Người theo dõi

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Ai người chép Sử bây giờ?

Cho đến giờ, cuộc đời cũng có ngã rẽ cho dù vẫn vấn vương chưa thôi cầm phấn nhưng nếu phải chọn ngành cho mình thì y vẫn cứ chọn để học và dạy môn Lịch sử. Tại sao ư? đơn giản chỉ là những môn tự nhiên thì y không có khiếu và yếu, ngoại ngữ thì theo thời cuộc, lịch sử (lại là lịch sử) cho thấy rồi, nó có "hot", thời thượng hay không là do chính trị, những thầy giáo tiếng Nga như ông hoàng một thời đã phải đôn đáo "chuyển đổi tay lái" nếu không muốn bỏ nghề. Một thời các thầy cô tiếng Trung cũng phải đi đánh trống, bảo vệ...Môn Văn thì lúc nào tâm hồn cũng nguy cơ "treo ngược cánh cây", lũ sinh viên Văn khoa và các khoa khác của trường y học cũng hay mất đoàn kết không hiểu lý do gì. Môn Địa thì sợ "hòn đất mà biết nói năng, thì thầy Địa lý..." thế nên y chọn sử và yêu môn sử vì Lịch sử là môn khoa học tinh xác và chân xác, thử nghĩ xem nếu như không có lịch sử???. He he, đùa cho vui vậy thôi theo kiểu lí luận của bọn sinh viên gần 30 năm trước của y. Nhưng không hiểu sao bây giờ học sinh không thích môn sử và điểm sử rất thấp (thằng con trai y cũng không là ngoại lệ), cho dù ai đó biết sử thì rất hay (Y dùng từ "hay" theo nghĩa rất rộng). Không biết do định hướng nghề nghiệp thời thực dụng nặng về mưu sinh hay do sai lầm của ngành giáo dục?
Xưa có quan chuyên chép sử. Sách Đại Việt sử ký toàn thư của sử thần Ngô Sỹ Liên đã từng chép: Vì sao mà làm Quốc sử? Vì chủ yếu của sử là ghi chép công việc, có chính trị của một đời, tất phải có sử của đời ấy; mà sự ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm, tô điểm việc trí trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, răn đe kẻ loạn tặc thì ráo riết như sương thu lạnh buốt. Người thiện biết có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn, quan hệ với chính trị không phải là không nhiều. Cho nên mới làm Quốc sử.
Xem vậy đủ biết sử quan trọng ra sao và những ai hễ làm chính trị thì nên biết sử chứ không chỉ có bọn học trò. Mà bọn học trò không biết, không thích,  không quan tâm đến sử thì sau này chúng mà làm quan thì nguy biết nhường nào?

Ngày nay không biết có quan chép sử hay chí ít là cơ quan nào chép Quốc sử không nhỉ???
Các cơ quan nghiên cứu, viết hoặc liên quan đến sử thì nhiều, rất nhiều thậm chí ngành ngành làm sử, nhà nhà làm sử (kiểu lịch sử truyền thống ngành dạng kể lể thành tích, đề cao cá nhân....). Các cơ quan nghiên cứu sử thì cũng rất nhiều nhưng hình như chỉ chú trọng nghiên cứu lịch sử cổ đại, trung đại cận đại, còn lịch sử hiện đại chỉ thấy lướt trên sách giáo khoa.
Còn Quốc sử như lịch sử đã từng chép?

 Y "chuyển đổi tay lái" sang cả môn khác, nhưng vẫn giữ nghề sử





Món xa xỉ với nhiều học trò bây giờ... 







Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Đêm Làng Chiềng

Lâu lâu y không về làng Chiềng. Gần 30 năm kể từ ngày đáng nhớ trong đời ấy, năm nào cũng nhằm ngày đó y về. Thời gian trôi sao mà nhanh, mới hôm nào còn ôn thi tốt nghiệp Phổ thông trung học mà nay đã ngoại tứ tuần rồi chả mấy chốc chuẩn bị đời con y lại ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông như cha nó.
Làng Chiềng bấy nay cũng ít nhiều đổi khác. Số dân cũng vài trăm với trên trăm nóc nhà, trong đó ngót phân nửa là công dân ra đời sau lúc y tha phương cầu thực và dân ngụ cư xưa gọi là bọn "vá làng" nên mỗi khi về nơi chôn nhau cắt rốn của mình y vẫn hay gặp những cặp mắt tò mò pha chút cảnh giác...dù rằng y rất tử tế, tướng mạo hiền lành, thong dong!
Đêm làng Chiềng vẫn vậy, tịch mịch, cô liêu từ 9 giờ tối chỉ còn ánh đèn ngủ leo lét, mấy ấm chè mạn anh em hàn huyên khiến y mất ngủ, quá nửa đêm giấc ngủ vẫn chập chờn, mở mắt tưởng tượng vài chục năm trước y sinh ra lớn lên cũng nếp nhà này. Nửa đêm nghe tiếng máy bay ù ù qua đầu lại giật mình ngỡ đến B52 thời sơ tán chống Mỹ. Không ngủ được, gần sáng y dậy ra sân, đêm cuối tháng trăng muộn trong veo buông xuống ngọn tre, cảm giác rờn rợn; vào mùa hè mà tiếng chim gọi vịt, chim thù thì, tiếng ếch nhái không còn râm ran khắp cánh đồng quê như xưa, chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ, gió xào xạc, đêm sao mà dài!. Thi thoảng một chiếc máy bay dân dụng rất thấp bay qua về phía bắc, tiếng máy gầm rít xé gió, ánh đèn nhấp nháy hai bên cánh máy bay soi rõ đường làng, ban ngày có hôm trời quang mây tạnh, tàu bay bay thấp nhìn rõ hàng chữ Việt Nam Airline trên nền xanh và biểu tượng bông hoa sen quen thuộc, còn cánh cò và vầng trăng cũng đi vào dĩ vãng như nhưng cánh cò trên cánh đồng làng Chiềng. Mấy tay nói khoác thành thần bảo hôm qua máy bay bay ngay trên ngọn bòng. Thực ra nó bay cao cũng phải chừng vài cây số, vì cũng có lần y đi Beijing bay qua làng mình buổi chiều nhìn xuống, thật thú vị, rung rinh xúc động làm sao...Đã có mấy người Làng Chiềng được bay lượn trên đầu làng như vậy...he he he
Các nhà thơ làng về hưu, hay các nhà thơ hưu về làng không còn nguồn cảm hứng từ khói lam chiều trên nóc rạ với thiếu nữ đứng xoã tóc tựa cửa chờ người yêu với tiếng võng kẽo kẹt như tiếng hàng tre vặn mình (Tay nhà Thơ hạt gạo làng ta tả "hàng tre đứng tần ngần gỡ tóc"), làng không còn nhà sàn mái rạ thay vào đó là nhà gỗ, nhà gạch cải biên theo lối thị thành, đã bắt đầu xây tường bao, cổng làng, cổng nhà với cửa sắt như phố thị, chập tối đóng cửa, xích chó đề phòng đạo chích hoành hành. Sản vật tự nhiên như cá mú, lươn ếch, rau rừng, thú hoang hiếm dần...không còn cảnh cả làng đi đuổi bắt hươu hay ruốc cá ở suối nữa
Thỉnh thoảng làng vẫn có những anh hùng rơm với những chuyện lãng xẹt rất làng quê như ghen ăn tức ở, đánh nhau sứt đầu mẻ trán với lý do rất ngớ ngẩn, rồi thì chửi bới đá mèo, khoèo chó...
Mấy bà đanh đá cá cày đi réo chồng vốn nông nhàn lê loái hàng xóm láng giềng vang từ đầu đến cuối làng:
- Bố thằng Khoai đâu, về mà đi phun thuốc sâu chứ, ngồi thối dái ra ở nhà người ta à, lúa sâu hết lấy gì mà đổ vào mồm. Cái ngữ la cà "sáng rửa cưa, trưa mài đục, tối giục cơm thì hai tay vơ vào mồm có ăn cứt cũng chả kịp chó"
Góc kia 2 vợ chồng nhà cu Thuổng tỵ nhau chỗ ngủ dưới bãi mấy ngày hè oi bức, vợ không muốn chồng ngủ cùng không biết là ngại chồng "tòm tem" hay sao đuổi xơi xơi:
- Cút đi chỗ khác mà nằm, ngủ cùng người ta ngáy như sấm, dắm đánh đùng đùng ai mà chịu được
Hàng xóm lại bụm miệng cười
He he he...

Cá Đẩu, loài cá rất nhiều ở suối và cánh đồng làng Chiềng mỗi khi mưa to hay tát chuôm ngày xưa, nay trở nên hiếm hoi. Có lẽ nó thuộc họ cá Quả vì không thấy tên trong từ điển khoa học và y cũng không tìm được ảnh hay mô tả tương ứng nào. Chắc cũng không phải là một phát hiện gì mới, nhưng trông nó cũng khá lạ.





Cảnh Làng Chiềng ngày nay




Làng Chiềng vào Hạ, 2013