Người theo dõi

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến

Phố Hiến xưa nay là tỉnh Hưng Yên, một tỉnh trung tâm đồng bằng sông Hồng, được người Pháp cắm mốc trung tâm đồng bằng kiểu như Km số 0 ở Pa - ri
Đến Hưng Yên là nghĩ ngay đến nhãn lồng:
Nhãn lồng chém ngập dao phay
Gà con mới nở chín ngày cân tư
Gà Đông Tảo nổi tiếng chân to, bụ cũng ở Hưng Yên, nơi có đền thờ Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, một chuyện tình tay ba ít người biết đến, một style nude rất táo bạo! Lại nói gà Đông Tảo hồi học cấp 1 y được dạy là gà Đông Cảo cơ, giống gà này hiếm, đắt và khó mua những loại gà cũng chân to xù như vậy du khách thường được ăn cũng là lai F1, F2 theo lời anh dẫn đường

Hưng Yên chưa đến ngàn cây số vuông (Quãng 923 km2 gì đó) có trên 1,2 triệu dân toàn đồng bằng không có núi non gì cả. Đây cũng là đất địa linh, nhân kiệt. Riêng thời hiện đại đã có trên trăm vị tướng, còn GS, TS thì nhiều vô kể, có làng hàng chục người.
Hưng Yên cũng gợi cho y nhớ đến tác phẩm văn học Nhãn đầu mùa của Đào Xuân Tùng và Trần Thanh, dọc hai bên đường kín nhãn đương chuẩn bị trổ hoa
Hỡi cô cắt cỏ bên sông
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây
2 câu ca dao đẹp như một câu chuyện tình!
Đây cũng là quê hương của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà lưu niệm TBT hiện ở quê của đồng chí gần quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng

Y chộp 1 bức ảnh bên di hình của TBT (Do tỉnh Đồng Nai tặng)




Bên cây nhãn tổ sân chùa Linh Ứng



Đền thờ Chử Đồng Tử cũng là đích đến của y
Bên gốc sưa đỏ ngót trăm tỷ ngoài vườn đền thờ Đức thánh Chử, siêu xe vài tỷ của bọn văn sỹ nào có là gì... 



Ngửa cổ hóng hớt


Thành kính (Chùa làng Nôm)


Bên cây gỗ lũa tiền tỷ chuẩn bị ra lộc sân chùa Nôm


Chăm chú lắng nghe thuyết minh tại sân Đền Mẫu Hưng Yên



08/3/2014: 22222 Ngày đẹp số đẹp


Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Y lại đi nữa đây

Lần này thì là Bái Đính, Chùa cổ y chưa đi nhưng chùa mới thì y đã đi đến vài lần
Cảm giác là hoành tráng, nhiều tiền và công sức và người chủ có tầm nhìn
Rất đông khách thập phương dù rằng công trình chưa hoàn thiện, có vẻ như bớt xô bồ, chen lấn như lúc ban đầu. Tiền lẻ cũng ít hơn, chèo kéo mời chào, cò mồi, cờ bạc cũng có vẻ giảm đi
Vẻ thanh bình đang trở lại
Rất nhiều hạng mục còn dang dở, Nhiều chuyện tưởng không thể xảy ra
Hình như chuẩn bị có Đại hội phật giáo quốc tế VESAK 2014 tại Bái Đính thì phải
Rất nhiều điều đặt ra mà không tìm được câu trả lời thích đáng, kể cả người dân và cán bộ sở tại, nói chung là nhiều bí ẩn...


Thành tâm


Thương thay số phận con Rùa
Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia




Vi vu




Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Vũng Áng

Đầu xuân, y tò mò vào thăm Khu Công nghiệp Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nghe lãnh đạo huyện Kỳ Anh nói khu này thu hồi đất của 5 xã gần cảng nước sâu Vũng Áng và Sơn Dương. Khu công nghiệp được khởi xây vào 2006 và nay đang thi công rất nhộn nhịp với các công trình trọng điểm như cảng biển, nhà máy nhiệt điện do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.
Khi chưa hoàn thành và sản xuất, sử dụng nhưng mỗi năm Khu CN này cũng đóng góp cho địa phương trên 2000 tỷ đồng tiền thuế

Cảng biển Sơn Dương


Nghe các kỹ sư thuyết minh dự án


Đứng trước biển


Chiều trên bến cảng


P/s BD


Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Dù cho cha đánh mẹ treo...

