Người theo dõi

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

"Dù ai đi ngược về xuôi..."

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba"
Dĩ nhiên rồi, con người ta ai chả có tổ có tông, giỗ chạp, mồ mả là chuyện hệ trọng
Thế nên ngày giỗ ai mà không vì mưu sinh bát cơm, manh áo thì đều cố mà về, chả cứ gì giỗ Tổ.
Xưa, làng Chiềng của y cứ có giỗ là vui rồi, vì giỗ là được "ăn trạc" chả mất gì, không tiền đóng gạo góp gì sất, trừ con cháu trực hệ ba đời.
Thế nên có câu "Trâu bò được ngày phá đỗ, con cháu được ngày giỗ ông". Hả hê, vui sướng, vô tư...
Năm nay giỗ ông rất to, mà lại là ông tổ của cả nước nữa, to lắm
Thế là y áo dài khăn đóng đi ăn giỗ. Bởi năm nay " tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" được UNESCO tôn vinh công nhận là di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm nay cũng có đại diện của 8 tỉnh tham gia luân phiên góp giỗ: Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Daklak,  Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Lạng Sơn là tỉnh dâng lễ trước tiên...
Hội khai khá sớm, ngày 8 âm đã thấy không khí lễ hội tưng bừng  khắp nơi, nào cắm trại, nào nấu cơm thi, làm bánh chưng, bánh dày, hội chợ, đánh bóng...
Điều dễ thấy năm nay là Quảng trường nơi chuẩn bị vào hành lễ rộng và hoành tráng, nhiều công trình đang gấp rút hoàn thành.
Ở thành phố Việt Trì công trình Quảng trường Hùng Vương cũng giải phóng xong mặt bằng nghe đâu cỡ ngàn tỷ đồng, tổng mức đầu tư hơn ba ngàn tỷ, nhiều hơn thu ngân sách 1 năm của Phú Thọ. Dĩ nhiên ngân sách trung ương cấp từ nguồn thuế của dân. Cũng phải thôi, họ giữ giỗ, Tết cho cả nhà mà lỵ.
Cũng nghe nói quan đầu tỉnh gốc sở tại cũng được triều đình mới cử về trấn giữ. Nhiều anh nhân cơ hội này cũng đắc lộc.
Lễ xong, dù chưa đến ngày, y cũng dứt áo ra về, lại hẹn ngày "phá đỗ" sang năm.

Cổng vào lễ hội năm nay


Trại văn hóa của các địa phương trong tỉnh Phú Thọ, có trại dựng nguyên cả ngôi nhà sàn gỗ, lợp cọ vùng trung du như thật


 Sân khấu hoành tráng trước lối lên Đền


Con cháu nô nức lên Đền lễ Tổ


Bên gốc cây Vạn tuế nhiều năm tuổi ở Đền Hùng


Hậu cung Đền Thượng ngày 8 tháng 3 Quý Tỵ (Nghe nói dát vàng 100%, ngày lễ cũng không dễ được vào)


Con cháu Vua Hùng thập phương thành tâm công đức



"Một miếng lộc thánh bằng một gánh quà đời". Bánh chưng giỗ Tổ thì còn gì bằng!


Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

CƯỠI VOI Ở BUÔN ĐÔN

Từ Pleiku lên Buôn Ma Thuột khoảng trên 180km, đường đang làm nên cũng có đoạn khó đi khoảng 3 h mới thủ phủ của Đăklăk. Đăklăk đất rộng người đông và hình như cũng là thủ phủ của vùng Tây Nguyên. Thành phố rất rộng, có cảng hàng không Buôn Ma Thuột khá hoành tráng thấy bay loại A321 với tần suất khá dày, đường phố đông vui, nhộn nhịp. Đaklak cũng vừa tổ chức xong lễ hội cà phê thường niên vào tháng trước. Thu ngân sách của Đaklak theo lời quan đầu tỉnh khoảng trên 8 ngàn tỷ, một con số khá ấn tượng với một tỉnh Tây Nguyên tuy nhiên vẫn không đủ trang trải phải chờ vào Trung ương. Cà phê, dĩ nhiên là thế mạnh. Các quán cà phê ở đây hầu hết là quán lớn và rất lớn không giống ngoài mình và càng hoành tráng, vĩ đại hơn nhiều so với cà phê Làng Chiềng nhà y.
Như quán cà phê Xưa và nay chẳng hạn tọa lạc ở một vị trí rất đẹp và rộng đến không ngờ với không gian thơ mộng có giả sơn, non bộ cao chừng mái nhà, có ăn sáng nhẹ có cà phê tập thể và chốn riêng tư hẹn hò, lối vào và ngoài phố mới 7h sáng đã chật cứng xe.
Tập quán ở đây là họ đi làm cả ngày trong tuần nhưng thứ 7, Chủ Nhật là ngày nghỉ đúng nghĩa, cả nhà kéo nhau đi ăn sáng rồi cà phê có khi đến trưa (not rượu MS như trên chỗ y ở). Nhậu trong này thì hầu hết là bia, ra nhà hàng họ mang mỗi bàn một két và mỗi người một chai uống hết theo loạt rồi lấy loạt khác, dễ thấy là dùng đá rất nhiều, có lẽ là do nóng.
Vào mùa tưới cà phê cho bung hoa nếu gặp cơn mưa thì họ cho là gặp cơn mưa vàng, mưa tiền do đó nếu họ đã chuẩn bị sẵn tiền để thuê tưới thì có nghĩa là số tiền đó được trời cho nên hôm đó các quán bia không đủ chỗ phục vụ.
Vào đây, y đến thăm người bà con làng Chiềng đang lập nghiệp ở đây, hóa ra làng Chiềng nhỏ vậy cũng nhiều kẻ tha phương cầu thực xa ra phết



Chú voi này khoảng 6 tuổi, được săn bắt khi 4 tuổi ở Bình Thuận, nay địa vực sinh sống của Voi bị thu hẹp đến chóng mặt, không có biện pháp khắc phục (mà chắc là chả có đâu) thì chỉ ít chục năm nữa có lẽ loài voi chỉ còn trong ký ức và hình ảnh, một hai thế hệ nữa thì chỉ biết voi như hình ảnh con Rồng bây giờ mà thôi (Khi đó y sẽ bán đấu giá bức ảnh này, he he...)


Cùng Mr Liêm dân tộc Dzao , Chủ tịch UBND xã Ba Vì, thủ đô Hà Nội



Một nữ khách đến quán cà phê còn mang theo cả sách để đọc





Non bộ trong quán cà phê Xưa và nay


Gặp người bà con làng Chiềng tại tư gia cư ngụ trong Daklak


Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột ở trung tâm thành phố


Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Lên Kon Tum

Kon Tum và Gia Lai ngày xưa đã từng nhập thành một tỉnh sau lại chia tách như cũ, Từ Pleiku lên thành phố Kon Tum chừng 40km, thiên nhiên có vẻ như không ưu đãi Kon Tum bằng Gia Lai với cảm nhận ban đầu là đất cằn hơn pha cát nên không màu mỡ, xanh tươi như Gia Lai, đồi bãi trọc còn khá nhiều ven đường đi. Đến đầu thành phố việc đầu tiêng là vào thăm và viếng tượng đài Ngục Kon Tum, thấy khâm phục và biết ơn  các bậc tiền bối cách mạng đã gian khổ hy sinh vì đất nước. Lại nghĩ đến môn Sử của mình khi mà học sinh một trường nào đó nghe tin không thi tốt nghiệp môn Lịch Sử đã xé đề cương vương vãi trắng sân trường. Làm sao để giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ bây giờ đây???

