Người theo dõi

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Bữa cơm thường trong bản nhỏ

Một ngày sau bão Rammasun, y cùng ông bạn đi về nới bản xa hẻo lánh điền dã. Lâu rồi không về bản, sau bão đường khá lầy lội khó đi, chân tay, xe máy dính đầy bùn đất. Lại nhớ lời ông thầy định nghĩa vui đi điền dã nghĩa là đi...giã đất. Cảm thấy có phần nào đúng, he he
Bản này có tên Bản Cạm chia thành 2 thôn, nơi y đến và ăn cơm là thôn bản Cắm.
Ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ nằm ngay dưới khe núi, lãng mạn thơ mộng nhưng bùn đất lấy lội và khi mưa to thì nước trên hai triền núi đổ xuống tràn cả qua nhà.
Về quê thấy không khí thanh bình, cửa nhà không khóa, xe máy để ngoài đường thôn cả đêm không khóa cổ cũng không mất. Thóc lúa đầy nhà, vịt gà đầy sân, rau sạch, rượu ngon, giữa rừng già, suối chảy róc rách, quên hết sự đời, những âu lo, muộn phiền, những toan tính bon chen, chỉ muốn hét to lên bài "Cuộc đời vẫn đẹp sao"
Lại nhớ về cái thời
" Cơm hai bữa cá kho, rau muống
Quà mỗi chiều khoai lang, lúa ngô"

Bên bờ ao nhà mình


Khách đến nhà không gà thì vịt


Tự tay hái rau lang về chén, bữa cơm thường trong bản nhỏ mới thích thú làm sao!



Mắm môi mắm lợi vào số


Xe máy để cả đêm ngày ngoài đường



Cõng "quan coi rừng" qua suối cho khỏi ướt giày (Ở Trung Quốc có ông Phó Chánh Văn phòng bắt dân cõng qua suối là mất chức rồi đấy)