Ấy là câu ca dao nói về hội chùa Keo Thái Bình:
"Dù cho cha đánh mẹ treo
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm"
Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng vào năm 1061 thời Lý
Hội làng Keo mở vào ngày 4 tháng Giêng âm lịch và 13, 14,15 tháng 9 âm để kỷ niệm 100 ngày mất của Thiền sư Không Lộ
Y chẳng đi hội vào mồng 4 tháng Giêng vì qua mất rồi mà cũng chẳng đi vào tháng 9 vì chưa tới
Y đi vào trước rằm tháng Giêng để còn sang sông trảy hội Đền Trần, Nam Định Nhưng không có mặt lúc nửa đêm để "cướp" ấn. Ô hô, ai cũng muốn làm Quan cả thì ai làm Dân?
Nhiều hiện vật gốc vẫn còn giữ được một số như ban thờ được chạm khắc tinh xảo bằng gỗ quý, đặc biệt là kiến trúc gác chuông rất độc đáo. Không gian chùa rất rộng và thoáng, đặc trưng vùng đồng bằng châu thổ

Gác chuông chùa Keo (có 3 tàng treo 3 chuông nhỏ dần)



Dấu xưa...nhưng dáng nay!





Đền Trần Nam Định bình yên trước giờ khai ấn



Mỏi quá rồi, nghỉ thôi




Đền Chợ Củi bên bờ sông Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh


Rất nhiều ngựa, không biết có phải vì năm nay là năm ngựa không?


Gửi riêng BD (Để thanh minh)


Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Trên đường thiên lý

Đầu năm Ngọ, y lại đi như ngựa vía rồi
Chửa qua rằm y đã du xuân, rong chơi
Rong chơi mà không rong chơi, bởi đích đến của y là Vũng Chùa, Đảo Yến nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng toàn đức toàn tài của nhân dân yên nghỉ, một người mà y cùng hàng triệu người ngưỡng mộ, để thắp một nén nhang tưởng nhớ công lao, tài đức của Đại tướng
Dẫu đường vào còn chưa bằng phẳng, dẫu xung quanh phần mộ còn đơn sơ chưa có gì nhưng ngập ắp hoa của nhân dân thì mới biết Đại tướng đã khắc ghi hình ảnh của mình thành tượng đài trong lòng nhân dân. Xem nhật ký trực của các đồng chí bộ đội biên phòng thấy sau tết ngày 6 tháng Giêng có trên 1 vạn lượt người viếng Đại tướng. Hôm đến viếng dù là ngày rằm tháng Giêng nhưng cũng khá đông người thập phương đến viếng. Từng đoàn người trật tự xếp hàng thắp hương lặng lẽ. Không có đặt lễ, không có bán hàng rong, chỉ có trẻ em bán hoa tươi tít tận đầu lối rẽ vào với giá phải chăng không đắt, ai viếng xong cũng toại nguyện, hài lòng

Đường lên mộ Đại tướng được nhân dân trải đầy hoa tươi




Nơi Đại tướng yên nghỉ có biển có rừng, nhìn ra Đảo Yến


Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng


Ngày 27/9/1995, đón Đại tướng đi thăm Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn


19 năm sau, ngày 14/2/2014, cùng anh bộ đội Biên phòng đứng canh giấc ngủ cho Đại tướng


Nhìn ra Đảo Yến, có người nói hình con sư tử. Bên trái và bên phải nơi yên nghỉ của Đại tướng là núi hình rồng và phượng