Di tích Ngục Kon Tum



Đứng dưới chân tượng đài Ngục Kon Tum

Cùm cá nhân (Hai quả bê tông gắn với xích sắt) bọn cai ngục để cùm chân các chiến sỹ cách mạng khỏi trốn chạy




Đi chừng 50 km nữa đến huyện Konplông, nơi có khu du lịch Măng Đen mới nổi. Cao chừng trên 1500m so với mặt biển, lên Măng Đen có rừng có suối, có thác, có tín ngưỡng tôn giáo hứa hẹn một khu du lịch sinh thái hấp dẫn nhưng vẫn còn khá hoang sơ, tỉnh đang phấn đấu thành khu du lịch quốc gia. Trung tâm huyện là thôn Măng Đen mới được xây dựng còn khá mới và bề bộn, dân cư thưa thớt, cuối tuần cán bộ về hết, thôn Măng Đen vắng tanh. Rất nhiều biệt thự đẹp được xây ven đường nhưng còn dang dở không biết tại sao, nghe đâu tỉnh ưu đãi về thuế đất khi xây dựng khu du lịch này để thu hút đầu tư.
Tượng Đức mẹ Măng Đen theo cô hướng dẫn viên của huyện thì đã được xây dựng năm 1971 nhưng do chiến tranh tàn phá mãi tận đầu thế kỷ 21 khi làm đường quốc lộ, xe xúc khi đang thi công mới  phát hiện ra tượng đã bị gẫy tay. Cũng đã được hàn gắn nhưng khi làm lễ thì cánh tay lại rơi xuống nên nay cứ để như vậy.
Dù không là Phật giáo nhưng có điều lạ là vẫn có thắp nhang, có hòm để đựng tiền dâng cúng cùng rất nhiều bia đá ghi tên các con chiên, nhiều hàng ghế đá, xi măng xếp hàng dưới tán rừng

Dưới tượng Đức Mẹ Măng Đen (huyện Konplông, Kon Tum)




Ghế đá bày la liệt dưới tán rừng


Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

ANH ĐI CÔNG TÁC PỜ - LÂY (PLEIKU)

Đến Pleiku lại nhớ câu thơ Bút Tre "chế"
"Anh đi công tác Pờ - Lây (Plei)
Cu (Ku) dài dằng dặc biết ngày nào vê
Khi ra anh đến Ban Mê
Thuột một cái đã rồi về thăm em"

Mấy câu này ứng trọn với chuyến du hý các tỉnh Tây Nguyên của y

Pleiku nổi tiếng là phố núi với đặc sản cà phê, tiêu, điều...nổi tiếng vì là vùng chiến lược trong cuộc chiến thống nhất đất nước. Ngày nay phố núi nổi tiếng với các đại gia ...
Cảng hàng không Pleiku không lớn, chỉ có 3 đường bay đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, mỗi nơi 2 chuyến một ngày. Góc sân là chiếc máy bay nhỏ của đại gia phố núi. Máy bay từ Nội Bài đến Pleiku là loại ATR 72 chỉ chở khoảng trên 60 người, bay hết 2h lâu hơn cả đi TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên bay thẳng đã là hạnh phúc vì mấy năm trước vẫn phải tran - sít qua Đà Nẵng, giá vé cũng ngót 3 triệu và chỉ còn duy nhất Việt Nam Airline bay chặng này
Từ Pleiku y nhảy đi huyện Chư-prong khoảng chừng 40km, xứ sở của tiêu, điều và cà phê. Năm nay đang hạn nặng báo hiệu mất mùa khiến giá cà phê lên cao. Vào đầu thị trấn đã nghe dân tình xôn xao, huyện có 5 cơ sở thì đã có đến 2 chủ bỏ trốn và một chủ tuyên bố phá sản, nông dân càng thêm xác xơ sau một đêm bỗng chốc bay hơi ba bốn chục tỷ bạc. Thị trấn rộng và cũng không chen chúc, đất rộng, đường xá rộng và đường cũng vắng không rõ hàng ngày vẫn thế hay lúc đó giữa trưa sang chiều nắng gắt mới như vậy. Bây giờ là đang mùa khô nắng nóng cháy da thịt
Gia Lai rộng trên 15 ngàn Km vuông chỉ sau Nghệ An với trên một triệu ba dân có lẻ, đất đai màu mỡ tươi tốt rất thích hợp với cà phê và tiêu, năm nay hạn hán mất mùa nhưng giá cũng rất cao.
Đất đai cao nguyên Gia Lai rộng bằng phẳng, màu mỡ nhìn hút tầm mắt, chả bù cho làng Chiềng nhà y nhìn chả khỏi rặng tre đầu ngõ, ra đầu làng thì đã vấp ngay rặng núi đá sừng sững, có lẽ người làng Chiềng vì thế mà tầm nhìn cũng chỉ vậy thôi chăng?
Rời Gia Lai y tiến lên Kon Tum....

