Đặt
cái title cho tò mò câu view vậy thôi chứ thực ra y muốn kể về cuộc
sống thời bao cấp trong khu tập thể bên bờ sông KC mà y từng ở khi mới
bước vào đời.
Đó là vào khoảng những năm đầu tiên của thập kỷ cuối
của thế kỷ trước mới ra trường, y xách ba lô lộn bắt xe ngược lên xin
việc ở một tỉnh miền núi.
Cơ quan bố trí cho hai ông cử non ở một
gian ở khu tập thể bên bờ con sông một thời huynh đệ tương tàn chưa xa,
khiến nhà báo Ta- Ca - Nô của xứ Phù Tang phải bỏ mạng.
Gọi là khu
tập thể nhưng vô cùng nhếch nhác gần nhà tù cũ của bọn thực dân đế quốc sài lang, lúc bấy giờ trở thành bãi tập kết xe chở rác của Công ty vệ sinh môi trường. Đó
là một dãy nhà cấp 4 lụp xụp, lợp ngói xi măng dài như cái nhà dài của
đồng bào Ê-đê, M'nông ở Tây Nguyên dễ có đến hai chục gian. Mỗi gian là
một hộ cán bộ của mấy cơ quan ngành cờ đèn kèn hoa và vài cơ quan khác
sinh sống, phòng chỉ có một cửa ra vào duy nhất không có cửa sổ, không
trần, không khép kín, khi đóng cửa thì tối om như hũ nút. Mùa hè thì
nóng chảy mỡ, mùa đông thì gió bắc lùa thấu xương, hễ có mưa bão thì
chuẩn bị chậu mà hứng nước. Khổ là vậy nhưng không ai có ý định sửa sang
lại vì nghèo và cũng vì cha chung không ai khóc. Y và một ông cử vốn
rất giỏi cái chữ thánh hiền quê một tỉnh cửa ngõ thủ đô nay đã đi vào dĩ
vãng được phân vào một gian tập thể, thôi thế cũng tốt chán vì không
phải đi thuê.
Cả xóm, mỗi nhà có một gian bếp con con phía trước (trừ
gian y ở không có, đun bếp dầu luôn trong phòng) được lợp bằng đủ thứ
vật liệu chắp và từ giấy dầu, tấm lợp và tất cả những gì có thể, tường
trát đất xiêu vẹo thấp lè tè, ẩm thấp, hôi hám không bằng cái chuồng vịt
của nông thôn mới bây giờ. Ấy vậy mà chứa trong đó là những con người
có trình độ, nhiệt huyết ngùn ngụt với nghề. Con người sống trong xóm
nghèo cũng rất chân tình, thân ái. Việc gì cũng có nhau vui, buồn, "khi
chén rượu, khi cuộc chè"...hay mỗi khi World cup, vợ giận đều sẻ chia
rất chi là thân thiết.
Y và gã cử nhân tân khoa được phân vào một
phòng thay nhau nấu cơm hàng ngày, thức ăn chỉ hai món xào luộc quen
thuộc, thi thoảng lắm mới dám sáng kiến món mới vì chẳng biết nấu và
cũng vì cái ví chưa hết tháng đã lép kẹp. Nhưng mà cũng hay hung hăng
uống rượu như Phết, có hôm 3 thằng mà ngả hết gần 4 chai rượu loại rượu
săm ô tô nồng nặc mùi cồn đựng trong chai bia tàu, say đến 3 ngày chưa
hoàn hồn đến nỗi nôn ra nửa chậu tuyền nước, he he
Lúc mới lên công
tác, nhiều đêm mưa gió hai thằng trằn trọc không ngủ được thấy hàng xóm
có nhiều tiếng động lạ như có kẻ trộm rình mò, rồi thì lại thấy tiếng
thở hồng hộc, tiếng rên la ư ử. Thôi chết, chắc các bác hàng xóm lại đau
ốm sốt cao rồi đây, lại lo cho cái thân mình đất khách quê người, gạo
châu củi quế mà lương thì eo hẹp gặp cảnh ốm đau không người thân bên
cạnh thì biết làm thế nào, thế là lại lo cả đêm. Cũng may, một lúc sau thì
các nhà hàng xóm lại ngáy pho pho, chắc là họ có sẵn thuốc cảm dự phòng.
Sau này mấy thằng mới lớn có kinh nghiệm mới biết là họ chẳng ốm đau gì
sất mà thậm chí là đang rất khỏe, he he!
Gian nhà ấy vậy mà cũng
nuôi nấng giấc mộng đèn sách của hai chàng thành sự thực; gian phòng ấy
còn là "giảng đường" của y dạy lũ học trò cuối cấp 3. Trên chục đứa ngồi
chen chúc, đứa ngồi ghế, kẻ ngồi trên giường, bàn học thì tận dụng các
loại. Bảng bằng tấm pa - no sơn đen gắn lên tường, cái chạn bát kiêm
luôn bàn giáo viên của y. Giờ học từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối cũng là
giờ hàng xóm nấu cơm, mắng con..râm ran!
Xóm nghèo khi ấy cũng có một
doanh nhân (quốc doanh) trong ngành tạm coi thành đạt, lúc mới ra đời cái điện thoại
nối dài còn gọi là "máy mẹ, máy con" to bằng cục gạch lúc nào cũng như
vật bất ly thân của bác ta, kể cả đi xuống bếp nó réo líu lo cả ngày
thấy rất là ngưỡng mộ.
Hồi ấy nhiều cán bộ ngoài việc nhà nước còn
làm thêm bên kinh doanh vận tải mà dân địa phương quen gọi là "Cẩu
pỉnh". Chiều chiều từng bầy Min-xcơ đổ về xóm rầm rập, vui tai, từng
đống tiền lẻ được đổ ra đếm và vuốt mép xếp lại, đầu tư cho tương lai.
Cả khu tập thể có một bể nước công cộng đầu xóm. Mọi sinh hoạt diễn ra ở đó như
cái giếng làng ở quê. Có hôm, anh em thằng Chẫu chuộc, thằng Gạo ra tắm
truồng, cô Phụng trong xóm tuổi trăng rằm ra rửa rau, y phải sốt ruột
chờ cái vòi chảy ri rỉ như ve đái nên mới cao giọng mắng mấy thằng:
-
Ê, thằng Chẫu, thằng Gạo! Chúng bay về nhà mà tắm hay ít ra cũng phải
mặc cái quần đùi vào chứ, mày có thấy chị Phụng tắm ở bể như thế bao giờ
không?. Cô Phụng đỏ mặt lảng đi, hai thằng bé chừng 9,10 tuổi cũng xấu
hổ bỏ về thế là y chiếm trọn cái vòi công cộng tha hồ tắm gội.
Lại có
hai cha con nhà nọ giữa trưa ngồi xổm cắt tóc cho con ngoài sân tập
thể, bố cứ loay hoay cắt cho con, còn ông con trạc 6, 7 tuổi trùm áo mưa
cứ thản nhiên lấy que chọc ngoáy "thằng em" của ông bố như một trò chơi
thú vị, nhìn cảnh ấy, đố ai nhịn được cười!
Nhà
vệ sinh công cộng cách xa khu tập thể hơn trăm mét gồm bốn gian, đó là
thứ nhà xí thời bao cấp rất bẩn không tự hoại, không dội nước nên rất
hôi thối, trời nồm và nắng lại càng hôi tệ mà sáng ra chờ nhau cũng hết
hơi. Giấy vệ sinh là giấy báo cũ tận dụng của cơ quan, tiếng vò báo sột
soạt, tiếng hất nước râm ran buổi sáng, đôi anh kỹ tính còn đốt lửa cho
đỡ ám khí. Ấy vậy mà dãy nhà vệ sinh lại có khóa và rất nhiều khóa mới
tài vì khu ấy ô hợp đầy dân buôn bán ở trọ vãng lai. Bởi mỗi nhà một
khóa không chung nhau nên cái chùm khóa có khi đến 5, 6 cái. Tuy nhiên
không biết do vô tình hay cố ý mà có anh đi xong khóa không đúng quy
trình mà lại khóa tắt nên có vài cái vẫn móc ở chùm nhưng dù có mở được
khóa nhà mình nhưng vẫn không vào được vì nó không theo móc xích nguyên
tắc cái nọ nối với cái kia sao cho cái nào cũng có thể mở được nên rất
mót mà không được đi đành nhăn mặt chửi đổng rồi quay về tìm "thủ phạm".
Có đứa quái đản cứ rình buổi tối ra đái vào chùm khóa, thứ khóa Trung
Quốc hàng địa phương bằng sắt gặp nước đái mặn két lại, vài hôm thì kẹt
không tài nào mở được.
Chỗ tập thể ấy gần sông nên bọn này hay ra đó
tắm, chỉ mùa thu và mùa đông thôi vì mùa hè nước lúc nào cũng đục ngầu.
Có lần bọn y xuống bãi cạn (not Scarborough!) tắm
cùng với một văn sỹ nơi thượng nguồn sông Thương tên Đấu, hắn nhỏ người
loắt choắt nhưng rất tinh ranh, hoạt ngôn có lẽ vì thế nên có biệt danh
là monkey, hồi ấy còn thịnh hành mốt tất xù của tàu, trời rét hắn ta
biện liền hai đôi hiên ngang cùng bọn y xuống bãi cạn đốt lửa rồi cởi
quần áo ào xuống tắm. Vốn không chịu được rét hắn lên bờ trước sấp ngửa
thay quần áo. Không biết đãng trí hay rét quá mà một chân hắn đi liền 3
cái tất nên chân kia chỉ còn một cái, thế là hắn dáo dác đi tìm quanh
quẩn rồi lại nhìn theo dòng nước hay là nó trôi mất, rồi lại nghi ngờ
hay đứa nào chơi xỏ giấu đi của hắn. Mãi sau y mới bảo hắn kiểm tra xem
chân kia mấy tất thì ra đúng là có ba cái, cả bọn cứ cười ngặt nghẽo.
Thấm thoắt đã hơn chục năm cái xóm nghèo ấy bị giải tán không thương
tiếc để xây trung tâm thương mại, mỗi người chạy mỗi ngả, giờ đây có
người đã trở thành thiên cổ, những đứa trẻ bọn y còn bế ẵm ngày ấy nhiều
đứa giờ đã lấy vợ lấy chồng rồi sinh con đẻ cái.
Chếch phía cầu là xóm trọ và xưởng sửa chữa ô tô, rồi thì ổ làm nước mắm giả quanh năm bốc mùi...
Mười lăm năm trôi đi, xóm nghèo ngày xưa nay chửa thấy trung tâm thương mại
hiện đại đâu, vẫn chỉ là bãi đất hoang cho chó ỉa, cỏ mọc...tuy là có hàng rào bằng tole che xung quanh...
(Còn nữa)