Người theo dõi

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Trẻ con đi học, ngày ấy - bây giờ

Ngày ấy là ngày y còn nhỏ, thôi thì entry này cứ định nghĩa ngày ấy là khoảng những năm 1975 đến 1985, còn bây giờ là thế hệ con cái y tạm tính từ 2005 - 2013.
Mới vậy mà cách xa nhau nhiều lắm dù rằng thời gian chỉ có trên ba chục năm chứ mấy
+ Ngày ấy trẻ con học Vỡ lòng với ông giáo làng rồi vào học cấp 1 - bây giờ trẻ con học mầm non 3 năm rồi có nơi phải kiểm tra IQ mới lọt vào lớp 1 của trường tốp đầu, có nơi gọi là thi vào lớp 1 (Đã học đâu mà thi, kỳ lạ chưa?)
+ Ngày ấy trẻ con đi học cha mẹ không phải bận tâm gì vì còn lo kiếm gạo đổ vào nồi - bây giờ con vào lớp 1 bố mẹ lo hơn cả con
+ Ngày ấy trẻ con chỉ có 1,2 cuốn sách, vở. Viết bút chấm mực nên quần áo, chân tay luôn lem luốc nhưng chữ đẹp hơn. Bây giờ trẻ em đi học có cả vài kg sách vở, đồ dùng cha mẹ hoa cả mắt
+ Ngày ấy trẻ chỉ học một buổi sáng, tối tự học một lúc rồi đi ngủ để đỡ tốn dầu đèn- Bây giờ chúng học cả ngày, học thêm mà học rất bí mật (nói thẳng ra là học trộm, dạy trộm) không thì Thanh tra giáo dục sờ gáy ngay, chính đáng nhưng vụng trộm, hu hu!
+ Ngày ấy trẻ con chỉ học 2 môn Chính tả hay Ám tả và Làm tính - bây giờ học đủ thứ trên đời (gọi là toàn diện, he he)
+ Ngày ấy đứa nào là học sinh tiên tiến (đạt điểm trung bình 2 môn Văn, Toán từ 6,5 trở lên), là của quý hiếm đáng ghi vào sách đỏ - Nay thì tất cả đều giỏi, ít đứa nào bị trung bình
+ Ngày ấy trẻ con gặp khó khăn thì tự tìm cách giải quyết, khắc phục - nay thì tất cả do bố mẹ
+ Ngày ấy khai giảng rồi háo hức bước vào năm học mới - bây giờ học chán chê rồi mới khai giảng và phải tập khai giảng cả tuần.
+ Ngày ấy học hết tháng 5 là thi học kỳ rồi bế giảng - bây giờ học xong chương trình từ tám hoánh rồi lên lớp ngồi trật tự cho hết giờ chờ hết năm.
+ Ngày ấy không có Hội phụ huynh, không có nộp quỹ Hội này - nay thì ai cũng biết, không nói nữa
+ Ngày ấy cuối năm mỗi lớp có gần chục đứa lưu ban hay còn gọi là đúp (double), ở lại lớp, học lại... - Bây giờ hỏi học sinh cấp một, nhiều đứa không biết từ đúp hay lưu ban
+ Ngày ấy trẻ con tự đến lớp - bây giờ do bố mẹ đưa đón, kể cả làng Chiềng của y
+ Ngày ấy trẻ con nhịn đói đi học - Bây giờ bố mẹ phải nài nỉ hoặc dọa nạt chúng mới chịu ăn sáng.
+ Ngày ấy có cái không tiến bộ như bây giờ, nhưng ngày ấy có nhiều điểm tốt trội hơn bây giờ.
+ Chương trình ngày ấy nhẹ nhàng hơn bây giờ, trẻ con và người lớn không quá lo lắng như bây giờ
+ Ngày ấy trẻ con không phải học thêm, trừ lớp cuối cấp 2 và cấp 3 gần ngày thi có vài buổi phụ đạo nhưng là free! Bây giờ trẻ lớp 1 đã phải học thêm, không học thì...biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
+ Ngày ấy trẻ con lớp cuối cấp mới có thi học sinh giỏi, bây giờ lớp nào cũng có thi học sinh giỏi và lại thi học sinh giỏi vượt cấp nữa chứ , haizza! 
+ Trẻ con ngày ấy được trốn học, được điểm kém, lưu ban mà không bị cha mẹ mắng chửi, không bị đánh cắp tuổi thơ, còn bây giờ.... 
+ Tre con ngày ấy không có ai tổ chức Trung thu cho - Bây giờ thì nào là ở trường, ở xóm, khu phố, ở nơi công tác của bố, mẹ...
+ Còn nhiều lắm, tạm thế đã...




