Người theo dõi

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

Đầu năm đã thiên tai dịch họa

Các cụ dạy cấm có sai "họa vô đơn chí, phước bất trùng lai". Đầu năm đã thiên tai, dịch họa. Ngày 30 và mùng một Tết trời mưa đá chưa thấy bao giờ, không lâu sau đó là dịch bênh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra ở người, con số nhiễm bệnh và tử vong ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc tăng chóng mặt từng ngày.
Mong cho dịch mau qua, mong cho sự khó khăn đầu năm sẽ vượt qua và có bước chuyển biến mới.

Đầu năm 2019 thì dịch tả châu Phi ở lợn


Và ngay đầu năm 2020 thì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người


Kiểm tra cửa khẩu Chi Ma








Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Chào năm mới

Năm mới đã đến đầy hứa hẹn những bất ngờ và hứng khởi, phía trước bao la và rộng dài, chỉ biết là cứ rảo bước và ngẩng đầu
Năm mới mang đến hy vọng tương lai sáng sủa
treo vài cái ảnh nhìn lại năm qua, ấy là tiện đâu nhặt đấy chứ không có ý sắp xếp, đúc kết gì cả đâu:

Lên bìa báo Xuân


Thủ tướng thăm gian hàng Lộc Bình



Đánh trống khai giảng


Kỳ họp đầu tiên của xã mới thành lập Minh Hiệp



Vợ chồng anh chị ở quê lên chơi


Đại hội điểm nhiệm kỳ mới


Thị sát Mỏ than Na Dương


Lãnh đạo tỉnh về thăm huyện



Lãnh đạo huyện về thăm quê, he he



Lãnh đạo quê lên thăm anh giáo làng Chiềng


Ngày nhận nhiệm sở mới


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Chào 50

Nhanh thật, vậy là y đã cán mốc 50 rồi, xưa ở làng Chiềng tuổi này là đã nên ông nên bà, việc cấy hái cày bừa đã chuyển dần cho con cháu. Tuổi này là trông cháu, đi ăn cỗ và làm các việc nhẹ nhàng bởi sức đã yếu do lao động chân tay bán mặt cho dất, bán lưng cho giời.  Các cụ đã đúc kết cấm có sai: "ngũ thập tri thiên mệnh" tức đã biết được mệnh trời.
Y vào nơi biên tái cũng đã trên một năm rồi, biết thêm nhiều thứ, cuộc đời thấy có ý nghĩa hơn.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Kỷ niệm một năm

Ngày này năm ngoái y được bổ làm tri huyện Lộc Bình, thời gian thấm thoắt thoi đưa, y đã gắn bó với mảnh đất có nhiều duyên nợ này. Công việc đã quen dần và thích nghi nhưng không biết có phải không nhiều bạn bè nói rằng từ lúc vào đây y già nhanh hơn, he he. Già đương nhiên rồi nhưng già nhanh thì cũng cần phanh lại chứ nhỉ.
Một năm với nhiều buồn vui, nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm về công việc, về nhân tình thế thái. Một năm với công việc bộn bề và sôi động làm cho y chín chắn hơn, không có thời gian nhiều cho vui chơi, cho gia đình và cho đọc sách và cả những phiền muộn, suy nghĩ về những đố kỵ, nhỏ nhen của người đời, cái vặt vãnh thường nhật, nhưng một năm y cũng về quê thăm mẹ được nhiều hơn, làm được nhiều việc tốt hữu ích cho đời, vậy là y cũng lấy thế làm vui lắm lắm.
Có thể nói năm qua là một năm thành công và hy vọng những điều tốt đẹp đang đón chờ y ở phía trước.





Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Chào tháng 10

Hết tháng nay là tròn một năm y ra nhậm trấn biên tái
Để đây máy cái ảnh event đầu tháng 10 ại Lạng Sơn




Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

Khai trường

Ngày còn bé y rất háo hức mỗi dịp khai trường dù may lắm mới có "sách mới, áo hoa" như lời bài hát. Sách thì đương nhiên cũ có thể của các chị để lại, vở thì chỉ dăm cuốn giấy đen sì, cặp sách cũ sờn, ngoài ra là bút máy Trường Sơn hoặc Hồng Hà cũng là sang chảnh lắm. Chấm hết
Từ cuối tháng Tám đã y hẹn đến trường để lao động, dỡ rào tre, quét dọn dãy cỏ và có khi lê thê cả nửa tháng là chỉ lên rừng hái cỏ tranh, lấy tre nứa, cây que để làm lớp học tranh tre nứa lá. Đến tận sau khai giảng mới chính thức học, hồi đó cũng thường khai giảng vào ngày 5/9. Chỉ học buổi sáng, không hề có học thêm và nếu có thì chỉ vài buổi trước các kỳ thi lớn và là miễn phí.
Năm nay y cũng đi khai giảng và cũng có cảm giác như ngày xưa ùa về, tuy nhiên khai giảng cũng diệu vợi hơn dù rằng so với 2, 3 năm trước đã được giản tiện đi nhiều.

