Người theo dõi

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Đón Trung thu bên bờ Cửa Lục

Đã nhiều Trung thu y đi công tác không đón Tết trung thu ở nhà
Lần này là đón Trung thu bên bờ Cửa Lục, nơi khi xưa là bến phà Bãi Cháy đã đi vào lịch sử và ký cứ của nhiều người dân Hồng Gai và kể cả y khi học lớp 6 đã được đến đó dự trại hè cháu ngoan Bác Hồ mùa hè năm 1983. Làm con cá Hói nướng cùng tôm phơi khô nướng cháy chấm tương ớt Mường Khương với bia Sài Gòn xanh cổ rụt, ngắm vịnh Hạ Long trong gió thu lồng lộng, phía trên đầu là cáp treo 2 cabin sức chứa trên 200 người chạy đi chạy lại qua vịnh lên khu vui chơi Sun Wheel do Sun group đầu tư mới thấy tầm nhìn của nhưng người có tiền và luôn bắt tiền đẻ ra tiền. Cầu Bãi Cháy được trang trí bởi dàn đèn trang trí cung của Sun group tài trợ đẹp có phần hơn cả cầu Sông Hàn Đà Nẵng mà nghe nói số tiền chỉ bằng nửa nếu nhà nước đầu tư. Cũng nghe khi thi công cầu bằng loại beton chết ngay lập tức có 1 kỹ sư Nhật Bản và  1 công nhân Việt Nam ngã vào trụ cầu phía Hồng Gai và hóa thân luôn vào cầu, R.I.P họ, cầu mong linh hồn họ siêu thoát và cây cầu trở thành đền và lăng mộ của họ. Chỗ đất đắc địa bến phà cũng sắp bị Vingroup thôn tính, nhiều dự án được triển khai hoành tráng nghe đâu cũng có công của ông Bí thư luân chuyển vừa về Trung ương. Họ còn đầu tư bãi biển nhân tạo, bệnh viện nghỉ dưỡng. Lại nghe ông chúa đảo nổi tiếng cũng sắp sửa đi làm thuê trên chính hòn đảo của ông khởi nghiệp, cuộc sống vốn vận động liên tục mà!
Y cung nghe đúng hôm ra Quảng Ninh thì cô giáo Phượng khoa Sinh thực tập đồng chủ nhiệm lớp 10a3 trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến cùng y năm nào đang từ Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo được bổ nhiệm Hiệu trưởng trường cán bộ Nguyễn Văn Cừ, bèn bấm máy chúc thì cô bạn ngạc nhiên sao biết và đáp rằng, chúc mừng nhưng có người không thích, hoá ra y bị việt vị, he he. À mà tháng sau kỷ niệm 50 năm thành lập trường ĐHSP Việt Bắc không biết các bạn có về dự không nhỉ

Bạn Phượng nhận quyết định bổ nhiệm từ tay Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy




Tấm ảnh chụp y và Phượng đồng chủ nhiệm lớp 10A3 năm 1992, Phượng mặc áo đen còn y đứng khoanh tay hàng thứ 2






Cầu Bãi Cháy về đêm



Trẻ em Hòn Gai đón Trung thu



Vịnh Hạ Long nhìn từ cà phê tầng 21 



Nhậu đêm bên bến phà Bãi Cháy cũ phía Hồng Gai

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Cái xơ mướp

Quả mướp già thì không ăn được vì nó có màng chằng chịt như tổ ong nhưng cấu trúc khác hơn, khi quả già khô trên dây thì thịt mướp không còn chỉ còn xơ và hạt. Người làng Chiềng lấy quả mướp già cắt khúc ra để rửa bát rất tiện và sạch, dĩ nhiên là bát đĩa ngày xưa không có nhiều dầu mỡ như bây giờ. Xơ mướp còn bổ ra thành mảng lớn lót dưới đáy chõ để đồ xôi vì nó thoáng cho hơi bốc lên mà lại ngăn không cho gạo rơi xuống nồi.
Xơ mướp te tua nên áo ai rách thì người làng Chiềng nói rách như xơ mướp và cũng có hàm ý chỉ cuộc đời kẻ nào quanh năm túng thiếu rách nát.
Đời y, cũng có lúc rách như xơ mướp rồi đấy chứ, he he

Nhưng có cây đu đủ đầu nhà xanh tốt thế này y tin cuộc sống cũng sẽ đu đủ thôi 






Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Tháng cô hồn sắp đi qua

Rồi tháng cô hồn cũng qua đi.
Loài người càng trở nên khó bảo lẫn nhau
Càng lớn càng già lại càng khó bảo
Miền Nam có câu rất hay: Dzậy mà không phải dzậy
Càng già càng thủ đoạn, mưu mô, che dấu bề ngoài
Nói vậy mà không nghĩ vậy, làm vậy
người tốt, người thật thà ngày cảng trở nên cực kỳ khan hiếm, he he
Về làng Chiềng xả stress thôi nào, ở đó có những câu chuyện của ông Đãng, Ông Nhỏ, ông Hàn Thuyên... còn được dân làng lưu truyền mãi, vui đáo để


Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Tháng cô hồn

Tháng 7 người ta gọi là tháng ngâu hay tháng cô hồn
Ừ thì tháng cô hồn
Mưa, lúc thì ầm ào, khi thì rả rích khó chịu
Nhất là những ai đang làm gì mà ghét mưa (tất nhiên là đi ngược với ước nguyện của người nông dân là mưa thuận gió hòa)
Ngâu thì ngâu nhưng mà cũng hay phết
Hình như mưa lại có lộc
Mưa làm mát giời
Mưa, cô hồn mà vẫn có tý nhúc nhắc sau quãng đường dài tưởng như vô tận trên sa mạc!
Thì các cụ đã chả bảo, không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời mà
Làng Chiềng hình con Rùa lại thấy nhúc nhích, hay ra phết, he he

Chiều làng Chiềng ảm đạm

 