103 cây mai vàng thanh cao đang được trồng tượng trưng cho số tuổi của Đại tướng


Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Làng Chiềng vẫn thế

Tết năm Ngọ, y lại tung vó về làng Chiềng ăn Tết với mẹ. Tới đầu làng đã thấy thấp thoáng bóng cây nêu có gắn cờ phấp phới sau lũy tre đã thưa dần. Rặng cúc tần và râm bụt đỏ hoa ven đường làng chỗ nhà ông Thiết, ông Thuổng...không còn nữa mà thay vào là hàng rào gạch bê tông trắng lạnh lùng cứng nhắc. Những cái cổng rấp rào tre hay toang tre xiên ngang chắn trâu đã thay bằng cổng sắt ngăn mấy ông đạo chích nhà quê. Những cây táo, rặng nhót cổ thụ vào mùa vẫn hấp dẫn người ta khi thịt mỡ dưa hành bánh chưng đã ngán đến cổ cũng bị chặt hết.
Nhưng phong tục và cái nghèo làng Chiềng thì vẫn không mấy thay đổi, dù rằng người ta đã ra Bắc vào Nam hay đi lao động tận xứ người. Cũng có vài nhà khá giả có xe con, cửa hàng trên phố huyện. Dăm ba anh có tý chữ nghĩa thánh hiền đi kiếm cơm thiên hạ lâu lâu mới về làng với mũ mão cân đai, đúng là "Kinh đô cũng có người rồ, thôn quê cũng có sinh đồ trạng nguyên". Tình người làng Chiềng vẫn đằm thắm như xưa từ lời chào cách xa vài chục mét đền cái nắm tay lắc lác rồi hỏi đi xa có nhớ làng không, đi làm có tốt tiền không, có con cháu gì chưa ....
Làng Chiềng vẫn đậm chất dân gian với những câu chuyện rất làng Chiềng mà mỗi khi về làng y vẫn nghe như con bà Khoai lên viện huyện đẻ, kêu gào 7 vàn hang còn nghe tiếng, người ta cứ tưởng có đánh nhau trong bệnh viện, hay con nhà Lệch trèo lên mái nhà bếp leo lên tầng 2 ăn vụng ngã dập đít mà không khóc nổi vì trong miệng còn mắc "tang chứng vật chứng"...chuyện nhà nọ con cái chửi mẹ như hát hay
Người làng Chiềng vẫn có tục đi chúc tết ngay từ lúc giao thừa và cứ đi đến nhà nào thì cũng phải dọn cỗ, xơi rượu lấy may đầu xuân..
Ai cũng có quê và ai cũng thích về quê vì quê là nơi sinh ra ta, Lũ trẻ nhà y rất háo hức về quê vì về quê mà chúng biết đánh cờ, biết đi bơi và biết...nói bậy
Thằng bé mới hơn 6 tuổi đang học lớp nhất và phát triển vốn từ vựng, lúc trở về nhà nó bị say xe nên mẹ nó nhắc con ngủ đi cho đỡ say, chắc là vừa học được từ mới nên rất hồn nhiên giả nhời mà không biết mình đang nói bậy:
- Con vừa ngủ rồi thì còn ngủ thế đéo nào được nữa...
Y chỉ còn biết nhìn vợ đang há hốc mồm rồi tập trung vào tay lái, nghĩ cách về nhà giảng giải cho cậu ta. Bó tay!
Trên đường về y cho bọn trẻ vào thăm Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, cũng là một cách học nhẹ nhàng, không cần ngồi bó gối trên lớp nghe cô giảng suông

Bắt chước cô gái Tày bằng sáp


Thăm Bảo tàng KNBS




Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Chúc mừng năm mới

Vậy là một năm mới lại đến với nhiều cơ hội, thách thức cùng những điều thú vị, bất ngờ chưa biết ở phía trước, tạo hóa mà!
Năm Giáp Ngọ chúc tất cả các bạn bè blog xa gần đã ghé thăm y thời gian qua vạn sự như ý!


Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Năm Ngọ, nói chuyện ngựa

Vậy mà đã cận cái tết con ngựa rồi, chưa nên cơm cháo gì
Vừa mới ngày nào mới tròn 2 con giáp khi còn ở ký túc xá sinh viên cũng năm Canh ngựa có thằng lấy than viết lên tường câu đối mà y đã có lần kể Ở ĐÂY

