Người theo dõi

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Nghề nông

 Dịch Covid 19 quái ác làm cả thế giới chao đảo với những trạng huống mà có ít người lại tưởng tượng ra. Nhất sĩ nhì nông/Hết gạo chạy rông/ nhất nông nhì sĩ; có lẽ nào lại đúng trong lúc này?

Y xuất thân từ thành phần hỗn hợp cả sĩ lẫn nông, cha mẹ y thì nửa nông nửa sĩ còn y lúc nhỏ là nông (Chủ yếu là quan sát thôi, chưa phải/bị làm vì trên còn 5 anh, chị) và hiện là sĩ nhưng nông vẫn chưa quên

Kể lại các chi tiết của cái cày, cái bừa không lại quên mất

Cái cày làng Chiềng để phân biệt với cày 51 hay cày chìa vôi

Cày làng Chiềng tạo bởi cái thân cày thường được làm bằng gỗ nghiến, tạo hình đẹp và phải chuẩn về kích thước, hình dáng nếu không cày sẽ không sâu và không dễ diều khiển, rồi thì có bắp cày có thể bằng gỗ hoặc gốc tre đực. Náng cày nối bắp cày và thân cày có gốc và lỗ để khóa thân cày và bắp cày, muốn cày ăn nông hay sâu có thể điều chỉnh nêm cày ở chi tiết này. Ở mũi cày có lưỡi cày và diệp cày làm bằng gang mua ngoài chợ Đình Cả, cày có trơn và lật nhanh hay không cũng ở bộ phận này.

Đầu bắp cày được nối với dỏng dảnh (Để xoay linh hoạt giống như bi chữ thập ở trục cát - đăng xe ô tô vậy). Dỏng dảnh được liên kết ở giữa của bộ phận là 1 thanh ngang chừng 45 cm có mấu ở hai đầu để buộc thiếu khỏi tột, giữa đục lỗ để xuyên dỏng dảnh qua gọi là cái ách đuôi để buộc hai dây thiếu cày nối với khoắm, dưới xuôi gọi là cái ách che, làng Chiềng gọi là quai óng. Thiếu cày thường được bện bằng dây song hoặc đay hoặc một loại dây rừng có độ bền, dẻo cao. Sau này được bện bằng sợi hóa học.. thiếu nối với khoắm bằng rễ hoặc thân cây rừng bằng nghiến hay cây gì đó hình chữ V để úp lên vai trâu, có một bộ phận bằng mây đan hay miếng cao su mềm hay đơn giản chỉ là một đoạn lốp xe đạp hỏng cắt ra để ốp dưới dưới cổ trâu cho khít định vị bằng một cái chốt đinh sắt trên khoắm. Xưa còn nhỏ đi đón trâu y phải tháo cày từ vai trâu nên rất rành, chiếc đinh được mắc một đầu quai óng vào do ma sát nên trở nên trắng tinh, cả khoắm cũng vậy, mỗi lần tháo trâu y thấy ánh mắt của con trâu mộng bụng báng mà y đã có lần kể lộ rõ sự vui mừng. Con trâu này rất nghịch và dai sẹo, mùa đông nó rất hay đú, nhảy quẫng lên. Nhiều lần nó lồng khi nó liếm lúa cạnh bờ bị y lấy roi vụt khi y ngã lăn xuống đất thì nó lại dừng lại và nghênh nghênh cái đầu như trêu ngươi vậy, khi nào cái sẹo sắt bị đứt thì nó chạy lông nhông rất khó bắt được nó.

Phía dưới bên trái khoắm có một cái khuyên tròn bằng sắt hay đơn giản là một khoanh sừng trâu để luồn dây thừng qua từ tay người điều khiển tới mũi trâu được gắn với cái sẹo trâu làm bằng mây hoặc kim loại đối với những con trâu dai sẹo nhưng con trâu mộng bụng báng nhà y.

Người đi cày là anh nông phu còn gọi là thợ cày, trong việc cày thì có cày cái, có nới gọi là cày vỡ tức là cày lượt đầu tiên sau vụ trước, sau khi bừa thì gọi là cày đảo hay cày ải. Đất tốt thì thường chỉ cày hai lần là bừa cấy. Bừa thì có bừa dập, bừa dở, bừa cấy.

Cái bừa ở Làng Chiềng có hai loại là bừa một còn gọi là bừa đơn tức là một trâu hoặc là bừa đôi tức hai trâu. Ngày xưa chỉ thấy có nhà trong tức nhà bác Yên, nhà ông Thuyết, ông Tuấn..là có bừa đôi vì những nhà đó có hai con trâu trở lên còn nhà y chỉ có một con trâu mộng bụng báng nên chỉ có bừa một. Bưà đôi dĩ nhiên có 3 gọng hai bộ khoắm, thiếu và dài gấp đôi bừa đơn, cũng có thợ cẩn thận thì làm hẳn 4 gọng độc lập. Mỗi làng chỉ có 1 đến hai người biết chế tác cày, bừa. Thuở hợp tác xã nông nghiệp có câu cày gãi, bừa chùi để chỉ nhưng ai làm qua loa cẩu thả tuy nhiên cày không làm đúng cách thì ăn nông và đất không lật nên cũng gọi là cày gãi. Cày hay đầu luống cày thì gọi là cày đễu. Vì hai trâu nên chúng phải cùng chuồng không đánh nhau thì mới phối hợp nhịp nhàng được và người đi bừa cũng phải rất khỏe mới được.

Bừa một thường có 11 răng bằng sắt hình vuông hoặc cũng có thể tròn, có nhà thì răng bừa cũng bằng gỗ nhưng hay bị gãy khi va vào đá. Đám ruộng nào có đá ngầm, đá nổi thì người đi cày bừa đều đã thuộc làu. Bừa có tay bừa, gọng bừa; bừa đơn thì có hai gọng có mấu ở đầu để buộc bộ thiếu cày từ cái cày sang. Bừa có ít bộ phận hơn và chế tác cũng đơn giản hơn, cái bừa làm bằng gỗ tốt như nghiến, lý, bào tròn và  có khuy sắt ở hai đầu cho khỏi bị vỡ, giữa gọng bừa và cái bừa có bộ phận để gìm lại với nhau cho khỏi gẫy gọng bằng sắt uốn hình chữ V. Tuy nhiên cũng có cái bừa hoàn toàn bằng gỗ, tre và dây rừng chả có tí sắt nào chỉ trừ cày thì bắt buộc lưỡi cày phải bằng gang thì mới sắc được.

Giờ thì người làng Chiềng đã cày máy rồi


Cánh đồng Là Phái


Lão nông làng Chiềng thu hoạch mít


Đồi chè sau nhà anh giáo làng Chiềng


Thu hoạch lúa và phơi thóc



1 nhận xét: