Người theo dõi

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Mẹ

Ông bà ngoại y sinh ra Mẹ là thứ 6 trong tổng số 10 người con bên con sông Cầu Sổ chảy qua làng Lê Xá, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Các cụ cũng có chút của ăn của để nên khi cải cách ruộng đất cũng bị rầy rà không ít, Tòa ngang dãy dọc đã rơi vào tay các ông Đội hết mãi gần đây cháu đích tôn của cụ là GS Đặng Hùng Võ mới chuộc lại được. Những ông chủ ngày xưa nay lại "trở về với cái máng lợn sứt mẻ". Rồi kháng chiến nổ ra các con của cụ nhiều người đi kháng chiến, còn lại thì đi tản cư. Trải qua mấy chục năm  dâu bể, các anh em của Mẹ lưu lạc khắp nơi, người thì ở Pháp quốc, người thì lên đèo heo hút gió chốn Cao Bằng, rồi thì Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Nguyên...Chừng ấy anh em người lớn nhất thì cũng 95 tuổi, người ít nhất cũng đã 76 xuân xanh, chỉ có bác Khúc (GS Đặng Vũ Khúc) trên Mẹ là đã đi "gặp các cụ Mác - Lenin"
Mẹ chỉ được học chút ít nhưng cũng võ vẽ tiếng Pháp, ăn nói khôn ngoan nên cũng được ông bà ngoại giao cho tay hòm chìa khóa đi Hà Nội, Hải phòng bán lúa gạo thu tiền. Mẹ cũng là người đầu tiên trong nhà y được đi máy bay chứ bọn y mãi sau này đi làm cán bộ hàng chục năm mới biết đi máy bay nó như thế nào. Mẹ theo Cậu (Gọi theo lối nhà giàu thời Tây) đi tản cư lên mạn Hà Bắc rồi Đình Lập, Hải Ninh. Nghe mẹ kể thì cũng biết Cậu cũng có lần bén mảng đến sòng bài hay cô đầu những ngón ăn chơi bậc nhất Hà thành khi đó nhưng Mẹ không dám hé răng ra với ai.
Rồi chiến tranh, Mẹ theo ông Cổn mà Mẹ gọi là cậu Cổn, người làng Thổ Khối có người con là liệt sỹ Nguyễn Trọng Định là nhà thơ mà có lần đăng trên báo thời bao cấp mẹ tôi còn cắt tấm hình lưu lại, Nguyễn Trọng Định cũng là bạn, đồng đội của nhà thơ Nguyễn Mỹ với bài thơ nổi tiếng Cuộc chia ly màu đỏ với những vần thơ mà tuổi thanh niên ngày trước thường ghi sổ tay, lưu bút mỗi khi ra trường hay ra trận:
"Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa 

...
Và đây là ảnh chân dung và những vần thơ của Nguyễn Trọng Định


Đêm rừng già đi nghe mưa rơi
Một mảnh áo tơi che chẳng kín người
Nước chảy qua môi hớp từng ngụm nhỏ
Bỗng nhớ mẹ ngồi bên ấm giỏ
Nước vối mặn nồng ngọt ngào chuyện cũ
Các anh em, con cháu của Mẹ nhân ngày giỗ Cha



 Người con còn lại của ông Cổn tên là Hiền, y phải gọi là cậu Hiền, hiện làm tại báo Lao động điện tử.
 Từ Hà Nội lên Thái Nguyên như duyên trời đã định Mẹ gặp Cha y khi ấy là giáo viên Trường Thiếu nhi vùng cao Việt Bắc. Cả tuổi thanh xuân cha tôi công hiến cho sự nghiệp giáo dục sau khi đã tốt nghiệp trường sư phạm trung cấp. Thời ấy cha tôi học cùng rất nhiều người bạn miền nam ra tập kết mà qua lưu bút còn có cả địa chỉ rõ ràng. Tuổi thanh niên phơi phới đang học nhưng chỉ muốn ra mặt trận để thống nhất đất nước với niềm tin sắt đá nước nhà sẽ thống nhất.