Chiến lợi phẩm! Giống khơi Lạng Sơn pây tái rằm tháng 7


Một ông Thạch khuyển giữ nhà


Còn đây là ông Ngưu, kiếp sau làm mẹ ông Người cho nó đỡ khổ




Đồng ruộng thanh bình



Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Một mình chèo lái

Lên làng Chiềng cái gì cũng lạ, lạ nước, lạ cái, lạ phong tục đến lời ăn tiếng nói, rừng thiêng nước độc, vất vả khôn xiết. May thay có tình yêu của cha tôi khiến Mẹ vững lòng> Mọi chuyện cũng không đẹp như một cuốn phim màu mà cuộc sống bình thường nơi rừng xanh núi đỏ đã khó lại càng khó khăn với Mẹ. Đó là cả một thời kỳ khó khăn gian khổ, y còn nhớ trong nhà trống hoác chẳng có cái gì đáng giá ngoại trừ cái xe đạp Thống Nhất cà tàng và cái đài PHILIP xài đến 6 cái pin nên thi thoảng mới có pin để thay. Sau này bác Khúc cho cái máy khâu SINGER nên việc khâu và cũng đỡ vất vả cho mẹ. Nhà có 5, 6 cái đèn dầu cho mấy anh em học bài, còn gọi là đèn Hoa Kỳ le lói, thỉnh thoảng lại vứt bóng vào bếp để nó cháy hết muội, khỏi phải lau, dù vậy hay khêu bấc, lấy giấy trắng làm chụp đèn cũng chẳng sáng được mấy. May hơn bây giờ là sách rẻ và nhiều tuy giấy hơi đen. Hiệu sách nhân dân Đình Cả đã bao lần y trốn lên xem và cũng có lúc có tiền mua vài cuốn bây giờ vẫn còn giữ như Không Gia đình, Hiệp đầu 0-1, Xóm đê ngày ấy, Quê nội, Lũ trẻ Ngã Ba Bùng, Có một mùa hè...Năm lớp 8 y vẫn còn đi chân đất đi học và đi chơi tết vì nhà nghèo quá! Hơn ba mẫu ruộng, có lúc mình mẹ cấy hái, cày bừa phân gio..hổi đó làm thủ công 100% chứ chẳng co máy móc gì. Hạt thóc mặn mòi một nắng hai sương! Cũng may mẹ chẳng dám đau ốm gì, mà có đau ốm thì cũng tự khỏi hoặc có cây lá quanh nhà chứ làm gì có thuốc men. Đau bụng thì nung viên gạch cho nóng rồi chườm, đau đầu thì ngải cứu....mà hồi đó đâu có ăn chín uống sôi, nước thì ra vại uống hoặc nước giêngs, đi trâu khát thì lấy là khoai múc ruộng lên mà uống, ăn thì sống đủ thể loại từ khoai, ngô, lạc, sắn...mà cấm có đau bụng gì. Nhiều loại rau lạ mà giờ kiếm không ra như rau bao, rau rớn, lá thồm lồm, lá méo...Ghẻ lở đã có lá và vỏ cây xà cừ, chấy rận có cây ruốc chấy ngoài đồng, bọn trẻ cứ ăn cứ kham khổ mà lớn, chứ như bây giờ thì chắc Mẹ không chịu nổi. Cuộc sống chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho giời chứ phần hưởng thụ thì như chẳng có gì về cả nghĩa đen, nghĩa bóng, về cả vật chất lẫn tinh thần...đã thế chiến tranh liên miên..
Các con chưa trưởng thành hết thì cha tôi đã ra đi vì bạo bệnh, khi ấy chỉ có anh Cả lấy vợi và sinh một cháu đích tôn cho cha tôi.
Từ những năm chuẩn bị nghỉ hưu thì căn bệnh dạ dày đã hành hạ cha tôi và sau hai lần nhập viện thì sức khỏe suy kiệt và Người đã trút hơi thở cuối cùng khi chưa đầy 55 tuổi, với thời điểm hiện nay thì tuổi ấy còn đang là độ tuổi "vàng" sung sức cống hiến và lao động. Cũng chỉ vì nghèo và khoa học kỹ thuật chưa phát triển chứ căn bệnh đó hiện nay thì xử lý quá dễ dàng.  Nhưng do gánh nặng giang sơn lẫn mưu sinh cơm áo nên sức khỏe cha tôi yếu nhiều. 33 năm công tác cũng đủ để cha tôi nghỉ hưu theo đúng chế độ nhà nước với tấm huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất được Nhà nước trao tặng. Còn nhớ cha đi viện Thái Nguyên một lần và đi viện Võ Nhai 2 lần, và lần thứ hai bà nội tôi cũng phải ra động viên thì cha mới đi, nằm viện chưa đầy tháng thì trút hơi thở cuối cùng, Khi đó y đang ôn thi tốt nghiệp cấp 3, đó là ngày 21/5/1987. Khi thấy chị gái vừa đi vừa khóc qua cửa lớp thì tôi đoán phần nào điều gì đã xảy ra!
Khi đó mình mẹ tôi chèo lái nuôi các con ăn học, dựng vợ gả chồng cho 4 anh em
Những đồng tiền lẻ ít ỏi đẫm mồ hôi cả nghĩa đen, nghĩa bóng sau mỗi chuyến gạo lên chợ Đình Cả dành cho anh em tôi đứa thì ra tỉnh, đứa ra kinh thành đèn sách. Có những lúc anh trai y ra đến bến xe Hà Nội thì bị móc túi hết sạch, trách bọn bất lương 1 thì tự trách mình 10 vì đã làm mẹ thêm phần vất vả. Có những lúc cả hai ba gánh gạo trên vai mẹ ra chợ mới đủ tiền cho cả hai anh em cùng về một dịp. Việc vay mượn là thường xuyên, thiếu trước hụt sau, cũng vì thế mà anh em y không dám ăn tiêu vung phí những đồng bạc lẻ thấm đẫm mồ hôi.
Có lần bí quá, Mẹ đã phải bán cả chiếc vòng bạc là đồ kỷ niệm cho con đi học! Mẹ khổ có lẽ từ lúc lên Thái Nguyên. Không có lương hưu, mẹ tần tảo đến khi tuổi cao, con cái trưởng thành, cuộc sống khá hơn mới đỡ vất vả, khi ấy lưng Mẹ cũng đã rất còng, dấu ấn của thời gian và nhưng vất vả lam lũ quá nửa đời người.
Hôm qua y đọc báo Thời Nay lại có bài của nhà báo Trần Mai Hạnh viết về nhà thơ Nguyễn Trọng Định mà y đã nói ở entry trước kèm ảnh với câu chuyện tình và bước đường kháng chiến của nhà thơ


Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Tây du ký

Lần này thì y Tây (Bắc) du ký tốc hành thật, Hai ngày nghỉ y dong duổi qua Phú Thọ lên Trung Hà, Tân Sơn, Thanh Sơn rồi Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn rồi ra thành phố Sơn La xuôi về đường 6. Đi dọc vùng trung du với những địa danh quen thuộc dẫu chưa một lần đặt chân đến nhưng cảm giác thân quen như trở về. Lại bất giác nhớ bài thơ Ta đi tới của cụ Lành:
"Ai qua Phú Thọ
Ai xuôi Trung Hà
Ai về Hưng Hóa
..."
Thì đây qua Ba Vì rồi đất Phú Thọ, qua  cầu Trung Hà rồi Hưng Hóa, Thu Cúc, rồi đường rẽ thị xã Nghĩa Lộ...Đại lộ Thăng Long Hà Nội - Hòa Lạc khoảng 30 km nhưng đi rất nhanh chưa đầy 30' chả bù cho đường xá tỉnh y đang ở, y đi từ nhà từ sáng đến trưa đã có mặt ở Phú Thọ với cảnh sắc quen thuộc của rừng cọ, đồi chè...


Qua đất Phú Thọ là huyện Phù Yên anh hùng,đây là huyện duy nhất của Sơn La còn rất nhiều cây Pơ Mu, một loại gỗ quý



Qua Phù Yên đến huyện Bắc Yên một huyện vùng cao của Sơn La, cách thành phố khoảng 90km. Điều thú vị là huyện này có hang mà Bác Tô Hoài đã ở và sáng tác tuyệt phẩm Vợ chồng A Phủ, bây giờ người Bắc Yên coi là di tích và gọi giản dị là hang A Phủ, mà hôm nay 14/7 cũng là ngay an táng nhà văn Tô Hoài tại Hà Nội, giáo làng Chiềng xin thắp một nén nhang thơm cho "Ông Dế Mèn", câu chuyện đi theo y suốt thời thơ ấu cho đến tận bây giờ. Sau này phim Vợ chồng A Phủ cũng được quay ở Bắc Yên, bây giờ hai bên đường toàn núi đá xen lẫn núi đất và bạt ngàn là ngô.
Lại nhớ trong hồi ký Chiều chiều của cụ Tô Hoài có nói cụ đã từng ở hang Phai Vệ, thị xã Lạng Sơn viết truyện Mai An Tiêm và cái hang trên đảo hoang đó được lấy nguyên mẫu ở hang Phai Vệ. Những chi tiết tưởng rất bình thường đã làm nên nhà văn lớn Tô Hoài những năm kháng chiến. Qua Bắc Yên là Yên Châu lại nhớ bài hát đi cũng năm tháng một thời hào hùng "Người Châu Yên ta bắn máy bay":

Nghe con suối róc rách đang reo vui đón mừng thắng lợi này,
Bản làng em vừa rồi lập công bắn rơi máy bay Mỹ. A-ha!
Dân quân Châu Yên ta với súng trường
Nhằm thẳng vào mặt kẻ thù bắn "thần sấm" phải rơi


Ảnh này là đường từ Bắc Yên ra Mai Sơn rồi TP Sơn La, hai bên đồi núi bạt ngàn nương ngô, đường dây trong ảnh hình như là tải điện từ Thủy điện Sơn La về xuôi thì phải.


Phố núi Bắc Yên rất vắng vẻ trải dài chừng hơn 1 km trên núi cao rất đặc trưng


Tắc đường trên đường từ Bắc Yên ra thành phố Sơn La do chiếc xe tải chở kính nặng quá bị sa lầy, cũng may là chỉ mất 20' thì thông đường, chỗ ấy người ta đang làm cống



Tỏi Mộc Châu có giá 300k/kg, hơi đắt thì phải


Theo người Sơn La thì đây là nhà của trùm "Tàng Kengnam" bí ẩn đang xây dang dở ở thị trấn cao nguyên Mộc Châu, hình như vẫn đang tiếp tục hoàn thiện



Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Mẹ

Ông bà ngoại y sinh ra Mẹ là thứ 6 trong tổng số 10 người con bên con sông Cầu Sổ chảy qua làng Lê Xá, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Các cụ cũng có chút của ăn của để nên khi cải cách ruộng đất cũng bị rầy rà không ít, Tòa ngang dãy dọc đã rơi vào tay các ông Đội hết mãi gần đây cháu đích tôn của cụ là GS Đặng Hùng Võ mới chuộc lại được. Những ông chủ ngày xưa nay lại "trở về với cái máng lợn sứt mẻ". Rồi kháng chiến nổ ra các con của cụ nhiều người đi kháng chiến, còn lại thì đi tản cư. Trải qua mấy chục năm  dâu bể, các anh em của Mẹ lưu lạc khắp nơi, người thì ở Pháp quốc, người thì lên đèo heo hút gió chốn Cao Bằng, rồi thì Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Nguyên...Chừng ấy anh em người lớn nhất thì cũng 95 tuổi, người ít nhất cũng đã 76 xuân xanh, chỉ có bác Khúc (GS Đặng Vũ Khúc) trên Mẹ là đã đi "gặp các cụ Mác - Lenin"
Mẹ chỉ được học chút ít nhưng cũng võ vẽ tiếng Pháp, ăn nói khôn ngoan nên cũng được ông bà ngoại giao cho tay hòm chìa khóa đi Hà Nội, Hải phòng bán lúa gạo thu tiền. Mẹ cũng là người đầu tiên trong nhà y được đi máy bay chứ bọn y mãi sau này đi làm cán bộ hàng chục năm mới biết đi máy bay nó như thế nào. Mẹ theo Cậu (Gọi theo lối nhà giàu thời Tây) đi tản cư lên mạn Hà Bắc rồi Đình Lập, Hải Ninh. Nghe mẹ kể thì cũng biết Cậu cũng có lần bén mảng đến sòng bài hay cô đầu những ngón ăn chơi bậc nhất Hà thành khi đó nhưng Mẹ không dám hé răng ra với ai.
Rồi chiến tranh, Mẹ theo ông Cổn mà Mẹ gọi là cậu Cổn, người làng Thổ Khối có người con là liệt sỹ Nguyễn Trọng Định là nhà thơ mà có lần đăng trên báo thời bao cấp mẹ tôi còn cắt tấm hình lưu lại, Nguyễn Trọng Định cũng là bạn, đồng đội của nhà thơ Nguyễn Mỹ với bài thơ nổi tiếng Cuộc chia ly màu đỏ với những vần thơ mà tuổi thanh niên ngày trước thường ghi sổ tay, lưu bút mỗi khi ra trường hay ra trận:
"Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa 

...
Và đây là ảnh chân dung và những vần thơ của Nguyễn Trọng Định


Đêm rừng già đi nghe mưa rơi
Một mảnh áo tơi che chẳng kín người
Nước chảy qua môi hớp từng ngụm nhỏ
Bỗng nhớ mẹ ngồi bên ấm giỏ
Nước vối mặn nồng ngọt ngào chuyện cũ
Các anh em, con cháu của Mẹ nhân ngày giỗ Cha



 Người con còn lại của ông Cổn tên là Hiền, y phải gọi là cậu Hiền, hiện làm tại báo Lao động điện tử.
 Từ Hà Nội lên Thái Nguyên như duyên trời đã định Mẹ gặp Cha y khi ấy là giáo viên Trường Thiếu nhi vùng cao Việt Bắc. Cả tuổi thanh xuân cha tôi công hiến cho sự nghiệp giáo dục sau khi đã tốt nghiệp trường sư phạm trung cấp. Thời ấy cha tôi học cùng rất nhiều người bạn miền nam ra tập kết mà qua lưu bút còn có cả địa chỉ rõ ràng. Tuổi thanh niên phơi phới đang học nhưng chỉ muốn ra mặt trận để thống nhất đất nước với niềm tin sắt đá nước nhà sẽ thống nhất.