Văn nghệ trước giờ khai giảng


Tặng hoa


...và đánh trống



Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

Giỗ Tổ họ Nguyễn

Tổ họ Nguyễn là cụ Nguyễn Văn Cử, y gọi bằng cụ, bố y gọi bằng ông. Cụ Cử sinh ra ông Dĩnh, ông Sự (gọi theo tên con vậy chứ y cũng không nhớ tên là gì, hình như ông Tít thì phải. Không rõ Cụ Cử sinh ngày nào và trước nữa mồ mả ở đâu, chỉ biết đằng mạn Nam Định lên thôi. Cụ Cử mất nhằm ngày 2 tháng 8 âm lịch, cũng chẳng rõ là từ năm nào nữa, hằng năm con cháu cứ nhằm ngày đó mà làm giỗ.
Mấy năm gần đây y vẫn cố gắng thu xếp về giỗ cụ tuy cũng có năm y không về được do đường xá xa xôi và gánh nặng nỗi lo bát cơm manh áo.
Năm nay anh em nhà y đóng cái bàn thờ mới và tụ họp đông đủ giai đinh thành tâm kính lễ Cụ Tổ họ Nguyễn

Bàn thờ gia tiên mới đóng

Nếp nhà sàn gần bằng tuổi y


Các hiện vật ngày xưa: Máy khâu Singer bác Khúc tặng mẹ



Chiếc lóong đập lúa



Cánh quạt của chiếc quạt hòm để quạt thóc lép



Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Về làng Chiềng

Làng là nơi ta sinh ra và lớn lên, mọi kỷ niệm và hình thành nhân cách đều từ làng. Về làng rất thích từ không khí, con người, phong cảnh đến ký ức tuổi thơ cho dù có dữ dội hay yên bình. Có việc gì nguy cấp như giặc cướp, cháy nhà, thiên tai hay chỉ là con thú dữ, một cơn ác mộng thoảng qua người ta đều la làng:
- Ối làng nước ơi!
Làng quan trọng lắm, "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp" cơ mà.
Bỏ làng ra đi là khi đã cơ cực lắm và thường là ôm hận hiếm khi quay lại. Đến như con trai lão Hạc cũng nguyền "con đi chuyến này bao giờ có bạc trăm con mới về".
Vì miếng cơm manh áo và muốn thoát khỏi cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau và thằng người đi sau cùng y cũng âm thầm rời làng vào một đêm mưa gió, thấm thoắt nay cũng đã trên 30 năm. Đầu chưa bạc nhưng tóc cứ thưa dần theo năm tháng.
Khi bát cơm manh áo không còn là nỗi lo đeo đẳng hằng ngày thì y cũng đã 50. Bạc trăm thì y cũng có nhưng liệu y có nên về làng sinh sống?
Làng là nơi sinh ra, lớn lên ra đi và cũng là nơi trở về khi rỗi rãi hay khi cần sự trú ẩn yên tĩnh trước dông bão cuộc đời. Làng cũng là nơi ta về khi thất thế sa cơ, lỡ bước hay khi vinh quy bái tổ. Làng cũng là nơi nhiều người chọn làm nơi trở về an nghỉ cuối cùng kể cả thường dân lẫn quan lại quyền cao chức trọng hay đã làm Vua cũng thế thôi. Mấy vị Vua và tương tự Vua gần đây cũng vậy.
Làng Chiềng với những ký ức vụn, gợi nhớ thời trẻ trâu của y