Cảng hàng không Pleiku về đêm



Khu vườn treo trên tầng 4 khách sạn Tre Xanh, Pleiku nhìn ra trung tâm thành phố khá ấn tượng


Cái chân đèn ở khách sạn bằng gỗ cũng mang sắc thái Tây Nguyên



Tòa nhà của Hoàng Anh - Gia Lai ở trung tâm thành phố




Thị trấn Chư-prông


"Bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê.."


Tạm biệt nhé....em Pleiku




Đường phố Pleiku - Gia Lai



Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Ông Mau - Thên

Tạm gọi ông cái tên như vậy nhưng ông là người Việt chứ không phải ngoại quốc
Nhà ông mấy đời làm nghề đồng hồ, từ thuở còn các hợp tác xã đồng hồ thời bao cấp chuyên sửa chữa các loại đồng hồ lên dây cót chứ chưa có đồng hồ điện tử hay đồng hồ tự động như sau này. Gắn bó với nghề có thể gọi là gia truyền ông rất tự hào về điều đó, ông còn cho y biết là đã thuyết phục được cậu con trai theo nghề bố.
"Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" chẳng học qua trường lớp nào và cũng chẳng có ai phong bậc thợ cho ông nhưng hình như ông là thợ giỏi nhất vùng biên ải về đồng hồ và hơn thế nữa là về buôn bán đồng hồ
Từ những lúc chỉ lau dầu nhặt tiền xu, tiền hào; lặn lội xuống Hà Nội học mót hay mua lại dụng cụ của các hợp tác xã đồng hồ quốc doanh tuồn ra ngoài.
Đã ngoài ngũ tuần, ông cho biết đã sắp đến lúc nghỉ ngơi, vì con ông đã lớn vì doanh số bán hàng của ông có tháng hàng tỷ đồng, nhiều chiếc đồng hồ đắt ngang chiếc xe hơi và mặc dù nhắm mắt cũng tháo lắp được đồng hồ, nhưng khi đã biết tường tận thì cũng là lúc mắt ông kém và tay ông run, âu cũng là quy luật của tạo hóa, tiếc cũng chẳng được. Thời gian không chờ đợi một ai cả
Nhiều chiếc đồng hồ hàng hiệu của Thụy Sỹ có giá cả trăm triệu, nhiều chi tiết bằng vàng ròng nhưng khi đã dùng lướt vài tháng hoặc bị xước nhẹ thì đã mất đến gần 1/2 giá trị và khi đó giá tương đối ổn định vì nó đã hết khấu hao về việc đã dùng. Khi đó nó còn lại giá trị thương hiệu và giá trị vàng 18k, người chơi có thể mang bán lại chỉ bị hao 10% giá trị đã mua. Mà đã là hàng hiệu thế giới như Omega, Romanson, Longines, Rolex.... thì mấy khi bị lỗi thời
Nhiều thủ thuật sửa, chơi, bảo dưỡng đồng hồ mà y chưa từng nghe bao giờ, nó cũng hấp dẫn như và hơn bao nhiêu thứ hấp dẫn nơi trần thế. Thế mới biết chẳng có ai biết hết cái gì. Biết nhiều cái gì thì cũng lại là lúc đã U60 như ông Mau - Thên. Người ta hay gọi ông bằng tên cúng cơm gắn với chữ đồng hồ, còn y, y quen gọi là ông Mau - Thên.

