dân làng sở tại, ban ngày cày cấy, tối lên sân khấu diễn. Con trâu trong cảnh diễn cũng có lương 500 tệ/tháng, chủ nhiệm lớp Tần Chí Cường cho biết.

Quán rượu trước cổng nơi biểu diễn



Khán đài đông nghịt người


Sân khấu trên sông Li hoành tráng với 500 diễn viên


Dòng người phát sáng tưởng chừng vô tận trên dòng Ly giang



Chuẩn bị màn kết thúc


Đi xem về rồi, nhậu thôi!


Một đám cưới tại khách sạn


Bàn ghi quà tặng giống bên ta




Xe hoa