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Ông Nhỏ làng Chiềng

Gọi là ông Nhỏ nhưng ông chả nhỏ chút nào, cao lớn, da ngăm đen, hay mặc quần soóc màu cháo lòng. Trẻ con thì sợ nhưng mẹ y bảo ông bà rất hiền thi thoảng còn cho anh em nhà y đu đủ chín hái từ vườn nữa, mỗi khi mẹ y đi cắt gianh hay hái chè về qua đó, khi máy bay Mỹ đã cút, nhà y không còn ở lán trong hang nữa. Ông bà Nhỏ dựng ngôi nhà nhỏ, cạnh gốc mít bên bờ ao Mỏ, con cái chả thấy đâu, trâu bò chả có, chỉ có vài con gà với con lợn còi, đói ăn kêu eng éc cả ngày. Ông bà có mấy mảnh ruộng đầu hươu mõm nai dưới gò gianh, bới đất lật cỏ qua ngày, sau này ruộng ấy nghe nói cho nhà Liên đen làm thì phải. Giờ thì nhà Tý Chuột thấy ở mé đó, vài chục năm không về làng y cũng chẳng rõ ai làm ruộng của bà Nhỏ. Rau quả hái ở vườn, lươn ốc khe suối khiến cuộc sống cứ thế trôi đi, gần chân hang nên máy bay Mỹ đánh đận năm 1972 ông bà cũng chẳng phải sơ tán chạy chọt gì.
Mãi sau năm 1979 lúc Tàu đánh mới thấy đôi vợ chồng trung niên lam lũ thấy bảo là con gái từ Bình Gia trên mạn Lạng Sơn chạy giặc về sống chung nhưng cũng chẳng được mấy nả vì hình như không hạp tính thì phải. Ông con rể tên là Phú quen nói tiếng dân tộc, tiếng Kinh phèng phẹng, trông gầy gò, khắc khổ, cũng mặc quần soóc, hay nói đúng hơn là quần dài chắc lủng gối nên cắt đi mà thành, thời đó ai mặc quần dài là xa xỉ lắm chắc chỉ có mấy ông giáo học hay Chủ tịch xã mà thôi. Có lần người ta thấy ông Phú đứng đỉnh gò gianh chửi đổng ai đó, vọng đến tận tróc ông Bình, chắc là chửi bố vợ (cũng không biết vợ ông ấy là con nuôi hay con đẻ ông bà Nhỏ nữa, làng Chiềng cũng không ai biết)
- Trâu ăn hết gieng (gianh) rồi, người ta bảo đủi lại không đủi (đổi, ý ông ấy là đổi vị trí khác cho thuận lợi trông coi hơn) người ta đủi lại còn đe đéng (đánh) người ta à, đéng mà đợc (được) à!
Từ đó làng Chiềng phong và gọi là Phú Nhỏ Anh hùng, bởi ông Nhỏ khá dữ đòn
Vợ chồng ông Phú (đúng ra giáo làng Chiềng gọi là chú vì gọi bố vợ là ông Nhỏ) có hai cô con gái là Tuyết và Xuyến hay gọi là Tuyết Nhỏ và Xuyến Nhỏ, tuổi cô Tuyết chừng trăng rằm gì đó, trông cứ hây hây, còn cô Xuyến hình như sêm sêm với y, trông khá xinh, mắt nâu như lai tây, chả biết có lai hay không, Khi ông bà Phú hồi cư lúc quân bành trướng rút khỏi biên giới về bên kia chỉ còn hai cô con gái ở lại làng Chiềng với bà Nhỏ. Cô Xuyến khi ấy vẫn hay thấy cởi truồng ra trầm mình ở mương ao Mỏ chảy ra vực cây Dẻ, lúc chiều hè chạng vạng chỗ cầu gỗ đi lên C11 cũ, dù đã 12, 13 tuổi, vả lại con gái làng Chiềng lúc đó lớn tướng y vẫn thấy họ tắm truồng ở vực Là Lìu, chẳng ai thấy xấu hổ cả.
Thế rồi chiều nọ nghe tin cô Tuyết bị chết ở ao Mỏ, chỗ ao cũ. Cả làng xôn xao, người bảo bị chết đuối, người bảo có án mạng, người thì lại bảo cô ấy bị hiếp dâm. Công an về vớt lên khám nghiệm xác đã trương phình, kiến bu đầy. Người làng Chiềng và cả làng bên đứng đầy đỉnh gò gianh bịt mũi theo dõi công an khám nghiệm và bình luận, đoán già, đoán non. Các anh trai làng có tình ý lo lắng ra mặt chỉ sợ bị nghi oan hay đồn đại.
Mấy cô bạn cùng lứa như Hương Vang, Tích Cò Vân thi thoảng gạt nước mắt rắc tro xung quanh thi thể cho kiến khỏi bu và thắp nhang cho người bạc mệnh, mãi vẫn chưa thấy bố mẹ từ Bình Gia về dự tang con, bà Nhỏ khóc ư ử trong căn nhà tồi tàn, ẩm thấp. Cỗ hậu sự của bà được nhường cho cô cháu gái, sau khi khám nghiệm xong làng đưa thẳng đi chôn trên bài đất hoang Bãi Lai gần chỗ ông Huynh treo cổ tự tử thời đánh Pháp, chẳng có tang lễ gì, không có tiếng chập choang, pheng pheng như đám ma ông Nhỏ khi y còn học lớp ba trường làng trên gò Tràng Bia. Mọi người đưa ma như chạy trong buổi chiều tà. Mà cứ chiều xuống là thấy khu ao Mỏ âm u, bí ẩn và ..rất sợ. Người ta đã từng kháo nhau có con rắn thần dài chục mét có mào hay nổi lên ở ao Mỏ nên chiều chiều không mấy ai dám đi qua nơi này, có người còn bảo hay cô Tuyết bị rắn thần hại chăng?
Gần 40 năm từ ngày ấy, cô Xuyến cũng đi đâu mất chẳng bao giờ thấy quay lại làng Chiềng, giờ chắc bà ấy cũng phải ngót ngũ tuần rồi chứ chả chơi.
Bán xới khỏi làng Chiềng cũng đã vài thập niên, y cũng chẳng hay bà Nhỏ cũng đã chết tự bao giờ...

Bên bờ ao Mỏ, nơi có nhà ông Nhỏ

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Quẳng gánh lo đi mà sống

Mùa hè đỏ lửa
Nóng đổ mỡ
Chính trường cũng nóng
Giá cả cũng nóng
Thôi, đi biển nghỉ ngơi cho hết âu lo phiền muộn
Vậy là cả nhà anh giáo làng Chiềng đi Trà Cổ xả stress
Âu cũng là quên đi mọi ưu phiền
Đức Dalai Lama (Đạt - Lai - Lạt - Ma) đã nói đại ý rằng Nếu một vấn đề có thể giải quyết được thì chả có gì mà phải lo lắng. Nếu một vấn đề không thể giải quyết được thì lo cũng chẳng có ích gì, vậy thì tại sao phải lo lắng?

Nào có lo lắng gì đâu! he he


Ba năm trước cũng tại nơi này





Bao giờ em nó mới về?