"Năm Ngọ tiễn ngựa chuồn cả phòng nam cùng tán gái
Tân Mùi đưa dê đến chúng ta càng dê thêm"
Ngựa cũng rất gần gũi và tình nghĩa với người, chả thế mà có thiên chuyện nổi tiếng của một nhà văn nổi tiếng "Người ngựa, ngựa người". Không chỉ "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" mà khi chủ của chúng ốm chúng cũng nhịn ăn, rớt nước mắt. Có nhiều loại ngựa, ngựa thồ thường ở miền núi, ngựa xe ở khắp nơi, ngựa đua, ngựa chiến.
Hay giở thì có ngựa hay, ngựa chứng có tài nhưng lắm tật.
Ai thẳng tính bộc trực, nói ngay những điều có thể nghịch nhĩ thì là người "thẳng ruột ngựa". Kẻ nào hay khích bác dương đông kích tây gây mất đoàn kết dân gian gọi là "Buộc đuôi ngựa đá nhau chơi", ai hay đi như y chẳng hạn, dù không cầm tinh con ngựa thì cũng gọi là "đi như ngựa vía", nữ mà không thanh lịch, ăn nói băm bổ, người thẳng đuỗn, ba vòng chắc nịch như một thì ví như ngựa cái. Chẳng biết sao các đấng nam nhi đột ngoẻo trong lúc sung sướng khi "lâm trận" lại gọi là "ngã ngựa" hay tiếng Hán là "thượng mã phong". Mấy ông sếp nhớn dính chàm hạ cánh trong màu áo Ju - ven - tút thì cũng dùng từ bị "ngã ngựa".
Không phải chủ thì đừng có xới rớ sau đuooi ngựa nhé, coi chừng nó đá hậu cho thì tung cả răng đấy, "hàm chó, vó ngựa" mà
Hồi thịt bò có giá những năm bao cấp, coi chừng mua phở bò mà lại xơi thịt ngựa, nhưng nay thì thịt ngựa lại lên ngôi là đặc sản rồi đó. Thời buổi kinh tế suy thoái, lạm phát tăng nhanh chả rõ mấy ông nhà báo hay nhà kinh tế, chính trị khỉ mẹ gì hay dùng từ lạm phát với tốc độ "phi mã", gọi riết thành quen. Giống mèo mả gà đồng hay phường đạo chích nghịch tặc tìm đến nhau thì gọi là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Mấy anh nhà quê ra tỉnh có chút chữ thánh hiền được làm quan, váy áo xênh xang sớm chiều đưa rước thì được coi là "lên xe, xuống ngựa" thì lấy làm vinh hạnh lắm. Vào cửa quan phải xuống ngựa dắt vào gọi là "hạ mã". Mạnh Tử nói :Nhân thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích, hốt nhiên chi dĩ (nghĩa là người ta sống trong khoảng trời  đất cũng như ngựa trắng qua cửa sổ trong chốc lát) còn gọi là bóng câu hay bóng ngựa hồng bay qua cửa sổ.
Cao ngựa bạch mắt thau nguyên chất (khó tìm lắm) thì rất tốt cho người già và phụ nữ đặc biệt là thai phụ. Phổi ngựa rang cháy pha nước uống thì hen suyễn mất tiêu.
Y có ông bạn già U60 chuyên nấu cao ngựa bạch nên thi thoảng cũng được biếu một lạng nguyên chất, quả là tốt và hiếm nhưng anh ta đã treo nồi thề không bao giờ nấu nữa bởi năm ngoái mới đây có lần nấu bằng bếp ga, nồi áp suất chẳng biết bù khú với những lòng ngựa, tiết ngựa thế nào mà nồi cao đã sắp thành phẩm bỗng dưng nổ vang trời to hơn bom, thổi bay những gì xung quanh trong bán kính 10 mét, may là nửa đêm không có thương vong. Chắc hồn ông Bạch Mã về oán đây!
Điển tích, điển cố thì có chuyện "Tái ông thất mã" (Tái ông mất ngựa - mất ngựa chưa chắc là điều rủi....) rồi thì "Tứ mã nan truy", rồi là "mã hồi", thay ngựa giữa dòng...
Còn chuyện gì liên quan đến ngựa nhân năm ngựa không? Mọi người kể tiếp đi nhé!


Còn y dù đi như ngựa vía nhưng năm nọ ra Vinpearl Land, Nha Trang làm "cao bồi già" cũng chỉ dám cưỡi con ngựa chạy bằng điện này thôi, có lẽ vì thế nên y cứ lẹt lẹt đi sau thiên hạ tít xa trên con đường quan lộ!