Bụi thời gian



Có bác tận Bình Định năm 1965 đã từng viết lưu bút khi chia tay bố tôi "Hẹn Vỵ gặp nhau ngày thống nhất đất nước dưới rặng dừa xanh ngát của Bình Định...Chao ôi, ngày còn là học trò cấp III trường huyện đọc đến đoạn này mà y thấy xao xuyến làm sao, chắc khó có thứ tình cảm hay văn chương nào mà y biết lại có thể hay hơn được thế, tiếc rằng qua thời gian không biết các anh của y còn giữ được không. Rồi cha tôi đi khắp nẻo Thái Nguyên đem con chữ đến vùng cao từ Tràng Xá (Võ Nhai) đến Hóa Trung, Hóa Thượng (Đồng Hỷ), Vùng cao Việt Bắc...rồi cuối đời làm Hiệu phó trường PTCS Lâu Thượng. Sau lưng Cha là hậu phương Mẹ như bức tường thành vững chắc, cha tôi có thể đi cả tháng, cả tuần mà không phải lo đàn con lít nhít ở nhà. Nhiều học trò người dân tộc qua bao năm vẫn nhớ thầy Vỵ và nói chuyện với y vẻ khiêm nhường và rất kính trọng bố tôi cho dù con của họ còn hơn cả tuổi y. Y cũng làm thầy giáo nhưng chắc do thời thế và nhiều lý do khác để y không bao giờ được kính trọng như thế nữa.
Cha tôi thư sinh lại không được khỏe lắm nên cả giang sơn, công việc đồng áng ...trông cả vào mẹ tôi, người con gái Hà Nội. Ai bảo Mẹ là không vĩ đại, dẫu rằng Mẹ chỉ là Mẹ thôi không phải ông nọ bà kia, không làm nên công trạng để được ghi bia đá, bảng vàng.
Mẹ chịu khó đọc và đọc nhiều, bởi Mẹ cũng đã học trường làng thời Pháp (Lúc ông bà ngoại cho mẹ đi học không phải tất cả con gái của Cụ đều được đi học) Lúc đã già ngót 80 mẹ vẫn theo dõi sát tình hình chính trị thế giới và bình luận làm cho y giật mình như "sự trở về đầy toan tính của Thủ tướng Pakitstan Benazir Bhutto năm 2007...và nhiều bình luận chính trường khá sát, tất nhiên là phải xem báo và Thời sự trên ti vi mới làm được như vậy. Nhiều từ tiếng Anh trên báo vẫn bị mẹ phát âm theo kiểu tiếng Pháp
Cả vạt đồi nơi nhà sàn bây giờ là do mẹ tôi hì hụi đào bới, san lấp rồi thì xay thóc giã gạo...chuẩn bị cho ngôi nhà ra đời cùng với đàn con lít nhít...vừa đồng áng, vừa lo làm nhà lại nuôi con làm cho lưng mẹ chưa đến 70 đã còng. Chiếc tang xê ngay đầu nhà là nơi trú ẩn của cả nhà khi có máy bay B52 của Mỹ rải bom. Có lần y đã bị các anh chị bỏ chạy xuống hầm khi mới 2, 3 tuổi. Chuyện ấy mọi người kể lại thôi chứ lúc đó y chưa thể nhớ được. Mà Mỹ không đánh phá Miền Bắc thì chắc gì đã có y bởi tâm lý các cụ khi ấy là cứ đẻ, chết đứa này thì còn đứa khác. Xin thưa lúc ấy Chính phủ chưa cấm đẻ nhưng việc kế hoạch thì không ai lạ hai chữ đặt vòng. Làng gần cầu Rắn nên cũng hay dính bom Mỹ. Buổi chiều hôm ấy máy bay Mỹ ù ù gầm rú rồi qua khu vực Làng Chiềng mẹ nghe tiếng bom bi rải thảm lụp bụp quanh mình, chỉ kịp nấp vào góc bờ ruộng thì đã thấy bom nổ như ngô rang rồi tiếng bom to ném xuống cầu Rắn nổ ầm ầm. Cô Mão không may bị dính bom bi và cô mất ngay chiều hôm đó. Tôi hôm đó cả làng đót đuốc lập lòe làm ma cho cô vì sợ ban ngày chúng lại ném bom tiếp. Không khí căm thù ngùn ngụt làng Chiềng, mẹ đi đưa ma, mấy anh em ở nhà trông nhau còn bố vẫn đang đi công tác. Mẹ có tình yêu và niềm tin vững chắc nơi bố và mong ngày chấm dứt chiến tranh. Làng vẫn có người vào Nam ra trận đều đều và cũng có người ra đi không trở lại. Bây giờ mỗi khi máy bay dân dụng bay qua làng không biết những thế hệ ấy có còn giật mình hay không.
Dù không được coi là con nhà quyền quý hay danh gia thế phiệt nhưng so với công việc làm dâu nơi rừng xanh núi đỏ thì quả Mẹ là một phụ nữ kiên cường và các anh em các cháu của Mẹ đã bình chọn Mẹ là người khổ nhất nhà. Phận làm dâu đất làng con rùa cũng bao trầm luân, vất vả mà nay nghe kể lại cũng có lúc tượng mà không ra, không ít lần Mẹ phải nuốt nước mắt cam chịu.
Nghe nói nhiều lần anh em của Mẹ lên thăm bất chợt thấy Mẹ vất vả quá nên khuyên hay là trở về Hà Nội! Cuộc sống vốn kỳ diệu, vậy nên Mẹ đã gắn bó với nước giêngs làng Chiềng cho tận ngày hôm nay.