Bụi thời gian



Có bác tận Bình Định năm 1965 đã từng viết lưu bút khi chia tay bố tôi "Hẹn Vỵ gặp nhau ngày thống nhất đất nước dưới rặng dừa xanh ngát của Bình Định...Chao ôi, ngày còn là học trò cấp III trường huyện đọc đến đoạn này mà y thấy xao xuyến làm sao, chắc khó có thứ tình cảm hay văn chương nào mà y biết lại có thể hay hơn được thế, tiếc rằng qua thời gian không biết các anh của y còn giữ được không. Rồi cha tôi đi khắp nẻo Thái Nguyên đem con chữ đến vùng cao từ Tràng Xá (Võ Nhai) đến Hóa Trung, Hóa Thượng (Đồng Hỷ), Vùng cao Việt Bắc...rồi cuối đời làm Hiệu phó trường PTCS Lâu Thượng. Sau lưng Cha là hậu phương Mẹ như bức tường thành vững chắc, cha tôi có thể đi cả tháng, cả tuần mà không phải lo đàn con lít nhít ở nhà. Nhiều học trò người dân tộc qua bao năm vẫn nhớ thầy Vỵ và nói chuyện với y vẻ khiêm nhường và rất kính trọng bố tôi cho dù con của họ còn hơn cả tuổi y. Y cũng làm thầy giáo nhưng chắc do thời thế và nhiều lý do khác để y không bao giờ được kính trọng như thế nữa.
Cha tôi thư sinh lại không được khỏe lắm nên cả giang sơn, công việc đồng áng ...trông cả vào mẹ tôi, người con gái Hà Nội. Ai bảo Mẹ là không vĩ đại, dẫu rằng Mẹ chỉ là Mẹ thôi không phải ông nọ bà kia, không làm nên công trạng để được ghi bia đá, bảng vàng.
Mẹ chịu khó đọc và đọc nhiều, bởi Mẹ cũng đã học trường làng thời Pháp (Lúc ông bà ngoại cho mẹ đi học không phải tất cả con gái của Cụ đều được đi học) Lúc đã già ngót 80 mẹ vẫn theo dõi sát tình hình chính trị thế giới và bình luận làm cho y giật mình như "sự trở về đầy toan tính của Thủ tướng Pakitstan Benazir Bhutto năm 2007...và nhiều bình luận chính trường khá sát, tất nhiên là phải xem báo và Thời sự trên ti vi mới làm được như vậy. Nhiều từ tiếng Anh trên báo vẫn bị mẹ phát âm theo kiểu tiếng Pháp
Cả vạt đồi nơi nhà sàn bây giờ là do mẹ tôi hì hụi đào bới, san lấp rồi thì xay thóc giã gạo...chuẩn bị cho ngôi nhà ra đời cùng với đàn con lít nhít...vừa đồng áng, vừa lo làm nhà lại nuôi con làm cho lưng mẹ chưa đến 70 đã còng. Chiếc tang xê ngay đầu nhà là nơi trú ẩn của cả nhà khi có máy bay B52 của Mỹ rải bom. Có lần y đã bị các anh chị bỏ chạy xuống hầm khi mới 2, 3 tuổi. Chuyện ấy mọi người kể lại thôi chứ lúc đó y chưa thể nhớ được. Mà Mỹ không đánh phá Miền Bắc thì chắc gì đã có y bởi tâm lý các cụ khi ấy là cứ đẻ, chết đứa này thì còn đứa khác. Xin thưa lúc ấy Chính phủ chưa cấm đẻ nhưng việc kế hoạch thì không ai lạ hai chữ đặt vòng. Làng gần cầu Rắn nên cũng hay dính bom Mỹ. Buổi chiều hôm ấy máy bay Mỹ ù ù gầm rú rồi qua khu vực Làng Chiềng mẹ nghe tiếng bom bi rải thảm lụp bụp quanh mình, chỉ kịp nấp vào góc bờ ruộng thì đã thấy bom nổ như ngô rang rồi tiếng bom to ném xuống cầu Rắn nổ ầm ầm. Cô Mão không may bị dính bom bi và cô mất ngay chiều hôm đó. Tôi hôm đó cả làng đót đuốc lập lòe làm ma cho cô vì sợ ban ngày chúng lại ném bom tiếp. Không khí căm thù ngùn ngụt làng Chiềng, mẹ đi đưa ma, mấy anh em ở nhà trông nhau còn bố vẫn đang đi công tác. Mẹ có tình yêu và niềm tin vững chắc nơi bố và mong ngày chấm dứt chiến tranh. Làng vẫn có người vào Nam ra trận đều đều và cũng có người ra đi không trở lại. Bây giờ mỗi khi máy bay dân dụng bay qua làng không biết những thế hệ ấy có còn giật mình hay không.
Dù không được coi là con nhà quyền quý hay danh gia thế phiệt nhưng so với công việc làm dâu nơi rừng xanh núi đỏ thì quả Mẹ là một phụ nữ kiên cường và các anh em các cháu của Mẹ đã bình chọn Mẹ là người khổ nhất nhà. Phận làm dâu đất làng con rùa cũng bao trầm luân, vất vả mà nay nghe kể lại cũng có lúc tượng mà không ra, không ít lần Mẹ phải nuốt nước mắt cam chịu.
Nghe nói nhiều lần anh em của Mẹ lên thăm bất chợt thấy Mẹ vất vả quá nên khuyên hay là trở về Hà Nội! Cuộc sống vốn kỳ diệu, vậy nên Mẹ đã gắn bó với nước giêngs làng Chiềng cho tận ngày hôm nay.

Cháu nội về quê


(Còn nữa)

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Người làng Chiềng trên báo Thái Nguyên online

Đây người con gái Hà Nội gốc, làm dâu Làng Chiềng đã ngót 60 năm. Cả một đời rời xa chốn phồn hoa đô thị, người tần tảo thương chồng nuôi đàn con khôn lớn. Có mấy người bảo y, sao chưa viết entry nào về cuộc đời của Người
 (Ảnh chụp lại không qua chỉnh sửa)



Và đây là con trai thứ ba của Người - Trưởng thôn Làng Chiềng được lên báo Thái Nguyên online mới đây



19/6/2014: Sau khi đã đọc các comment ở trên

Vĩ thanh hay là khởi đầu entry mới

Có nhiều comment đều chung một ý là sao y viết quá ngắn, sau khi có anh trai con bác của y gợi ý y viết một cái gì đó về Mẹ
Khởi nguồn là từ tin nhắn này đây (Mạn phép bác Khởi nhé)


và đây