Nếp nhà sàn gần 50 năm



Dưới bãi đã cải tạo khác xưa




Quây quần buổi tối




Miếu thổ công cạnh cây mít sau nhà



Thăm danh thắng Phượng Hoàng



Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

Giỗ ông nội

Hôm nay 8/6 lịch ta, y còn nhớ vào tầm 3 h chiều cách đây 39 năm, lúc y còn học cấp 1 vẫn còn chưa phải đi chăn trâu đang chơi lang thang quanh xóm thì nghe 3 tiếng súng trường nổ chậm rãi, chát chúa và với phong tục làng Chiềng thì y hiểu rằng ông nội của y đã giã từ trần thế. Năm ấy ông đã 80 tuổi được coi là rất già ở làng, ông ốm vài tuần trước đó, có lúc đã lạnh lên đầu gối rồi lại ấm, con cháu túc trực xung quanh, ông mặc áo dài đen, miệng thở ngáp cá, bác Truyền thỉnh thoảng lại nhắc con cháu đã đông đủ ông yên tâm ra đi cho mát mẻ. Ông nội y tên là Nguyễn Văn Dĩnh, xưa làm lý trưởng nên làng gọi là ông Lý Dĩnh. Sau này và hiện nay 2 cháu nội của ông cũng đã và đang giữ chức ấy: trưởng thôn làng Chiềng
Vậy mà đã 39 năm, đứa trẻ hôm nào là y nay đã thành ông lão 50
Thời gian không có chờ đợi ai cứ lừ lừ, lẳng lặng mà trôi
Lúc sự nghiệp nở rộ, chín chắn thì y cũng bắt đầu già, tuổi già đến nhanh như chó đuổi sau lưng
Ngày nào đầu bù tóc rối, nay tóc rụng trắng đầu, ăn 1 bát cơm đã thấy no, đi quãng đường chưa xa đã mỏi. Ơn giời trí tuệ còn làm việc tốt
Giỗ ông nội năm nay, đường xa gánh nặng việc nước nơi biên thùy y không về được, coi đây như nén nhang cháu nhớ tới ông nội kính mến.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Viết gì đây nhỉ

Vậy là y đã ra nơi biên tái 8 tháng, chả mấy mà lại chẵn năm tròn. Việc mới cũng rèn rũa con người nó phait thích nghi hơn nhưng thời gian cũng bận rộn nhiều hơn. Thú vui tao nhã và quý tộc cũng không còn được nhiều thời gian như trước, thời gian cho vợ con cũng giảm, nhiều thói quen, sở thích cá nhân cũng hạn chế và việc viết blog gần như không thể. Mạng xã hội có đảo qua nhưng chả mấy khi  y like, share cái gì, post cũng rất hiếm hoi
Biết viết gì khi nhịp song nhanh và gấp, ngẩng mặt lên đã hết ngày chưa làm được gì đã hết tuần và mấy nữa là hết năm?
Thôi thì viết vài suy nghĩ nhân buổi tối nằm tại nhà khách huyện.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Tháng 5 Làng Chiềng

Hằng năm cứ ngày này y lại về làng Chiềng để nhớ về cái ngày không mong muốn khi y chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3 năm đó
21/5/1987 nhằm ngày 24/4 âm lịch

Năm nay rơi vào 28/5/2019

Chén chú, chén anh ôn lại chuyện xưa


Nếp nhà sàn quen thuộc


Sân mới


Miếu thổ công sau nhà


Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

Khi mình cảm thấy...

Khi mình làm xong một việc gì đó, mình cảm thấy vui. Vui vì mình còn có ích
Khi mình giúp được ai đó, mình cảm thấy vui. Vui vì giúp ích cho người
Khi mình vượt qua gian khó, mình cảm thấy vui. Vui vì mình có nghị lực
Khi mình vượt qua cám dỗ, mình cảm thấy vui. Vui vì mình không tham, sân, si
Khi mình bỏ qua cho ai đó, mình cảm thấy vui. Vui vì mình vị tha
Khi mình không quan tâm đến ai dèm pha hay chơi xấu mình, mình cảm thấy vui. Vui vì biết không tức giận
Khi mình không màng danh lợi, mình cảm thấy vui. Vui vì mình buông bỏ
Khi mình thấy khỏe hơn, thanh thản hơn, mình cảm thấy vui
Mình thấy cần có nhiều niềm vui trong tháng 4 và cho cả năm Kỷ Hợi này

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Tháng 3

Tháng 3, bọn có tý chữ nghĩa hay làm thơ, hay viết văn sến sẩm nào thì tháng 3 hoa gạo, nào tháng 3 bao nỗi niềm nọ kia, rồi tháng 3 ngày tám thì đói ăn chẳng nghĩ mùa sinh sôi
Tháng 3 với y vẫn vậy
như bao tháng 3 đã mỏi mòn
Rằng từ đứa mục đồng nhà quê ra tỉnh
Thôi thì đành lòng vậy, cầm lòng vậy
Hy vọng tháng 3 ngày tám vẫn vui
Như năm tuổi 49 mà vẫn cát