Cháu nội về quê


(Còn nữa)

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Người làng Chiềng trên báo Thái Nguyên online

Đây người con gái Hà Nội gốc, làm dâu Làng Chiềng đã ngót 60 năm. Cả một đời rời xa chốn phồn hoa đô thị, người tần tảo thương chồng nuôi đàn con khôn lớn. Có mấy người bảo y, sao chưa viết entry nào về cuộc đời của Người
 (Ảnh chụp lại không qua chỉnh sửa)



Và đây là con trai thứ ba của Người - Trưởng thôn Làng Chiềng được lên báo Thái Nguyên online mới đây



19/6/2014: Sau khi đã đọc các comment ở trên

Vĩ thanh hay là khởi đầu entry mới

Có nhiều comment đều chung một ý là sao y viết quá ngắn, sau khi có anh trai con bác của y gợi ý y viết một cái gì đó về Mẹ
Khởi nguồn là từ tin nhắn này đây (Mạn phép bác Khởi nhé)


và đây


Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Biểu tình một mình

Giữa mùa hè đổ lửa, thủ đô nóng 40 độ; lòng người cũng nóng! Thấy mọi người sôi sùng sục mà y không biết làm cách chi hưởng ứng. Bèn ra đứng cạnh khẩu pháo 14,5mm 4 nòng này để biểu tình thị uy, biểu thị lòng yêu nước hung hăng của y vậy

Nhất định giáo làng Chiềng sẽ có đồng minh cho mà xem!


Cả tên lửa phòng không nữa nhé, đừng đùa!


Rồi ra Sen Tây hồ restaurant thưởng thức 



Tìm lại ngày xưa, rơm thì thật mà buffalo là giả đấy


Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Hạ Long vào hè

Hạ Long vừa mới vào hè đã nóng gần 40 độ, y đi công cán chứ không tắm, vừa xong thì y lại phải    cút  về ngay  làng Chiềng. Lạy trời, rút cục thì mọi sự cũng bình an

