Người theo dõi

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Tết ta ở làng Chiềng

Làng Chiềng nay đã khác thời bao cấp xưa nhiều, từ chỗ chỉ có khoảng ba chục nóc nhà nay đã lên đến ngót trăm nóc nhà, đường làng ngõ xóm đã bê tông hóa, không còn đàn trâu đủng đỉnh về chuồng khi chiều tối với khói lam chiều trên nóc rạ nữa, làng đã chuyển dần theo cuộc sống hiện đại. Làng Chiềng nằm trên thế đất đồi thấp hình con rùa đầu hướng về phía vực Cây Cơi, Cây Dẻ, hai chân trước xõa về phía soi Trũng và cống Bồ Câm mà theo phong thủy gọi là thế Kim Quy ẩm thủy, tức rùa vàng uống nước. Rùa có thể sống trên cạn có thể sống dưới nước nên các cụ bảo rằng thế đất ấy là linh lắm, nhưng người làm to nhất làng cũng chưa ai với tới chức tri huyện, chánh tổng, lý trưởng thì nhiều.
Tuy thế nếp xưa vẫn còn giữ được ít nhiều. Tết vẫn còn háo hức với con trẻ, dù rằng chúng không còn đánh sảng, đánh khăng và ngượng ngùng với tà áo mới.
Tết xưa, chúng (trong đó có y) rất thích đi chợ tết để chen nhau, để tìm mua pháo với sách, những cuốn sách mà y vẫn còn hoặc nhớ đến tận bây giờ như Ti - Mua và đồng đội, Mùa thu ở Ca - Khốp - Ca, Quê nội của Võ Quảng, Không Gia đình của Hecto Malo, Lũ trẻ Ngã ba Bùng của Phùng Nguyễn, Bến tàu trong thành phố của Xuân Quỳnh hay đơn giản chỉ là tuyện tranh lịch sử như Lá cờ thêu 6 chữ vàng, Sát Thát...nay thì tìm cả phố huyện không còn nơi nào bán sách nữa, ngoại trừ sách giáo khoa, sách tham khảo bán ở ngay ngã tư nhưng cũng rất hiếm.
Nồi bánh chưng các nhà cũng không chờ đến 30 tết mà luộc từ 26, 27 tết sau khi đã quét chạp xong. Tục đụng lợn vẫn còn, cây nêu và cờ Tổ quốc vẫn được các nhà treo đều đặn, duy có xác pháo đã lùi vào dĩ vãng, cũng nhớ thật đấy nhưng người ta hay lạm dụng quá, nếu cho đốt pháo thì chính những ông bố trẻ con như mình lại lo trước nhất. Tục mừng tuổi, tục đi tết tổ tiên vẫn duy trì như một nét văn hóa cội nguồn rất đáng để giáo dục con cháu mai sau.
Ngày 3 là hầu hết đã cúng đưa đảng rồi vào vụ chiêm dù rằng vật chất, hơi hướng tết có khi hết cả tháng Giêng.
Làng Chiềng tuy là làng lớn có gốc từ Nam Định và các tỉnh dưới xuôi nhưng do không cùng một họ nên Chùa và Đình cũng bị mai một mà không khôi phục lại được, bởi thế tính cộng đồng làng xã có phần bị lỏng lẻo.
Làng Chiềng nằm trên đường bay của VN airline thì phải, một ngày vài lần tiếng máy bay ù ù qua làng, ban đêm có khi bây thấp ánh đèn chớp nhấp nháy nhìn rõ cả cánh đồng làng. Thời siêu máy bay Airbus A380 bay trình diễn cách đây vài năm cũng bay qua làng rất thấp, cả làng ra xem, có lẽ không cao hơn ngọn tre là mấy. Tiếng máy bay ù ù hàng ngày gợi lại không khí chiến tranh chống Mỹ 1972  với người già làng Chiềng

Y về quê quét chạp tổ tiên ngày 26 tết




Bọn trẻ con làng Chiềng chơi xe rùa thay cho trò đánh sảng, đánh khăng khi xưa...



Không thừa thãi thiếp chúc mừng như ở thành phố, thiệp mừng tết trẻ con ở quê tự làm để trang trí cành đào



Rửa xe độc đáo kiểu ... làng Chiềng!


Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Cô giáo chủ nhiệm


Đây là hình cô giáo chủ nhiệm và là người hướng dẫn tiểu luận môn Lịch sử thế giới năm thứ 3 của y
Nay cô là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Nhặt cái hình trên báo, thông báo cho các bạn 23k2 cùng biết (link đây: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/du-lich/2012/12/du-lich-viet-nam-thieu-tien-lam-clip-quang-ba/)
Hôm vừa rồi tình cờ y gặp em Hà Thị Lan GV Sử trường THPT Lục Nam, BG mới hay đó là con thầy Hà Việt đã dạy lịch sử thế giới cận đại lớp y năm thứ hai.
Nhanh thật hồi đó em còn bé tý, vậy mà giờ đã chồng con và nghe đâu còn là nghị sỹ Quốc hội nữa.







Bà Phạm Thị Điệp. Ảnh: Đoàn Loan

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Con trâu mộng bụng báng

Cha mẹ sinh con...y đâu có được chọn. Y cầm tinh con vật mà hễ bị ghét là người ta rủa, ai ngu thì cũng ví với nó. Y không rồng vàng, lợn vàng gì cả. Cả thời thơ ấu và kể cả vị thành niên của y gắn với con trâu mông bụng báng.
Đó là một con trâu khá to không biết cha mẹ đã mua từ bao giờ, chỉ biết lớn lên đã có con trâu ấy rồi, trông nó to cân đối và đã bị thiến nên gọi là trâu mộng. Mỗi khi ăn no, bụng nó căng tròn, cái đầu to với hai cái sừng cân đối trông rất hiên ngang. Lũ mục đồng làng Chiềng thường gọi là con trâu mộng bụng báng, ý là nó chỉ ăn hại không biết húc nhau dữ dội như trâu nhà chúng nó. Từ lúc học cấp I y đã gắn bó với chú trâu mộng của mình. Hàng ngày sau khi đi học về, ăn cơm xong là y có nhiệm vụ đưa trâu đi chăn, gọi là đi trâu.
Không có chuyện như trong Tấm cám, chăn đồng gần làng bắt mất trâu nhưng tôi vẫn phải đưa đi chăn đồng xa vì đồng làng đã hết cỏ, mà phải giữ cho nó sao không ăn lúa, chỉ được ăn cỏ già cụt trên bờ đã nhẵn bóng chân trâu. Trời mưa cũng như nắng, rét cũng như ấm tôi đều phải gắn bó với lưng trâu sặc nồng mùi bùn. Không biết nó ghét phải tha nó trên lưng hay nóng mà cứ ra khỏi chuồng là nó chạy lồng lên rồi lao xuống ruộng đằm bùn, tung tóe chỉ hở hai cái mắt nhưng sau đó khô bùn là y lại trèo lên ngồi cho đỡ mỏi, cưỡi một lúc thì mồ hôi ra lưng trâu lại đen bóng tối về người hôi toàn mùi trâu mùi bùn rồi cũng cứ thế rúc vào chăn bông mà ngủ, hôm sau lại thế. Cuộc đời cứ vậy mà không bao giờ nghĩ sau này lại đi làm anh giáo học như bây giờ, công không mơ ước gì nào công hầu, nào khanh tướng, bởi làng Chiềng là làng hình con rùa. Nhiều hôm y cưỡi trâu từ chuồng đi chăn lúc ăn cơm trưa xong và lại đưa trầu về chuồng lúc xẩm tối mà chân không hề bén đất. Y cưỡi trâu đến tận năm đi ra tỉnh nuôi giấc mộng đèn sách. Con trâu của y là trâu mộng nhưng cũng rất hung hăng không kém gì trâu dái dậy lăm. Mỗi khi ra khỏi chuồng là mắt nó đỏ vằn lên và nhẩy quẫng quanh dây thừng cái thằng tôi đang cầm, có vẻ như sắn sàng lao vào chiến đấu với đồng loại.
Con trâu mộng bụng báng nhà y rất "kỵ" với con trâu nhà ông Phán và con trâu sừng vòng nhà ông Chương còn gọi là cụ cố, nó gầy đít tóp nhưng có lợi thế là sừng vòng nên móc mắt đối phương rất hiểm.
Lần nào húc nhau xong cũng rách mắt, máu me be bét, y lại phải lấy nước muối rửa cho nó vì con trâu là đầu cơ nghiệp, nồi cơm và cái sự học của anh em nhà y trông vào nó.
Có lần nghênh chiến với con trâu nhà ông Phán, nó đánh thần tốc trong 4 phút rồi đuổi con trâu nhà ông Phán chạy qua mấy cây số, đến làng Áng nó chạy qua sân nhà ông Nhỡ, nhảy qua đầu tay Ngô Chí Trai đang đóng cối xay ở sân, rồi tút ra phía xứ đồng Tu Luông, báo hại cho Y cả buổi chiều đông tìm trâu trong bê bết bùn đất và nước mắt, tối về trâu vẫn đói, bụng lép kẹp...
Còn nữa