Gắn thêm mấy cái ảnh Tết Trung thu năm nay




Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Quê ngoại

Mấy ngày nghỉ cuối tuần, y chu du một vòng và đích cuối cùng là quê ngoại của y, một ngôi làng sát nách Hà Nội, làng Lê Xá, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm chỉ cách Quận Long Biên vài bước chân, chẳng mấy mà lại bị nội thành nuốt chửng như Hà Tây năm nào. Từ ngôi chùa làng nhìn ra khu đô thị sinh thái Ecopark nổi tiếng rất gần. Làng đã lên phố và sầm uất gấp vạn lần làng Chiềng quê nội của y. Tiền bán đất, dịch vụ, kinh doanh đủ mọi thứ và nghề gốm (Đa Tốn cách xã Bát Tràng chỉ một con đê bối) đã giúp bộ mặt nông thôn đổi mới đến hoa mắt, chóng mặt. Làng Lê Xá không lớn nhưng đã đóng góp nhiều nhà khoa bảng cũng như chính khách cho triều đình phong kiến ngày xưa và nhà nước cộng sản bây giờ. Chẳng cần kể lể dài dòng, ai quan tâm thì đọc cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam do Ngô Đức Thọ chủ biên và cuốn Tiến sỹ Việt Nam hiện đại thì rõ làng Lê Xá có cụ Phó Bảng Đặng Tích Trù, có các nhà khoa học và chính khách Việt Nam hiện đại như các TS: ĐVK, ĐHV, ĐVK, ĐTV...
Chánh tổng, lý trưởng ở Làng Chiềng thì đã có nhưng làm đến tri châu, tri huyện thì hiếm lắm, phải chăng thế đất làng Chiềng hình con rùa?
Đường vào làng Lê Xá


Chùa làng Lê Xá


Lá rụng và rêu phong



Từ Chùa làng Lê Xá nhìn ra Ecopark, Văn Giang, Hưng Yên


Vòng về làng Chiềng quê nội của y



Cánh đồng Làng Chiềng (Người làng Chiềng của Y không nhớn được cũng bởi dãy núi kia luôn án ngữ trước mặt)


Thênh thang đường vào làng Chiềng



Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Ngắm cờ Tổ quốc

Mấy hôm nay được nghỉ dài dài nhưng y chẳng đi đâu được bởi trời mưa, bởi sợ kẹt xe và cũng bí cái khoản "xiền", y bèn  bày trò với mấy tay bợm nhậu uống rượu, đọc thơ (nhưng mà thơ của thằng khác)
Mấy người quen hỏi sao ngày nghỉ dài không đi chơi đâu? Biết đi đâu được?
Mấy người nữa hỏi sao lâu rồi không thấy viết gì? Biết viết gì được?
Rồi lại hỏi: dạo này mày làm gì? Biết trả lời thế nào đây, không nhẽ lại bảo "sáng cắp ô đi, tối cắp về"? Ai chả biết y làm nghề gõ đầu trẻ.
Và nhiều câu hỏi khác nữa nhưng bạn hỏi tôi, tôi biết hỏi ai?
Cũng may là người Việt ta có cái thói hay là hỏi chỉ để mà hỏi, chẳng cần câu trả lời mà có khi hỏi cũng đã là giả nhời, he he
Thế là giai làng Chiềng viết mấy dòng lên đây rồi cút thẳng!
Sắp khai giảng rồi....
 Trong khi bọn trẻ rủ nhau đi 'Phượt' ngắm cờ Tổ quốc tận Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang y ở nhà ngắm cờ dãy phố nhà y cũng thấy đẹp, chẹp chẹp, chẹp...


Người dân treo cờ mừng Tết Quốc khánh (đẹp là ở khoảng trời xanh ngắt phía trên)