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Năm mới đã đến đầy may mắn

Năm tuổi đã qua và cũng qua luôn năm hạn gọi là 49, y bước vào ngưỡng tuổi 50, "ngũ thập tri thiên mệnh" nhưng vẫn thấy mình còn trai tráng lắm chả như các bậc tiền hiền hay vua chúa ngày xưa vừa 40 đã xênh xang mừng thọ đại khánh ban sắc phong cho mọi đền, chùa, đình, miếu. Gớm chết chết, giờ thì 70 vẫn đổ đốn như thường.
Qua một năm cứ tưởng hung mà lại cát, y được bổ đi trấn ải biên thùy, lại sắm được con Bạch chiến mã hung hăng phi nước đại từ nhà đến nhiệm sở mất chưa đến góc canh giờ.
Năm mới với những điều thuận lợi vô cùng và những hy vọng tràn trề cho con đường phía trước của y - anh giáo làng Chiềng.

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Lan man đầu năm mới nơi biên tái

Y vào trấn LB đã bước sang tháng thứ ba và năm thứ hai của nghiệp mới. Công việc mới mẻ bận rộn làm y cũng chẳng có thời gian vào blog nữa. Và giờ thì người ta cũng chẳng còn ai vào chơi blog nữa mọi người đều vào Facebook hoặc Zalo nhanh hơn, tương tác thuận lợi hơn.
Chẳng ai dạy y cái nghề gì ra hồn và y cũng làm đủ thứ việc và ngẫm ra một điều nếu mình toàn tâm toàn ý cho việc gì và lấy sự thành công của công việc làm niềm vui và động lực thì chắc ai cũng có thể làm tốt một vài việc.
Ngày đầu tuần lưu lại nơi nhiệm sở buổi tối y tranh thủ gõ vài dòng khai bút năm mới cho blog năm tây lịch 2019.

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

Công việc mới

Tháng 11 năm nay nhằm ngày 24 tháng 9 ta, anh giáo làng Chiềng giã từ nghề đổng lý đi nhận nhiệm vụ ở một huyện phía đông của tỉnh biên thuỳ. Công việc ban đầu cũng gặp được hanh thông thuận lợi ít nhiều. Chẳng dám kỳ vọng gì ghê gớm chỉ mong chân cứng đá mềm, vượt qua chông gai thử thách. Ngày rời nhiệm sở ông cử non cùng phòng xóm đầu cầu năm xưa lẩy đôi câu Kiều tiễn y ra ngoài biên tái:
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Tuần tới dân biểu huyện này sẽ xác quyết nhiệm vụ của y, anh giáo làng Chiềng






Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Tháng Tám có chiếu vua ra

Nhớ câu ca dao xưa:
 "Tháng Tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
..."
Klq (Netizen gọi là không liên quan) nhưng hôm nay giáo Làng Chiềng chẳng có Chiếu của Vua ra nhưng có trát của quan tỉnh sức về thu hồi cái thẻ bài của y đã dùng hai năm có lẻ
Nó đây bà con
Thôi từ nay thoát kiếp bưng bê kê dọn rồi.

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Chuồng trâu làng Chiềng

Làng Chiềng ai lớn lên cũng phải trải qua thời trẻ trâu, đứa lớn thì ít hơn vì 1,2 năm là đứa kế tiếp còn con út như y thì chăn trâu thâm niên đến tận lúc rời quê ra thành phố vẫn chưa thoát hẳn mỗi khi hè về. Lúc đó chân y dài quết đất vẫn cưỡi con trâu mộng bụng báng có khi từ cửa chuồng suốt buổi và trâu lại đưa về cửa chuồng mới xuống lúc chiều tà, người khét lẹt mùi nắng và mùi da trâu ám vào người tắm gột cũng không sạch hết. Con trâu là đầu cơ nghiệp, làng làm nông nên hầu như nhà nào cũng có trâu và chuồng trâu. Chuồng trâu không chỉ là nơi nhốt trâu mà còn là nơi chứa rơm, là nơi ngủ trưa của trẻ trâu trên đống rơm. gác trên áp mái. Chuồng trâu chủ yếu làm bằng gỗ lợp rơm hoặc cỏ tranh. Có hai giam một gian nhốt trâu và gian kia là bẫu phân bón ruộng và xa nhà ở chứ k phải nhốt dưới gầm nhà sàn dù rằng khi đó 90% nhà ở làng Chiềng là nhà sàn. Có chuồng trâu như nhà ông Tép cột bằng cây mai các toang chạy bằng cây hóp lại ỏ giữa đỉnh làng nới buổi trưa chúng hay chơi bi, chơi sảng và chuồng trâu là nơi trú nắng và chạy trên các toang đuổi bắt hò ro lý tưởng có khi cả người lớn cũng tham gia.
Trâu thiến người làng Chiềng gọi là trâu mộng, trâu cái có con gọi là trâu tháu, trâu nghé con thì gọi trâu nhe, chăn trâu thì gọi là đi trâu, trâu đực trưởng thành cổ to thì gọi là lên lăm hay dậy lăm.