Bãi Cháy nắng cháy




Cửa ngõ Cẩm Phả liền với TP Hạ Long


Cầu Bãi Cháy với nhiều bí ẩn khi xây dựng

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Xa quê

Vì tha phương cầu thực nên y cũng phải rời xa làng Chiềng dễ có đến ngót 30 năm. Tuổi ngày mỗi cao, mỗi khi được nghỉ ngơi y lại thấy bâng khuâng, cái bâng khuâng của người xa quê. Lời nguyền "Con đi chuyến này cố chí làm ăn, bao giờ có bạc trăm con mới về, không có tiền, sống khổ sống sở ở cái làng này, nhục lắm..." vẫn chưa thành hiện thực, vẫn là cái công nông đầu dọc mới thay thế con trâu ngày nào.
Về làng Chiềng vật đổi sao rời, người bỏ làng ra đi không ít, người nhập cư đến cũng nhiều, bọn trẻ ngoài 20 nếu không là họ hàng thì cũng không biết y và y cũng chả biết con cái nhà nào, được cái là về làng dù chưa quen nhưng họ vẫn chào rất niềm nở thân thiện, đôi người lạ cũng biết tên y có lẽ giống anh em nhà y sống trong làng. Bến nước, bờ tre rất quen thuộc với y nhưng giờ đây cũng đổi khác ít nhiều. Cái nhà Hợp tác xã lâu năm đã dột nát, không ai dám vào đó nữa, cảnh hoang sơ tiêu điều như những năm kháng chiến. Ấy mà một thời hoàng kim của Hợp tác xã nông nghiệp Đông Bắc nơi đây là chốn tụ họp, đại hội, chia thóc, chia phân, chia thịt ...tấp nập như không thể thiếu đối với cuộc sống ngày ấy.
Nhưng, dù có đi ngay lên CHỦ NGHĨA XÃ HỘI thì người làng vẫn là những nông dân với những đặc tính cố hữu của mình. Tranh giành, ghen tỵ, rượu chè..vẫn xảy ra mỗi khi có ăn hoặc cả khi thiếu ăn, mà lại làm thơ nữa mới oách chứ. Y nhớ năm đó chừng 1981, 82 gì đó Đại hội xã viên no say xong thì có xích mích (tất yếu) vậy là có ông có chút thơ phú, xuống dòng một cách hợp lý bèn gửi cho báo Bắc Thái và được đăng lấy bút danh là Xã viên, sau đó xôn xao truyền nhau đọc và bàn tán bán tin, bán nghi xem ai là tác giả. Dù rất lâu nhưng y vẫn nhớ bài thơ châm phê bình có tên:
Bất bình
Bất bình Đông Bắc của ta
Đại hội hợp tác ăn ba ngày liền
Rượu thịt chè chén liên miên
No say hách dịch giả điên đánh người
Sưng mày tím mặt chưa thôi
Còm đe rằng có im thời cho qua
Nếu còn thắc mắc kêu ca
Báo lên Tòa án cho ngồi nhà giam
Hỏi xem việc ấy Đ làm
Cơ quan pháp luật sao đành lờ đi.
Y còn nhớ là có xích mích giữa ông Đ (đã mất) và ông Mùi, hai "đương sự" đọc xong chẳng ý kiến gì nhưng lại làm đau đầu Ban Quản trị Hợp tác xã và chi bộ vì còn sợ cấp trên!
Những xã viên hồi đó chắc ít người còn nhớ chi tiết thú vị này

Ngôi nhà bằng tuổi y, gắn bó cả thời thơ ấu của y vừa được thay lại mái ngói và nâng cao thêm 40cm nữa vì thế nên cầu thAng 7 bậc cũng phải kê cao lên dưới chân


Toàn cảnh ngôi nhà sàn với chuối sau, cau trước, gốc mít bờ tre thân quen



Và đây là ngôi nhà trước khi được thay mái và nâng cao lên



Nắng ban mai buông trên đồi chè sau nhà y


Sàn này trước thường là chỗ ngủ cho khoảng 20 chú bộ đội đi hành quân qua làng Chiềng những năm mới giải phóng và chuẩn bị chiến sự Biên giới, y còn nhớ Chú Điện quê Hải Dương biết đạp máy khâu, chú Vần, cô Mý cấp dưỡng, ban tối chắc nhớ nhà khóc thút thít. Các chú ở Tây Nam ra mang cà phê rang lên rồi lấy vải phin lọc, thơm khắp xóm, cái mùi mà y và bọn trẻ con làng Chiềng chẳng được ngửi bao giờ. Những bột canh, lương khô hấp dẫn vô cùng, thỉnh thoảng các chú vẫn chia cho, chao ôi! sao mà ngon đến thế


Bố còn viết dòng chữ "Không hút thuốc lá trong nhà" nhà trên xiên ngang để nhắc nhở các chú bộ đội vì hồi ấy nhà còn lợp tranh chưa lợp ngói nên sơ sểnh có thể cháy nhà như chơi. Trải ba, bốn mươi năm dòng chữ đã mờ, hình ảnh từng đoàn quân rầm rập qua làng và những chiếc xe Gaz, Giải phóng chỉ còn trong ký ức


Chiếc cối đá để xay gạo, đỗ, ngô... đã hoàn thành sứ mạng lịch sử nay lăn lóc gầm sàn


Chiếc bàn gỗ có tuổi thọ trên trăm năm, điều đặc biệt là ngoài 2 tay kéo bằng đồng là kim loại, tuyệt nhiên không sử dụng cái đinh sắt nào


Niềm vui của mẹ



 Công việc thường ngày