Cánh đồng tôi vẫn chăn trâu thời bé nay đã khác nhiều, chợt nhớ câu thơ của Tú Xương:

Sông kia rày đã nên đồng
Nơi thì trồng lúa, nơi trồng ngô khoai
Bỗng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò


Con trâu mộng bụng báng ngày xưa đã được thay bằng con trâu sắt này

 

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Tết tây ở làng Chiềng

Được nghỉ Tết mấy ngày, y mò về làng Chiềng của y, nhưng y về chơi thôi, thăm mẹ già và bà con chòm xóm chứ không về hẳn. "Bao giờ có bạc trăm" thì y mới về, he he
Đường làng phong quang sạch sẽ, nhà nào cũng có đường bê tông vào đến sân, thóc lúa đầy nhà, vịt gà đầy sân, phong lưu lắm lắm so với hồi y còn bé ở nhà chỉ luôn mong không phải ăn cơm độn ngô, sắn mà thôi.
Tiếc rằng đường bê tông không phải là chỗ đánh sảng nữa. Đánh sảng phải ở bãi đất và có bụi tre rậm rạp để đưa sảng của đối phương vào giữa bụi tre gai rậm rạp mới thích!
Nay về làng Chiềng có gạo ngon, rau cỏ lợn gà không lo hóa chất...Hạt gạo một nắng hai sương làng tôi quả có ngon hơn rất nhiều cao lương mỹ vị chết người...

Đường vào nhà y, nơi đánh sảng ở ảnh dưới mấy năm trước



Năm 2011


Đánh sảng đầu ngõ






Ao Mỏ huyền thoại


Cầu tre lắt lẻo


Cây Cơi ở Mỏ Lấu hồi bé bọn y hay trèo lên nhảy xuống vực sâu, nay chỉ còn là con mương nhỏ




Đường về quê




Lối nhỏ vào nhà y


Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Ngộ nghĩnh trẻ thơ

1. Cu Tơn thế mà đã sắp 6 tuổi
Mỗi khi Tơn hư, mẹ hay mắng Tơn là Nhóc con, hư quá
Tơn đáp trả ngay: Nhóc mẹ
Ở đây Tơn đã có sự lẫn lộn ở từ "con" trong cụm từ nhóc con là một danh từ không phải từ ghép

2. Cu Tơn chuẩn bị thay răng. Một hôm đi Mẫu giáo về khoe "Mẹ ơi răng con lung linh rồi"
Chắc là định nói răng lung lay
Ba ngày sau: Buổi tối đang ăn mỳ tôm, Tơn khóc hu hu mẹ ơi con ra một cái rằng rồi, chắc là sợ quá!  

3. Sáng ra mặt trời chiếu qua cửa sổ cu Tơn không ngủ được nên bảo mẹ
Mẹ ơi, nhốt ông mặt trời lại, con chói mắt không ngủ được

4. Tơn ngủ dậy, thấy một quả quýt to và một quả quýt nhỏ trên bàn bèn reo lên: 
A! hai bố con quả quýt


Xuống tấn!

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

"U ơi U lấy vợ hai cho thầy.."