Một chiếc Omega của Thụy Sỹ (những chi tiết màu vàng là bằng vàng 24k)



Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Xem chiếu bóng ở làng Chiềng

Thuở bao cấp, làng Chiềng cũng có một bãi chiếu bóng, thường thì tháng một lần hoặc khi có bộ đội về thì hơn. Các cụ già thì dùng từ lối cổ gọi là xem chớp bóng, người biết tý tiếng Pháp hay tây học thì gọi là đi coi xi - nê chắc ở từ cinema mà ra. Ai làm cái gì nhanh mà điêu luyện khác người thì các cụ bảo làm như xi - nê.
Thời ấy xe chiếu bóng là xe bò, buổi chiều cứ thấy xe bò lộc cộc và có tấm giấy màu dán ở gốc cây xà cừ đầu làng là y rằng tối đó có chiếu bóng ở ngoài Đồn (Đồn tây cũ).
Thời phim nhựa, phải căng cái phông to hơn cả cái cót phơi thóc từ buổi chiều. Loa buộc ở góc phông và í ới hát từ khi ông mặt trời chưa lặn kia. Cả làng râm ran rủ nhau đi làm đồng về sớm để đi xem. Vé xem chiếu bóng hồi ấy chỉ 1 đồng về sau (vài năm gì đó) tăng lên 2 đồng. Bọn trẻ con thì hay chui rào, trốn vé hoặc nhặt các vé chú gác cổng đã xé nhưng chưa rách hoặc còn sót để vào cổng. Chúng chân đất chui qua bụi gai tre, gai găng luồn lách qua lũy đất cây mọc um tùm để nhè lúc dân quân, bảo vệ của đội chiếu bóng không để ý là a - lê - hấp chạy lốc nhốc trà trộn vào đám đông đã mua vé. Tất nhiên trong đám ấy không thể thiếu y vì có khi bố mẹ không cho tiền vì chưa đến chợ phiên, cũng có khi tiền bố mẹ cho để dành cất đi mua sách trên Đình Cả. Cũng có đứa chậm chân vào gần đến nơi thì bị bắt lại tống ra ngoài, rất xấu hổ vì cả bãi chiếu bóng ai chả biết mặt biết tên con cái nhà nào.
Từ chiều khi mặt trời chưa xuống núi máy nổ đã chạy xình xịch thắp sáng cả vùng đồng mạ trên, đồng mạ dưới, tiếng loa ông ổng phát những bài cải lương buồn nẫu ruột hoặc những bài hát cách mạng bừng bừng khí thế. Mấy thằng láo toét đi lừa bọn con gái hay mấy người già là hôm nay ở Đồn có phim "Tam anh hùng dải đế và ngũ cô công chúa lổn đề", bị các cô nguýt cho cháy cả lông mày, còn các cụ già thì cứ tưởng thật, ôi giời nghe tên như phim kiếm hiệp 3 xu của Tàu ấy, lạ thế! he he