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Chào tháng Mười

Tháng Mười hình như đi vào thơ ca nhiều hơn:
"Bao giờ cho đến tháng Mười
Bát cơm đầy ắp con cá chuồi nằm ngang"
Nghe đã thấy no đủ
Thàng Mười là giữa thu, thời tiết khi hậu chiều lòng người mát mẻ mà không rét, mặc sao cũng được, tháng Mười là mùa gặt hái, thu về thành quả và để bắt đầu cho một chu trình mới đầy hứa hẹn. Tháng Mười cũng ít thiên tai khắc nghiệt, là tháng vào mùa thành đôi lứa, sinh sôi nảy nở
Tháng Mười này y cũng sang ngang bỏ nghề thư lại, chửa đi mà ông bạn đã lẩy Kiều:
"Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san...


Đi là để trở về
Đi là để mở ra một hành trình mới, chính là sự phát triển như Tháng Mười và no đủ ấm yên như tháng Mười vậy
Đi thôi...

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Lan man tháng 9

Tháng chín, trời vào Thu se lạnh, còn là mùa khai trường, có đứa xỏ lá gọi mùa khai trường còn gọi là mùa Thu theo nghĩa đen, nghĩ mà chua chát cho cái sự giáo dục be bét nước nhà.

Dù thế cha con y vẫn vui vẻ khai trường


Học viện Tài chính


Dự khai giảng tại Trường Mầm non Trấn Yên, Bắc Sơn


Về quê làng Chiềng mừng Tết Độc lập 2/9
Một mẹ sinh được 4 giai, có giai nay mái đầu đã điểm bạc


Đại gia đình bên mẹ, tất nhiên là chưa đầy đủ vì có người ở xa không về, có người còn làm bếp chuẩn bị liên hoan Tết Độc lập




Ngày ấy cả xã đều gọi Cha y là ông giáo Vỵ và như vậy mẹ y cũng được kính trọng gọi là bà giáo Vỵ dù rằng bà không phải giáo viên. Thầy giáo Vỵ hồi đó giản dị, mô phạm và trong sạch đến tuyệt đối. Nhiều thế hệ học trò và có cả những người chỉ học trường đó mà cha y không trực tiếp giảng dạy cũng đều gọi là thầy, rồi đến con họ sau này không học với thầy cũng vẫn gọi thầy, những người hơn y 20, 30 tuổi cũng chỉ xưng anh với y chỉ vì y là con thầy giáo Vỵ.
Lúc y học cấp 3, giáo dục vẫn còn trong trẻo như vậy, khi tốt nghiệp đại học sư phạm Việt Bắc y không theo nghề và giáo dục nó như bây giờ các bạn thấy.
Tưởng nhớ Người đã khuất (TS Đặng Vũ Khắc, con trai GS Đặng Vũ Khúc, anh trai của bà giáo Vỵ làng Chiềng)



Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Nghề giáo gia truyền

Nghề giáo là nghề gia truyền của Y không dễ gì từ bỏ. Dẫu đã rẽ bước sang ngang nhưng hằng tháng y vẫn được mời

Ảnh này do học viên chụp lúc nào đó và gửi qua Zalo cho y




Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

Nào mình cùng lên xe buýt



Thỉnh thoảng có việc về quê, đi xe buýt thấy thoải mái, nhanh và mát rượi, giá lại rẻ bất ngờ có 15 ngàn cho 30km (tất nhiên là đã có trợ giá của Chính phủ).
Đi xe buýt mới thấy cuộc sống muôn màu khác với đi xe cá nhân.
Từ giờ có việc là lại đi xe buýt thôi