Ngày bé, tôi vẫn nghe bà, mẹ tôi và các bà mẹ ở làng Chiềng thường hát ru con mỗi trưa hè nắng gắt:
"Ầu ơ, ...ơ...ơ
Cái Cò mà mổ cái Trai
U ơi U lấy vợ hai cho thầy..."
Giờ nghe thì lạ tai nhưng bà tôi kể ngày xưa phụ nữ, đàn bà trong làng khổ lắm làm gì được tự do tìm hiểu, kết hôn và lại ly hôn...chóng vánh như các anh các chị bây giờ. Thời ấy cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đấy. Con gái 13, 14 tuổi đầu đã tấp tểnh lấy chồng. 17, 18 mà chưa gì là có nguy cơ ... ê sắc rồi. Có khi các bậc cha mẹ giao ước với nhau từ thuở con cái mới lọt lòng. Phụ nữ không có con và không có con trai là một tội tày đình, có thể người chồng thông cảm nhưng với họ hàng gia tộc thì không thể tha thứ. Ngày ấy trai thiếu gái thừa nên đa thê cũng là lẽ thường cho nên những người phụ nữ không con không còn cách nào khác là phải ngậm đắng, nuốt cay chịu cảnh chồng chung mà không dám hé răng than vãn nửa lời. Kiếp người mà lầm lũi như trâu bò, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời; một nắng hai sương mà không có lúc nào được an nhàn hạnh phúc kể cả trong giấc ngủ.
Phụ nữ làng tôi nay cũng đã đổi thay, nhiều chị học hành tử tế, đi thoát ly cũng nhiều, câu hát ru bi ai, sầu muộn xưa không còn, thay vào đó là tiếng ầu ơ cất lên réo rắt sau bờ tre mỗi trưa hè:
"Ầu ơ...ơ...
Con ngoan con ngủ với bà
Mẹ nằm với bố cho nhà đông em..."
Tiếng trẻ nín tắp, chỉ còn tiếng ru thi gan với tiếng ve kêu...

Chiều đông phố huyện (ĐC-VN-TN)

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Khi thầy click chuột...

Khi xưa, lúc học đại học sư phạm y cũng từng rất thích bài hát Bụi phấn với những ca từ không thể đẹp hơn về hình ảnh người thầy: "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi..."nhất là nó lại được ngân lên từ các em học trò ngây thơ trong sáng lúc y đi thực tập.
Hai mươi năm sau, thầy ít viết bảng, chữ cũng cẩu thả dần không biết ít viết hay do tuổi tác, hay do ỷ lại vào máy móc (Projector). Mấy cô hành chính thường hỏi trước khi y lên lớp: "Hôm nay anh có dùng máy chiếu không"?
Không dùng thì sợ bọn trẻ bảo mấy ông bà giáo già cổ hủ, không "pờ - rồ", dùng thì cũng tiện nhưng y vẫn thích viết bảng. Thôi thì đành dùng cả hai vậy...
Phấn không bụi nữa nhưng không có bụi phấn thì bụi thời gian cũng đã vương trên tóc y rồi...nhanh thật. Mới đó mà...






Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Giáo sư Đặng Vũ Khúc không còn lên làng Chiềng nữa rồi!

Thế là GS.TSKH Đặng Vũ Khúc không còn lên làng Chiềng giỗ bố tôi vào tháng Tư hằng năm được nữa rồi! Chiều hôm qua, vào 16h25' ngày 21/11/2012 (nhằm ngày 09/10 năm Nhâm Thìn), trái tim của nhà khoa học địa chất hàng đầu nước ta đã ngừng đập tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội (1931-2012).
Gia quyến sẽ tổ chức tang lễ cho Bác tại số 5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng Hà Nội vào lúc 11h30' đến 13h00' ngày 23/11 và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ hồi 16h00' cùng ngày sau đó đưa di cốt về an táng tại quê nhà, thôn Lê Xá, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội vào sáng ngày 24/11/2012
Bác Khúc, người bác ruột kính yêu của tôi đã trở về với cát bụi!
Sống gửi, thác về. Cháu cầu chúc cho linh hồn của Bác siêu thoát về miền cực lạc!

Bác Khúc ơi!





Tang lễ ngày 23/11/2012





Xem thêm GS Đặng Vũ Khúc ở đây:
http://blog.yahoo.com/_ZTNPDTGCUOV24I5AHSUWDQGHOM/articles/591222/category/Family