Loa liên tục thúc giục: Đồng bào chú ý đã sắp đến giờ chiếu rồi, xin mới bà con cô bác còn ở ngoài khẩn trương mua vé ổn định chỗ ngồi để buổi chiếu được bắt đầu. Hồi ấy giờ giấc là nghiêm lắm, cấm có sai, một số không chịu vào ở ngoài nghe chờ đến lúc "tháo khoán" mới vào. Số anh chị lớn thì mải chim chuột nhau, mua kẹo lẻ, thuốc lá lẻ bên các mẹt đèn dầu ngoài cửa Đồn. Thỉnh thoảng cũng có người nhờ các anh nhắn tin: "Alô, alô chúng tôi xin mời chị Khoai ra cổng ngay có anh Mắm tìm gặp" hay "Alô yêu cầu anh Tũn về ngay đưa vợ đi đẻ"...vui ra phết!
Hôm nào có phim màu mà nhất là phim truyện chiến đấu của Liên Xô thì càng hấp dẫn. Sau 2, 3 cuốn phim tài liệu là đến phim truyện. Y còn nhớ mấy phim như Hoa ăn thịt người, X30 phá lưới hay Ván bài lật ngửa, Cánh đồng hoang, Em bé Hà Nội, Rừng lạnh, Thị xã trong tầm tay, Chom và Sa, Cô Nhíp, Thị trấn yên tĩnh...
Có những hôm đội chiếu bóng chỉ có một máy mà phim cũ hay đứt thì rất sốt ruột nhưng rất trật tự chứ không có la ó, chửi bới hay mất trật tự gây lộn gì cả. Hôm nào mà có chiếu bóng của bộ đội thì thích hơn vì có ô tô Giải phóng hay Gát 69 chở máy đến và máy móc rất tốt và các chú bộ đội làm rất nhanh, chỉ đến trước giờ chiếu 1 tiếng là đâu vào đấy, thu dọn cũng rất nhanh, người cuối cùng ra về thì các chú cũng nổ máy chạy biến vào màn đêm. Tiếng chó sủa râm ran, tiếng chẫu chuộc, ếch nhái kêu váng đồng, tiếng bàn luận về bộ phim rầm rì theo ánh đuốc lập lòe về tít nơi bản xa.
Thường thì sắp hết phim thì đều biết và khi màn hình đã có chứ hết trắng toát rồi nhưng phải chờ đến người thuyết minh đọc câu "Alô, hết phim đêm nay" thì người xem mới lục tục đứng lên như còn gì tiếc nuối lắm.
Còn nhớ có lần bộ đội chiếu phim Cánh đồng hoang ở sân ông Hoan ngay gần cổng nhà y, mọi người chen nhau lên giàn (để phơi thóc, lúa) đang chiếu thì giàn đổ, cả đống ngời được phen hú vía cười nghiêng ngả, buổi chiếu phải dừng lại một lúc...
Đến khi y ra tỉnh đi học về làm anh giáo làng thì ngành chiếu bóng quê y cũng chết hẳn, có lẽ cà chục năm nay bọn trẻ con không biết màn ảnh rộng là gì....

Từ xứ đồng Là Tin nhìn ra Đồn Pháp cũ - bãi chiếu bóng Đông Bắc (Hợp tác xã Đông Bắc) nay vật đổi sao dời không còn nhận ra nữa



Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Tết ta ở làng Chiềng

Làng Chiềng nay đã khác thời bao cấp xưa nhiều, từ chỗ chỉ có khoảng ba chục nóc nhà nay đã lên đến ngót trăm nóc nhà, đường làng ngõ xóm đã bê tông hóa, không còn đàn trâu đủng đỉnh về chuồng khi chiều tối với khói lam chiều trên nóc rạ nữa, làng đã chuyển dần theo cuộc sống hiện đại. Làng Chiềng nằm trên thế đất đồi thấp hình con rùa đầu hướng về phía vực Cây Cơi, Cây Dẻ, hai chân trước xõa về phía soi Trũng và cống Bồ Câm mà theo phong thủy gọi là thế Kim Quy ẩm thủy, tức rùa vàng uống nước. Rùa có thể sống trên cạn có thể sống dưới nước nên các cụ bảo rằng thế đất ấy là linh lắm, nhưng người làm to nhất làng cũng chưa ai với tới chức tri huyện, chánh tổng, lý trưởng thì nhiều.
Tuy thế nếp xưa vẫn còn giữ được ít nhiều. Tết vẫn còn háo hức với con trẻ, dù rằng chúng không còn đánh sảng, đánh khăng và ngượng ngùng với tà áo mới.
Tết xưa, chúng (trong đó có y) rất thích đi chợ tết để chen nhau, để tìm mua pháo với sách, những cuốn sách mà y vẫn còn hoặc nhớ đến tận bây giờ như Ti - Mua và đồng đội, Mùa thu ở Ca - Khốp - Ca, Quê nội của Võ Quảng, Không Gia đình của Hecto Malo, Lũ trẻ Ngã ba Bùng của Phùng Nguyễn, Bến tàu trong thành phố của Xuân Quỳnh hay đơn giản chỉ là tuyện tranh lịch sử như Lá cờ thêu 6 chữ vàng, Sát Thát...nay thì tìm cả phố huyện không còn nơi nào bán sách nữa, ngoại trừ sách giáo khoa, sách tham khảo bán ở ngay ngã tư nhưng cũng rất hiếm.
Nồi bánh chưng các nhà cũng không chờ đến 30 tết mà luộc từ 26, 27 tết sau khi đã quét chạp xong. Tục đụng lợn vẫn còn, cây nêu và cờ Tổ quốc vẫn được các nhà treo đều đặn, duy có xác pháo đã lùi vào dĩ vãng, cũng nhớ thật đấy nhưng người ta hay lạm dụng quá, nếu cho đốt pháo thì chính những ông bố trẻ con như mình lại lo trước nhất. Tục mừng tuổi, tục đi tết tổ tiên vẫn duy trì như một nét văn hóa cội nguồn rất đáng để giáo dục con cháu mai sau.
Ngày 3 là hầu hết đã cúng đưa đảng rồi vào vụ chiêm dù rằng vật chất, hơi hướng tết có khi hết cả tháng Giêng.
Làng Chiềng tuy là làng lớn có gốc từ Nam Định và các tỉnh dưới xuôi nhưng do không cùng một họ nên Chùa và Đình cũng bị mai một mà không khôi phục lại được, bởi thế tính cộng đồng làng xã có phần bị lỏng lẻo.
Làng Chiềng nằm trên đường bay của VN airline thì phải, một ngày vài lần tiếng máy bay ù ù qua làng, ban đêm có khi bây thấp ánh đèn chớp nhấp nháy nhìn rõ cả cánh đồng làng. Thời siêu máy bay Airbus A380 bay trình diễn cách đây vài năm cũng bay qua làng rất thấp, cả làng ra xem, có lẽ không cao hơn ngọn tre là mấy. Tiếng máy bay ù ù hàng ngày gợi lại không khí chiến tranh chống Mỹ 1972  với người già làng Chiềng

Y về quê quét chạp tổ tiên ngày 26 tết




Bọn trẻ con làng Chiềng chơi xe rùa thay cho trò đánh sảng, đánh khăng khi xưa...



Không thừa thãi thiếp chúc mừng như ở thành phố, thiệp mừng tết trẻ con ở quê tự làm để trang trí cành đào



Rửa xe độc đáo kiểu ... làng Chiềng!


Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Cô giáo chủ nhiệm


Đây là hình cô giáo chủ nhiệm và là người hướng dẫn tiểu luận môn Lịch sử thế giới năm thứ 3 của y
Nay cô là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Nhặt cái hình trên báo, thông báo cho các bạn 23k2 cùng biết (link đây: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/du-lich/2012/12/du-lich-viet-nam-thieu-tien-lam-clip-quang-ba/)
Hôm vừa rồi tình cờ y gặp em Hà Thị Lan GV Sử trường THPT Lục Nam, BG mới hay đó là con thầy Hà Việt đã dạy lịch sử thế giới cận đại lớp y năm thứ hai.
Nhanh thật hồi đó em còn bé tý, vậy mà giờ đã chồng con và nghe đâu còn là nghị sỹ Quốc hội nữa.







Bà Phạm Thị Điệp. Ảnh: Đoàn Loan